“Làm thế nào đón nhận được Thiên Chúa tình thương?”
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc LongĐây là thắc mắc đi tìm Thiên Chúa dày vò trái tim tâm hồn Martin Luther suốt dọc đời sống từ khi ông bước chân vào sống trong Dòng Augustino là một thầy Dòng và sau này trở thành Linh mục năm 1507 ở Erfurt nước Đức.
Thắc mắc này đã thúc đẩy Ông đi tìm hiểu liên lỉ cùng sâu xa trong cầu nguyện, cùng theo tầm hiểu biết của con người suy tư về đức tin, về Giáo Hội thời Ông sinh sống. Qua đó Ông đã khám phá nhận ra nhiều điều không đúng trong đời sống Giáo Hội so chiếu với những gì như Kinh Thánh phúc âm đặt ra. Và từ đó Ông đã khơi lên phong trào cải cách canh tân đời sống Giáo Hội năm 1517 ở Wittenberg.
Phong trào đòi cải cách canh tân đời sống Giáo Hội do Martin Luther khởi xướng đã vấp phải những bác bỏ rồi lên án từ phía Giáo Hội thời Đức giáo hoàng Leo 10. ở Roma.
Từ đó nẩy sinh thành một Giáo Hội ly khai có tên Tin lành Luther từ năm 1522. Giáo Hội Tin lành Luthero tách ra khỏi Giáo Hội Công giáo Roma. Giáo Hội này đi theo một con đường sống đức tin vào Thiên Chúa riêng biệt.
1. Marin Luthero, vị khai sinh Giáo Hội Tin Lành
Martin Luther mở mắt chào đời ngày 10.11.1483 ở Eisleben vùng miền Đông nước Đức.
1505 vào tu dòng Augustino ở Erfurt
1507 chịu chức Linh mục
1512 đậu học bằng Tiến sĩ thần học ở Wittenberg
1517 đưa ra 95 luận đề đòi cải cách Giáo Hội ở nhà thờ Wittenberg
1521 bị lên án và chạy về sinh sống ở Wartburg
1522 trở về Wittenberg
1522 bản bản dịch Kinh Thánh tân ước tiếng Đức đầu tiên do chính Luther dịch từ Hylạp và Latinh.
1523 bản dịch Kinh Thánh cựu ước tiếng Đức đầu tiên do chính Luther dịch từ tiếng Hylap và Latinh
1534 xuất bản Kinh Thánh toàn bộ sang tiếng Đức do Luther dịch. Và được gọi là bản Kinh Thánh Luther.
18.02.1546 qua đời ở Eisleben.
Ngày 02.07.1505 trong lúc đi dạo từ Mansfield đến Erfurt, Martin Luther trải qua một cơn sấm sét nặng, làm Ông kinh hoàng sợ hãi tưởng như sắp chết vì bị sét đánh. Trong lúc lo sợ bối rối, Ông đã khấn xin cùng Thánh Anna, mẹ của Đức mẹ Maria: Lạy Thánh Anna xin cứu giúp con! Con muốn trở thành một thầy Dòng.“
Sau đó Martin Luther trung thành giữ lời khấn khứa. Ông từ gĩa nếp sống đời sinh viên ở đại học, vào tu trong Dòng khổ tu Augustino ở Erfurt. Việc Ông đi tu làm Thầy Dòng và sau này trở thành Linh mục hòan toàn trái ngược với ý muốn của cha ông. Vì cha ông muốn ông học ngành luật khoa ở đại học.
Vào sống trong nhà Dòng chuyên chú việc đạo đức, Martin Luther hằng suy nghĩ đi tìm câu trả lời cho thắc mắc: làm thế nào đón nhận được Thiên Chúa nhân từ; làm thế nào để sống đẹp lòng Ngài, để được Ngài thương cứu giúp ban ơn phúc lành. Trải qua đời sống cầu nguyện, ăn chay hãm mình, hy sinh đền tội, nhưng thầy Dòng Luther không thấy gì là chắc chắn đã sống đẹp lòng Chúa, và không biết có được Ngài đón nhận không.
