Là một thánh vịnh vương quyền như thánh vịnh 2 và 45, nó miêu tả chân dung của vì vua lý tưởng, bằng cách nêu bật các đặc tính vương quyền của Thiên Chúa nhập thể trong vương triều thần quyền của dân Israel. Công lý, hoà bình và và thịnh vượng là các ơn Thiên Chúa ban cho dân được tuyển chọn qua “đặc sủng” hoàn toàn đặc biệt của vương quyền, không bị hạn chế trong thời gian và trong không gian. Thánh vịnh thuộc thời tiền lưu đầy có thể đã được sáng tác nhân lễ đăng quang của một vì vua nào đó thuộc triều đại Đavít tại Giêrusalem, cả khi khác với thánh vịnh 2 nó không có yếu tố chuyên biệt nào liên quan tới vương quyền đavít, cũng như trung tâm của nó là thành Giêrusalem.
Văn thể là thánh vinh vương quyền. Thánh vịnh 72 gồm phần dẫn nhập, câu 1-2; các lời khấn nguyền cầu chúc, các câu 3-11; các lời hứa ngôn sứ, các câu 12-16; lời khấn nguyền sau cùng, câu 17; công thức vinh danh, các câu 18-19.
Cũng giống như trong các thánh vịnh vương quyền 20 và 128 thánh vịnh 72 được mở đầu bằng một lời cầu hướng tới Thiên Chúa cho nhà vua. Nó trao ban giọng điệu cho toàn thánh vịnh: các lời khẩn cầu và lời hứa trong đó chỉ nhận được sự hữu hiệu bởi Thiên Chúa đã ban cho nhà vua vương quyền và các phẩm chất đi kèm.
Phần một của thánh vịnh, các câu 3-11, gồm một loạt các lời khấn nguyền ở ngôi thứ ba, qua đó tác giả miêu tả bức chân dung thứ nhất của vương quyền lý tưởng là : hoà bình và thịnh vượng; an ninh và ổn định (cc. 3-7) sau cùng là sự thống trị đại đồng “từ biển này sang biển nọ”. Tưởng nên ghi nhận rằng ngoại trừ câu 8 có động từ ở thể jussivo là thể ước nguyện, động từ các câu khác đều ở thì tương lai. Qua đó các động từ này được giải thích như là các lời tiên báo hay các lời hứa hơn là các ưóc mong hay khấn nguyền.
“Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ, đồi rước về nền công lý vạn dân. Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ, ra tay cứu độ kẻ khó nghèo, đập tan lũ cường hào ác bá. Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô, như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp! Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ, ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai. Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn. Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất. Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng, tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ. Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự.”
“Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng, tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ. Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương phủ phục truớc bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự”
“Các thú vật sa mạc cúi rạp mình trước người”: “sijjim” trong tiếng Do thái là từ hiếm thấy, có lẽ ám chỉ các “miền hoang dã” và có nghĩa trải dài là “các thú vật của sa mạc”. Ở đây nó song song với “các thù địch” của vế trước nên chắc hẳn ám chỉ các bộ lạc hay khuấy động của sa mạc, khó khuất phục dễ dàng.
“Chúng liếm bụi đất”: kẻ thù bị thua hay phải triều cống phải quỳ úp mặt xuống đất trước nhà vua thắng trận, là một hình ảnh khá thông thường trong các hình vẽ hay khắc bên Đông phương, đặc biệt là bên Medôpôtamia, tức vùng Lưỡng Hà là Iran và Iraq ngày nay. Chẳng hạn trong trường hợp của Jehu, vua Samaria, quỳ sấp mặt xuống đất dâng lễ vật triều cống cho vua Salmanassar III của đế quốc Assiria, như khắc trên “bút tháp đen”. Một tư tưởng tương tự cũng được diễn tả quy chiếu về Giêrusalem được canh tân như viết trong chương 49 sách ngôn sứ Isaia: “Bậc vua chúa sẽ làm dưỡng phụ cho ngươi, hàng công nương sẽ làm nhũ mẫu. Trước mặt ngươi, chúng sẽ sấp mình xuống đất mà bái lạy, sẽ liếm bụi dưới gót chân ngươi.” (Is 49,23). Ngôn sứ Mikha cũng tả cảnh các dân ngoại phải tùng phục Thiên Chúa như sau: “Chư dân sẽ nhìn và phải nhuốc nhơ xấu hổ dù chúng rất hùng cường. Chúng sẽ lấy tay bịt miệng, tai chúng sẽ ù đi. Chúng sẽ phải liếm bụi như rắn, như loài bò sát trên mặt đất. Từ trong đồn luỹ, chúng sẽ run rẩy kéo nhau ra mà đến với Giavê là Thiên Chúa chúng ta. Chúng sẽ kinh hãi khiếp sợ Ngài.” (Mk 7,16-17).
