Lễ Mình Máu Chúa Kitô được người giáo dân Việt Nam kính trọng một cách rất đặc biệt. Họ bảo là lễ rất trọng vì là lễ Xăng-ti, do tiếng La-tinh Santissimo Corpus Domini, lại có rước kiệu Mình Thánh Chúa cách trọng thể. Quan niệm của người tín hữu bình dân thật đơn sơ. Đối với họ, lễ nào có kiệu rước là trọng thể. Thật ra, nhiều khi kiệu rước còn sinh ra lắm tội, vì thiên hạ trang giành, cãi cọ nhau. Còn với chúng con, lễ Xăng-ti báo hiệu hè đã gần đến và ai nấy háo hức chuẩn bị về lại gia đình, giáo xứ. Ngày trước khi ở giáo xứ Cây Vông, Nha Trang, Cha chỉ cần xem các món ăn là đoán được bao giờ sẽ về hè. Khi nào thấy dưa, giá, cà, măng được dọn trên bàn ăn, mùa hè đến nơi rồi đó!
Trở lại vấn đề, lễ Xăng-ti trọng ở chỗ nào? Thưa, lễ này rất quan trọng vì Thánh Thể là trung tâm điểm của đời sống và là đỉnh cao cho các Bí Tích khác. Trong khi các Bí Tích khác ban ơn Chúa xuống, Bí Tích Thánh Thể ban chính Chúa Giêsu là nguồn mạch mọi ơn. Tất nhiên, khi suy nghĩ về Phép Thánh Thể, chúng ta tìm gặp được rất nhiều đề tài để suy ngắm. Chẳng hạn như về tình thương, về quyền năng của Chúa… Nhưng ở đây, Cha không có thời gian để nói tất cả. Cha chỉ đề cập tới những gì liên hệ gần gũi với chúng con. Vậy, Phép Thánh Thể tác động gì trong cuộc đời mỗi người chúng ta?
Phép Thánh Thể luôn gắn liền với đời sống chúng ta, vì đây là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta. Hằng ngày chúng ta vẫn rước Mình Thánh Chúa vào trong lòng chúng ta. Nhưng việc này có thật sự làm chúng ta sốt sắng lên hay đã trở thành một thói quen nhàm chán? Một cách tự nhiên, con người dễ cảm thấy nhàm chán khi phải lập đi lập lại một công việc nào đó thật nhiều lần. Người ta nói có hai hạng người bái quỳ Mình Thánh cách tồi tệ hơn cả là ông từ và linh mục, vì những người này mỗi ngày bái gối trước Mình Thánh Chúa nhiều lần quá nên mất cả ý thức và trở thành thói quen. Điều này không phải đúng hoàn toàn. Tuy nhiên, thái độ bên ngoài một cách nào đó cũng nói lên được cái tâm bên trong. Chỉ cần để ý xem cách cư xử của một linh mục với Phép Mình Thánh, kính trọng hay lơ là, chúng ta có thể đoán được linh mục đó là người như thế nào. Nếu thấy áo lễ, khăn bàn thờ… luôn sạch sẽ, thấy linh mục đó đi ngang qua Mình Thánh còn bái quỳ cẩn thận và dâng lễ cách sốt sắng, chúng ta biết chắc linh mục đó còn yêu mến Thánh Thể.
Nhưng làm sao để có thể yêu mến Thánh Thể? Một cách rất đơ sơ là hãy tưởng nghĩ và kết hợp với Chúa Giêsu. Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật cách Ngài lập Phép Thánh Thể: “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phán…” Vì thế, mỗi khi làm những cử chỉ đó, chúng ta kết hợp với Chúa bằng cách ý thức chính Chúa đã lập Phép Thánh Thể và bây giờ Ngài còn dùng bàn tay chúng ta để dâng lên Chúa Cha hiến tế cứu chuộc toàn thể nhân loại. Chỉ cần suy nghĩ như thế thôi cũng đủ để chúng ta sống thân mật với Chúa, và ngày càng yêu mến Chúa nhiều hơn. Và như thế, Cha chắc chắn chúng con sẽ không bao giờ nhàm chán khi tiếp xúc với Thánh Thể hằng ngày, vì đối với những người thật sự yêu thương, họ không bao giờ cảm thấy nhàm chán nhau, nhưng luôn thích thú vì sự mới mẻ bất tận.
Trong Bài Đọc I hôm nay, chúng ta nghe chuyện thầy tư tế ngày xưa bôi máu chiên lên mình rồi rảy trên toàn dân để thanh tẩy. Đây là nghi thức để thiết lập giao ước, nhưng giao ước này chỉ có tính cách tạm thời. Còn Máu của Chúa Giêsu đổ ra mới làm nên giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, giao ước cứu độ muôn đời. Và mỗi khi cử hành thánh lễ, giao ước này được hiện tại hóa qua Mình và Máu của Chúa Giêsu trên bàn thờ. Vì thế, người nào không kính trọng và yêu mến Thánh Thể, người đó tự tách mình ra khỏi giao ước cứu độ của Chúa.
Chúng ta đang sống trong tháng kính Trái Tim Chúa, tháng đặc biệt giúp chúng ta nhớ đến tình thương vô bờ bến Ngài dành cho chúng ta, nhất là tình thương được biểu hiện qua Phép Thánh Thể. Chúng ta cầu xin Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, giúp chúng ta biết yêu mến Thánh Thể một cách sâu đậm và thực hành những lời Chúa chỉ dạy để sống hoàn toàn cho Chúa và Hội Thánh của Ngài. Amen.
ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận