Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của hai từ thể hiện, thực hiện và nội dung của lời nguyện thứ ba của Kinh Lạy Cha như thế nào.
1. Nghĩa của những chữ thể, hiện và hiện.
1.1. Thể: có hai chữ Hán: 醍và體 (những cách viết khác: 躰, 軆, 体). Trong thuật từ thể hiện, thể viết là體. Thể 體 có các nghĩa: dt. (1) Thân mình hay một phần thân mình của người hay động vật: Thân thể, chi thể. (2) Bản thân sự vật: Cá thể, nhất thể. (3) Toàn bộ sự vật: Chỉnh thể, toàn thể. (4) Sự vật với các chiều kích (dài, rộng, cao) nhất định: Hình thể, thể thị (stereo). (5) Sự việc với các quy mô, cách thức nhất định: Văn thể, tự thể, quốc thể. (6) Cái nguyên lý hay bản chất bao hàm ở bên trong của sự vật. (Đối lập với dụng 用, tức là dùng, đem thi hành ra sự nghiệp): Bản thể, hữu thể. (7) Cùng một bực: Nhất khái, nhất thể (suốt lượt thế cả). (8) Họ Thể. đt. (9) Ðặt mình vào: Thể sát (đặt mình vào đấy mà xét), thể tuất (đặt mình vào đấy mà xót thương). tt. (10) Thuộc về thân mình: Thể trọng (cân nặng của thân mình).
1.2. Hiện: có sáu chữ Hán: 現(现), 峴(岘), 蜆(蚬), 見(见), 莧(苋), 鋧. Trong thuật từ thể hiện, hiện viết là現. Chữ現 (hiện) có bộ 玉(ngọc) và chữ 見 (kiến nghĩa là thấy), thấy được ánh sáng hiển lộ của ngọc là hiện. Nghĩa là: dt. (1) Tiền mặt có sẵn: Đoái hiện (đổi thành tiền mặt). (2) Bày rõ ra: Hiển hiện (rõ ràng). đt. (3) Lộ ra: Hiện xuất nguyên hình (lộ ra nguyên hình). tt. (4) Ngay bây giờ: Hiện tại. (5) Đang có trước mắt: Hiện kim giao dịch (mua bán bằng tiền đang có). trt. (6) Tức thời: Hiện mãi hiện mại (mua bán tức thời).
1.3. Thực: có sáu chữ Hán: 食(飠, 饣), 實(实), 植, 埴, 殖, 蝕(蚀), đây là chữ實. Trong kim văn do bộ宀(miên: nhà), chữ田(điền: ruộng) và 貝(bối: vỏ sò, tiền tệ thời xưa, chỉ tài sản) hợp thành, ý nghĩa là “giàu có, no đủ” (người có nhà cửa, ruộng vườn và tiền bạc…). Từ Tiểu triện về sau điền (田) và bối (貝) biến hóa thành quán (貫, hàng hoá). Trong nhà đầy hàng hoá, nên giàu có là cũng có thể hiểu được. Hán thư viết: “Thực túc hóa thông, nhiên hậu quốc thực dân phú: Ăn uống no đủ, hàng hóa lưu thông, sau đó nước thực (mạnh) dân giàu”. Vì vậy, thực 實có nghĩa là: tt. (1) Giàu có: Thân gia ân thực (mình nhà giàu có). (2) Tràn đầy: Thương lẫm thực, nhi tri lễ nghĩa (kho lúa tràn đầy, mà biết lễ nghĩa). (3) Chân thật, cái gì thực có: Chân tài thực học (tài năng và học vấn đều có thực). Đối lập với hư (虛, tức là trống rỗng, không có thực). dt. (4) Trái cây: Quả thực. (5) Các phẩm vật: Đình thật (trong sân nhà bầy la liệt các đồ). (6) Nội dung: Hữu danh vô thực (có tên nhưng bên trong không có gì). (7) Cụ thể: Thực xuất ư hư (cụ thể do hư cấu). (8) Họ Thực. đt. (9) Tương đương: Duyệt thực kỳ tội (xem tương đương tội của hắn).