“Tarsis” chắc chắn là vùng duyên hải cực tây của Địa Trung Hải, nơi có nhiều tầu lớn của Tiro lui tới và gọi là “tầu của Tarsis”.
“Các đảo” là các vùng, các đảo hay bán đảo cũng như các vùng ven biển thuộc vịnh trung đông của Địa Trung Hải, bao gồm cả biển phiá Đông, biển Egeo và biển Ionio.
“Sheba và Seba” là Arabia miền nam, cũng gọi là Arabia hạnh phúc. Trong chương 60 ngôn sứ Isaia tả cảnh thịnh vượng của Giêrusalem như sau: “Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha:
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Giavê” (Is 60,5-6). “Các vua Seba” nếu không phải cùng miền này thì được nhận diện như Seba được nói đến trong chương 10 sách Sáng Thế, và được coi là “con của Cush” tức vùng Nubia và Etiopia.
“Họ mang theo các vật triều cống”: trên bình diện địa lý chính trị nó cho thấy vương quốc phồn thịnh của vua Salomon như kể trong chương 10 sách các Vua I. Nhưng còn hơn thế nữa nó cho thấy sự rạng ngời của Giêrusalem thời cứu thế theo miêu tả của sách Isaia II như đã nhắc tới trên đây. Chắc hẳn thánh sử Mátthêu đã lấy hứng từ văn bản này để tả cảnh Ba Đạo Sĩ Phương Đông tìm tới thờ lậy Chúa Hài Nhi, Vua Do thái mới giáng sinh (Mt 2,1-11).
“Mọi quân vương… mọi quốc gia”: diễn tả tính cách đại đồng của vương quốc, do vì vua lý tưởng khai mào. Nó giống vương quốc đại đồng của chính Giavê, như tả trong thánh vịnh 47: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo! Vì Giavê là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu… Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu, hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ. Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân, Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.” (Tv 47,2-3.8-9); hay trong thánh vịnh 96: “Hãy dâng Giavê, hỡi các dân các nước, dâng Giavê quyền lực và vinh quang, hãy dâng Giavê vinh quang xứng danh Người.
Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa, và thờ lạy Giavê uy nghiêm thánh thiện, toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan. Hãy nói với chư dân: Giavê là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.” (Tv 96,7-10). Niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô cũng khiến cho Giáo Hội thời các tông đồ gán tính cách đại đồng này cho vương quốc và vương quyền của Đấng Messia (Rm 15,9-12).
Các câu 12-16 của thánh vịnh 72 lập lại hầu hết các đề tài đã được trình bầy trong phần đầu, nhưng dưới hình thức các bảo đảm hay các lời hứa ngôn sứ (cc. 12-14), và các lời cầu chúc (cc. 15-16).
“Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ, giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn, từng giọt máu họ, Người đều coi là quý. Tân Vương vạn vạn tuế! Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên, và cầu xin cho Người luôn mãi, ngày lại ngày chúc phúc cho Người.
Mong cho xứ sở đầy dư gạo thóc, đỉnh non cao sóng lúa rì rào, trổ bông vàng đẹp tựa núi Li-băng, thâu lượm được nhiều như cỏ dại.”
Vì vua lý tưởng sẽ giải thoát kẻ nghèo hèn kêu cứu và kẻ bần cùng không ai nâng đỡ. Người sẽ thương xót ngưòi yếu đuối và kẻ khó nghèo, và sẽ cứu mạng những người cùng khốn, khỏi sự áp bức và bạo lực. Người sẽ chuộc linh hồn họ, vì máu họ quý báu trước mắt người.
“Vạn tuế!” là tiếng tung hô nhà vua (x. 1 Sm 10,24; 1 V 1,25) mở đầu một loạt các lời khấn nguyền cầu chúc mới, và trải dài cho tới câu 18 kết thúc công thức vinh danh.
