Lời hứa tự tình độc thân của người linh mục vừa là mầu nhiệm tuyệt đẹp lại vừa là viễn tượng đe dọa. Tuyệt đẹp ở chỗ nó phản ánh chức linh mục riêng của Đức Giêsu và khai mở cho Giáo Hội và thế giới một sự phong nhiêu thiêng liêng mà nếu không có nó thì không thể có sự phong nhiêu này. Đe dọa vì linh mục cũng chỉ là con người, với tất cả những khát vọng tốt và tự nhiên một hôn nhân và một gia đình, và ngài cũng lại là một tội nhân với những dục vọng cuồng loạn. Khởi sự từ thời Tân Ước, bậc độc thân đã có mối dây liên hệ tích cực và vững chắc với chức linh mục, và luôn là một dấu chỉ của sự mâu thuẫn cho thế giới sa ngã này, dù vào thời nước Palestine thế kỷ đầu, hoặc Châu Âu của thế kỷ mười một, hay thời nay cũng vậy.
Việc gắn kết chặt chẽ lời hứa tự tình độc thân vào con tim nhân loại giàu thiện chí, tuy còn nhiều yếu đuối và tội lỗi, nếu có thì chính yếu phải dựa vào việc cầu nguyện. Bài viết này gợi lên một chút suy tư về người linh mục với tư cách là bạn của Chàng Rể để từ đó trợ lực cho những buổi gặp gỡ qua kinh nguyện, để ngài có thể nghiền ngẫm sâu xa hơn về lời hứa này và cũng để giúp cho người khác thấu cảm những gì đang diễn ra trong tâm hồn các linh mục của họ.
Linh mục là bạn Chàng Rể
Tính cách vừa là Chàng Rể vừa là bạn Chàng Rể bắt nguồn từ Kinh Thánh và được triển khai trong các bài viết của các Giáo Phụ. Các giòng văn Kinh Thánh và Giáo Phụ đã được làm mới và triển nở dưới ánh sáng thần học về thân xác của Đức Gioan Phaolô II và nhờ các tác phẩm về tình yêu của Đức Bênêdictô XVI, sau khi các ngài đã áp dụng những thuật ngữ tu đức vào khái niệm cầu nguyện bằng trí tưởng tượng của Thánh Ignatiô để làm cho việc gieo mầm những chân lý này vào trong tâm hồn được trở nên dễ dàng.
Sao lại nói linh mục là “bạn Chàng Rể”? Trong khi đích thực người linh mục cùng với Đức Giêsu thông dự vào mối tương quan phu phụ với Giáo Hội, người linh mục đúng ra không phải là Chàng Rể theo nghĩa tuyệt đối. Điều này chỉ đúng với Đức Kitô. Đức Giêsu Kitô một mình chết cho Hiền Thê và như vậy Ngài trở nên chồng đích thực của Giáo Hội. Nhưng hai mầu nhiệm Chàng Rể và bạn có liên hệ với nhau: vì linh mục không phải Chàng Rể theo nghĩa chặt nhất, nên Đức Giêsu đã quảng đại mời gọi các linh mục của Ngài thông dự vào chiều kích hôn phu trong chức linh mục của Ngài. Bạn của Chàng Rể là điểm người linh mục cảm nghiệm thấm thía đời sống độc thân. Một trong những khát khao sâu thẳm nhất trong tâm hồn một người nam là muốn có một quan hệ phu phụ tự nhiên vì họ được dựng nên vì mục đích đó. Chiều kích phu phụ của chức linh mục—linh mục nhận thức được ngài có quyền chia sẻ tương quan phu phụ của Đức Kitô với Giáo Hội―tạo nên sự phấn khích. Nhưng ngài làm gì trong chiều kích trinh khiết, khi biết rằng ngài không phải là Chàng Rể đúng nghĩa, mà “chỉ” là người bạn? Nếu ngài quá chăm chút cho quả tim của mình, điều đó rất có thể sẽ làm cho ngài cô đơn và đôi khi ghen tị và giận dỗi. Niềm khát bỏng sâu thẳm muốn làm chàng rể có thể biến tướng thành nộ khí nuôi dưỡng sự bất an câm nín, buồn rầu, nóng sảng và phạm lỗi đức trong sạch. Tại sao Chúa lại yêu cầu tôi dâng cho Ngài cái điều mà Ngài đã phú vào bản tính tự nhiên của tôi? Khi một chàng trai hò hẹn, điều nào làm cho anh chàng đau đớn nhất khi nghe từ môi miệng người con gái anh yêu đắm đuối? “Em muốn chúng ta chỉ là bạn thôi.” Gọi là bạn trong một quan hệ như vậy đồng nghĩa với bị khước từ.
