Ngài đi ra một nơi hoang vắng mà cầu nguyện gặp gỡ Chúa Cha, đó là việc Chúa Giêsu thường làm sau một ngày thi hành sứ vụ, điều này củng gợi lên cho chúng ta cái đêm bi thảm ở vườn cây Dầu, trước khi chịu tử nạn, thấy vắng Chúa Giêsu, ông Simon và các bạn đi tìm Ngài, nhưng Ngài từ chối không trở lại Caphanaum, vì sứ vụ của Ngài còn phải thực hiện nhiều nơi khác “vì Thầy đến cốt để làm việc đó”, đồng thời Ngài cũng không muốn trở nên đối tượng của lòng hiệt thành của dân chúng có hại đến sứ mạng ngôn sứ của Ngài.
Và như vậy, sợi chỉ đỏ xuyên suốt ngày sống của Chúa Giêsu là tâm tình yêu mến gắn bó với Cha và tâm hồn nhân hậu với con người. Điều này cho thấy Ngài thuộc trọn về Thiên Chúa và cũng thuộc trọn về con người.
Chúa Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon và ông Anrê, lúc ấy bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng, họ xin người chữa cho bà. Chúa Giêsu tiếp tục làm công việc cứu độ của mình. Bệnh sốt là một bệnh gây tác động rất mạnh đối với người Do Thái xưa: “Thiên Chúa ngăn đe những ai không chịu đem các huấn lệnh của Ngài ra thực hành, là Ngài trút xuống những người ấy nổi kinh hoàng, sự suy mòn, cơn nóng sốt, khiến mắt họ mờ đi, và phải kiệt sức (Lc 26, 14-16).
Mọi người đã đem đến cho Chúa Giêsu đủ loại bệnh nhân và Người đã đặt tay chữa lành họ. Cũng vậy, Chúa sẽ không thể chữa lành chúng ta nếu chúng ta không chạy đến với Người, Chúa cũng không thể tha thứ tội lỗi và chữa lành thương tích trong linh hồn chúng ta nếu chúng ta không chịu đem hết mọi tội lỗi đi xưng thú qua bí tích Hoà Giải. Hãy để cho Chúa đặt tay trên chúng ta, nghĩa là để cho Chúa đụng chạm thật sự vào linh hồn chúng ta, để chúng ta được thánh hoá.
Cơn sốt là một tai ương ngang bằng với sự chết mà chỉ một mình Thiên Chúa mới làm chủ được nó (Kb 3,5). Chúa Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt và cơn sốt rời khỏi bà. Tin Mừng theo Thánh Máccô thì nói rằng: “Đức Giêsu cầm lấy tay bà và vực bà trỗi dậy”. Cử chỉ ấy, Chúa Giêsu cũng đã làm khi Ngài cứu cô bé con gái ông Giaia đã chết được sống lại “Người cầm lấy tay cô bé…và lập tức cô bé trỗi dậy” (Mc 5, 41- 42).
Việc làm của Chúa Giêsu như vậy có ý chỉ về sự Phục Sinh, như Đức Kitô trỗi dậy trong biến cố Phục Sinh. Chúa Giêsu thực hiện sứ mạng cứu độ, Ngài bày tỏ uy quyền của Thiên Chúa Cha trao ban cho Ngài, bày tỏ một sức mạnh chiến thắng ma quỷ và sự dữ, Ngài giải thoát con người khỏi ma quỷ và sự dữ. Tuy Chúa không diệt trừ ma quỷ và sự dữ mà chỉ chế ngự mà thôi.
Sự dữ và ma quỷ vẫn hoành hành trên trần gian, đe doạ và gây thiệt hại cho con người, nên chúng ta không tránh được sự dữ, nhưng nhờ ơn cứu độ của Chúa Kitô để chúng ta có sức mạnh mà chiến thắng. Nhìn vào cử chỉ Chúa Giêsu khi chữa bệnh cho bà nhạc ông Simon, Ngài cúi xuống cầm lấy tay bà, một cung cách khiêm tốn, gần gũi và chân thành, thân thương với bệnh nhân, Ngài cũng mang lấy nổi khổ đau của con người và chia sẽ thân phận con người với họ, đụng với vai trò tôi tớ đau khổ của Giavê, đến nhận lấy đau khổ của con người để cứu giúp con người.
“Đời là bể khổ”, đau khổ hiện diện trong cuộc đời chúng ta: nào là bệnh tật, chết chóc, tai ương, hoạn nạn, vất vả lo toan, mâu thuẫn đố kỵ, trái ý cực lòng, khốn khổ nghèo đói vv.
Đau khổ phần xác là hình bóng đau khổ phần linh hồn, Chúa chữa trị phần xác, nhưng quan trọng hơn là cứu rỗi phần linh hồn. Bà nhạc ông Simon vừa được bình phục, tức khắc chỗi dậy phục vụ các Ngài, đó là một việc làm tỏ lòng biết ơn cách chân thành thiết thực. Chúa Giêsu không những thi hành sứ mạng cứu độ ở hội đường, mà còn ở các tư gia, ở mọi nơi mọi lúc, trên mọi nẻo đường, nên khi hết ngày Sabát, chiều đến, người ta đem đến với Ngài hết những ai đau ốm, đủ mọi thứ bệnh tật và Ngài đặt tay chữa họ lành tất cả.
Câu chuyện ông Gióp biểu hiện tất cả đau khổ trong kiếp sống con người. Nhưng ông Gióp lại là gương mẫu cho chúng ta trong hành trình đau khổ ấy. Trước mọi thử thách, ông Gióp luôn tin tưởng vào Chúa, ông xem đau khổ là cơ hội để thanh luyện chính mình và làm sáng danh Chúa. Câu chuyện của ông Gióp không xô đẩy chúng ta vào thất vọng, nhưng từ thực tế phủ phàng đưa lòng chúng ta hướng lên Chúa để cầu xin ơn cứu độ, hướng về Đấng Thiên Sai, hướng về trời mới đất mới.
Bệnh tật phần hồn thì quan trong hơn bệnh tật phần xác, vì nó ảnh hưởng đến vận mạng đời đời của chúng ta, nên khi chúng ta xin Chúa chữa bệnh phần xác thì đừng quên xin Chúa chữa trị các tính mê tật xấu, đam mê xác thịt, tội lỗi của chúng ta, và chúng ta mau mắn trở lại với Chúa, sống con người mới.
Ta không những cầu xin cho mình, và phải biết cầu xin cho người khác nữa. Sức mạnh để chúng ta chiến thắng sự dữ và ma quỷ là ở nơi danh Chúa, nên chúng ta cần cầu nguyện luôn, cần gắn bó với Chúa mới đủ sức chống trả với sự dữ, lướt thắng mọi cám dỗ của ma quỷ thế gian và xác thịt, vì chúng luôn luôn hoành hành quấy nhiễu chúng ta.
Ta phải nhìn nhận ngày hôm nay ta được như vậy là nhờ mọi ơn lành Chúa ban cho ta và rồi ta khơi dậy lòng biết ơn cách thiết thực bằng việc thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân, qua việc bổn phận hằng ngày và chu toàn công tác tông đồ truyền giáo. Và từ đó ta tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu là rao giảng Tin Mừng, rao giảng ơn cứu độ, chính là rao giảng Nước Thiên Chúa và triều đại của Ngài, để đưa mọi người về với Thiên Chúa.
Rao giảng Tin Mừng luôn là một việc cấp bách và liên tục, không dừng lại ở một nơi hay một nhóm ngươi nhất định, mà phải từ nơi này đến nơi khác, cho bất cứ ai chúng ta gặp gỡ và đi đến. Cần ý thức sứ vụ của tất cả Kitô hữu chúng ta là truyền giáo, truyền giáo trong cả lời nói và hành động thiết thực qua đời sống yêu thương, bác ái và xả thân phục vụ…
Xin cứu ta khỏi moi sự dữ để, chúng ta luôn thuộc về Chúa, sống cho Chúa và thăng tiến trên con đường về Nước Trời, đồng thời cũng biết giúp mọi người đạt được ơn cứu độ của Chúa.
Huệ Minh