Lễ nghi thứ nhất bao gồm nhiều yếu tố hơn. Nó đưa chúng ta trở về với các môi trường, trong đó phổ biến các niềm tin vào qủy thần và các thực hành phù phép như: việc dùng mầu đỏ của phẩm cánh kiến, nước mạch, cạo hết lông, đầu, râu và lông mày. Thế rồi việc thả con chim tự do ra ngoài đồng giống lễ nghi thả con dê đền tội vào trong sa mạc, như được nói tới trong chương 16 sách Lêvi.
Văn bản viết: ”Đây là luật về người phong hủi, trong ngày nó được thanh tẩy. Nó sẽ được đưa đến với tư tế; tư tế sẽ ra khỏi trại. Tư tế sẽ khám: nếu người phong hủi đã khỏi vết thương phong hủi, thì tư tế sẽ truyền lấy cho người được thanh tẩy hai con chim còn sống và thanh sạch, gỗ bá hương, phẩm cánh kiến và cành hương thảo. Tư tế sẽ truyền sát tế một con chim trên một bình sành đựng nước mạch. Con chim còn sống, thì tư tế sẽ lấy nó, cùng với gỗ bá hương, phẩm cánh kiến và cành hương thảo, và nhúng hết, kể cả con chim còn sống, vào máu con chim đã bị sát tế trên nước mạch. Tư tế sẽ rảy bảy lần trên người đang được thanh tẩy khỏi phong hủi, tuyên bố nó thanh sạch, rồi thả con chim còn sống ra ngoài đồng. Người được thanh sạch sẽ cạo hết lông, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra thanh sạch. Sau đó nó sẽ trở về trại, nhưng phải ở bên ngoài lều của mình trong vòng bảy ngày. Đến ngày thứ bảy, nó sẽ cạo hết lông, cạo đầu râu và lông mày; nó sẽ cạo hết lông, sẽ giặt áo, lấy nước tắm rửa thân thể, và sẽ ra thanh sạch.”
Mầu đỏ được coi là mầu khiến cho ma qủy hoảng sợ. Gỗ bá hương và cành hương thảo được dùng cho các nghi thức rảy nước. Người ta cũng cho rằng nước mạch lấy đi các yếu tố tiêu cực. Bên Medopotamia chim được diễn tả trong các cảnh trừ tà, và chúng cũng được nhắc tới trong các nghi thức trừ tà khác nhau như trong trường hợp bị bệnh. Chẳng hạn người ta nói: ”Ước chi đau đầu bay đi như một con chim bồ câu bay về tổ, như một con qụa bay lên trời, như một con chim bay vào rừng”. Lông bị coi như có thể là nơi ở của ma qủy. Ở đây không biết người phong hủi đã được thanh sạch sau lần cạo lông và tắm rửa lần thứ nhất, hay phải sau bảy ngày. Xem ra đây là hai văn bản khác nhau được nhập thành một.
Chương 14 sách Lêvi viết tiếp: ”Ngày thứ tám nó sẽ lấy hai con chiên đực toàn vẹn, một con chiên cái toàn vẹn, một tuổi, mười ba lít rưỡi tinh bột nhào với dầu làm lễ phẩm, và nửa lít dầu. Tư tế cử hành lễ thanh tẩy sẽ đặt người được thanh tẩy cùng với các lễ vật trước nhan Giavê, ở cửa Lều Hội Ngộ. Tư tế sẽ bắt một con chiên, tiến dâng làm lễ đền tội cùng với nửa lít dầu, và tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng những thứ ấy trước nhan Giavê. Tư tế sẽ sát tế con chiên ở nơi sát tế lễ vật tạ tội và lễ vật toàn thiêu, trong nơi thánh; – vì lễ vật đền tội thuộc về tư tế cũng như lễ vật tạ tội: nó là của rất thánh -.
Tư tế sẽ lấy máu lễ vật đền tội bôi vào trái tai phải người được thanh tẩy, vào ngón cái tay phải và vào ngón cái chân phải nó. Tư tế sẽ lấy nửa lít dầu, đổ một ít vào lòng bàn tay trái. Tư tế sẽ nhúng một ngón tay phải vào dầu ở trong lòng bàn tay trái và lấy ngón tay rảy dầu bảy lần trước nhan Giavê. Tư tế sẽ lấy dầu còn lại trong lòng bàn tay bôi vào trái tai phải người được thanh tẩy, vào ngón cái tay phải và vào ngón cái chân phải nó, bên trên máu lễ vật đền tội. Chỗ dầu còn lại trong lòng bàn tay, tư tế sẽ bôi lên đầu người được thanh tẩy. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó trước nhan Giavê.
Tư tế sẽ làm lễ tạ tội và sẽ cử hành lễ xá tội cho người đang được thanh tẩy khỏi sự ô uế, sau đó sẽ sát tế lễ vật toàn thiêu. Tư tế sẽ dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm trên bàn thờ; tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó và nó sẽ thanh sạch” (Lv 14,1-20). Mục đích của lễ nghi xá tội ở đây là để tuyên bố người phong hủi trong sạch, tức đã khỏi bệnh.
Lễ nghi thứ hai dự kiến hai tình trạng kinh tế khác nhau trong của lễ nên có thể được chia thành hai phần (cc. 10-20; 21-31). Nó có sắc thái do thái hơn, nhưng cũng duy trì vài yếu tố cổ xưa, giống lễ nghi thánh hiến tư tế. Và sau cùng là một đoạn liên quan tới ”phong hủi nơi nhà cửa”.