2. Nghĩa của hai chữ thể hiện và thực hiện.
2.1. Thể hiện: Trong thuật từ này, Giáo sư Nguyễn Lân cho thể là cách thức [1], Bữu Kế thì cho là thân mình [2], nhưng theo tôi, chữ thể trong thuật từ này phải hiểu là cái “bản thể”, “bản chất”, “nguyên lý”, “nguyên chất”… bao hàm bên trong, trái với “dụng 用“(tức là lấy nghĩa thứ 6 ở trên) [3]. Chữ “thể” ở đây cũng là thể trong hữu thể, bản thể, tùy thể, hiện thể, tiềm thể… Và thể hiện có nghĩa là: (1) Biểu lộ, trình bày hoặc miêu tả ra cho mọi người có thể hiểu, cảm nhận hoặc thấy rõ được, bằng một hình thức nào đó (to manifest, to express, to represent, to interpretation, to display, to give expression to): Bài hát được thể hiện bằng giọng ca của một nghệ sĩ trẻ, Bài thơ thể hiện lòng yêu nước. (2) Hiện thực hoá (to realize): Làm cho có trong thực tế, làm cho có thực: Thể hiện những hoài bão con người [4]. (3) (triết học) Hiển thể hoá (to actualize, to become, to fulfil): Tỏ rõ một tiềm năng ẩn tàng, là đi từ tiềm thể sang hiển thể, cũng gọi là tiến hoá (evolution), biến hoá (transformation) hoặc chuyển động (movement), vận động (changement), chuyển thành (devenir) [5].
2.2. Thực hiện: (1) Hiện thực hóa: Làm cho thành ra sự thực (to realize, to actualize): Thực hiện chủ trương của cấp trên. (2) Làm theo trình tự, thao tác nhất định (to do, to execute, to perform, to implement, to carry out): Thực hiện phép tính, thực hiện ca phẫu thuật phức tạp.
– Lưu ý: Thể hiện và thực hiện có ý nghĩa khác nhau, nhưng hai từ này cũng có chung một nội dung là hiện thực hoá (làm thành hiện thực, bày ra thực tại). Với ý nghĩa hiện thực hoá, thể hiện và thực hiện có thể thay đổi lẫn nhau, ví dụ: Mọi người tích cực đi bầu để thể hiện / thực hiện quyền công dân; Nếp sống văn minh đã được thể hiện / thực hiện tại khu phố này; Giữ lời hứa là thể hiện / thực hiện đức trung tín.
3. Lời nguyện thứ 3 của Kinh Lạy Cha.
“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” – lời nguyện này trích từ câu Phúc Âm Mt 6, 10. Nguyên bản Hy Lạp: “genêthêtô to thelêma sou, hôs en ouranô, kae epi tês gês” và bản Nova Vulgata là: “fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra”.
Nguyên thể của động từ Hy Lạp genêthêtô [6] là ginomai có nghĩa là: Hình thành, ra đời, được sinh ra, trở nên, trở thành, xảy ra, xảy đến.. Nghĩa gốc là: Lộ ra, hiện ra, trở nên, trở thành, chuyển từ một điểm (lãnh vực, tình trạng) này sang điểm khác. Tóm lại, nghĩa căn bản của động từ ginomai là: Trở nên (trở thành) [7].
Trong Thánh Kinh, ginomai được sử dụng rất rộng rãi, đến 487 lần và thường được sử dụng để chỉ hành động của Thiên Chúa khi làm cho cái gì đó từ đời đời được biểu lộ, xuất hiện trong thời gian (không gian vật lý). Trong Mt 6, 10, ginomai có nội dung “hiện thực hoá” (đi từ trừu tượng sang cụ thể) và “hiển thể hóa” (đi từ tiềm thể sang hiển thể). Nếu dùng từ “thể hiện” thì rất thích hợp để diễn tả cả hai nội dung này hơn là “thực hiện”. Nhưng vì nó ở thì bất định (aorist) nên nó ám chỉ một việc “đã hoặc phải được thực hiện một cách toàn diện và đúng mức” [8]. Do đó, Ủy Ban Phiên Dịch Sách Lễ Rôma 1992 đã đề nghị dùng chữ “thành tựu” để dịch từ này: “Chúng ta xin cho thánh ý Thiên Chúa chẳng những được thể hiện (đi từ nội dung trừu tượng sang hình thức cụ thể), mà còn phải được “thành tựu” (= thành công một cách tốt đẹp) nữa” [9].
Tuy nhiên, đặt câu này trong văn mạch Mt 6, 9-13, thì ý muốn của Thiên Chúa trên con người chính là họ phải vâng phục, tuân giữ và thi hành các giới răn, và ý muốn của Thiên Chúa trên Đức Kitô chính là Chúa phải dẫn đưa con người đến sự sống đời đời. Cũng như trong lời nguyện thứ nhất (6, 9), ở đây động từ ginomai được đặt ở thể thụ động (passive) và không có túc từ tác nhân đi theo, do đó cách viết này đòi chúng ta phải hiểu lời cầu xin này theo một ý nghĩa hết sức rộng rãi: Nguyện cho ý Cha được thành tựu khắp nơi và luôn mãi, nhờ tất cả mọi thụ tạo [10].
Nguyên thể của động từ Latin fiat [11] là facere có nghĩa là: Làm (thi hành, thực hiện), làm trọn (làm cho xong, hoàn tất, hoàn thành), làm cho thấy (chứng tỏ, tỏ ra), làm ra (dựng nên, sinh ra) (ago, conficio, praestio, creo…). Ở lối thụ động, fiat có nghĩa là: Xin cho được xảy ra, xin được thực hiện; phải, chịu; thừa nhận, chấp nhận… [12], tiếng Việt nói đơn giản là “vâng” (xin vâng). Thuật từ genêthêtô được chuyển dịch qua La ngữ là fiat. Cả hai đều diễn tả nội dung là “hãy trở thành hiện thực”. Nhưng genêthêtô trong thể “imperative”, có tính chất ao ước khẩn thiết như một mệnh lệnh, chớ không thoái nhượng, cầu khẩn, “subjunctive” như fiat. Genêthêtô không diễn tả sự đồng ý bất khả kháng hay cam chịu đơn thuần một việc gì xảy đến, dường như nói: “Nếu không thể làm được bằng cách nào khác thì con bằng lòng – fiat voluntas tua – vâng ý Cha!”. Ngược lại, tiếng đó (genêthêtô) diễn tả lòng ao ước, sự thiếu kiên nhẫn, niềm vui khi có một sự gì xảy đến. Đó là lý do tại sao gọi là thể “imperative” [13].
Theo Mt 26, 42, chính Chúa Giêsu trong vườn Ghếtsêmani đã cho chúng ta thấy ý nghĩa đích thực của công thức mà Chúa đã dạy trong Kinh Lạy Cha: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin ý Cha được thực hiện (genêthêtô to thelêma sou) ”
Lời cầu “xin hiện thực hoá thánh ý Chúa Cha” của Chúa Giêsu không hề diễn tả một sự nhẫn nhục, đành lòng chấp nhận số phận đã được an bày, nhưng đó là một sự suy phục ý chí nhân loại của Chúa trong tình con thảo với ý muốn của Thiên Chúa, bởi vì trước đó ba câu, Chúa đã nói: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Lời ấy cho thấy mặc dù ghê sợ trước những đau đớn khủng khiếp của cuộc khổ nạn sẽ phải chịu, Chúa Giêsu vẫn cương quyết muốn những gì Cha Người muốn và Người ra sức thực thi ý muốn đó. Thể mệnh lệnh (imperative) của động từ ginomai cho thấy một ý chí nhân loại cầu xin cho ý chí thần linh của Thiên Chúa được thành hiện thực (thể hiện, thực hiện, thành sự, thành tựu, hoàn thành, viên thành, viên mãn, nên trọn…) dù phải trả giá thế nào đi nữa.
Tóm lại, trong lời cầu nguyện thứ ba này có hai ý (túc từ tác nhân): Một là xin “vâng ý Cha”, nghĩa là “xin cho mọi người thế gian được lòng sốt mến mà vâng lời Đức Chúa Trời cho trọn cũng như các thánh trên trời vâng ý Cha Cả mọi đàng” [14]. Hai là xin “ý Cha thể hiện”, nghĩa là “xin Cha tích cực làm cho ý Cha về chương trình thiết lập Nước của Người được thể hiện toàn diện” [15]? Và, phải chăng vì hai ý này mà Kinh Lạy Cha của ông cha ta từ đầu cho đến năm 1905 đều viết là “Vâng ý Cha làm” (Bum í cia lam)?
4. Kết luận.
Trong quá khứ, các dịch giả Thánh Kinh cũng như Kinh Lạy Cha ở Việt Nam đã dịch động từ ginomai (HL) hay facere (LT) trong câu Phúc Âm Matthêo 6, 10 là: vâng, thể hiện, nên, thành sự, làm trọn, thành tựu (xin xem Phụ Lục đính kèm). Các bản dịch được imprimatur ở Đài Loan và Trung Quốc thì dùng chữ thừa hành, phụng hành. Tất cả những cách dịch này đều không sai, nhưng chưa có cách dịch nào hoàn toàn thuyết phục được mọi người. Công việc phiên dịch thường là như vậy, huống chi trong trường hợp này là với Kinh Lạy Cha là “Breviarium totius Evangelii: Bản tóm lược toàn bộ Phúc Âm” [16]!
Khác với các lời kinh trong Cựu Ước, lời nguyện “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” nói riêng, và các lời nguyện khác trong Kinh Lạy Cha nói chung đều có đặc tính cánh chung, nghĩa là diễn tả “mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, một lần cho mãi mãi, trong Đức Kitô chịu đóng đinh và đã phục sinh” (GLCG 2771). Và nội dung của lời nguyện thứ ba này là: “chúng ta nài xin Cha chúng ta, xin Ngài cho ý muốn của chúng ta được kết hợp với ý muốn của Con Ngài, để kế hoạch cứu độ được hoàn thành trong cuộc sống trần gian” (GLCG 2860).
_______________________________________________________
PHỤ LỤC:
CÁC BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT CỦA MATTHÊÔ 6, 10
Nguồn | Matthêô 6, 10 |
Bản Hy Lạp | –elthetô hê basileia sou; genêthêtô to thelêma sou, hôs en ouranô, kae epi tês gês. |
Nova Vulgata | adveniat regnum tuum, fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra. |
Các bản Kinh Lạy Cha [17] – Năm 1632 | Coác Cia trĩ ðen. Bum í cia lam cium ðét bàm cium blòei bẽi. |
– Năm 1651 | Cuốc Cha trị đến. βâng í Cha làm chưng đất [đết] bằng chưng blời βậy. |
– Năm 1700-1750 | Cuốc Cha trị đến. Vâng ý Cha [làm] dưới đất bằng trên blời vậy [18]. |
– Năm 1905 | Nước Cha trị đến. Vưng ý Cha làm dưới đất bằng trên trời vậy. |
Kinh Lạy Cha giữa thế kỷ 17 [19] | Nước Cha trị đến kẻ ở trên trời vâng ý Cha là thể nào, thì chúng tôi xin thiên hạ cùng vâng như làm vậy. |
KT, Cố Chính Linh 1916 | Nước Cha trị đến; vâng ý Cha dưới đất bằng trên lời. |
Kinh Lạy Cha 1869; 1926 [20] TƯ, Gérard Gagnon 1962 | Nước Cha trị đến, Vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy. |
KT, Phan Khôi 1934; KT, Bản nhuận chánh 1975 | Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời! |
KT, Trần Đức Huân 1970 | Nước Cha trị đến; vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời. |
Nghi thức Thánh Lễ 1971; TƯ, Trịnh Văn Căn 1989 | Nước Cha trị đến; ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. |
Kinh Lạy Cha đại kết 1972 [21] | Triều đại Cha mau đến, tôn ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. |
KT, Nguyễn Thế Thuấn 1976 | Nước Cha trị đến; ý Cha thành sự, dưới đất cũng như trên trời. |
TƯ, An Sơn Vị 1983 | Xin Cha liệu cho Triều-đại-nước Cha mau đến! Xin Cha làm trọn Thánh ý của Cha! Ở dưới đất giống như trên trời. |
TƯ, CGKPV 1985 (?) | Triều đại Cha mau đến, tôn ý Cha thành sự dưới đất cũng như trên trời. |
Uỷ ban phiên dịch SLR 1992 [22] | vương quyền Cha mau đến, ý Cha thành tựu dưới đất cũng như trên trời. |
TƯ, CGKPV 1994; KT, CGKPV 1998 | Triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. |
Kinh Lạy Cha 2000 [23] | Xin cho Nước Cha lan rộng, Xin cho trên trời dưới đất vâng theo ý Cha |
TƯ, CGKPV 2008 | Nước Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. |
Hai nhận xét chung về các bản dịch Mt 6, 9-10 trong Kinh Lạy Cha:
1) Năm 1566, Bộ Giáo Lý của Cộng Đồng Trentô đã dạy các vị chủ chăn phải “lưu ý các tín hữu rằng những lời ‘dưới đất cũng như trên trời’ có thể được liên kết với cả 3 lời cầu xin đi trước và phải hiểu như thế này: ‘xin làm cho danh Cha cả sáng dưới đất cũng như trên trời, nước Cha trị đến dưới đất cũng như trên trời, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’… ” [24]. Nhưng tất cả các bản dịch của Công Giáo Việt Nam dường như không lưu ý, nên đều bỏ mất dấu phẩy (,) sau 3 lời cầu này. Nghĩa là, thay vì: “ý Cha thể hiện, dưới đất cũng như trên trời” thì viết liền luôn một mạch: “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Thiết nghĩ việc bỏ mất dấu phẩy (,) trong trường hợp này đã làm thay đổi ý nghĩa của cả câu văn (Mt 6, 9-10). Ví dụ sau đây chắc sẽ rõ hơn:
•
“Quyết định này– có hiệu lực đối với các học sinh trên 10 tuổi, các sinh viên tốt nghiệp trước năm 2000, các giáo viên đã về hưu ở Hà Nội và Sài gòn”.Nếu thêm một dấu phẩy ngay sau chữ “về hưu”, số đối tượng của quyết định này chắc sẽ giảm xuống (!):
•
2) Đoạn đầu của Kinh Lạy Cha, cũng như đoạn thứ hai, rõ ràng gồm 5 câu thơ. Và phần giữa đoạn này được hợp thành bởi 3 lời cầu song song nhau, mỗi lời 4 chữ (HL) hay 3 chữ (LT) rất cân đối:
•agiasthí̱to̱ tó– ónomá sou / elthéto̱ i̱ vasileía sou / geni̱thí̱to̱ tó théli̱má sou
• “sanctificetur nomen tuum / adveniat regnum tuum / fiat voluntas tua”.
Các bản dịch trước năm 1905 đã giữ được sự cân đối (4/4/4) này, ví dụ:
•“danh Cha cả sáng– / nước Cha trị đến / vâng ý Cha làm”
Bản dịch của Nghi thức Thánh Lễ 1971; TƯ, Trịnh Văn Căn 1989 và Nguyễn Thế Thuấn 1976 cũng cân đối (4/4/4):
•“danh Cha cả sáng / nước Cha trị đến / ý Cha thể hiện”–
•“danh– Cha hiển thánh / Nước Cha trị đến / Ý Cha thành sự”
Nhưng nhiều bản dịch khác đã không có được sự cân đối đó, ví dụ:
•“danh Cha hiển thánh /– vương quyền Cha mau đến / ý Cha thành tựu” (UBPDSLR 1992)
•“danh thánh Cha– vinh hiển/ triều đại Cha mau đến / ý Cha thể hiện” (CGKPV 1994/1998)
•“danh– thánh Cha vinh hiển/ nước Cha mau đến / ý Cha thể hiện” (CGKPV 2008).
_______________________________________________________
Ghi chú:
[1] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ, tái bản lần 1, nxb. Tổng Hợp TP HCM, 2006.
[2] Bửu Kế, TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT TỪ NGUYÊN, tái bản lần 1, nxb. Thuận Hoá 2009.
[3] Xem mục chữ THỂ 體 của: Thiều Chửu, Sđd; Đào Duy Anh, HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, in lần thứ ba, Trường Thi, Sài Gòn, 1957, tr.790 và ĐẠI TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT (http://rongmotamhon.net).
