Tiền thau biểu trưng cho tấm lòng người tín hữu. Liên quan đến vấn đề này, nhiều giáo hữu chia sẻ thêm về thời điểm và ý thức bỏ tiền thau.
TRUYỀN SỰ GẮN KẾT
Chị Phạm Thị Thúy Nga (Gx Hưng Văn – GP Long Xuyên): Tôi thấy thông thường sẽ có một nhóm phụ giúp thu tiền thau hoặc giáo dân tham dự thánh lễ sẽ tự chuyền cho nhau các giỏ tiền. Phía cuối nhà thờ còn đặt một chiếc thùng nên bất cứ lúc nào giáo dân cũng có thể đóng góp. Mỗi một cách thức đều có ưu, khuyết điểm. Ví dụ như giáo dân ngồi ở phía xa dễ bỏ lỡ lượt quyên tiền hoặc khi luống cuống bỏ tiền vào giỏ lại bị lo ra, mất tập trung trong thánh lễ. Cách chuyền giỏ tiền tuy cũng làm chia trí ít nhiều nhưng diễn ra thuận lợi hơn. Bản thân tôi ít khi bỏ tiền trong chiếc thùng ở cuối nhà thờ vì cảm thấy bỏ tiền thau vào chiếc giỏ chuyền đi trong thánh lễ mang ý nghĩa gắn kết với cộng đoàn.
RỘNG TAY VÌ ĐIỀU TỐT ĐẸP
Chị Maria Vũ Nguyễn Quỳnh My (Gx K’Long – GP Đà Lạt): Bỏ tiền thau là một việc cần thiết và quan trọng, tahể hiện tinh thần chung trong mọi công việc của giáo xứ. Nhà thờ nào hằng tháng cũng phải chi phí điện, nước, hoa nến… và tiền thau là một khoản đóng góp giải quyết các chi phí này. Chúng ta thường chỉ góp cho giáo xứ của mình nhưng khi có dịp dự lễ ở các giáo xứ khác cũng nên rộng tay vì ở đâu chúng ta cũng cần phải thể hiện trách nhiệm với nhà Chúa. Một điều nữa là ngoài việc giải quyết chi phí hoạt động ở nhà thờ, tiền thau dồi dào sẽ giúp các giáo xứ làm thêm những công việc bác ái xã hội như cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, giúp người neo đơn bệnh tật…
TẬP CHO CON THÓI QUEN
TRÁCH NHIỆM VỚI CỘNG ĐOÀNBà Nguyễn Thị Xuân (Gx Nghĩa Sơn – GP Xuân Lộc): Tôi tập cho con thói quen bỏ tiền thau khi tham dự thánh lễ ngay từ lúc còn nhỏ. Ban đầu tôi cho con tiền, sau một thời gian tôi khuyến khích con tự dành dụm tiền để bỏ. Bên cạnh đó, tôi cũng giải thích cặn kẽ cho con hiểu ý nghĩa và mục đích của tiền thau đối với các hoạt động nơi xứ nhà. Theo tôi, những việc làm thiết thực như vậy không chỉ giúp trẻ ý thức được trách nhiệm góp phần cho công việc chung của xứ đạo mà còn tạo cho trẻ ý thức tiết kiệm và biết trân trọng những gì mình có. Thêm nữa, hành động nhỏ bé ấy cũng giúp cho trẻ cảm nhận được sự gắn bó với nhịp sống của giáo xứ và có thể mạnh dạn tham gia các sinh hoạt đoàn thể sau này.
Chị Nguyễn Thị Phương Oanh (Gx. Thánh Phaolô – GP Xuân Lộc): Ngày nào đi tham dự thánh lễ mà không bỏ tiền thau là về nhà tôi cảm thấy rất áy náy. Dù ít dù nhiều, tôi xem đó như là của lễ dâng lên Thiên Chúa. Bỏ tiền thau còn là một cách giúp tôi sống có trách nhiệm, phụ vào với cộng đoàn để nhà thờ thêm tươm tất và còn có thể giúp đỡ người nghèo khó. Tôi cũng thầm mong ước mỗi người, dù lớn dù nhỏ, cũng đều ý thức việc này.
DẠY TRẺ NHỎ
Anh Nguyễn Phước Tú (Gx Kinh Xáng – GP Long Xuyên): Có nhiều phụ huynh khi đi nhà thờ có thói quen tập cho các con bỏ tiền thau. Đây là một cách làm hay vì vừa giúp các em thích thú hơn với việc tham dự thánh lễ, vừa là cách dạy cho bé tập hy sinh và có trách nhiệm, không ỷ lại. Tôi thấy nhiều người còn nhẹ nhàng giải thích cho con bằng những lời dễ thương, khơi gợi được ở trẻ ý thức vì việc chung, yêu thương và sẻ chia. Cũng trong vấn đề tiền thau, một số anh chị trong giáo xứ còn khuyên các em nhỏ dành tiền tiết kiệm, nhịn ăn vặt để bỏ thau. Dù số tiền không lớn nhưng với những bài học bác ái, hy sinh ngay từ còn bé, các em sẽ dần dà vun đắp trái tim nhân ái và biết nghĩ về người khác nhiều hơn.
HẠN CHẾ CHIA TRÍ
Chị Hoàng Thị Thu (Gx Tân Hương – TGP.TPHCM): Tại nhiều nhà thờ, việc quyên góp tiền thau thường diễn ra khi đang đọc kinh Tin Kính hay trong lúc dâng lễ vật. Theo tôi, thời điểm thu tiền thau cần diễn ra vào thời điềm thích hợp nhất, ít làm xao nhãng cộng đoàn. Với những nhà thờ có đông giáo dân tham dự thì việc quyên góp kéo dài sẽ làm cho nhiều người dễ bị chia trí khi đang hiệp thông với vị chủ tế. Do vậy, nhằm tránh ảnh hưởng đến người dự lễ, các giáo xứ nên tăng lên nhiều thêm số lượng giỏ tiền và các thừa tác viên thu tiền để việc làm này diễn ra nhanh chóng.
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc