Mù lòa là một tình trạng bất hạnh, người mù bị ngăn cách với vạn vật, khó liên đới với những người xung quanh. Những ai bị mù lòa cũng khao khát ánh sáng, ước mong được thấy. Bác sĩ, lương y nào có thể chữa lành bệnh mù lòa là họ tốc tả tìm đến. Ai chữa được bệnh mù lòa cho họ thì được xem như là vị cứu tinh, vị đại ân nhân của họ suốt đời. Họ chấp nhận mọi đòi hỏi của lương y hay bác sĩ. Họ nhẫn nại trong quá trình chữa bệnh, miễn sao họ được sáng mắt là đủ.
Tin Mừng theo thánh Marcô mà chúng ta lắng nghe hôm nay, thuật lại việc Chúa Giêsu cho một người mù được thấy. Ðặt câu truyện này vào bối cảnh cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với nhóm Biệt phái cũng như với các môn đệ, thánh Marcô muốn cho chúng ta thấy rằng đức tin tức ơn sáng mắt là một ơn nhưng không của Thiên Chúa.
Những người Biệt phái đã tự giam hãm trong sự mù quáng tức trong ánh sáng riêng của họ để khước từ Chúa, đồng thời chối bỏ chính ánh sáng của Thiên Chúa; trong khi đó, các môn đệ lại lơ đễnh đến độ không thể thấy được ý nghĩa các phép lạ của Chúa Giêsu. Chữa lành cho người mù, Chúa Giêsu vừa tỏ quyền năng của Ngài, vừa cho thấy chỉ mình Ngài mới có thể ban cho con người ánh sáng mới, nhờ đó con người có thể thấy được Thiên Chúa.
Phép lạ Chúa Giêsu chữa cho người mù được thấy, mà Thánh sử Marcô thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay, nó có một điểm đặc biệt là Chúa Giêsu không chữa lành ngay, nhưng Ngài chữa bằng hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất giống cách Chúa đã chữa người câm điếc (Mc 7, 32 – 37 ): Ngài dắt anh ta ra khỏi đám đông, lấy nước bọt bôi vào mắt anh và đặt tay lên anh, Ngài hỏi: “Anh có thấy gì không?”. Anh đáp: “Tôi thấy người ta như cây cối, họ đi đi lại lại”.
Với sức mạnh quyền năng của Ngài, Ngài đã cầm lấy tay anh mù dắt ra khỏi làng, nhổ nước miếng và đặt tay trên người bệnh và hỏi: “anh có thấy gì không?”. Với cách chữa bệnh của Chúa Giêsu, xét về nguyên tắc vệ sinh thì quả là một điều kinh tởm. Nhưng trong thời cổ đại, người ta cho rằng nước miếng có vài đặc tính chữa bệnh. Chúa Giêsu cũng dùng phương thức này như những thầy thuốc thời xưa, nhưng Ngài đã làm cho cử chỉ này một hiệu quả lạ lùng mà người phàm không thể làm được.
Rồi Ngài lại đặt tay lên anh một lần nữa, anh ta mới thấy mọi sự rõ ràng. Như vậy, lần thứ nhất đức tin anh còn yếu ớt, vì phép lạ và đức tin có một tương giao chặt chẽ với nhau. Chúa Giêsu tỏ hiện lòng từ bi thương xót đối với anh mù, nên Ngài đặt tay thêm một lần nữa trên mắt anh, để giúp anh có lòng tin trọn vẹn vào Chúa, thì phép lạ sẽ được thể hiện. Thật vậy, lần thứ hai anh mù thấy rõ ràng, chứng tỏ anh đã tin vào Chúa cách vững vàng mạnh mẽ, và anh được mãn nguyện. Chúa Giêsu đã ban cho anh mù ánh sáng vật lý và ánh sáng đức tin một cách tiệm tiến, ban cho anh quyền tiếp xúc với vạn vật và liên đới với mọi người. Ngài chính là Đấng cứu độ nhân loại.
Điều lạ lùng là Chúa Giêsu phải đặt tay trên anh mù tới hai lần: lần đặt tay thứ nhất thì anh chỉ thấy “người ta như những cây cối đi đi lại lại”, còn lần thứ hai thì anh mới trông thấy rõ và lành hẳn. Có tác giả cho rằng thánh sử Mác-cô giúp chúng ta khám phá một Đức Giêsu gần gũi, sống động và là người hơn. Ngài luôn ở với chúng ta và sẵn sàng chữa lành cho chúng ta khi chúng ta chạy đến xin Ngài chữa lành. Nhưng bản văn cũng còn cho thấy một ý nghĩa khác về sự thiếu hiểu biết của chúng ta trong khi Ngài cố gắng mở “con mắt đức tin” để chúng ta nhìn nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa như trong trình thuật kế tiếp mà thánh sử Mác-cô muốn nói tới (Mc 8, 29).
Cuộc hành trình tìm ánh sáng của anh mù, tương tự như cuộc hành trình tìm kiếm đức tin của các tông đồ. Họ phải ý thức họ đang mù về thiêng liêng, họ cần được Chúa Giêsu chỉ dạy và mạc khải. Các tông đồ cũng được Chúa tách riêng ra để thuận tiện cho việc chỉ dạy.
Rồi Ngài cũng hỏi các ông: “Các con nghĩ gì về Ta?” Ban đầu các ông cũng chưa nhận thức được cách rõ ràng thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu, cái biết của các ông còn mù mờ, các ông nhận ra Đấng Cứu Thế trong con người Đức Giêsu, nhưng đức tin họ chưa phân biệt được tất cả các chiều kích Con Thiên Chúa trong Đức Giêsu, nên khi Chúa Giêsu hỏi: “Theo dư luận quần chúng, thì Thầy là ai?”. Họ đáp: Là Gioan Tẩy Giả, là Êlia, hay một trong các Tiên tri, một vĩ nhân của Israel.
Rồi có lần Chúa khiển trách các ông về việc lo thiếu bánh, tuy đã hai lần thấy Chúa làm phép lạ nhân bánh ra nhiều. Chúa nói: “Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe”. Qua nhiều lần Chúa giáo dục mạc khải, Phêrô mới đại diện cho các tông đồ, tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu đem lại đức tin cho các tông đồ cách tiệm tiến, dần dần, và nhẫn nại như Chúa đã ban ánh sáng cho anh mù với lòng yêu thương nhân ái.
Chúa Giêsu chữa cho người mù được thấy bằng những cử chỉ cụ thể: Cầm tay, đưa anh ra khỏi làng, bôi nước miếng vào mắt, đặt tay, và hỏi, rồi anh đáp lại…
Đó là những nghi thức bên ngoài, biểu lộ ý nghĩa bên trong của bí tích. Điều này đòi hỏi chúng ta, khi tham dự các bí tích, ta nhìn xem những dấu chỉ bên ngoài, phải biết nhận ra các ý nghĩa bên trong, và biểu lộ đức tin của mình bằng việc tham dự cách tích cực. Đồng thời phải công khai tuyên xưng đức tin của mình, đặc biệt trong bí tích rửa tội và Thánh Thể.
Thế giới hôm nay cũng đang sống trong “mù lòa,” không nhận ra đâu là ý Chúa, không nhìn thấy Chúa nơi anh em mình, nên vẫn sống trong tối tăm của tranh chấp, tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, hững hờ. Nhiều khi chúng ta như “ông nhà giàu” không nhận biết “người nghèo Ladarô” sống ngay trong cùng một mái nhà với mình. Chúng ta đã trở nên mù loà trước những nỗi thống khổ của anh chị em.
Khi rước Mình Thánh Chúa, chúng ta thưa Amen, là ta tin thật sự như vậy. Có đức tin mới đón nhận được các ơn ích của bí tích. Đức tin của chúng ta cũng cần được Chúa củng cố dần dần, nên chúng ta phải tích cực và kiên trì cộng tác với công việc Chúa làm, nhất là lắng nghe và thi hành lời Chúa, nhờ vậy chúng ta mới đạt được ơn cứu độ nhờ lòng tin.
Huệ Minh