Martin Luther sống trong bối rối hoài nghi.
Sau khi chịu chức Linh mục năm 1507, Martin Luther tiếp tục học thần học, nhưng Ông để tâm trí nghiên cứu học hỏi Kinh Thánh nhiều hơn.
Năm 1510 Martin Luther cùng với một thầy Dòng bạn được gửi sang Roma. Ở đây Ông đã đi hành hương viếng 07 thánh đường với mục đích hãm mình hy sinh đền tội, như luật xưng tội ngày xưa ấn định ra như vậy. Dù đi hành hương thăm viếng những thánh đường ở Roma, nhưng những ấn tượng tiêu cực về Giáo Hội nảy sinh theo đuổi tâm trí Ông. Ông thấy những lễ nghi Phụng vụ cử hành không có tâm tình suy niệm cầu nguyện tối thiểu cần thiết. Hầu như chỉ là chương trình phải làm như bổn phận ấn định ra như thế nơi các vị Tư Tế. Ông nghe ngóng cùng nhận thấy phần nhiều những vị Tư Tế thời đó chạy theo vinh quang quyền hành thế tục, và lợi dụng để nhằm củng cố địa vị của mình trong Giáo Hội.
Ngày 19.10.1512 Martin Luther đậu học bằng Tiến sĩ thần học. Ông vẫn hoài nghi về những bổn phận người Kitô hữu phải thi hành như luật định để lãnh nhận ơn Chúa. Những suy nghĩ hoài nghi thắc mắc đó nhiều lần đã khiến ông ngã bệnh nặng về thể xác. Và về tinh thần trong những giờ phút lo sợ đen tối đó Luther đã cảm thấy mình như bị Chúa nguyền rủa trừng phạt. Dẫu vậy, Luther tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu sâu xa hơn về Kinh Thánh, nhất là những Thánh Vịnh. Và từ đó Ông đã dần dần khám phá ra một hình ảnh mới về Chúa.
2. Sự công chính bắt nguồn từ Chúa
Do nghiên cứu tìm hiểu sâu rộng về Kinh Thánh nhất là 150 Thánh Vịnh do Vua Thánh Davít viết như lời cầu nguyện để lại, linh mục Luther đã nhận ra khía cạnh mới về Chúa: duy chỉ mình Chúa ban cho chúng ta sự công chính.
Theo Luther, xưa nay sự công chính được Chúa thứ tha ban cho , khi con người qua sự hy sinh hãm mình thể xác cũng như tinh thần, để mong nhận được cứu rỗi trên nước Trời, cho dù là mua bán ân xá, là sai không đúng.
Không phải con người chúng ta phải hy sinh nỗ lực cố gắng trở nên công chính trước mặt Chúa. Nhưng chỉ duy một mình Chúa làm cho chúng ta trở nên công chính thôi. Nếu chúng ta tin chấp nhận lời Chúa hứa ban, là tin Chúa Giêsu Kitô đã hy sinh chịu chết trên thánh gía, cùng nhận Người là Chúa trong đời sống của mình.
Với sự xác tín về hình ảnh mới của Chúa như thế, linh mục Martin Luther đã đặt toàn thể Gíao Hội trước vấn nạn mới về tín lý thần học, cùng gây ra khủng hoảng và nóng giận trong Giáo Hội truyền thống xưa nay.
Qua nghiên cứu tìm hiểu Kinh Thánh và nhận ra những sai trái trong Giáo Hội về tín lý cũng như mục vụ thực hành, Martin Luther đã đề ra những điều cần canh tân cải cách trong Giáo Hội thời điểm 1517.
