CHÚA NHẬT PHỤC SINH – NĂM C
Bài đọc 1: Cv 10,34a.37-43; Bài đọc 2: Cl 3,1-4; Phúc Âm: Ga 20,1-9
Ngôi mộ trống đã nhen nhóm ánh lửa đức tin của các tông đồ vào sự Phục Sinh, để rồi bùng lên mạnh mẽ nhờ các lần hiện ra dồn dập của Chúa sau đó, biến đổi các ông từ chỗ hoang mang, nghi ngờ, khó tin…, đến chấp nhận đánh đổi tất cả, kể cả gian lao, tù ngục, mất mạng, để bảo vệ, rao giảng và tuyên xưng đức tin đó. Niềm tin của Giáo hội từ thuở ban đầu cho đến nay được đặt trên niềm tin của các tông đồ. Từ đoạn Tin Mừng này, ta có thể suy nghĩ về tiến trình đức tin trong đời sống mỗi người.
1. Bà Maria Mácđala là người đầu tiên khám phá ngôi mộ trống. Bà thật đáng khen, vì không giống các tông đồ co cụm trong căn nhà đóng kín, bà không chút sợ hãi. Ðược tình yêu thôi thúc, bà đi ra mộ Chúa lúc trời còn tối. Ðức tin trước khi là sự chấp nhận của lý trí, đã là hành động của con tim. Bà không ngồi yên trong nhà nhưng đi ra. Cũng vậy, đức tin không tự nhiên đến với người thúc thủ an phận, mà đòi sự cộng tác của con người, đi ra từ chính mình. Tin Mừng Nhất Lãm thuật rằng có mấy bà cùng đi viếng mộ Chúa, nhưng theo Tin Mừng Gioan trên đây thì chỉ có mỗi mình bà Maria. Tin và Yêu là việc mang tính cá nhân: Tôi tin và tôi yêu. Cộng đoàn tín hữu có thể nâng đỡ đức tin và lòng mến của tôi, nhưng căn bản vẫn phải là chính tôi tin và yêu, không ai tin dùm hay yêu dùm tôi. Gioan, “môn đệ được Chúa yêu”, khi bước vào trong ngôi mộ trống, thấy các băng vải và khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi, thì không cần lý giải, “ông đã thấy và đã tin”. Ông thấy bằng đôi mắt trần, tin bằng cặp mắt thiêng.
2. Ðức tin không phải là việc xoàng xĩnh mà rất quan trọng, định hướng cho cuộc đời một con người đến độ họ dám sống chết vì đức tin. Người đúng đắn sẽ vận dụng lý trí để không vội tin, cả tin, dễ tin, bạ gì cũng tin. Phêrô, khi hay tin ngôi mộ trống rỗng không còn xác thầy, đã chạy ngay đến nơi để xem cho tường tận, “mục sở thị”. Không thấy ông nhận định ra sao về sự kiện này. Ông im lặng. Lý trí ông đang làm việc, phân định sự kiện. Chiều hôm đó, khi được tận mắt thấy Chúa hiện ra, thấy các vết thương nơi tay chân Thầy, được lời Thầy thuyết phục: “Chính Thầy đây. Ma đâu có xương có thịt như các con thấy thầy có đây” (Lc 24,36-38). Bấy giờ ông mới tin Thầy đã sống lại thật.
3.Với Gioan, niềm tin xem ra đến cách dễ dàng và nhẹ nhàng hơn. Vừa nghe báo tin, Gioan chạy như bay ra mộ, bị thôi thúc bởi lòng mến lẫn lý trí. Cả hai hòa quyện nơi Gioan, bổ túc cho nhau, mà xem ra lòng mến lấn át hơn. Thực ra, Gioan là con người của lý trí. Ðọc Tin Mừng thứ tư, ta nhận thấy trí khôn ông sắc sảo, cao siêu, khi vừa tường thuật một sự kiện vừa suy tư cao siêu. Ông được ví như chim phượng hoàng bay cao. Gioan, theo nhiều nhà chú giải Kinh Thánh, là chính môn đệ “được Chúa yêu” và “yêu Chúa”, được tựa đầu vào lòng Chúa trong bữa Tiệc Ly. Ðiểm nổi bật nơi Gioan không phải lý trí cho bằng lòng mến đã giúp ông tin. Ông “giải mã” các sự kiện mắt thấy không phải bằng trí óc mà bằng trái tim.
Bạn đọc thân mến,
Trong cuộc sống đức tin, mỗi người chúng ta nhiều lần đứng trước ngôi mộ trống của Chúa Giêsu, đó là những lần chúng ta băn khoăn đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa đích thực của cuộc đời, hoặc khi đứng trước những thử thách, vấp ngã, cám dỗ, nhất là về đức tin. Dù đã được trang bị bằng giáo lý, Lời Chúa, chứng tá đức tin của các thánh, nhưng những điều ấy không miễn cho chúng ta phải đối diện với đức tin của chính mình.
Muốn vững tin trước thử thách, chúng ta cần học nơi các nhân vật trong Tin Mừng hôm nay để:
– Ðứng dậy, đi ra khỏi chính mình. Cứ luẩn quẩn trong cái tôi, khép kín lòng mình không cho ai vào, kể cả Chúa, thì chúng ta sẽ mắc kẹt.
– Trực diện với các thách đố và dùng lý trí mà phân định, “giải mã” các ẩn số. Ðừng nao núng. Bề ngoài xem ra Chúa vắng mặt, nhưng thật ra Ngài vẫn hiện diện bên ta, như xác tín của thánh Augustinô: “Ngài có đó, khi ta tưởng mình đang cô đơn”…
– Bám lấy Chúa qua lời cầu nguyện, vì: “Ngài nghe ta, khi chẳng ai đáp lại” (ibid).
– Sau cùng, vận dụng lòng mến để nhận ra thánh ý Chúa, tin tưởng rằng Ngài là Cha giàu lòng thương xót: “Ngài thương ta, khi mọi người hững hờ với ta” (ibid).
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, nhiều lúc con phải giải mã các tín hiệu mà Chúa gởi đến cho con trong cuộc sống. Xin Chúa giúp con luôn trung kiên trong tình yêu, để con nhanh chóng nhận ra sứ điệp mà Chúa muốn gởi đến cho con trước ngôi mộ trống của Chúa, xin cho con vững tin rằng Chúa đã sống lại thật. Allêluia.
ÐGM Anphong NGUYỄN HỮU LONG -GP Vinh