Trong trường hợp người được thanh tẩy nghèo không có tất cả các khả năng nói trên thì chỉ bắt một con chiên đực dùng làm lễ đền tội, và lấy bốn lít tinh bột nhào với dầu làm lễ phẩm, một nửa lít dầu và một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, một con sẽ làm lễ tạ tội, một con làm lễ toàn thiêu. Đến ngày thứ tám người hết bệnh sẽ mang những thứ ấy đến cho tư tế trước Lều Hội Ngộ để được thanh tẩy. Tư tế sẽ sát tế con chiên làm lễ đền tội rồi lấy máu lễ vật đền tội bôi vào trái tai phải người được thanh tẩy, vào ngón cái tay phải và ngón cái chân phải người ấy. Tư tế sẽ đổ một ít dầu vào lòng bàn tay trái và dùng một ngón tay phải lấy dầu ở trong lòng bàn tay trái rảy bảy lần trước nhan Giavê. Tư tế sẽ lấy dầu trong lòng bàn tay trái bôi vào trái tai phải, vào ngón cái tay phải và ngón cái chân phải người được thanh tẩy, ở chỗ đã bôi máu lễ vật đền tội. Chỗ dầu còn lại trong lòng bàn tay tư tế sẽ bôi lên đầu người được thanh tẩy, để cử hành lễ xá tội cho nó trước nhan Giavê. Còn đôi chim gáy hay cặp bồ câu thì tư tế sẽ dâng một con làm lễ tạ tội, một con làm lễ toàn thiêu kèm với lễ phẩm. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho người được thanh tẩy trước nhan Giavê.
Phần cuối cùng trong chương 14 sách Lêvi đề cập tới phong hủi nơi nhà cửa. Ở đây cuộc đánh chiếm đất hứa đang tiến hành và nguồn gốc phong hủi được gán cho Thiên Chúa. Văn bản viết: ”Giavê phán với ông Môshê và ông Aharon rằng: ”Khi các ngươi vào đất Canaan mà Ta ban cho các ngươi làm sở hữu, nếu Ta đặt một vết phong hủi vào một nhà trong đất là sở hữu của các ngươi, thì chủ nhà sẽ đến báo cho tư tế rằng: ”Tôi thấy trong nhà tôi có cái gì như vết phong hủi”. Trước khi vào khám vết đó, tư tế sẽ truyền dọn trống nhà, để không có vật gì trong nhà ra ô uế; sau đó tư tế sẽ vào khám nhà. Tư tế sẽ khám xét: nếu vết ở các tường nhà làm thành những chỗ lõm xanh xanh hoặc đỏ đỏ xem ra như ăn sâu vào tường, thì tư tế sẽ ra khỏi nhà, đến tận cửa và cô lập căn nhà trong vòng bảy ngày. Đến ngày thứ bảy, tư tế sẽ trở lại khám: nếu vết đã lan ra các tường nhà, thì tư tế sẽ truyền gỡ những viên đá có vết và ném ra ngoài thành, vào một nơi ô uế, rồi tư tế sẽ cạo tất cả bên trong nhà và đổ vữa đã cạo ra ngoài thành, vào một nơi ô uế. Người ta sẽ lấy những viên đá khác thay vào các viên đá trước, và lấy vữa khác mà trát nhà.
Nếu vết lại loang ra trong nhà, sau khi đã gỡ đá ra, sau khi đã cạo và trát nhà, thì tư tế sẽ đến khám: nếu vết đen đã loang ra trong nhà, thì đó là phong hủi dễ lây trong nhà, nhà đó ô uế. Người ta sẽ phá nhà đi: đá, gỗ, tất cả vữa của nhà ấy, người ta sẽ đưa ra ngoài thành, vào một nơi ô uế.
Ai vào nhà trong suốt thời gian nhà bị cô lập, sẽ ra ô uế cho đến chiều. Ai ngủ trong nhà sẽ phải giặt áo, ai ăn trong nhà sẽ phải giặt áo. Nhưng nếu khi tư tế vào khám, vết đã không lan ra trong nhà sau khi trát lại nhà, thì tư tế sẽ tuyên bố nhà ấy là thanh sạch, vì vết phong hủi đã lành.
Để xóa tội cho nhà ấy, tư tế sẽ lấy hai con chim, gỗ bá hương, phẩm cánh kiến và cành hương thảo. Tư tế sẽ sát tế một con chim trên một bình sành đựng nước mạch. Tư tế sẽ lấy gỗ bá hương, cành hương thảo, phẩm cánh kiến và con chim còn sống, nhúng vào máu con chim đã bị sát tế và vào nước mạch, và rảy vào nhà bảy lần; sau khi đã dùng máu con chim, dùng nước mạch, con chim còn sống, gỗ bá hương, cành hương thảo và phẩm cánh kiến mà xóa tội cho căn nhà, tư tế sẽ cử hành nghi thức xá tội cho căn nhà, và nhà ấy sẽ thanh sạch.
Đó là luật về mọi vết phong hủi về chốc, về phong hủi nơi áo và nhà cửa, về nhọt, lác, đốm, để xác định khi nào một vật ô uế, khi nào thanh sạch. Đó là luật về phong hủi.”
Lễ nghi thanh tảy nhà tương đương với lễ nghi trong phần đầu cử hành cho người bệnh phong hủi. Nhưng thiếu toàn phần hai của lễ nghi, là phần được thực hiện tám ngày sau khi được khỏi bệnh phong hủi, nghĩa là phần mang sắc thái do thái nhiều hơn.
Tóm lại hai chương 13-14 sách Lêvi cho chúng ta thấy nhiệm vụ của các tư tế trong việc khám xét các trường hợp phong hủi và tuyên bố ô uế hay trong sạch với các lễ nghi liên hệ.
(Thần Học Kinh Thánh bài 1122)