Con đường từ Ga-li-lê về Giê-ru-sa-lem, dọc theo sông Gio-đan, ngày 28/09/2007
|
Dẫn nhập
“Tên gọi”, “vai trò” và “tương quan” giữa Đấng Pa-rác-lê với Đức Giê-su, với thế gian và với các môn đệ đã được trình bày chi tiết trong tập sách: ĐẤNG PA-RÁC-LÊ – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng thứ tư. Tuy nhiên, trong các bài chia sẻ, các độc giả thường thấy xuất hiện tên gọi: “Đấng Pa-rác-lê” và thắc mắc về danh xưng này. Bài viết sau đây sẽ bàn đôi nét về “Đấng Pa-rác-lê” trong Tin Mừng thứ tư, bằng cách trả lời ba câu hỏi sau:
1. Đấng Pa-rác-lê là ai mà trước đây không nghe nói đến?
2. Tại sao không dịch ra tiếng Việt mà lựa chọn chuyển âm
tiếng Hy Lạp paraklêtos sang tiếng Việt “Đấng Pa-rác-lê”?
3. Tiếng Hy Lạp có bốn âm tiết: Pa-rak-lê-tos, tại sao
khi chuyển âm sang tiếng Việt chỉ lấy ba âm: Pa-rác-lê?
Phần chia sẻ sau đây nhằm mục đích khám phá những nét độc đáo của thần học Tin Mừng thứ tư về “Đấng Pa-rác-lê”. Rất mong được sự đóng góp của độc giả, để cùng giúp nhau hiểu rõ hơn món quà tặng quý giá mà Đức Giê-su đã ban cho các môn đệ: Đấng Pa-rác-lê.
I. Đấng Pa-rác-lê là ai?
Danh xưng “Đấng Pa-rác-lê” là chuyển âm từ tiếng Hy Lạp paraklêtos. Trong Tin Mừng thứ tư, “Đấng Pa-rác-lê” (ho paraklêtos) được đồng hoá với “Thánh Thần” (to pneuma to hagion)” (Ga 14,26) và Thần Khí sự thật (to pneuma tês alêtheias)” (Ga 14,17; 15,26). Trong toàn bộ Kinh Thánh, “Đấng Pa-rác-lê, Thần khí sự thật” chỉ xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an (không xuất hiện trong tất cả các sách khác của Kinh Thánh). Trong thư thứ nhất Gio-an, có xuất hiện 1 lần từ “paraklêtos” và áp dụng cho Đức Giê-su (1Ga 2,1) chứ không phải là Đấng Pa-rác-lê – Thánh Thần.
Trong Tin Mừng Gio-an, Đấng Pa-rác-lê xuất hiện ở năm đoạn văn: 1) 14,15-17; 2) 14,25-26; 3) 15,26-27; 4) 16,7-11; 5) 16,12-15. Cả năm đoạn văn này thuộc về 3 chương (Ga 14–16). Chi tiết các đoạn văn này sẽ trình bày trong phần phân tích dưới đây. Khi đọc năm đoạn văn trên trong các bản dịch Kinh Thánh, độc giả sẽ thấy có nhiều cách dịch khác nhau. Có thể liệt kê một số cách dịch từ Hy Lạp “paraklêtos” như sau: tiếng Việt: “Đấng Bảo Trợ” (NPD/CGKPV); “Đấng Bàu Chữa” (Nguyễn Thế Thuấn, 1976); tiếng Pháp: “Le Consolateur” (Louis Segond, 1910); tiếng Anh: “The Comforter” (KJV, 1997), “the Counsellor” (NIV, 1984); “the Helper” (NKJV, 1982); “the Advocate” (NRS, 1989). Như thế, danh từ “paraklêtos” được một số bản dịch lựa chọn dịch sang tiếng Việt: “Đấng Bảo Trợ”, “Đấng Bàu Chữa”. Điều lạ đối với độc giả là tại sao không dịch từ “paraklêtos” ra tiếng Việt mà lại chuyển âm: “Đấng Pa-rác-lê”.
II. Tại sao chuyển âm từ “paraklêtos”?
Để trả lời câu hỏi này, phần sau sẽ tìm hiểu ba mục:
1) Nghĩa của từ paraklêtos trong văn chương Hy Lạp
2) Nghĩa của từ paraklêtos trong Tin Mừng thứ tư.
3) So sánh hai nghĩa trên để thấy rằng: không thể dịch được
ý nghĩa của từ “paraklêtos” trong Tin Mừng thứ tư.
1) “Paraklêtos” trong văn chương Hy Lạp
Trong văn chương Hy-lạp, danh từ paraklêtos chỉ một người bênh vực (défenseur), một luật sư (avocat). Philon d’Alexandrie viết: “Bạn không có chút thuận lợi nào để mong chờ ở người nắm quyền lực. Chúng ta phải tìm một người bênh vực (paraklêton) có toàn quyền để làm cho Caius [Hoàng đế Caligula] thuận theo chúng ta” (In Flaccum, 22. Trích dẫn lấy trong Les œuvres de Philon d’Alexandrie, XXXI, In Flaccum [dịch giả: A. PELLETIER], Paris, Le Cerf, 1967, p. 58-61).
Trong văn chương Hy Lạp, danh từ paraklêtos chuyển hóa từ động từ parakaleô, có nghĩa: “được gọi đến bên cạnh” (appeler auprès de, à côté de). M. Gourgues định nghĩa danh từ “paraklêtos” như sau: “Đấng Pa-rác-lê chỉ người – bằng những lời khuyên của mình, bằng sự hiện diện của mình, bằng lời chứng của mình – đứng ra bảo vệ một người khác khi cần thiết. Theo sát nghĩa, đó là người đứng bên cạnh một người khác để trợ giúp người ấy” (M. GOURGUES, En Esprit et en Vérité, Piste d’exploitation de l’évangile de Jean,(Sciences Bibliques 11), Montréal, Médiaspaul, 2002, p. 284).
Nói chung, trong văn chương Hy Lạp, “paraklêtos”là người can thiệp trong khung cảnh một vụ kiện. Ignace de La Poterie nhận xét: “Trong những bản văn cổ Hy Lạp cũng như trong các tài liệu của các thầy Do Thái, từ này luôn đặt chúng ta trong bối cảnh ít nhiều mang tính pháp lý: ‘Một pa-rác-lê’ là người đến giúp đỡ người nào đó, thường là người bị buộc tội, bằng cách hiện diện như là luật sư của người ấy, như là người bảo vệ hay người chuyển cầu của người ấy” (I. de LA POTTERIE, La vérité dans saint Jean, t. I, Le Christ et la vérité. L’Esprit et la vérité, (AnBib 73),Rome, Biblical Institute Press, 1977, p. 332).
Tóm lại, trong văn chương Hy Lạp, “paraklêtos” là người có vai trò pháp lý trong khung cảnh một vụ kiện. Paraklêtos là người đứng ra bênh vực người đang bị kiện cáo trước toà. Theo nghĩa này, có thể dịch “paraklêtos” là “trạng sư”, “luật sư”, “người bào chữa”, “người bênh vực”… Tuy nhiên, trong bối cảnh văn chương Tin Mừng thứ tư, “paraklêtos” làm nhiệm vụ gì và liệu có thể dịch được từ này hay không?
2) “Paraklêtos” trong Tin Mừng thứ tư
Trong Tin Mừng thứ tư, hoạt động của Đấng Pa-rác-lê được thực hiện trong bối cảnh pháp lý. Điều này phù hợp với thần học Tin Mừng thứ tư. Thực vậy, toàn bộ sách Tin Mừng được trình bày như một vụ kiện, đó là vụ kiện giữa Ánh Sáng và bóng tối, giữa Đức Giê-su và những kẻ chống đối, vụ kiện giữa các môn đệ và thế gian thù ghét. Trong bối cảnh vụ kiện này, Đấng Pa-rác-lê sẽ làm chứng (marturêsei) cho Đức Giê-su (15,26) và Người sẽ chứng minh (elegzei) thế gian sai lầm (16,8).
Tuy nhiên, theo thần học Tin Mừng thứ tư, Đấng Pa-rác-lê không liên hệ trực tiếp với những kẻ chống đối và thế gian thù ghét. Đức Giê-su nói rõ với các môn đệ: “Thần Khí sự thật là Đấng thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy, không biết Người” (14,17a). Thế gian chống đối, không tin và ghét Đức Giê-su, cũng như ghét các môn đệ, nên thế gian “không thấy”, “không biết” và “không đón nhận Đấng Pa-rác-lê”. Vì không có sự giao tiếp giữa “thế gian” và “Đấng Pa-rác-lê” nên không có chuyện Đấng Pa-rác-lê sẽ biện hộ cho các môn đệ trước tòa án thế gian. Vậy, “Đấng Pa-rác-lê” làm gì? Liệt kê năm đoạn văn về Đấng pa-rác-lê (14,15-17; 14,25-26; 15,26-27; 16,7-11; 16,12-15) sẽ cho thấy vai trò và sứ vụ của Đấng Pa-rác-lê theo thần học Tin Mừng thứ tư. Các trích dẫn Kinh Thánh dưới đây lấy trong Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt.
a) Đấng Pa-rác-lê ở lại mãi mãi nơi các môn đệ
Đoạn văn thứ 1: Ga 14,15-17. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “15Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy; 16và chính Thầy sẽ can thiệp với Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Pa-rác-lê khác để Người ở với anh em mãi mãi. 17Thần Khí sự thật là Đấng thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy cũng chẳng biết Người. Còn anh em, anh em biết Người, vì Người ở lại giữa anh em và Người sẽ ở trong anh em.”
Đặc điểm thứ nhất về vai trò của Đấng Pa-rác-lê là Người “ở lại mãi mãi” nơi các môn đệ. Bản văn nhấn mạnh đề tài “ở lại” này bằng cánh dùng ba giới từ Hy Lạp: meta (với), para (giữa) và en (trong). Đấng Pa-rác-lê là Đấng “ở với các môn đệ”, “ở trong từng môn đệ” và “ở giữa cộng đoàn các môn đệ”. Đặc điểm của sự “ở lại” này là “mãi mãi”. Có lẽ cộng đoàn Gio-an đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách, cộng đoàn đã không nhận ra Đấng Pa-rác-lê đang ở với và đang đồng hành với mình, nên bản văn đã nhấn mạnh ý tưởng “ở lại” này trong đoạn văn thứ nhất về Đấng Pa-rác-lê.Xem hoàn cảnh của các môn đệ trong:KHỦNG HOẢNG VÀ GIẢI PHÁP cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư.
b) Đấng Pa-rác-lê “dạy” và “làm cho nhớ lại”
Đoạn văn thứ 2: Ga 14,25-26, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “25Những điều này Thầy đã nói với anh em khi còn ở lại với anh em; 26nhưng Đấng Pa-rác-lê, Thánh Thần, Đấng mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Đấng Pa-rác-lê sẽ dạy anh em tất cả và sẽ làm cho anh em nhớ lại tất cả những gì [chính] Thầy đã nói với anh em.”
Đoạn văn thứ hai nói về vai trò giảng dạy của Đấng Pa-rác-lê. Đối tượng giảng dạy là các môn đệ. Nội dung giảng dạy là tất cả những gì Đức Giê-su đã nói. Cách thức giảng dạy gồm hai khía cạnh. (1) Những gì Đức Giê-su đã nói mà các môn đệ chưa biết, chưa hiểu thì Đấng Pa-rác-lê sẽ dạy cho các môn đệ biết. (2) Những gì các môn đệ đã biết, đã hiểu nhưng quên, thì Đấng Pa-rác-lê sẽ “làm cho các môn đệ nhớ lại”. Như thế, trong đoạn văn này, Đấng Pa-rác-lê giữ vai trò Thầy dạy, chứ không phải là luật sư hay người bênh vực.