Sự phân biệt là bạn có thể cảm thấy như là tách lìa từ cả phía Chàng Rể lẫn Hôn Thê, và dường như là công dã tràng mà khát bỏng tự nhiên muốn có sự hiệp nhất phu phụ. Nếu người linh mục nhất mực chân thực trong lời kinh nguyện, ngài có thể nhận thấy một chuyển động không dễ chịu của lòng ghen tương với Chàng Rể mà, nếu không đối đầu, thì có thể trở thành oán giận, suy nhược, cay đắng và khô khan thiêng liêng. Ngài có thể chấp nhận, ca ngợi và bảo vệ sự độc thân vì ơn gọi linh mục của mình, nhưng không có gì bảo đảm ngài không oán ghét Chúa vì đã yêu cầu ngài độc thân.
Có thể ngài để lộ ra những trục trặc trong tâm hồn: nếu ngài chiếm hữu Hôn Thê cho mình, ngài sẽ bị vuột mất sự đơn hôn trong tình yêu của Nàng (và lễ vật tình yêu độc nhất đối với Nàng). Do đó, sự tự tình sống độc thân vượt ra ngoài bản tính con người sa ngã sẽ luôn gây ra những cuộc vật lộn với chân tính người bạn này. Đây là điều quan trọng mà người linh mục cần biết và nhận ra âm hưởng lạc điệu đó trong con người của ngài. Quả thực, ngài không được đào thoát khỏi những chuyển động đau đớn này, nhưng cần phải mang chúng vào trong lời cầu nguyện bằng trí tưởng tượng với ba vị đại thánh, để những mầu nhiệm hội tụ này trở nên khả giác trong tâm họ. Ba nhân vật lớn trong Kinh Thánh đó đã có những giây phút bị trêu ngươi là tại sao họ không là Chàng Rể. Người ta thuật lại với Thánh Gioan Tẩy Giả: “Thưa Thầy, người trước đây đã ở với Thầy bên kia sông Giođan và được Thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông” (Ga 3, 26). Thánh Giuse sống suốt đời hôn nhân cùng mái nhà với người vợ mà ngài yêu thương vô vàn, nhưng nàng lại là một trinh nữ trọn đời. Thánh Gioan Tông Đồ ngước nhìn lên Chàng Rể ở đồi Canvê, và Chàng Rể cũng nhìn vào ngài. Tuy nhiên, vị tiên tri, người thợ mộc và chàng ngư phủ không phải cái gì khác hơn những con người bất lực, vô hiệu. Khi cầu nguyện với những con người vĩ đại này, người linh mục có thể khám phá ra cách nói lên những điều đau nhói khi phải là người bạn, và ấp ủ sâu xa và còn là vui mừng nữa, chiều kích thập giá của chức linh mục.
Thánh Gioan Tẩy Giả: Bạn là phù rể
Bạn Chàng Rể hiển nhiên xuất phát từ Gioan Tẩy Giả: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Ðó là niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (Ga 3, 29). Không ganh tị cũng không oán hận, Thánh Gioan chỉ cho thấy làm bạn là một suối nguồn vui mừng. Người bạn này reo lên niềm vui của mình, và còn nữa, ngay chính vào giây phút ngài có thể bị cám dỗ trở nên ganh tị nhất: lúc mọi người đang lũ lượt kéo đến Đức Giêsu.
