Chị vào nhà xứ, mặt đỏ bừng bừng. Cơn giận vẫn còn hiện tỏ trên gương mặt dễ thương.
Chị bảo chị không thể ở được với chồng nữa, ngày nào cũng thế này… thế này… thì sao chịu được. Chị xin cha cho… ly dị.
– Chị bị chồng đánh à ?
– Dạ không. Thà con bị đánh còn hơn thái độ cứ dửng dưng, vô cảm thế này con không chịu được nữa !
Rồi chị trải lòng. Rằng chồng gì chẳng biết giúp vợ, nhờ sửa cái quạt, thay bóng điện… cuối cùng chị phải ra tay làm cho đỡ bực. Lại còn kiểu ăn nói, trả lời cộc lộc, ngay cả với cha mẹ vợ đến chơi. Tối ngày chỉ lo đi chơi. Dạy học về là tót đi đánh bida, cờ tướng…… Bực không chịu nổi!
– Chồng có đi bia ôm không?
– Dạ, không. Chuyện này thì chồng con không có. Chồng con cũng không phải dân nhậu nhẹt.
– Trước khi cưới có thời gian tìm hiểu không?
– Dạ có.
– Thế có ăn nói cộc cằn không?
– Dạ có.
– Thế sao lại lấy, giờ lại trách.
– Con thấy anh ấy hiền lành chịu khó… ăn nói cộc cằn tí chẳng sao, với lại anh là giáo viên dạy toán, khô khan âu cũng là bệnh nghề nghiệp.
– Chị nói đúng. Thế bây giờ anh còn hiền lành không? Có đưa tiền phụ lo gia đình không?
– Hiền thì vẫn hiền, tiền lương vẫn đưa con đầy đủ…Nhưng anh ấy không chịu ở nhà, tối ngày đi chơi cờ tướng, bida… Hỏi gì cũng không chịu nói, nhờ gì cũng không chịu làm… Sống như thế làm sao con chịu được !?
Tớ lại để chị trải lòng, nói… xấu chồng. Cũng chẳng có gì mới, tội gì ghê gớm… Quanh đi quẩn lại vẫn lại những chuyện như đã nói…
Bất ngờ tớ nói:
– Thế chị có bao giờ ngồi vào thùng nước sôi hay ngồi trên đống than chưa ?
– Con đâu có điên mà cha hỏi con như thế !
– Ờ, thì chị không điên, chồng chị cũng không điên nên mới không ở nhà.
Trên những dữ liệu chị kể, tớ giải thích. Chị thuộc người thẳng tính đến nóng tính, dễ quát la, hay cằn nhằn…
Chị công nhận !…
Và như thế, chị như lò than. Có điên mà ở với lò than… Chị thấy đúng không?
Tớ ‘chúc mừng’ chị có ông chồng còn tuyệt vời, không có ‘tứ đổ tường’- ăn chơi, nhậu nhẹt, cờ bạc, gái gú… Tránh thùng nước sôi là vợ chỉ đến những nơi giải trí lành mạnh.
Tớ cũng cảnh cáo: Nếu chị không sửa mình, không là ‘vợ hiền’ mà cứ phản ứng theo kiểu ‘bốc lửa’… Sức con người có hạn, chồng chị không chừng sa lầy vào chỗ ngon ngọt, những nơi đáng trách hơn mà chị cũng như mọi người vợ khác khó chấp nhận được. Vấn đề gì… chị dư hiểu !
Tớ chân tình: Muốn biến đổi người khác, trước hết mình hãy cộng tác ơn Chúa biến đổi chính mình. Có nhiều thứ mình muốn mà chẳng làm được thì sao bắt người khác làm điều mình muốn. Chị thấy có vô lý không?
Đời sống vợ chồng, có người ví như bản vũ điệu. Nếu vũ điệu bắt đầu nhàm chán, đừng bắt, đừng mong người khác đổi bước nhảy nhưng khi chính mình chịu đổi bước chân trước bản vũ điệu sẽ khác…
– Bây giờ con phải làm gì ?
– Đơn giản lắm. Trước hết chị tươi cười, chân thành xin lỗi chồng vì đã có những phản ứng chưa được dễ thương. Xin lỗi không hẳn ta có lỗi mà để thấy ta còn tôn trọng người khác. Mà người khác ở đây đâu phải ai xa lạ, chính là chồng mình. Vợ chồng xin lỗi nhau chẳng có gì phải xấu hổ.
Tiếp đến, mỗi khi gặp chuyện trái ý, thay vì phản ứng kiểu bốp chát cho hả giận, nói những lời khó nghe, ta chững lại ít giây thầm cầu nguyện bằng cách đọc 1 kinh Lạy Cha hay 1 kinh Kính Mừng, xin ơn bình tâm. Khi ta có tâm an, lời nói, phản ứng sẽ có sự trân trọng, dễ nghe hơn. Hoặc ta thầm cầu nguyện khi gặp chuyện: Lạy Chúa con đang rất bực, khó chịu vì chuyện này chuyện nọ; người nay, người kia… vì lòng mến Chúa con xin đón nhận để cầu nguyện cho gia đình, chồng con, cho các Linh hồn… Làm như thế ta biến những gian nan, thử thách thành Hồng ân, khổ đau thập giá thành Thánh giá Cứu độ.
Điểm quan trọng, xin lưu ý đến Giờ kinh tối. Mỗi tối nên có 10-15 phút ngồi bên nhau, trước mặt Chúa cầu nguyện cho gia đình hạnh phúc, xin lỗi- cám ơn nhau nếu cần.
Nhờ ơn Chúa, sau khi giải tỏa ‘tơ lòng’ mặt chị tươi vui trở lại. Chị cám ơn cha và ‘xin phép’ về.
Tớ biết để tập một thói quen tốt hay loại bỏ đi một thói quên xấu là rất khó, rất cam go.
Tớ xin Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse- Gia đình Thánh Gia đồng hành, nâng đỡ chị.
Lm.Đaminh Hương Quất