c) Đấng Pa-rác-lê làm chứng
Đoạn văn thứ 3: Ga 15,26-27, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “26Khi Đấng Pa-rác-lê đến, Đấng mà chính Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Cha, Người là Thần Khí sự thật, Người xuất phát từ nơi Cha, Đấng Pa-rác-lê sẽ làm chứng về Thầy. 27Cả anh em, anh em cũng làm chứng, vì từ khởi đầu, anh em ở với Thầy.”
Trong đoạn văn thứ ba này, Đấng Pa-rác-lê giữ vai trò “làm chứng cho Đức Giê-su” (15,26) và nối kết với vai trò làm chứng của các môn đệ (15,27). Như đã trình bày ở trên, thế gian không thấy, không biết, không đón nhận Đấng Pa-rác-lê, nên Đấng Pa-rác-lê không làm chứng cho Đức Giê-su trước thế gian, mà Đấng Pa-rác-lê, ở trong các môn đệ, sẽ làm chứng về Đức Giê-su trước và trong các môn đệ. Nghĩa là Đấng Pa-rác-lê làm chứng về Đức Giê-su trước các môn đệ, để các môn đệ vững tin và không vấp ngã vì thử thách và bách hại. Đồng thời, Đấng Pa-rác-lê làm chứng trong các môn đệ, để các môn đệ can đảm làm chứng cho Đức Giê-su, khi phải đối diện trực tiếp với thế gian thù ghét.
d) Đấng Pa-rác-lê chứng minh thế gian sai lầm
Đoạn văn thứ 4: Ga 16,7-11, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “7Chính Thầy nói sự thật với anh em: Sẽ có lợi cho anh em nếu Thầy ra đi. Nếu Thầy không ra đi, Đấng Pa-rác-lê sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. 8Khi Đấng ấy đến, Người sẽ chứng minh thế gian sai lầm về tội, về sự công chính và về sự xét xử. 9Về tội: Họ không tin vào Thầy. 10Về sự công chính: Thầy đi về với Cha, và anh em không còn thấy Thầy. 11Về sự xét xử: Thủ lãnh của thế gian này đã bị xét xử.”
Trong Tin Mừng thứ tư, Đấng Pa-rác-lê chỉ hoạt động nơi các môn đệ mà thôi. Vì thế nội dung đoạn văn thứ 4 này được hiểu là Đấng Pa-rác-lê sẽ chứng minh cho các môn đệ biết là thế gian sai lầm (16,8). Đấng Pa-rác-lê sẽ cho các môn đệ biết ba điều: 1) Thế gian có tội (16,9), 2) Sự công chính thuộc về Đức Giê-su (16,10), 3) Thủ lãnh thế gian đã bị xét xử rồi (16,11). Nghĩa là Đấng Pa-rác-lê sẽ làm cho các môn đệ biết sự thật về thế gian thù ghét.
e) Đấng Pa-rác-lê dẫn đi trong sự thật,
loan báo và tôn vinh Đức Giê-su.
Đoạn văn thứ 5: Ga 16,12-15, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “12Thầy vẫn có nhiều điều để nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không thể mang nổi. 13Khi Đấng Pa-rác-lê đến, Thần Khí sự thật, Đấng ấy sẽ dẫn anh em đi trong sự thật toàn vẹn; Người sẽ không nói tự mình, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và Người sẽ loan báo cho anh em những điều sẽ xảy đến. 14Đấng ấy sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. 15Mọi sự Cha có đều là của Thầy. Vì điều này Thầy đã nói: ‘Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.’”