Việc hân hoan chấp nhận chân tính là bạn Chàng Rể nơi Thánh Gioan Tẩy Giả gần như bắt nguồn từ việc nên giống Đức Giêsu; nó là điều vui mừng ngay ban đầu (x. Lc 1, 44). Giả thiết mối quan hệ giữa hai người anh em họ này càng ngày càng thân thiết hơn khi họ cùng lớn lên. Trong quãng thời gian này có lẽ Thiên Chúa đã đem người bạn của Ngài vào làm con của Cha trên trời. Người bạn của Chàng Rể cũng sẽ là anh em của Ngài. Ấp ủ niềm vui mừng với chân tính của mình trong vai trò người bạn tùy thuộc vào việc tận hưởng địa vị con Chúa mà người Con có do bản tính và bạn của Ngài có theo thừa kế. Chàng Rể thu nhận bạn vào tình yêu của Cha để Cha trở nên Cha của bạn và gọi bạn bằng “con.” Chàng Rể muốn bạn nghe từ trong thẳm sâu tâm hồn tiếng nói của Cha, “Con là con yêu dấu của Cha.” Nói khác đi, người Bạn được đặt làm con do sự quảng đại của Chàng Rể. Không có sự đối địch nào từ phía Ngài. Đức Giêsu không oán giận hay bị đe dọa khi mở rộng quyền làm con cho những người khác. Quả thực, Ngài quá nhiệt tình chia sẻ quyền làm con mà Ngài sẽ đau khổ và chết trên thập giá để bạn có thể thông dự vào đó. Sự đối địch không thể tìm thấy khởi điểm ở nơi mọi sự được trao ban cách tự tình.
Khi lớn lên trong sự tương tự Đức Giêsu, người bạn, người con và người anh em thân thiết này bắt đầu trở nên giống Ngài. Khi người bạn bắt đầu sứ mệnh dọn đường cho Chàng Rể, tiên vàn dân chúng nghĩ ngài là chính Chàng Rể. Trong giây phút đó, người bạn, tuy còn đang sống với bản tính sa ngã của con người nhưng đã thánh thiện một cách vượt bực, có vậy may thế chỗ Chàng Rể và chiếm quyền của Chàng Rể. Khi được hỏi, “Ngài là ai?” Thánh nhân đã trả lời ra sao? Ngài chỉ nói cách đơn giản nhưng không kém mạnh mẽ: “Tôi không phải là Đức Kitô” (Ga 1, 20). Ngài còn đi xa hơn nữa, “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30). Bằng cách phân biệt chính mình khác với Chàng Rể, Thánh Gioan Tẩy Giả có thể làm chứng cho Ngài: Gioan “đến là để làm chứng cho ánh sáng” (Ga 1, 7–8). Ở đây có một phẩm hạnh mới nổi bật ra liên quan đến người bạn của Chàng Rể. Gioan bộc bạch người bạn là phù rể của Chàng Rể. Người linh mục độc thân phải là phù rể cho Đức Giêsu trong bữa tiệc cưới. Người phù rể đứng ở đâu? Anh ở bên cạnh Chàng Rể. Người phù rể nắm bắt được những bí ẩn sâu thẳm và tiềm mật nhất của Chàng Rể, nhất là tình yêu của Chàng với Cô Dâu. Chàng Rể ký thác mọi sự cho người phù rể của mình.
Là phù rể, người bạn giúp Chàng Rể nối kết với Cô Dâu. Có một linh mục chia sẻ với tôi [tác giả bài viết này] rằng một trong những lý do ngài yêu thích, đó là mang một linh hồn đến với Đức Giêsu. Ngài giúp cho cuộc gặp gỡ trở nên cởi mở. Ngài “dàn xếp” để cả hai yêu nhau. Gioan Tẩy Giả đã diễn đạt chiều kích này rất rõ. Ngài nhìn thấy Chúa Giêsu đang đi thì hô lên: “Đây Chiên Thiên Chúa!” Ngài đưa Anrê và Gioan vào trong mối quan hệ với Đức Giêsu. Do đó, việc chọn lựa từ bỏ những khát vọng sâu thẳm trong bậc độc thân là một lời mời gọi hân hoan chấp nhận chân tính người phù rể.
Nhưng người linh mục sẽ phải chiến đấu như thế nào để chấp nhận chân tính này? Nếu ngài trung thực, việc gạt bỏ tính ghen tị và đối địch để hân hoan chấp nhận việc dâng hiến tình bạn độc đáo của đời độc thân sẽ gồm có một cuộc đấu tranh giữa lằn ranh của sự thân mật phải từ bỏ và sự thân mật cần phải có. Gần như với mọi người nam, việc tiến đến trưởng thành không xảy ra nếu không tranh đấu. Anh em trai và những người bạn thân nhất, đặc biệt khi ở trong quá trình trưởng thành, luôn đứng khác chỗ trong cuộc chiến. Ở đây có rất nhiều nỗ lực và có lẽ còn là tức giận nữa, nhưng cả hai đều là một tính chất của tình yêu giữa hai người bạn với nhau. Khi chúng ta vật lộn với người bạn, ta dồn sức để thắng anh ta nhưng không thực sự làm tổn thương anh ta. Đôi khi chúng ta sẽ có được một sự phát triển thiêng liêng thành công nhất khi noi gương tổ phụ Giacóp (x. St 32, 22–31). Ông nhận lời hứa thánh từ Thiên Chúa cách lén lút. Chúa cũng muốn Giacóp nhận lời hứa nhưng sắp xếp sao cho ông phải là người người xứng đáng với lời hứa. Ngài đánh úp Giacóp trong lúc ông dễ thua nhất rồi cả hai vật nhau. Để trở thành Israel, Giacóp đã phải ráng đánh để thắng Chúa dù sau đó bị cà nhắc. Cuộc vật lộn nội tâm trong lời cầu nguyện bằng trí tưởng tượng có thể mở lối cho một người đi vào sự thân mật mới. Con người có thể vật lộn với Thiên Chúa bằng cách nào? Bằng việc tiếp tục mở tâm hồn ra trong kinh nguyện và để đón nhận sự đau khổ của Đức Giêsu, bằng việc liều mình và nỗ lực của chính bản thân trong sâu thẳm của con tim. Khi đó, dần dần Thiên Chúa sẽ tạo ra một điều gì đó mới mẻ và tuyệt đẹp trong sự độc thân của người linh mục―một tình yêu mãnh liệt hơn, một sự tự do lớn hơn và một niềm vui sâu xa.
Thánh Giuse: Người Bạn cùng với Đức Mẹ lướt thắng cơn cám dỗ
Bằng việc đổ máu, lời chứng cuối cùng cho Chàng Rể của Thánh Gioan Tẩy Giả trong vai trò người bạn chân thực đã chỉ cho chúng ta thấy một trận chiến vũ trụ đang hoành hành trong thế giới và trong tâm hồn mỗi người. Khi Chúa Giêsu bị cám dỗ trong hoang mạc, Ngài lôi trận chiến này ra ánh sáng thanh thiên bạch nhật bằng cách vạch mặt kẻ thù và đánh bại hắn với tư cách là một con người. Lãnh địa trong tâm hồn chúng ta đã bị mất bởi tội lỗi cần phải được tái chinh phục.
Trong suốt đời sống ẩn dật ở Nagiaret, có rất nhiều chi tiết được coi là ảnh hưởng của Thánh Giuse trên Chúa Giêsu. Chúa Cha đã có chủ đích rõ ràng khi chọn người đàn ông này, đấng với tư cách là người phối ngẫu trinh khiết sẽ sống mầu nhiệm người bạn Chàng Rể, ngài sẽ phải là mẫu gương nam tính cho Người Con Nhập Thể: một kiểu mẫu về cách đối xử với người nghèo, cách làm việc vất vả để kiếm sống, cách cầu nguyện, cách giao tiếp với nữ giới và cách đương đầu với sự dữ. Chúa Giêsu đã quá giống với người cha nuôi đến nỗi người đồng hương nghĩ Ngài là con của Thánh Giuse theo huyết thống. Thêm nữa, khi làm nghề của Thánh Giuse, Đức Giêsu hẳn cũng có cùng một phong cách như ngài, kiểu nói, tính dí dỏm, mà còn có thể là âm tiết của giọng nói nữa. Liên can đến việc thắng cám dỗ, ta có lý để tin rằng ngài đã làm gương cho Chúa cách đương đầu với sự dữ với tư cách là con người, hơn nữa là một người nam khi họ cần phải biết làm gì cho con tim đã được tái chinh phục của họ.
