Hỏi: Thưa cha, con có một câu hỏi về lời nguyện đầu lễ và lời nguyện sau Hiệp lễ, cả trong bản gốc Latinh và bản dịch tiếng Anh mới của Sách lễ. Trước khi có bản dịch mới, lời nguyện đầu lễ thường kết thúc bằng các lời như “Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”. Tương tự như vậy, lời nguyện sau Hiệp lễ thường kết thúc bằng “Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con, We ask this through Christ our Lord”, hay đại khái là vậy. Việc nhấn mạnh là dựa vào sự việc rằng lời cầu nguyện của chúng ta được dâng lên nhờ Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, trong bản dịch mới, phù hợp với bản gốc Latinh, lời nguyện đầu lễ bỏ các chữ “Chúng con cầu xin, We ask this” và thay vào đó chỉ đơn giản nói: “nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con…, Through our Lord Jesus Christ”. Và tương tự như vậy, lời nguyện sau Hiệp lễ chỉ đơn giản kết thúc với các lời “nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”, hoặc một cụm từ tương tự. Câu cuối cùng của các lời nguyện này có thể có ý nghĩa tương tự như trong trường hợp của bản dịch trước đây, cụ thể là chúng ta dâng lên lời nguyện nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta. Nhưng nó cũng có thể có nghĩa là chúng ta đang xin Thiên Chúa ban cho chúng ta các ơn nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta. Ví dụ, trong Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, lời nguyện đầu lễ là “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Đức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đăng và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Ngươi là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, …” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam). Sự nhấn mạnh có thể là dựa vào sự việc rằng lời cầu nguyện của chúng ta được dâng lên nhờ Chúa Giêsu Kitô. Nhưng sự nhấn mạnh cũng có thể dựa vào sự việc rằng chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, đang xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn hằng bền vững thi hành ý Chúa. Đâu là ý nghĩa chính của câu một hay câu hai của các lời giải thích trên đây, nghĩa là lời nguyện được dâng lên nhờ Chúa Giêsu, hoặc ơn được Thiên Chúa ban nhờ Chúa Giêsu ? Hoặc là có sự nhấn mạnh tương đương trong cả hai ý nghĩa? Con nhận xét rằng khả năng của sự mơ hồ này là một trong các lý do tại sao, trong cú pháp tiếng Anh, chúng ta thường không có một câu giới từ đứng một mình như là một câu riêng. – E. H., Falls Church, Virginia, Mỹ.
Đáp: Ngoài việc chỉ là đơn giản trung thành với bản gốc Latinh, dường như các người dịch quyết định sử dụng cụm từ ít rõ ràng, một cách chính xác bởi vì câu “Nhờ Đức Kitô” tùy thuộc vào nhiều sắc thái của ý nghĩa đích thực.
Thật vậy, bản dịch tiếng Anh trước đó “Chúng con cầu xin, We ask this” dường như hạn chế ý nghĩa của lời nguyện, trong khi “sự mơ hồ “, hay đúng hơn là nhiều ý nghĩa, của câu “nhờ Đức Kitô Chúa chúng con, Through our Lord Jesus Christ ” là phong phú hơn về thần học .
Một số các sắc thái của ý nghĩa đã được nhìn thấy trong Tân Ước như sau.
Ví dụ, Thư gửi tín hữu Êphêxô nói: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha (5, 20). Hoặc “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3, 17) .
Câu “Nhờ Đức Giêsu Kitô” đôi khi được đưa vào lời nguyện thực tế, chẳng hạn trong phần mở đầu và kết thúc của Thư gửi tín hữu Rôma (Rm): “Trước hết, nhờ Đức Giêsu Kitô, tôi tạ ơn Thiên Chúa của tôi về tất cả anh em” (1, 8) và “Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô. Amen” (16, 27).
2 Cr 1, 20 cũng khá rõ ràng: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên”Amen” để tôn vinh Thiên Chúa”
Theo học giả phụng vụ nổi tiếng J. A. Jungmann , sự giải thích cho đoạn văn trên của thánh Phaolô là rằng “Các tín hữu trong sự thờ phượng công khai, qua tiếng thưa Amen của họ, tuyên bố là đồng ý với lời nguyện được dâng lên nhờ Chúa Kitô, bởi vì chính Ngài được Thiên Chúa ban cho chúng ta như là Đấng Cứu Độ và Đấng Trung Gian”.