Trong đoạn văn thứ năm này, Đấng Pa-rác-lê giữ vai trò dẫn đường. Đấng Pa-rác-lê sẽ dẫn các môn đệ đi trong sự thật toàn vẹn (Ga 16,12). Con đường ấy là Đức Giê-su và sự thật ấy cũng chính là Đức Giê-su, vì Người đã nói với các môn đệ: “Chính Thầy là con đường và là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (14,6). Kế đến, Đấng Pa-rác-lê sẽ lấy những gì là của Đức Giê-su mà loan báo cho các môn đệ và Đấng ấy sẽ tôn vinh Đức Giê-su.
Trên đây là 5 đoạn văn trong Tin Mừng thứ tư mô tả vai trò và sứ vụ của “Đấng Pa-rác-lê”; so sánh ý nghĩa của danh từ “paraklêtos” trong Tin Mừng Gio-an và trong văn chương Hy Lạp sẽ cho thấy nét độc đáo của thần học Tin Mừng thứ tư.
3) “Paraklêtos” trong Tin Mừng thứ tư và trong văn chương Hy Lạp
Nét độc đáo của Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng thứ tư là hai khía cạnh hoạt động của Đấng này: (a) Làm cho các môn đệ biết sự thật về thế gian; (b) Làm cho các môn đệ biết mặc khải của Đức Giê-su qua việc “dạy”, “làm cho nhớ lại” (14,26), “nói” và “loan báo” (16,13). É. Cothenet viết: “Hoạt động của Đấng Pa-rác-lê Thần Khí không chỉ được thực hiện trong khung cảnh vụ kiện chống lại thế gian. Hoạt động của Đấng này còn bao hàm chức năng giảng dạy” (É. COTHENET, La chaîne des témoins dans l’évangile de Jean,De Jean-Baptiste au disciple bien-aimé, (Lire la Bible 142), Paris, Le Cerf, 2005, p. 109). X. Léon-Dufour tóm kết những nhiệm vụ của Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng thứ tư như sau: “Nhiệm vụ của Đấng Pa-rác-lê nhận nơi Cha và nơi Con có thể đưa về ba chức năng: 1) Ở với và ở trong các môn đệ; 2) Dạy các môn đệ; 3) Làm chứng cho Đức Giê-su” (X. LéON-DUFOUR, Lecture de l’Évangile selon Jean, t. III,Paris, Le Seuil, 1993, p. 238).
Những trích dẫn năm đoạn văn trên cho thấy Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng Gio-an có những nhiệm vụ phong phú, đa dạng so với nghĩa pháp lý của từ “paraklêtos” trong văn chương Hy Lạp. Có thể so sánh hai nghĩa của từ “paraklêtos” như sau:
Trong văn chương Hy Lạp, “paraklêtos” thi hành nhiệm vụ trong một vụ kiện, “paraklêtos” là người bênh vực cho bị cáo trước toà, như là một luật sư, trạng sư…
Trong Tin Mừng thứ tư, Đấng Pa-rác-lê không biện hộ cho các môn đệ trước toà thế gian vì thế gian không biết và không đón nhận Đấng Pa-rác-lê. Nhiệm vụ của Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng Gio-an có thể tóm kết qua tám đặc điểm sau:
1- Đấng Pa-rác-lê là “Thần Khí sự thật”, là “Thánh Thần”.
2- Đấng Pa-rác-lê là “Đấng hiện diện với”.
Người “ở với”, “ở giữa”, “ở trong” các môn đệ “mãi mãi”.
3- Đấng Pa-rác-lê là “Thầy dạy”.
Người sẽ dạy các môn đệ tất cả
và làm cho các môn đệ nhớ lại tất cả
những gì Đức Giê-su đã nói.
4- Đấng Pa-rác-lê là “Chứng Nhân”.
Người làm chứng về Đức Giê-su trước và trong các môn đệ.
5- Đấng Pa-rác-lê là “Đấng mặc khải”, “Đấng làm cho biết”.
Người sẽ chứng minh cho các môn đệ biết là
thế gian sai lầm về tội, về sự công chính và về sự xét xử.
6- Đấng Pa-rác-lê là “Đấng dẫn đường”.
Người sẽ dẫn các môn đệ đi trong sự thật toàn vẹn.