Theo chủ đề đang nói, chúng ta chỉ bàn đến cơn cám dỗ đầu của Chúa, cám dỗ về xác thịt. Một khía cạnh nổi bật của việc đương đầu trên là tính chân thành của Chúa. Ngài không lo âu cũng không bối rối khi bị cám dỗ. Có khi Ngài còn mong nó đến. Đó không phải là thái độ chân thành giống với những ấn tượng chúng ta có về Thánh Giuse trong Tin Mừng hay sao? Tuy nhiên khi đối mặt với sự dữ, sự chân thành này quả cũng chẳng chịu nhượng bộ. Khi bị vây khốn bởi cơn cám dỗ về xác thịt, Đức Giêsu trả lời, “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh!” Hầu như những lời Ngài nói giống với những lời của Thánh Giuse dùng để thắng những cám dỗ như thế. Chúa truyền: “Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng. Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái” (Đnl 6, 6–7). Một cách nào đó, Thánh Giuse chắc chắn đã nêu gương rằng một người nam không thể nào đơn giản sống chỉ để theo đuổi dục vọng. Thánh Giuse và Đức Maria có một quan hệ đặc biệt về việc sống trọn đời hôn nhân trong trinh khiết. Ngài yêu Đức Mẹ khi biết rằng Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Tuy thế, ngài cho thấy dù là một người bạn thì vẫn có mọi thứ khi ở cận kề bên Mẹ. Tình yêu vợ chồng-trinh khiết của ngài được rợp mát bởi Mẹ. Ta có lý để nghĩ rằng khi đã hoàn toàn dâng hiến cho Chúa Cha, Đức Mẹ có khả năng hướng dẫn người bạn đời của mình sống ơn gọi đặc biệt của ngài và là một nguồn sức mạnh đào tạo, có thể nói là thiết yếu nữa, cho thánh nhân để ngài có khả năng chiến thắng cám dỗ, đặc biệt những cám dỗ xác thịt.
Ơn gọi của Thánh Giuse không phải để sống sự cô lập khắc kỷ hoặc ở giai đoạn chưa trưởng thành tiền hôn nhân, nhưng trong mối liên hệ sâu xa, tiềm mật và trong sạch với Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ là một người nữ bằng xương bằng thịt và là người yêu mãnh liệt của Thiên Chúa. Tôi cho rằng Đức Mẹ chỉ yêu và cưới người nam nào nỗ lực sống thánh thiện. Người ta chỉ có thể tưởng tượng được Đức Mẹ hấp dẫn chừng nào đối với Thánh Giuse. Trong cầu nguyện, người ta có thể hỏi Thánh Giuse làm sao ngài có thể làm quen Đức Mẹ và ngài đã yêu Đức Mẹ như thế nào. Người ta có thể hình dung Đức Mẹ đã nói gì với ngài về biến cố Truyền Tin, dù biết vậy nhưng sao ngài vẫn quyết định đưa Đức Mẹ về làm vợ, mà vì đó ngài liều bỏ hết mọi sự để bước vào con đường ẩn khuất. Hai người nhìn nhau như thế nào? Có lẽ ngài đã đương đầu với những cám dỗ về đức trong sạch bằng phương pháp đơn giản là nhìn vào Đức Mẹ. Vốn biết rõ về thánh nhân, Đức Mẹ có lẽ cảm được những xao động trong lòng ngài, và có thể Mẹ đã đến gần ngài để chạm bàn tay vỗ về lên vai ngài để nâng tình yêu nhục thể (eros) của ngài tuy tốt và tự nhiên nhưng sai lạc lên thành tình yêu hướng thượng (agape) đích thực. Người ta chỉ cần ngước nhìn một chút vào Mẹ và được Mẹ nhìn lại. Mẹ có một ơn sủng đặc biệt khi Mẹ hiện diện và lặng lẽ nhìn thấu vào con tim không yên của người nam. Tình yêu đó làm tiêu tan cơn cám dỗ một cách nhanh chóng và tạo được niềm bình an sâu xa.