3. 95 luận đề cải cách
Ngày 31.10.1517 Linh mục Martin Luther đã công bố 95 luận đề cải cách Giáo Hội trình bày ở thánh đường Wittenberg. Những luận đề này đã gây ra tranh cãi sôi nổi trong Giáo Hội nơi mọi thành phần, nhất là về việc mua bán bằng ân xá trong Giáo Hội thời đó.
Từ năm 1512 mỗi người tín hữu Chúa Kitô phải đến xưng tôi với linh mục để lãnh ơn tha tội, và được giảm bớt nhẹ hình phạt qua làm việc thiện, việc tốt lành. Nhờ mua bán ân xá – bằng ân xá – hình phạt trong lò luyện tội được tha giảm tùy theo điểm gía tiền mua bán bằng ân xá cho người đã qua đời, và cho chính mình sau này khi qua đời. Vì theo sự tin tưởng trong Giáo Hội thời đó, ai cũng sẽ phải trải qua thời kỳ ở lò lửa luyện tội sau khi qua đời. Câu thắc mắc được đặt ra, vậy phải ở nơi đó bao lâu mới được về hưởng nhan thánh Chúa. Vì thế Giáo Hội thời đó đặt ra lệ mua bằng ân xá để giải đáp cho vấn nạn thắc mắc này cách dễ dàng. Việc mua bán bằng ân xá thời đó cũng đã trở nên dịp cám dỗ đi đến lạm dụng cho lợi lộc quyền bính vật chất.
Và cũng không ai có thể chắc chắn bảo đảm được rằng phải mua bao nhiêu điểm, bao nhiêu bằng ân xá mới đủ để mau thoát khỏi hình phạt sau khi qua đời trong lò luyện tội hay hỏa ngục.
Martin Luther đã nhìn ra khía cạnh tiêu cực đen tối trong việc giữ đạo kiểu này. Nên với 95 luận đề Martin Luther trứơc hết công khai đả kích chống lại việc mua bán bằng ân xá. Đây là cuộc cải cách cách mạng lần đầu tiên trong Giáo Hội, và đặt ra vấn đề nguy cơ mới, là Giáo Hội phải từ bỏ nguồn thu nhập quan trọng.
Mùa hè 1518 Giáo triều Roma mở vụ án chống lại Martin Luther. Tòa án Giáo Hội lên án Luther là nhạo báng Thiên Chúa và mưu đồ gây phản đạo. Giáo triều Roma yêu cầu Martin Luther phải rút lại 95 luận đề chống Giáo Hội, cũng như không công nhận quyền bính của Đức giáo Hoàng Roma.
Nhưng Martin Luther đã không đáp ứng lời đòi buộc đó. Ông còn quảng bá thêm những điều mới cho 95 luận đề nữa. Theo Ông làm việc thiện tốt lành không có nghĩa là việc đạo đức do mình nghĩ đặt ra, nhưng là thực hành việc giúp đỡ nơi nào cần sự giúp đỡ. Ông công khai không công nhận quyền hành của đức giáo hoàng Roma, nhất là về việc canh tân cải cách trong Giáo Hội. Đây gần như mấu chốt gây ra vấn đề đưa đến ly khai khỏi Giáo Hội Công giáo Roma.
Công khai Martin Luther đã bảo vệ luận đề và những bài vở Ông viết đòi cải cách Giáo Hội. Ông nói:
„ Nếu tôi không bị làm cho thay đổi qua những chứng từ của sách Kinh Thánh hay qua những lý do hợp với lý trí – tôi tin rằng không riêng vị giáo hoàng nào cũng như không riêng Công Đồng, vì họ đã thường có nhiều sai lầm và chính họ cũng đã nói rút lại điều đã nói – tôi cảm thấy mình bị chiếm ngự bởi những lời trong Kinh Thánh. Và lương tâm tôi gắn dính liền trong Lời Chúa, và tôi không thể nói rút lại bất cứ điều gì vừa không là nguy cơ, vừa có sức chữa lành, chống lại lương tâm được. Tôi đứng giữ nguyên vị trí tôi đang đứng. Xin Thiên Chúa phù trợ tôi. Amen!“
4. Cuộc sống đời ly khai
Từ 1521 Martin Luther bị công khai lên án loại ra khỏi Giáo Hội. Và nhà vua Carolo V. cũng lên án cho Martin Luther là người sống gây ra sự bất an ổn trong xã hội, một người sống không theo luật pháp và là một loài chim trong rừng hoang. Bị kết án như thế, chẳng khác nào bị kết án tử hình.
Martin Luther về mặt thể xác như biến mất khỏi màn ảnh sân khấu cuộc đời. Nhưng về mặt tinh thần qua hình ảnh và những bài viết, Ông lại luôn có mặt cùng được biết đến nhiều hơn trước.
Trong âm thầm Ông làm việc quy vào ba trọng tâm: Khơi dậy những phong trào đòi cải cách tự phát; bảo vệ tin mừng phúc âm chống lại những tấn công của Giáo Hội thời Trung cổ sau này, cũng như cổ võ đón tiếp những người trong phong trào học đọc phúc âm.
Ở Wartburg Ông bắt đầu dịch sách Kinh Thánh Tân ước sang tiếng Đức. Công việc dịch thuật này không chỉ góp phần vào việc quảng bá sách Kinh Thánh, nhưng còn đóng góp vào công trình phát triển một thứ tiếng Đức đồng nhất. Trong lãnh vực ngôn ngữ Martin Luther là người có năng khiếu rất tài giỏi nhậy bén cùng tinh tế viết thi phú văn chương.
Với 95 luận đề cải cách Martin Luther đã khiến cho phong trào mua bán bằng ân xá phải suy nghĩ lại cùng đưa đến quyết định loại bỏ khử trừ tệ nạn xấu này. Bây giờ với việc phổ biến sứ điệp tin mừng đến lượt luật độc thân, đời sống tu sỹ nhà Dòng và Thánh lễ Misa bị lung lay nghi ngờ.
Tháng 10.1521 Martin Luther đặt vấn nạn về bảy Bí tích trong Giáo Hội. Theo Martin Luther
những Bí tích này chẳng khác nào cảnh tù đày Babylon ngày xưa. Và Ông căn cứ trên nền tảng phúc âm đưa ra lý thuyết mới cách cắt nghĩa tìm hiểu về bí tích. Được kể là Bí tích phải do chính Chúa Giêsu Kitô thiết lập, và phải hội đủ ít nhất một trong những điều kiện : nước, rượu nho và bánh. Chỉ hai Bí tích Rửa tội và bữa tiệc ly là những Bí tích đích thực. Vì hai bí tích đó hội đủ điều kiện như trong Phúc âm do Chúa Giêsu ấn định và Ngài đã thi hành.
Martin Luther đưa luận cứ làm phản đề như sau: „ Một người tín hữu Chúa Kitô là một người có tự do trong mọi sự, và không bắt ai thần phục mình. Một người tín hữu Chúa Kitô là một người đầy tớ phục vụ mọi sự, và là thần dân của mỗi người.“
Bị loại bỏ khỏi Giáo Hội Công giáo, Martin Luther đã tự cho mình tước hiệu mới: Ecclesiant- Thầy giảng dậy. Ông đưa ra theo thứ tự về nếp sống trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người:
1. Thiên Chúa xử sự ra bên ngoài qua Lời Ngài và các Bí tích ( Rửa tội và Bữa tiệc ly)
2. Trong thâm tâm Thiên Chúa xử sự qua đức tin trong Chúa Thánh Thần.
3. Người nào căn cứ vào Chúa Thánh Thần, họ phải minh chứng lời họ nói phù hợp với Kinh Thánh.
4. Lời giảng dậy qua luật lệ làm cho con người tỉnh thức về tội lỗi, nhưng họ được phúc âm mang đến cho niềm an ủi.
5. Theo đó nảy sinh sự hủy diệt tự yêu mình ( hy sinh quên mình), và nảy sinh sự yêu mến với người khác.
Những ý tưởng thần học này đã được Luther khai triển thành hệ thống sola/ solus
5. Hệ thống thần học dựa trên sola / solus
Martin Luther đã bỏ nhiều thời giờ và công sức vào việc tìm hiểu suy niệm cũng như dịch thuật sách Kinh Thánh tân ước sang tiếng Đức, và sách Kinh Thánh làm nền tảng cho những suy tư, những bài viết cùng luận đề thần học của Ông. Ông đã đọc phân tích kỹ lưỡng thư của Thánh Phaolo gửi giáo đoàn Roma. Và ông đã tìm thấy chìa khóa giải đáp cho thắc mắc của Ông về tín lý trong câu:
“ Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Dothái, sau là người Hylạp. Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.“ ( Roma 1,16-17).
Vì thế, xưa nay có suy nghĩ cho rằng Giáo Hội Tin lành là Giáo Hội của Phaolô. Đây cũng chỉ là suy tưởng nhiều hơn thôi. Và từ nền tảng đức tin Martin Luther đã đưa ra hệ thồng thần học của mình theo nguyên tắc Sola/ solus như sau:
1.Sola scriptura: duy chỉ một mình sách Kinh thánh là nguồn của đức tin và sự hiểu biết về Thiên Chúa, cùng là thước đo lời nói và việc làm của người Kitô hữu.
2.Sola gratia:duy chỉ nhờ ân đức, không cần đến bất cứ hành động cộng tác nào, con người được Chúa cho trở nên công chính.
3.Sola fide: duy chỉ nhờ đức tin, món qùa tặng đón nhận Lời Chúa trong Chúa Giêsu Kitô
( không phải là thành tích của con người làm ra) mang đến ơn cứu rỗi.
4. Solus Christus: duy chỉ mình Chúa Giêsu Kitô, đấng là người thật và là Thiên Chúa thật, qua sự hy sinh thay cho mọi người chết trên thập gía một lần thay cho mọi lần đem đến sự cứu rỗi cùng sự thánh thiện cho chúng ta. Những điều đó bắt nguồn chứa đựng trong Phúc âm, nơi Bí Tích bữa tiệc ly. Đây là nguyên do chính yếu của nguyên tắc canh tân đức tin.
6. Con đường đại kết
Phong trào đòi canh tân cải cách sửa chữa những sai lầm không đúng trong đời sống Giáo Hội do Martin Luther phát động với 95 luận đề ở Wittenberg năm 1517 đã gây nên thảm họa ly khai chia Giáo Hội Công giáo ra thêm một nhánh khác nữa từ ngày đó. Tuy cả hai cùng tin vào một Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần như nhau.
Hai bên Công giáo và Tin lành có những con đường thực hành đức tin vào Chúa khác nhau, như việc tôn kính Đức Mẹ Maria, tôn kính các Thánh, đang khi bên Giáo Hội Công giáo thì đề cao việc đạo đức này, nhưng bên Tin Lành thì phủ nhận, không có tập tục sống đạo như thế.
Bên Giáo Hội Công giáo lấy 07 Bí tích làm căn bản cho đời sống thực hành sống đức tin: Rửa tội, Thêm sức, Mình Thánh Chúa, Giải tội, Hôn nhân, Truyền chức thánh và Xức Dầu . Đang khi bên Tin lành chỉ công nhận 2 bí tích mà thôi: Rửa tội và Bữa tiệc ly.
Đức giáo hoàng Roma là vị đại diện Chúa Chúa Kitô ở trần gian, kế vị Thánh Phero đứng đầu Giáo Hội Công giáo. Nhưng bên Tin lành không công nhận quyền bính của Đức giáo hoàng Roma như thế.