Do đó, cụm từ “nhờ Đức Kitô Chúa chúng con” không chỉ tuyên bố sự đồng thuận với nội dung của lời nguyện, nhưng cũng công nhận vai trò của Chúa Kitô như Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, và thực sự Ngài là “Đấng trung gian duy nhất” (xem 1 Tm 2, 5) .
Các Kitô hữu thời ban sơ đã nhận thức được khả năng trung gian của lời cầu nguyện, nhưng vai trò này thường được gán cho một thiên thần, và thiên thần này chuyển thông, có thể nói như vậy, lời cầu nguyện từ tâm hồn của con người lên cho Chúa.
Tuy nhiên, bởi vì các Kitô hữu cũng cầu nguyện với chính Chúa Kitô, ít nhất là trong riêng tư, nên không chắc rằng họ đang nghĩ đến sự trung gian theo nghĩa của sự chuyển tiếp lời cầu nguyện.
Thay vì là “một Đấng trung gian”, họ xem Ngài là Đấng Trung gian theo một cách mới. Trong một ý nghĩa, Ngài là Đấng Trung gian, vì Ngài đã giành sự cứu rỗi cho chúng ta qua các sự kiện của mầu nhiệm vượt qua của Ngài.
Trong ý nghĩa khác, vai trò trung gian của Chúa Kitô là không giới hạn vào các sự kiện lịch sử của sự cứu rỗi chúng ta, nhưng vẫn tiếp tục bởi vì Ngài sống mãi mãi với Thiên Chúa, như là đầu của Giáo Hội, Nhiệm thể của Ngài. Ngài là Đấng Bảo Trợ của chúng ta trước mặt Chúa Cha (xem 1 Ga 2, 1; Rm 8, 34 ). Ngài cũng là vị Thượng Tế của chúng ta, như được nhấn mạnh trong toàn Thư gửi tín hữu Hipri (Hr).
Vì vậy, đối với những người trong chúng ta được kết hợp với Ngài trong Giáo Hội của Ngài, Chúa Kitô hoạt động như một trung gian của lời cầu nguyện của chúng ta, vì Ngài hỗ trợ lời cầu nguyện của chúng ta, và ban cho nó thêm sức mạnh và hiệu quả, vốn có thể là không có nếu nó không được thông chuyển qua Ngài.
Jungmann đã nói: “Lời cầu nguyện của cá nhân nào thuộc về Chúa Kitô, thuộc về Giáo Hội của Ngài, sẽ có sự cộng hưởng đầy đủ trước mặt Chúa. Linh hồn Chúa Giêsu rung động với các lời cầu nguyện của Giáo Hội của Ngài, nghĩa là, Ngài nhận thức được lời nguyện của chính Ngài và đồng tình với các lời nguyện của tín hữu, miễn là lời nguyện tốt lành. […] Tương tự như vậy, các lời cầu nguyện của Giáo Hội để chúc tụng Thiên Chúa có ý nghĩa và giá trị, chỉ bởi vì Chúa Kitô là vị Thượng Tế đứng đầu và tham gia vào lời nguyện”.
Một học giả phụng vụ nổi tiếng khác, Odo Casel, bổ sung khái niệm Jungmann , mà ông xem là quá nhiều từ một góc độ hoàn toàn đạo đức. Ông nói thêm rằng câu “nhờ Đức Kitô Chúa chúng con” cũng nên được hiểu một cách vật lý: “Thiên Chúa làm Người là cốt yếu Đấng Trung gian của tất cả lời cầu nguyện, vốn diễn ra trong Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, Ngài luôn luôn hành động như là Đầu của Nhiệm Thể”.
Do đó, có nhiều sắc thái của ý nghĩa được gói gọn trong câu “nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”, và tất cả đều có mặt mỗi khi các linh mục đọc lời nguyện, và các tín hữu hoàn thành nó với lời thưa đồng thuận Amen của họ.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 13-5-2014)