Từ mẫu gương của Thánh Giuse, người bạn Chàng Rể có thể rút ra một số kết luận cho đời sống thiêng liêng riêng biệt của họ. Họ không cần phải ngạc nhiên, lo âu hay bối rối khi các cơn cám dỗ về xác thịt xảy đến, nhưng đánh bại nó với cùng một niềm chân thành và chóng vánh của Chúa và người cha nuôi của Ngài, phát sinh từ tình yêu Đức Maria. Vì bản tính sa ngã của mình, người linh mục có thể không mong chờ cuộc chiến sẽ có sự phản công thần tốc và anh dũng dẫn đến chiến thắng nhưng đúng hơn, như một trậnh đánh trong thành phố—gan góc, hoang tàn, nhiều khi còn là vô vọng― và ngài kết thúc chiến cuộc với một chút què quặt như Giacóp. Nhưng ngài không bao giờ đơn độc—tình yêu của Mẹ Maria đối với người bạn sẽ nghiền nát kẻ thù chung của họ.
Thánh Gioan người Chúa yêu: Bạn trong nhà với Đức Mẹ
Thánh Gioan Tẩy Giả tỏ cho thấy cách người bạn Chàng Rể cũng là con như Chàng Rể, người anh em, người bạn tương đắc và còn là phù rể nữa. Thánh Giuse cho ta thấy người bạn Chàng Rể, trong vai trò người phối ngẫu trinh khiết, sống trong mối tương quan mật thiết và trong sạch với Đức Trinh Nữ Maria. Có vẻ như hai luồng tư tưởng này giao nhau trong Gioan Người Chúa Yêu và việc giao nhau này tỏ lộ một điều gì đó mới mẻ liên can đến chủ đề chúng ta đang nói.
Một người đánh cá thô kệch như bao người khác, ông có những điều giống như Phêrô, Anrê và anh mình là Giacôbê. Gioan không ngại đụng độ (x. Lc 9, 49). Với kiểu nói kháy, Chúa đặt tên cho ông là “con của sấm sét” (Mc 3, 17) vì người tông đồ nhiệt thành này cho rằng phải dạy cho những người Samaritanô vô tri cứng lòng một bài học đích đáng (x. Lc 9, 49). Theo cử điệu ra hiệu của Phêrô, ngài có đủ uy tín để hỏi Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly ai là kẻ nộp Ngài (x. Ga 13, 25). Trên hết, khi mọi tông đồ khác đã đào thoát, ngài đã đứng gần và nhìn lên Chúa đang bị treo trên thập giá, hơn nữa đã tận mắt bắt gặp ánh mắt của Chúa (x. Ga 19, 26). Ngài xem thấy Chúa Giêsu thở hơi cuối cùng. Ngài đã không thất kinh ngoảnh mặt đi khi nhìn thấy trái tim Chúa bị lưỡi đòng đâm thâu, và ngài đã chứng kiến máu và nước chảy ra (x. Ga 19, 34–35). Tất cả những điều này biểu hiện sự giống nhau giữa Chàng Rể và bạn chàng.
Vì sự giống nhau này và qua mầu nhiệm thập giá, có một điều mới mẻ được mạc khải cho những linh mục tương lai qua người bạn này. Tại đồi Canvê, Gioan và Đức Maria đứng gần kề (x. Ga 19, 25). Đức Mẹ, nguyên mẫu của Giáo Hội, đang trong cơn đau đớn vật vã. Hiện diện bên Mẹ là người bạn, một trong những vị linh mục đầu tiên, vào giây phút đó cũng đang chia phần đau đớn của Chàng Rể. Vì là bạn nên ngài có thể được dẫn đến chia sẻ vai trò của Chàng Rể. Tay Chàng Rể bị ghim chặt vào Thập Giá. Khi lưỡi gươm đau thương cắm ngập vào trái tim người mẹ, ngài không thể làm gì hơn cho Mẹ. Mẹ vẫn đang đau khổ tột cùng khi nào bàn tay của Ngài còn bị đóng vào cây gỗ. Ngài đã làm gì? Ngài ngước nhìn lên cả hai. Người linh mục, với tư cách là người bạn thực của Chàng Rể, được kêu gọi để trở thành người tiếp nhận ánh nhìn này. Tôi có đủ mạnh như một người nam để đứng gần và bắt gặp ánh mắt của Đấng bị đóng đinh không? Trong giây phút dễ bị thương tổn nhất của Chàng Rể, Ngài kêu gọi bạn Ngài, chàng phù rể, người luôn bên cạnh mình, người mà Ngài biết có thể tin tưởng được, và yêu cầu người này dang tay đón nhận Đức Maria: “Rồi Người nói với môn đệ: ‘Ðây là mẹ của anh.’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 27).
Những từ ngữ trên hợp thành một một câu văn trong Kinh Thánh, nhưng hàm chứa trong chúng là cả một mầu nhiệm rất lớn mà từ đó có thể nói lên nhiều cái khác nhau: giữa việc có là linh mục hay không; giữa việc là linh mục nhưng có trung thành với những lời hứa hay không; giữa việc là một linh mục thống hối và vẫn còn tiếp tục tìm kiếm cho mình một niềm tin mới mẻ hoặc là người chểnh mảng ơn gọi của mình; giữa việc là linh mục vốn có thể liên kết với công chúng hay lại là linh mục giả hình, nguội lạnh, hoặc xa cách; giữa việc là linh mục thao túng vị Hôn Thê vì địa vị riêng hoặc quyền bính riêng của mình hay là linh mục vui tươi hoặc linh mục độc thân èo uột, cay đắng.
Việc hoán đổi này ảnh hưởng đến sự tự do đích thực bên trong: sau khi đón nhận ánh nhìn của Chúa, Đức Giêsu truyền cho bạn Ngài hướng ánh nhìn đó vào vị Hôn Thê. Gioan nhận sứ điệp không đơn giản là tuân giữ, mà còn là lắng nghe, dán mắt, điều chỉnh cái nhìn hướng về Mẹ. Này đây là Mẹ. Này đây là ánh mắt Mẹ, nước mắt của Mẹ và con tim bị đâm thủng của Mẹ. Ngay bây giờ Mẹ đang cần gì? Mẹ đang chia sẻ niềm cô đơn bỏ rơi của Ngài, và Mẹ gần như cảm nhận sự cô đơn trong thống khổ của đêm tối tăm với nỗi buồn đau đang dày vò. Mẹ cần đến ánh nhìn và cảm nhận bàn tay của ngài. Đức Giêsu nói với Mẹ hãy nhìn vào bạn Ngài như Mẹ nhìn lên Ngài, để yêu thương Gioan y như Mẹ đã yêu thương con riêng của mình. Phải nhìn như thế nào vào mắt Mẹ trong giờ khắc sâu thẳm của thiếu thốn và dễ bị tổn thương? Phải ngước nhìn lên Mẹ như thế nào? Phải như thế nào đối với linh mục để cảm nhận được bàn tay lạnh cóng của Mẹ khi Mẹ bị tràn ngập bởi những nỗi đau sinh hạ mầu nhiệm này? Trong một hành vi tình yêu hướng thượng độc thân, trong sạch, người bạn Chàng Rể đón nhận Mẹ về với mình.
Đón nhận Mẹ về “nhà mình” có nghĩa là học cách “ở nhà” với Mẹ. Cho tới ngày Lên Trời, chúng ta giả thiết Mẹ sống với thánh nhân, Mẹ đi lại, ăn uống, trò chuyện và cầu nguyện với ngài. Đức Mẹ biết suy niệm thế nào trong lòng về những mầu nhiệm đức tin (x. Lc 2, 19). Tôi hình dung Đức Mẹ cũng dạy Gioan cách nghiền ngẫm và suy niệm, điều sau này có lẽ đã ảnh hưởng đến Tin Mừng. Gioan học cách sống tự nhiên quanh Mẹ và nhận lấy những đụng chạm vỗ về và trong sáng của niềm trìu mến và những cái nhìn tin tưởng và yêu thương. Mọi ân sủng đều là của Chúa Ba Ngôi và phát xuất từ Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng Chúa có thể ban tặng ân sủng của Ngài theo ý Ngài muốn. Ngài biết rằng có lẽ những phần nào đó trong quả tim người đàn ông chưa được mở ra, hoặc chưa hiểu biết về ân sủng đến qua lối nam tính trong lời cầu nguyện. Vì thế Ngài đã ban những ân sủng đó cho Đức Maria, đấng thông ban cho họ dưới bóng dáng một người nữ, hoàn toàn thích hợp cho quả tim của người nam. Khi người Bạn đón nhận những ân sủng mang nữ tính ấy thì Mẹ bắt đầu vượt qua được bức màn con tim của ông, giúp nó an bình và trở nên mạnh mẽ, tin tưởng và vui tươi. Mẹ muốn hôn lên con tim ấy và lôi kéo nó về phía mình.