Bên Công giáo có phẩm trật từ trên xuống dưới do Thiên Chúa kêu gọi sắp đặt ban cho trong Giáo Hội: Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục và Tu sỹ nam nữ. Đang khi bên Tin Lành không có phẩm trật như thế. Mỗi Giáo Hội Tin lành địa phương mỗi nước độc lập riêng rẽ, không có trung ương cho toàn thể Giáo Hội Tin lành toàn cầu.
Từ Công đồng Vatican thứ hai (1965) phong trào Đại kết giữa Công giáo và Tin lành được khởi xướng đề cao. Mục đích của đại kết là muốn tìm hiểu, xóa đi những nghi kỵ chống báng nhau theo tinh thần phúc âm của Chúa. Cùng nhau có thể đạt tới điểm chung về đức tin, về cách thức thực hành đức tin, và có thể đi đến chỗ công nhận nhau, để cho tín hữu hai bên cùng thông phần tham dự hợp luật lệ ở cả hai bên.
Hai bên đã công nhận bí tích Rửa tội của nhau. Nhưng Bí tích Thánh Thể, mà bên Tin lành gọi là bữa tiệc ly thì chưa. Vì theo Giáo hội Công giáo bên Tin Lành không có chức linh mục theo phẩm trật từ các Tông đồ truyền lại.
Và theo Giáo lý Công giáo trong mỗi Thánh lễ Misa Chúa Giêsu đều hiện diện thực sự dưới hình Bánh và Rượu ban ơn cứu độ. Thánh lễ Misa Công giáo do các Linh mục mừng hằng ngày, và luật hằng tuần ngày Chúa nhật tham dự Thánh lễ với mọi người tín hữu Công giáo.
Bữa tiệc ly do các vị Mục sư Tin lành cử hành không phải là Bí tích Thánh Thể theo như Giáo lý bên Công giáo, và bên Tin Lành chỉ cử hành Bữa tiệc ly một tháng một lần.
Con đường đại kết là con đường dài, còn nhiều điều phải thu dọn giải quyết vượt qua bằng tìm hiểu đối thoại.
Hôm 23.09.2011 Đức giáo hoàng Benedictô 16. đã đến thăm nhà Dòng Augustino ở Erfurt, nơi ngày xưa Martin Luther đã sống trải qua đời tu trì và trở thành linh mực ở đây. Nhiều mong ước chờ đợi ở Đức giáo hoàng về đại kết được đặt ra. Nhưng đức giáo hoàng đã có suy tư về đại kết dưới ánh sáng mới cùng căn để hơn:
„ Điều quan trọng nhất cho việc đại kết, theo tôi, là chúng ta đừng để vô tình vì không chú ý bị phong trào tục hóa thúc đẩy làm đánh mất những điểm chung lớn lao. Những điểm đó làm cho chúng ta trở nên người tín hữu Chúa Kitô, cùng là ân đức và nhiệm vụ trao cho chúng ta. Rõ ràng đã là điều thiếu sót sai lầm của thời đại về tôn giáo, mà chúng ta nhìn thấy sự ngăn chia, và không chấp nhận điều đó từ căn băn. Những điều trong Kinh Thánh và tuyên xưng đức tin về đạo Chúa Kitô ngày xưa là điều chung hợp của chúng ta.
Chúng ta đã đạt được bước tiến triển lớn lao trong tinh thần đại kết từ những thập niên qua là cần thiết có sự chung hợp, là chúng ta cùng nhau hát ca tụng Thiên Chúa, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau loan truyền nền luân lý đạo đức cho thế giới, cùng nhau làm nhân chứng cho Chúa Giêsu trong thế giới này…
Không phải sự suy giảm bớt đi về đức tin giúp chúng ta, nhưng chỉ sống đức tin toàn vẹn trong thế giới ngày hôm nay. Đó là bổn phận chính yếu trung tâm của đại kết. Chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau thực hành điểm này: sống đức tin sâu xa và sống động.
