Được sinh ra trong một gia đình Công giáo có nền tảng trong việc thực hành các thói quen đạo đức. Lớn lên, đáp lại lời mời gọi của Chúa Ngài quyết định trở thành linh mục. Sau khi kết thúc các môn học của chủng viện thuộc Tổng giáo phận La Plata ở Argentina, Ngài tiếp tục theo học tại Đại học Giáo hoàng Angelicum ở Rome và ngay sau thế chiến thứ hai đã có bằng đại học về thần học. Được phong chức linh mục vào ngày 5 tháng 12 năm 1943, trở thành giáo sư và sau đó là hiệu trưởng của chủng viện Buenos Aires. Tiếp theo đó là một loạt những trọng trách mà Ngài đã đảm nhận: chủ nhiệm khoa thần học của Đại học Công giáo Argentina, Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận La Plata rồi giám mục chính, thư ký và sau đó là Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh.
Năm 1975, Ngài được ĐTC Phaolô VI gọi đến Rôma làm Tổng trưởng Bộ Tu sĩ. Ngài nhận nhiệm vụ với những ưu tư lớn vì phải đưa tinh thần của Công Đồng Vatiacan II vào việc canh tân đời sống tu trì. Ngài đã tham gia nhiều buổi họp và hội thảo để cùng với các vị khác trong Giáo hội kịp thời có những đường hướng mới phù hợp với sự biến đổi của thời đại. Sau đó, ngài được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Giáo dân. Với tư cách là Chủ tịch Ngài đã khuyến khích thành lập Diễn đàn quốc tế của phong trào Công giáo Tiến hành sau Thượng hội đồng về “Ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo hội và thế giới” vào tháng 10 năm 1987.
Trong giai đoạn chuẩn bị cho việc hình thành Ngày Quốc tế Giới trẻ, Ngài là một trong những người đã giúp Thánh Gioan Phaolô II hoàn thành ước muốn thiết lập Ngày Quốc tế Giới trẻ; Ngài thi hành việc đó không đơn giản chỉ là một nhiệm vụ, nhưng với tất cả trái tim của người mục tử và là bạn của giới trẻ.
Không thể nhớ lại ở đây, cách đầy đủ, công việc mục vụ bao la của Hồng y Pironio, người luôn luôn sống với lòng quảng đại và với tình yêu lớn lao đối với Giáo Hội. Chỉ cần đề cập đến việc giảng dạy thần học, đào tạo các ứng sinh trẻ cho chức linh mục, là giám mục trong các giáo phận khác nhau, phục vụ Giáo triều Rôma chúng ta sẽ thấy được những đóng góp to lớn Ngài đã dấn thân cho Giáo hội.
Đó là về những công việc mà Ngài đã thi hành với lòng yêu mến và vâng phục Giáo hội. Nhưng không chỉ thế, một điều đặc biệt mà mọi người hay nhắc đến Ngài: “một chứng nhân của niềm vui hy vọng Phục Sinh”. Qua cuộc sống của Ngài chúng ta thấy rõ sự Phục Sinh vinh quang của Chúa Kitô và mầu nhiệm Thập giá là hai trụ cột của đời sống thiêng liêng của ĐHY Pironio.
Ngài thực sự là một “con người của mầu nhiệm Phục Sinh”. Trong các bài giảng, chủ đề Mầu Nhiệm Vượt Qua thường xuyên được Ngài lặp lại với lời khẳng định: “Một điều chắc chắn rằng Đấng Kitô, sau khi trải qua cái chết, đã bước vào sự viên mãn của cuộc sống và bây giờ, Ngài đang sống, chiếu tỏa ánh sáng và niềm vui Phục Sinh cho Giáo Hội và cho mỗi người chịu phép Rửa, đặc biệt trong những giai đoạn tối tăm và buồn rầu”.
Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề chính Ngài chọn khi được mời giảng tỉnh tâm cho Đức Giáo Hoàng và Giáo triều Roma vào năm 1974 chính là “Giáo Hội Phục Sinh”. Tong một bài suy niệm Ngài nói: “Nền tảng của toàn thể Giáo Hội là sự Phục sinh … cuộc sống mới của Kitô hữu, mặc lấy Đức Kitô, là một cuộc sống gợi hứng từ mầu nhiệm Phục sinh, phục sinh với Chúa Kitô”.
Về mầu nhiệm Thập giá, ĐHY thực sự hiểu và sống mầu nhiệm này một cách sâu thẳm, trong bản di chúc thiêng liêng Ngài viết: “Tôi cảm ơn Chúa vì đặc ân thập giá của Ngài. Tôi cảm thấy rất vui vì đã đau khổ nhiều. Tôi xin lỗi vì đã không đón nhận đau khổ một cách tốt nhất, tôi không nếm cảm thập giá của tôi trong thinh lặng. Tôi ước rằng ít ra bây giờ, thập giá của tôi sẽ bắt đầu được chiếu sáng và mang lại hoa trái». Thay vì nổi loạn và trở nên cứng cỏi khi đối diện với nỗi khổ đau, Ngài luôn cầu nguyện với Chúa để thập giá có thể chiếu sáng và đem lại hiệu quả cho linh hồn!
Là một chứng nhân tuyệt vời cho niềm vui Kitô, mọi người đều nhớ đến Ngài qua nụ cười, tính hài hước, khả năng vui mừng vì thấy điều tốt nơi người khác, lạc quan trong mọi hoàn cảnh.Giải thích về lời khích lệ của Thánh Phaolô về niềm vui Kitô, Ngài viết: “Chúng ta sẽ hạnh phúc theo cách mà chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa, cảm nhận và nếm cảm sự hiện diện của Ngài trong vẻ đẹp của sự vật hay trong sự chân thành của bạn bè, bởi vì trong chính những điều này Thiên Chúa cũng mạc khải và thông hiệp với chúng ta”. Để đạt được điều này Hồng y Pironio có một cái nhìn đức tin về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người khác; Ngài đối xử với mọi người một cách tôn trọng, gần như bằng sự tôn kính, và biết cách “nếm” nét đẹp và niềm vui của tình bạn, như một dấu hiệu tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Đây là lý do tại sao những người trẻ yêu Ngài rất nhiều. Những người trẻ nhận thấy rằng Ngài rất vui khi được ở cùng với họ. Hơn thế nữa Ngài còn khuyến khích nâng đỡ họ như một người cha thực sự. Các bạn trẻ cảm thấy được yêu, được tôn trọng từ nơi Ngài; cảm thấy được hiểu rõ về những ước muốn sâu xa nhất cũng như những khó khăn mà họ phải đối diện trong cuộc sống. Chính vì thế Hồng y Pironio vẫn còn được ghi nhớ hôm nay như là “Hồng y của tuổi trẻ”.
Hồng y Pironio quả là một người con tuyệt vời của Giáo Hội, một linh mục nhiệt tình, năng động nhưng không thiếu đời sống nội tâm sâu sắc, yêu mến Đức Trinh Nữ Maria; người đã đem lại những hoa trái trong việc giảng dạy và không mệt mỏi trong các công việc tông đồ. Đức tin mà ngài tuyên xưng không chỉ bằng lời, nhưng qua những việc làm cụ thể, qua việc phục vụ người khác.(L’Osservatore Romano 27-02 2018)
(Ngọc Yến, RadioVaticana 23.03.2018)