“Lời cầu nguyện cho người liên tục dâng lên”: đây là lời dân chúng cầu nguyện cho vua, nhất là trong thời nguy biến, như viết trong thánh vịnh 20: “Ngày đức vua gặp bước gian truân, xin Giavê đáp lời ngài. Nguyện danh Chúa Trời nhà Gia-cóp khấng phù hộ chở che. Từ thánh điện, cầu Chúa thương cứu trợ, từ Xi-on, nguyện Chúa đỡ nâng ngài.” (Tv 20,2-3). Và đây cũng là thói quen của dân Do thái, như viết trong câu 10 cùng thánh vịnh: “Lạy Giavê, xin giúp vua toàn thắng; ngày chúng con cầu khẩn, nguyện xin Chúa đáp lời.” (Tv 20,10). Ở đây tác giả thánh vịnh 72 cầu mong lời cầu ấy tiếp tục luôn mãi, cũng như nhiệm vụ thường hằng của nhà vua là người đại diện Thiên Chúa và thực hiện vương quyền của Giavê. Lời cầu bầu cử ấy không có ý nghĩa trong quan niệm cứu thế của Thánh Kinh Tân Ước.
“Chúc phúc”: cầu nguyện và chúc phúc ám chỉ hai thì của cùng lời cầu: khẩn cầu và tạ ơn. Lời cầu chúc thóc lúa hoa mầu cây trái dồi dào, đồng cỏ xanh tuơi phong phú là dấu chỉ sự thịnh vượng, và là phúc lành của Thiên Chúa. Trong chương 27 ngôn sứ Isaia cũng cầu mong: “Trong tương lai, Gia-cóp sẽ bén rễ, Ít-ra-en sẽ trổ nụ đơm bông, và mặt đất sẽ đầy tràn hoa trái.” (Í 27, 6). Qua ngôn sứ Hosêa Thiên Chúa cũng hứa với dân Israel như sau: “Với Ít-ra-en Ta sẽ như làn sương mai làm nó vươn lên như bông huệ, cho bén rễ sâu như cây ngàn Li-băng. Họ sẽ đâm chồi nẩy lộc, sum sê tựa ô-liu tươi tốt, toả hương thơm ngát như rừng Li-băng. Chúng sẽ trở về cư ngụ dưới bóng Ta, sẽ làm cho lúa miến hồi sinh nơi đồng ruộng, tựa vườn nho, chúng sẽ sinh sôi nẩy nở, danh tiếng lẫy lừng như rượu Li-băng. Ép-ra-im còn liên hệ gì với các ngẫu tượng? Còn Ta, Ta đã nhậm lời và đoái nhìn đến nó. Ta như một cây trắc bá xanh tươi, chính nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái” (Hs 14,6-9).
Câu 17 kết thúc thánh vịnh 72 tiếp tục các lời khấn nguyền nêu bật tính cách đại đồng trong thời gian và trong không gian của vì vua lý tưởng thần quyền.
“Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ, nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời. Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành, và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.”
Ở đây chúng ta hầu như có cùng công thức các lời Thiên Chúa hứa với tổ phụ Abraham lúc khởi đầu lịch sử kinh thánh, khi Thiên Chúa kêu gọi tổ phụ: “mọi gia đình trên trái đất sẽ được chúc phúc trong dòng dõi của tổ phụ” (St 12,3b). Giờ đây tín hữu xin cho lời hứa ấy thành toàn nơi vì vua lý tưởng cứu thế. Đó là điều thánh vịnh 21 khẳng định: “Ngài đặt vua làm nguồn hạnh phúc đến muôn đời và cho vua được hớn hở vui mừng trước Nhan Thánh.” (Tv 21,7)
Hai câu 18-19 là công thức vinh danh kết thúc toàn sưu tập II của sách Thánh Vịnh. Nó rộng rãi hơn công thức của các thánh vịnh 41,14; 89,53; 106,48. Có thể coi nó như là một phần của thánh thi có đề tài chúc tụng và vinh danh Giavê, Thiên Chúa của Israel, Đấng duy nhất làm các việc lạ lùng (x. 86,10; 136,4) và vinh quang Ngài tràn đầy trái đất, như viết trong thánh vinh 57: “Lạy Thiên Chúa, xin biểu thị uy phong khắp cõi trời và chiếu toả vinh quang đầy mặt đất.” (Tv 57,12) (x. Ds 14,21; Is 6,3)
“Chúc tụng Giavê là Thiên Chúa Ít-ra-en, chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu. Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh, ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu! A-men. A-men.”
Linh Tiến Khải