Người linh mục độc thân luôn về nhà của Mẹ; ngài luôn chú ý đến con tim của Mẹ; ngài luôn có mối quan hệ này và đào sâu nó. Người linh mục trong nhà xứ của ngài được yêu cầu đón nhận Mẹ về nhà mình và thay đổi bản thân trước sự hiện diện của Mẹ. Trong giây phút cô độc và chán chường, ngài sẽ bớt đi những sa ngã khi biết rằng Mẹ ở bên ngài và yêu cầu ngài chú ý vào Mẹ và đón nhận tình yêu từ con tim của Mẹ. Dù muốn trở thành “những người bạn ngay chính” nhưng lại thất bại thì sẽ được Đức Mẹ quan tâm chăm sóc cách riêng nếu cố gắng ở lại trong bậc độc thân. Vì tình yêu của Mẹ quá thuần khiết, vị linh mục không cần phải lo lắng nếu Mẹ cũng thân tình với các linh mục khác. Tình yêu độc thân có tính ôm trọn nhưng lại chưa bao giờ mất đi tính độc hữu.
Kết Luận
Người linh mục trong vai trò bạn Chàng Rể tỏa sáng mối hiệp thông tiềm mật với Đức Kitô. Bằng việc phân biệt chính mình khác với Đức Giêsu, người linh mục từng được nhắc nhở rõ ràng rằng quyền bính nơi ngài không bao giờ được lẫn lộn với chính bản thân ngài, nhưng đúng hơn nó phát sinh từ Đức Kitô đang ngự bên trong ngài. Việc phân biệt làm cho việc hiện diện của Đức Kitô bên trong người linh mục trở nên dễ dàng, một nơi mà tiếng nói của Chàng Rể có thể phát ra và vang vọng trong thâm cung con tim của người linh mục và vọng đến những người khác thông qua ngài. Hơn nữa, chiều kích nói trên của căn tính linh mục tìm thấy được ý nghĩa trọn vẹn trong Đức Trinh Nữ Maria. Con tim của ngài trở thành một chỗ thân quen cho Mẹ, nơi Mẹ bước đi và yêu thương ngài. Những giây phút cảm thấy cô độc và đau đớn, vốn vẫn xảy ra, cần phải xảy ra trong bối cảnh của mối thâm tình này.
Tuy nhiên để chiếm thủ mầu nhiệm này luôn hàm chứa việc tranh đấu. Cần phải có ơn thánh, thời giờ và sự kiên nhẫn để hân hoan đón nhận mầu nhiệm này và được màu nhiệm này tác động. Đời độc thân có thể trải nghiệm như là đi trên mặt nước. Các Thánh Gioan Tẩy Giả, Giuse và Gioan Người Chúa Yêu mời gọi người linh mục bức phá ra khỏi thế gian này, nhưng bản tính sa ngã của ngài lại nói, “Không thể! Chẳng có gì ngoài tối tăm lạnh lẽo và cô đơn.” Trên mặt nước đó, Đức Giêsu dang tay gọi, “Cứ đến!” và Đức Mẹ cũng nói, “Con hãy đến!” Ngài cũng không cần phải ngạc nhiên nếu, khi chức linh mục triển nở qua chúng, người được dẫn vào con đường trở nên giống Đức Kitô, có khi phải đến chỗ đổ máu nữa. Lịch sử Giáo Hội tràn đầy những người bạn cao quí ấy, những người đã bỏ lại đàng sau cuộc sống của mình để chọn con đường nên giống Chàng Rể.
Đức Ông John Cihak[1]
Lm. Đaminh Phạm Đức Sỹ CMC
chuyển ngữ từ “Homiletic and Pastoral Review”
Vol. CXI, no. 10, số tháng 8–9/2011, tr. 22–29.