Màu tía hoàng gia (đậm) Máu tía Rôma (nhạt)
Hỏi: Lịch của nhà xuất bản Paulist Press năm 2011 nói: “Màu sắc chính thức của Mùa Vọng là màu tím. Để phân biệt giữa mùa Vọng và mùa Chay sám hối đặc biệt, các sắc thái xanh đậm hơn của màu tím có thể được sử dụng trong mùa Vọng. Tuy nhiên, lễ phục màu xanh nhạt hơn không được phép sử dụng tại Mỹ”. Còn lịch của nhà xuất bản Paulist Press năm 2012 lại nói: “Màu sắc chính thức của Mùa Vọng là màu tím hoặc màu tía Rôma. Để phân biệt giữa mùa Vọng và mùa Chay sám hối đặc biệt, các sắc thái nhạt hơn và đỏ hơn của màu tím, nhưng không phải sắc thái chàm, có thể được sử dụng trong mùa Vọng. Lễ phục màu xanh dương không được sử dụng tại Mỹ”. Liệu các gợi ý màu sắc này (‘có thể được sử dụng’) là ý kiến của nhà xuất bản (khác nhau giữa bản in của hai năm liên tiếp) hoặc là của một văn kiện chính thức nào đó mà nhà xuất bản qui chiếu? Tại giáo xứ chúng tôi, chúng tôi luôn sử dụng các sắc thái xanh hơn của màu tím (màu tía hoàng gia) cho Mùa Vọng (các ngày chờ mong, Lễ Đêm) và sắc thái đỏ hơn của màu tím (màu tía Rôma) cho Mùa Chay (khía cạnh hy sinh, Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Sáu Tuần Thánh). – F.L., Rochester, New York, Mỹ.
Đáp: Các khuyến nghị khác nhau có thể là một lỗi cắt-và-dán từ năm trước, một sự thay đổi trong quan điểm của nhà xuất bản, hoặc một quảng cáo cao siêu để gia tăng mức bán lễ phục phụng vụ.
Đối với mục đích của việc sử dụng màu sắc phụng vụ khác nhau, huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 121, nói: ““Việc dùng các màu khác nhau cho lễ phục phụng vụ nhằm diễn tả cách hiệu quả và rõ ràng đặc tính của các mầu nhiệm đức tin được cử hành, và, do đó, ý nghĩa của đời sống Kitô giáo đang tiến triển qua tiến trình của năm phụng vụ. Việc sử dụng các màu sắc đa dạng vừa có tính sư phạm vừa có tính biểu tượng của các lễ phụng vụ và các mùa phụng vụ khác nhau”.
Đối với màu sắc được nói trên đây, ‘Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma’, số 346.d, nói như sau:
d. Màu tím dùng trong mùa Vọng và mùa Chay. Có thể dùng trong các nghi thức phụng vụ và Thánh Lễ cầu hồn”.
Có thể đưa thêm việc làm sáng tỏ từ huấn thị Redemptionis Sacramentum:
“[127.] Trong các sách phụng vụ, có một năng quyền đặc biệt được ban để, trong những ngày thật trọng thể, sử dụng các lễ phục phụng vụ dành cho các ngày lễ và đặc biệt đẹp, dù chúng không đúng màu sắc của ngày lễ hôm đó. Tuy nhiên, quyền này, liên quan một cách đặc thù đến các lễ phục phụng vụ rất cổ xưa, nhằm bảo toàn di sản của Giáo Hội, lại bị nới rộng một cách quá đáng đến những đổi mới; do đó, bỏ qua cách làm truyền thống, người ta chấp nhận những hình dáng và màu sắc, căn cứ trên những tiêu chuẩn chủ quan, và như thế là làm yếu đi ý nghĩa của một quy tắc, hại cho truyền thống. Những ngày lễ, các phẩm phục thánh màu vàng hay bạc có thể thay thế, tuỳ lúc, các màu sắc phụng vụ khác nhau, trừ ra màu tím và màu đen”. (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)
Các qui chế cho thấy sự sử dụng màu tím hoặc màu tía. Màu tím (violaceus) là màu tương tự như màu của các hoa màu tím, và được tự điển Collins định nghĩa là “một nhóm các màu sắc khác nhau trong sự bão hòa, nhưng có cùng sắc thái tím-xanh dương. Chúng nằm ở một đầu của quang phổ có thể nhìn thấy, bên cạnh màu xanh dương” – trong thực tế, bên cạnh màu chàm – “gần đúng bước sóng 445-390 nanomet”.
Màu tía là một màu sắc tương tự và bao gồm “các màu sắc khác nhau với một sắc thái nằm giữa màu đỏ và màu xanh dương, và thường được bão hòa cao; một màu không quang phổ”.
Các qui chế phụng vụ không chọn ưu tiên cho bất kỳ sắc thái của một trong hai màu trên, và bất cứ một trong hai màu hoặc cả hai màu ấy đều có thể được sử dụng cho lễ phục phụng vụ.
Trong các qui chế chính thức, không hề có sự phân biệt giữa các sắc thái của màu sắc được dùng trong Mùa Vọng và Mùa Chay – nhưng không cho lễ an táng.
Đồng thời, không có gì sẽ cấm hoặc phản đối một sự phân biệt như thế, ngoại trừ có lẽ là hỏi tại sao một giáo xứ đòi hỏi một cách không cần thiết cả hai loại lễ phục màu tím.
Tương tự như vậy, người ta có thể hỏi một cách hợp pháp là liệu có cơ sở văn hóa nào để xác định lý do tại sao một sắc thái của màu tía hoặc màu tím là có tính sám hối hơn màu kia. Người ta có thể tìm ra các lý lẽ tốt trong việc bênh và chống với màu tía đậm cho mùa Vọng, và sắc thái nhạt hơn cho Mùa Chay, hoặc ngược lại. Cuối cùng, lại còn tùy theo sở thích cá nhân mỗi người nữa.
Cuộc tranh luận có thể được kéo dài: Liệu chúng ta có nên dùng một sắc thái cho lễ phục đỏ cho lễ Chúa Thánh Thần, và một sắc thái khác cho lễ phục đỏ cho lễ các thánh tử đạo chăng?
Trong kết luận, nếu một giáo xứ muốn sử dụng các sắc thái khác nhau của màu tím cho Mùa Vọng và Mùa Chay, thì giáo xứ cứ tự do thực hiện. Tuy nhiên, không có gì trong luật phụng vụ hoặc tập tục để làm cho sự lựa chọn này trở nên bắt buộc, thậm chí cũng không gợi ý sự chọn lựa ấy như là một thực hành đáng được khuyến khích hơn.
Nếu sau này, theo dòng thời gian, sự thực hành này phát triển và trở nên phổ biến, thì nó có thể có sức trở nên tập tục và được ghi nhận trong luật. Còn hiện nay, sự tự do vẫn ngự trị.
Cuối cùng, có lẽ độc giả của chúng tôi đã có sự sai lỗi nhẹ khi nói: “Tại giáo xứ chúng tôi, chúng tôi luôn sử dụng các sắc thái xanh hơn của màu tím (màu tía hoàng gia) cho Mùa Vọng (các ngày chờ mong, Lễ Đêm) và sắc thái đỏ hơn của màu tím (màu tía Rôma) cho Mùa Chay (khía cạnh hy sinh, Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Sáu Tuần Thánh)”.
Thật ra, màu sắc riêng của lễ phục Lễ Đêm là màu trắng; màu sắc riêng của lễ phục Chúa Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh là màu đỏ.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 4-12-2012)