7- Đấng Pa-rác-lê giữ vai trò “ngôn sứ”.
Người sẽ nói và loan báo cho các môn đệ
những điều sẽ xảy đến, Người loan báo cho các môn đệ
những gì là của Đức Giê-su.
8- Đấng Pa-rác-lê là “Đấng tôn vinh Đức Giê-su”.
Cả tám đặc điểm trên đều vượt khỏi phạm vi pháp lý của từ “paraklêtos” trong văn chương Hy Lạp, vì Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng thứ tư không đối diện trực tiếp với thế gian. Tác giả sách Tin Mừng đã dùng từ Hy Lạp “paraklêtos” để xây dựng thần học riêng về “Đấng Pa-rác-lê” với những nghĩa mới. “Paraklêtos” trong Tin Mừng Gio-an không giữ vai trò của một luật sư hay một trạng sư (avocat), không giữ vai trò của người bảo vệ (défenseur), người an ủi (consolateur) hay người chuyển cầu (intercesseur).
“Paraklêtos” trong Tin Mừng Gio-an là “Thần Khí sự thật”, là “Thánh Thần”, là “Đấng hiện diện với”, là “Thầy dạy”, là “Chứng Nhân”, là “Đấng mặc khải”, là “Đấng dẫn đường”, là “ngôn sứ” và là “Đấng tôn vinh Đức Giê-su”. Với những nhiệm vụ và hoạt động đa dạng như trên, không một ngôn ngữ nào có thể dịch được hết nghĩa của từ “paraklêtos” trong Tin Mừng thứ tư.
Chúng tôi đồng thuận với nhiều tác giả và nhiều bản dịch lựa chọn giữ nguyên ngữ từ “parraklêtos” trong Tin Mừng thứ tư như: “Paracletus” (VUL, 1983); “Le Paraclet” (TOB, 1998; BJ, 2000; OSTY, 1973; JEANNE D’ARC, Évangile selon Jean, Présentation du texte grec, traduction et notes, [Les évangiles], Paris, Les Belles Lettres – DDB, 1990; Y. SIMOENS, Selon Jean, 1. Une traduction, [IET 17], Bruxelles, IET, 1997); “The Paraclete” (NJB, 1985…).
Gọi “Paraklêtos” trong Tin Mừng là “Đấng Pa-rác-lê” cho phép bảo toàn nhiệm vụ phong phú, đa dạng và mới mẻ của Đấng này so với nghĩa gốc trong văn chương Hy Lạp, đồng thời chú trọng đến các tương quan đặc thù của Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng thứ tư với Chúa Cha, với Đức Giê-su, với các môn đệ và với thế gian. Xem phân tích chi tiết các tương quan này trong ĐẤNG PA-RÁC-LÊ – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng thứ tư. Đến đây có thể trả lời câu hỏi thứ ba: Tiếng Hy Lạp có bốn âm tiết (Pa-rak-lê-tos), tại sao khi chuyển âm sang tiếng Việt chỉ lấy ba âm tiết (Pa-rác-lê)?
III. “Pa-rak-lê-tos” và “Đấng Pa-rác-lê”
Những phân tích trên lý giải cho lựa chọn chuyển âm tiếng Hy Lạp “paraklêtos” sang tiếng Việt, vì không thể dịch được hết ý nghĩa của từ này, nhưng chọn chuyển âm như thế nào? Danh từ Hy Lạp paraklêtos có bốn âm tiết: “Pa-rak-lê-tos”, nếu giữ được cả bốn âm tiết này trong tiếng Việt thì rất tốt, vì sát với tiếng gốc Hy Lạp. Tuy nhiên nếu giữ cả bốn âm tiết e rằng quá xa lạ và quá chuyên môn đối với nhiều độc giả. Để dễ đọc và không quá xa lạ với tiếng Việt, thiết nghĩ giữ ba âm tiết là đủ và chuyển âm sang tiếng Việt là “Pa-rác-lê”. Ba âm tiết này sẽ dễ đọc hơn và gần gũi với tiếng Việt hơn. Ngay cả tiếng Pháp và tiếng Anh cũng chỉ lấy ba âm tiết đầu của danh từ Hy Lạp “paraklêtos”: “Le Paraclet” (tiếng Pháp), “The Paraclete” (tiếng Anh).