Không phải những hành động có tính chiến thuật cứu giúp đạo Kytô giáo chúng ta, nhưng đức tin được suy nghĩ mới lại, một đức tin sống động mới, nhờ Chúa Kitô, và trong Người, đấng là Thiên Chúa sống động đi vào trong thế giới hôm nay. “ .
Học giả giáo sư triết học Robert Spaemann đã có nhận xét về đối thoại đại kết với Giáo Hội Tin Lành Luther nhân chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Benedictô 16. ở Erfurt như sau:
„Thật ra Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. đã ca ngợi con đường đối thoại đã đạt được cho tới nay, và ngài đã mời gọi tiếp tục cuộc đối thoại với các sáng kiến hiệp nhất trong lãnh vực cầu nguyện và hoạt động xã hội của cả hai Giáo Hội. Nhưng việc cùng cử hành Thánh Thể là điều vẫn chưa thể làm được, xét vì các anh em tin lành không nhìn nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc đối thoại với Giáo Hội cải cách đang gặp khó khăn không thuộc trật tự thần học.
Tôi có ý nói rằng các anh em thuộc Giáo Hội Luther đã đầu hàng trước tiến trình tục hóa liên quan tới các vấn đề như lỵ dị, phá thai, trợ tử và các đề tài luân lý đạo đức lớn. Như thế họ đang xa rời truyền thống kitô. Và đây là một vấn đề rất lớn cần phải giải quyết giữa họ với nhau, chứ không phải giữa các tín hữu công giáo.“ ( Vietcatholic.net, Đức Thánh Cha khiến cho giới báo chí Đức kinh ngạc, ngày 06.10.2011)
************
Suốt dọc đời sống Martin Luther đã luôn thao thức băn khoăn đi tìm nhan thánh Chúa. Những con đường Ông đã sống đi qua, hay Ông được ơn soi sáng thúc đẩy có sáng kiến lập vẽ ra để đi tìm Chúa, đều nói lên tâm trạng của người lữ hành: làm sao tiếp nhận được Thiên Chúa tình thương.
Tâm trạng đó Martin Luther đã nói viết để lại trước khi Ông qua đời ngày 18.02.1546 trong câu: “Qủa thật, Chúng ta là người hành khất!“
Phải chăng tâm sự là một người hành khất cũng là tâm trạng của một tâm hồn sống cầu nguyện xin Chúa thương ban ơn cứu giúp. Vì thấy mình giới hạn, thiếu thốn nghèo hèn?
Đức đương kim Giáo hoàng Benedictô 16. trong cuộc phỏng vấn với ký giả Peter Seewald cũng nói lên tâm tình này:
“Tôi là Giáo hoàng nhưng cũng chỉ là một người hành khất trước mặt Chúa như biết bao nhiêu người khác thôi, và còn phải sống hành khất nhiều hơn người khác nữa. Tôi hằng cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Đấng tôi luôn hằng liên kết với. Tôi kêu cầu sự trợ giúp của các Thánh- ba vị Thánh tôi hằng kêu xin là Thánh Augustino, Thánh Bonaventura và Thánh Thoma Aquino như những người Bạn. Rồi Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, là nơi điểm tựa quan trọng cho tôi.“ ( Papst Benedickt XVI., Licht der Welt, Herder 2010, trang 32).
Thế kỷ, năm tháng, ngày giờ đã, đang cùng sẽ lần lượt qua đi. Nhưng đời sống con người cũng vẫn luôn là người hành khất trên trần gian.
Nếu không ở hết mọi lãnh vực, thì ít nhất cũng trong lãnh vực tinh thần niềm tin tôn giáo: Con người luôn cần ơn trợ giúp của Thiên Chúa từ trời cao cho đời sống giới hạn nghèo nàn của mình.
Ngày canh tân cải cách của Giáo Hội Tin Lành (Reformationstag).