[4] x. Trần Văn Hiến Minh, TỪ ĐIỂN VÀ DANH TỪ TRIẾT HỌC, Ra Khơi, Sài Gòn, 1966.
[5] x. Trần Văn Hiến Minh, GIÁO TRÌNH 5: CON NGƯỜI SUY TƯ VỀ HỮU THỂ HAY LÀ HỮU THỂ HỌC (ONTOLOGIE), Ronéo, tr. 40-41.
[6] Ngôi thứ ba số ít, thể mệnh lệnh trung gian thụ động thời bất định (aorist passive deponent imperative).
[7] http://strongsnumbers.com/greek/1096.htm: Ginomai: to come into being, to be born, to become, to come about, to happen. Properly: to emerge, become, transitioning from one point (realm, condition) to another. Fundamentally means:. “become” (becoming, became).
[8] F. M. Abel, GRAMMAIRE DU GREC BIBLIQUE, J. Gabalda, Paris, 1927, tr. 254-257 ; TOB/NT, 58, chú thích z.
[9] UB Phiên Dịch SLR 1992, CHÚ THÍCH BẢN DỊCH NGHI THỨC THÁNH LỄ, số 96/9, tr.29 (Bản dịch Kinh Lạy Cha này không được HĐGM chấp nhận và SLR 1992 vẫn theo SLR 1971).
[10] Jean Carmignac, A L’ÉCOUTE DU NOTRE PÈRE, Paris, 1971. Bản dịch của Thái Văn Thắng, LỜI KINH CHÚA DẠY, Ronéo, TP.HCM, 1977, tr. 25.
[11] Ngôi thứ ba số ít lối thụ động (passive singular), thì hiện tại giả định (present subjunctive).
[12] Facere trong tiếng Anh là: to make, to do. Ở third person singular, present subjunctive nó có nghĩa là: let it be done, to become, to be done (http://www.thefreedictionary.com/fiat).
[13] cf. Bài giảng của Lm. Cantalamessa trước sự hiện diện của Đức Giáo Tông và Giáo triều Rôma, 12/12/2009.
[14] Pigneau de Béhaine, THÁNH YẾU GIÁO LÝ: THIÊN CHÚA KINH GIẢI ĐỆ THẬP NHỊ THIÊN, tr.267-268. Nội dung viết bằng chữ Nôm, bài tựa viết bằng chữ Hán, xuất bản lần đầu tại Trung Quốc, năm 1774. Bản dịch của cha Nguyễn Hưng, THÁNH GIÁO YẾU LÝ, Lưu hành nội bộ, TP.HCM, 1977, tr. 207-208.
[15] Cước chú trang 71 KT. TÂN ƯỚC của Nhóm CGKPV 2008.
[16] Tertullianô, De Oratione, 1,6: CCL 1,2588 – PL 1,1255.
[17] Roland Jacques, CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO BỒ ĐÀO NHA VÀ THỜI KỲ ĐẦU CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM (sách song ngữ), Quyển I, Định Hướng Tùng Thư, Reichstett, France, 2004, tr. 375- 377.
[18] x. Roland Jacques, Sđd., tr. 377: Bản chép tay dường như vô tình bỏ sót chữ “làm”.
[19] Cao Vĩnh Phan, NĂM 2000 ĐỌC VÀ HỌC KINH THÁNH – QUA CÁC BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT, Ronéo, TP.HCM, 2000, tr.190-191: Bản Kinh Lạy Cha viết tay bằng chữ Hán Nôm.
[20] Cao Vĩnh Phan, sđd., tr.192-195: Hai bản Kinh Lạy Cha in bằng chữ Hán Nôm năm 1869 và 1926.
[21] Cao Vĩnh Phan, sđd., tr.234: Bản Kinh Lạy Cha của một số linh mục, tu sĩ Công Giáo và Tin Lành.
[22] Trần Phúc Nhân, MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CUỐN NGHI THỨC THÁNH LỄ 2005, số 124, tr. 98.
[23] Cao Vĩnh Phan, sđd., tr. 235.
[24] Jean Carmignac, sđd., tr. 27-28.