Việc chuyển âm danh từ Hy Lạp “paraklêtos” sang tiếng Việt “Đấng Pa-rác-lê” cũng không hoàn toàn xa lạ, vì một số tước hiệu của Đức Giê-su trong Tân Ước cũng được giữ nguyên ngữ và chuyển âm sang tiếng Việt như: “Khristos” (Đức Ki-tô), “Messias” (Đấng Mê-si-a). Từ “Đấng” được thêm vào “Pa-rác-lê” (Đấng Pa-rác-lê) để bày tỏ sự kính trọng, cũng như các từ “Đức” trong “Đức Giê-su” và “Đấng” trong “Đấng Mê-si-a”. Trong bản văn Hy Lạp (Paraklêtos, Khristos, Messias) không có các từ “Đức” và “Đấng”.
Kết luận
Những phân tích trên đã trả lời phần nào ba câu hỏi: Đấng Pa-rác-lê là ai mà trước đây không nghe nói đến? Tại sao không dịch ra tiếng Việt mà lựa chọn chuyển âm từ tiếng Hy Lạp Paraklêtos sang tiếng Việt: “Đấng Pa-rác-lê”? Tiếng Hy Lạp có bốn âm tiết: Pa-rak-lê-tos, tại sao khi chuyển âm sang tiếng Việt chỉ lấy ba âm tiết: Pa-rác-lê?
“Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật” chỉ xuất hiện trong Tin Mừng thứ tư, thuật ngữ gọi là “hapax johannique”, là một trong những đóng góp độc đáo của thần học Tin Mừng thứ tư. Việc đề nghị dùng danh xưng “Đấng Pa-rác-lê” nhằm đề cao những nhiệm vụ và vai trò đặc biệt phong phú, đa dạng của “Đấng Pa-rác-lê” nơi các môn đệ. Với tám đặc điểm về hoạt động của Đấng Pa-rác-lê như trên, Tin Mừng thứ tư mời gọi độc giả và các môn đệ hãy nhận ra Đấng Pa-rác-lê đã và đang hiện diện nơi từng môn đệ. Người đã và đang ở giữa cộng đoàn người tin mãi mãi.
Ước mong độc giả nhận ra những công việc Đấng Pa-rác-lê thực hiện nơi người tin để thấy rằng Đấng Pa-rác-lê là quà tặng lớn lao dành cho các môn đệ qua mọi thời đại. Với sự hiện diện và hoạt động của Đấng Pa-rác-lê, người môn đệ sẽ vượt qua mọi thử thách và có khả năng trung tín với Đức Giê-su cho đến cùng. Chính Đấng Pa-rác-lê sẽ làm cho các môn đệ đón nhận sự sống dồi dào Đức Giê-su ban tặng, nhờ sự hiện diện, giảng dạy và hướng dẫn của Đấng Pa-rác-lê.
Vẫn còn nhiều điều để nói về Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng thứ tư, chẳng hạn tại sao lại gọi “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật” là “Đấng Pa-rác-lê khác” (14,16)? Tương quan giữa Đức Giê-su và Đấng Pa-rác-lê như thế nào? Có những điểm gì giống nhau và khác nhau giữa Đức Giê-su và Đấng Pa-rác-lê? Sự hiện diện của Đấng Pa-rác-lê có thay thế sự hiện diện của Đức Giê-su nơi các môn đệ hay không?… Độc giả có thể tìm thấy phần nào câu trả lời trong tập sách: ĐẤNG PA-RÁC-LÊ – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng thứ tư (http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2010/10/gioi-thieu-sach-ang-pa-rac-le-than-khi.html)./.
Ngày 01 tháng 01 năm 2012
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com