12 tháng Mười Hai hàng năm, Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Guadalupe, đánh dấu ngày 9/12/1531, khi Đức Mẹ hiện ra ở Mexico với một nông dân 57 tuổi tên Juan Diego. Khi ấy Juan Diego đang đi bộ đến khu vực mà nay là thành phố Mexico (đồi Tepeyac), thì ông thấy Đức Mẹ hiện ra. Để chứng minh cho Đức Tổng Giám mục những gì ông đã thấy, Đức Mẹ bảo ông leo lên đỉnh đồi để hái hoa. Khi lên tới nơi, Juan Diego tìm thấy những bông hoa hồng Castilian, vốn không nở vào mùa này và cũng không phải là loài sống được nơi đây. Đức Mẹ đã sắp xếp số hoa tìm được vào chiếc áo tilma bằng sợi xương rồng của Juan. Và khi ông đến dinh thự của giám mục, mở chiếc áo choàng ra thì hoa rơi xuống sàn, trên bề mặt áo bỗng xuất hiện hình ảnh Đức Mẹ mà ngày nay được gọi là là “Đức Mẹ Guadalupe”. Chiếc áo tilma với hình ảnh Đức Mẹ chỉ trong vòng 7 năm đã tác động lên hàng triệu người, khiến họ chuyển sang đạo Công giáo. Bên cạnh đó, chiếc áo hiện được trưng bày tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe ở thành phố Mexicô, Mexicô còn có nhiều điều lạ lùng mà các khoa học gia chưa thể giải thích. Một trong những phép lạ vẫn còn tiếp diễn tới hiện tại là việc bức hình Đức Mẹ Guadalupe in lên trên một tấm vải thô sơ làm từ sợi cây xương rồng, mà bình thường thì tan rã trong vòng mười năm, tới nay vẫn còn nguyên vẹn. Trong mấy chục năm đầu, tấm hình được treo trong nhà nguyện và bao nhiêu dân chúng đã đến đó sờ mó mân mê. Tấm khăn đã bị ảnh hưởng trực tiếp của bao thời gian, thời tiết, và hương khói nghi ngút trong các buổi lễ hơn một trăm năm. Đến năm 1647, tấm khăn mang hình Đức Mẹ Guadalupe mới được lồng vào khuôn kính lần đầu tiên. Trong mấy thế kỷ qua, những phương thức khoa học kỹ thuật ngày càng tân tiến và tinh vi, các nhà chuyên môn đã tìm mọi cách phân tích để hiểu hiện tượng trên mà họ vẫn không giải đáp được. Họ cũng không phân tích được hoá chất nào đã được dùng làm sơn in hình Đức Mẹ trên tấm vải ấy. Cho tới nay, các màu sắc vẫn còn linh động rực rỡ như lần đầu tiên Juan Diego mở rộng tấm khăn mình ra cho Đức Tổng Giám mục thấy những đoá hoa hồng. Có thể rằng Đức Mẹ Guadalupe không những đã để lại hình ảnh của Người để chứng minh sự kiện Người đã hiện ra, mà còn có thể để lại cho chúng ta một vài điều nhắn nhủ quan trọng khác nữa. Những điều này được che giấu trong con ngươi con mắt trên bức hình cho tới bây giờ, lúc chúng ta có đủ phương tiện khoa học để khám phá, mà cũng là lúc chúng ta cần biết tới điều nhắn nhủ này nhất. Với trang Tin mừng mà ta vừa nghe được công bố vào lễ Mẹ Guadalupe, Giáo hội muốn nói cho mọi người biết rằng lời Chúa nói qua tình thương của Mẹ tại các trung tâm Thánh Mẫu như đền thánh Mẹ Guadalupe phải được mọi người lắng nghe và thực hành là thiết tha yêu mến Mẹ để Mẹ dìu dắt tới yêu mến Chúa Giêsu là lẽ sống, là hạnh phúc và là cùng đích cuộc sống của mọi người. Chúa Giêsu không hề chối bỏ mối quan hệ huyết thống với Mẹ Ngài và anh em trong dòng họ. Trái lại, Chúa Giêsu còn đề cao thái độ lắng nghe và thực thi lời Chúa bằng sự vâng phục của đức tin nơi Mẹ Maria. Chính nhờ thái độ “tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Mẹ” (Lc 1, 45) mà Mẹ đã vâng theo thánh ý Chúa, cưu mang Ngôi Lời nhập thể bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Mẹ đã trở nên Mẹ Chúa Giêsu bởi vì Mẹ đã lắng nghe và thực thi lời Chúa. Chúa Giêsu không chỉ được nuôi dưỡng và lớn lên nhờ bú mớm nơi dòng sữa của Mẹ, mà còn lớn lên trong lòng tin của Mẹ, cũng như “học được thế nào là vâng phục” (x. Dt 5, 8) qua thái độ“xin vâng” của Mẹ Maria. Hơn ai hết, Mẹ Maria là kẻ đầu tiên đã lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành khi Mẹ thưa: “Vâng, này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều Ngài truyền”. Lời thưa “Xin vâng” của Mẹ Maria khai mở một thế giới mới của ơn cứu rỗi và của sự sống mới. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người Kitô để lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, và mối phúc lắng nghe lời Chúa và sống thực hành cũng được mở ra cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại. Mọi người, mọi thời đại, đều có thể hưởng được mối phúc thật khi họ biết khiêm tốn lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Mối phúc lời Chúa này không phải là độc quyền Mẹ Maria, nhưng Mẹ đã đi trước nêu gương và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống. Nơi tiệc cưới Cana, Mẹ đã nói với các gia nhân hãy làm theo lời Chúa Giêsu truyền. Và hành động vâng phục của họ đối với lệnh Mẹ Maria “hãy làm theo lời Ngài truyền”, hành động đó đã dọn sẵn mọi sự để Chúa làm phép lạ mang đến niềm vui cho những người chung quanh. Ðức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời thiên thần truyền”. Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người luôn làm theo ý Chúa. Một người khôn ngoan biết cái gì cần và cái gì không cần cho cuộc sống mình. Mang quàng mọi sự vào mình e chỉ làm bận bịu, vướng víu, ràng buộc, mất tự do, ảnh hưởng đến công việc.Sứ đồ của Chúa hành trang chỉ cần: biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Bao nhiêu đó là đủ. Quá lo lắng về của cải vật chất chỉ nhọc công, tốn sức và lãng phí thời giờ, thậm chí nhiều lúc nó còn ảnh hưởng xấu đến sứ mạng của mình. Những thứ đó Chúa sẽ lo liệu và không để ta thiếu thốn bao giờ. Ta thấy qua những điều như vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy lấy đức tin làm nền móng vững chắc để xây dựng đời sống của gia đình, mà đức tin ở đây được thể hiện qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7, 24). Thật thế, gia đình chỉ có thể sống yêu thương hoà thuận và hạnh phúc, khi mọi người biết đặt Chúa làm trọng tâm của gia đình và luôn luôn tìm kiếm thực thi ý Chúa, mà lời Chúa là thể hiện ý Chúa. Càng sống theo lời Chúa dạy, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Và rồi từ đó, Chúa Giêsu nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập phải được coi là quan trọng hơn quan hệ huyết thống rất nhiều. Trong đó, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính đức tin và đức ái. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh emcủa mình. Trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng có thể làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn. Chớ gì chúng ta biết chạy đến với Mẹ Maria như mẫu gương của đức tin, cũng như của việc lắng nghe và thực hành lời Chúa. Xin Mẹ dạy chúng ta sống mến Chúa yêu người như Mẹ, để chúng ta cũng biết đón nhận tha nhân như người anh chị em trong tình yêu thương hoà thuận và hiệp nhất của gia đình Thiên Chúa. Huệ Minh