Tính mở ra nơi con người là một đà vươn lên hướng về Tuyệt Đối. Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã đến và đổ đầy lòng khao khát này của con người. Biến cố ấy đã diễn ra một lần và kéo dài trong vĩnh cửu: Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, trở nên Đức Giêsu Nazareth. Chính ở nơi Đức Giêsu, bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người đã gặp gỡ nhau và liên kết chặt chẽ trong một ngôi vị duy nhất. Mầu Nhiệm Nhập Thể chính là chân lý căn bản của Kitô học “hữu thể”: Thiên Chúa đã trở nên con người. Ngôi Lời bắt đầu hiện hữu trong thân phận con con người. Biến cố nhập thể là giây phút quyết liệt trong lịch sử cứu độ.
1. Ngôi Lời Đã Trở Nên Xác Phàm (Ga 1,14)
Trong lời tựa mở đầu Tin Mừng, thánh Gioan khẳng định thật rõ ràng về Mầu nhiệm Nhập Thể: Ngôi Lời đã trở nên xác phàm (1,14). Theo Karl Rahner, lời khẳng định này gồm ba yếu tố: Ngôi Lời (Thiên Chúa), trở nên, và xác phạm. “Ngôi Lời” là khởi điểm (terminus a quo); “xác phàm” là đích điểm (terminus ad quem ); “trở nên” là một tiến trình và đây chính là nơi diễn ra mầu nhiệm.
a. Ngôi Lời Vĩnh Cửu Là Thiên Chúa
Là một Kitô học “từ trên cao,” Tin Mừng Gioan đã khởi từ mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời để đi ngược lên về tình trạng của Đức Giêsu trước lúc làm người. Đó chính là sự tiền hữu của Ngôi Lời vĩnh cửu: Lúc khởi nguyên đã có Lời, và Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa (1,1). Ngài là Đấng có từ ban đầu. Ngài không có một khởi điểm đầu nhưng đã hiện hữu từ đời đời, từ vĩnh cửu. Bản ngã của Đức Giêsu chính là Một trong Ba Ngôi Thiên Chúa, hằng hữu ở nơi chính mình và hoàn toàn tách biệt với các điều kiện không gian-thời gian của con người.
Quan niệm tiền hữu thường dễ đưa đến nhiều giải thích sai lạc. Tiền hữu không giống như luân hồi trong giáo lý nhà Phật, cũng không là sự “tái nhập thể” (re-incarnation ) như trong quan niệm Ấn giáo. Người Do thái nói về Sự Khôn Ngoan tạo dựng có mặt với Thiên Chúa từ trước lúc tạo dựng. Sự Khôn Ngoan ấy không phải là một ý định nơi Thiên Chúa (divine entelechy) nhưng như một nhân vật ở bên cạnh Thiên Chúa.
Đối với Gioan, Đức Giêsu-Ngôi Lời hiện hữu trước khi vũ trụ được tạo dựng. Từ muôn đời, Ngài là Đấng tự hữu (ego eimi ). Đây là cách nói của người Do thái để chỉ Chúa Giavê (xem Xh 3,14). Ga 17,5 còn nói về vinh quang Con đã có nơi Cha trước khi có thế gian . Chính Đức Giêsu khẳng định: Trước khi có Abraham, Ta đã có (Ga 8,58).
Ngày nay, thần học ít nói đến ý niệm “tiền hữu” nhưng giáo huấn Tân Ước dạy rõ ràng về sự tiền hữu của Đức Kitô (Pl 2,6t; Ga 1,1t; Dt 1,2-3), về cách thức hiện hữu của Ngài “trước khi” đảm nhận bản tính nhân loại của chúng ta và trở nên con người. Tiền hữu là cách suy nghĩ của con người sống trong thời gian và trong lịch sử.
Đức Giêsu chính là Thiên Chúa. Trước khi nhập thể, Ngài tiền hữu như một ngôi vị chứ không như một ý niệm hoặc một nguyên mẫu. Nói cách khác, mối tương quang giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa, như Con với Cha, không thể tách khỏi cuộc sống trần thế của Ngài, vì đó là mối tương quan vĩnh cửu. Chính sự tiền hữu này giải thích phổ quát tính đích thực của Đức Giêsu: ơn cứu độ Ngài đem đến là cho tất cả mọi người. Trong Kitô học, không thể có sự tách rời giữa “chức năng” và”hữu thể.” Tiền hữu còn có nghĩa là ơn cứu độ con người nhất thiết phải từ bên ngoài mà đến. Đấng Cứu Độ do chính Thiên Chúa sai đến (Gl 4,4; Rm 8,5) từ trên cao (Ga 8,23), từ chính Chúa Cha (Ga 8,42).
b. “Trở Nên” (egéneto)
Làm sao Ngôi Lời lại có thể “trở nên” được? Theo triết học, Thiên Chúa không thể trở nên được. Bởi lẽ chỉ có thể trở nên một điều mà trước đây chưa có, hoặc một điều chưa đầy đủ hoàn tất. Mà Chúa đã có đầy đủ rồi vì Người là Đấng toàn vẹn! Tuy nhiên, Karl Rahner cho rằng Ngôi Lời không thể trở nên trong chính mình nhưng có thể trở nên trong một điều gì khác (Le Verbe est inchangeable en soi mais il change dans l’autre). Điều gì khác ấy chính là một thụ tạo. Thiên Chúa có khả năng trở nên một điều gì khác không phải là Thiên Chúa, nếu Người muốn. Chủ thể của “trở nên” ở đây chính là Ngôi Lời, là Con Một đã hiện hữu từ muôn đời với Chúa Cha. Trong phụng vụ, khi đọc Kinh Tin Kính đến đây thì các Kitô hữu quỳ gối đề thờ lạy và cảm tạ vì mầu nhiệm tuyệt vời mà Thiên Chúa đã thực hiện. Đó chính là lời tuyêm xưng đức tin về mầu nhiệm “Một trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã trở nên một trong chúng ta.”
Các Giáo phụ nói “Một trong Thiên Chúa đã trở nên con người” chứ không nên nói “Thiên Chúa đã trở nên con người,” vì Thiên Chúa là Ba Ngôi. Trong Thiên Chúa chỉ có một bản tính nhưng ba ngôi vị! Và một trong ba ngôi vị ấy đã trở nên người. Như thế Nhập Thể không chỉ là một sự kiện trở nên một điều không phải là Thiên Chúa, nhưng là trở nên người. Sự trở nên ấy sẽ còn được tiếp tục tiến triển: Đức Giêsu càng trở nên người bao nhiêu thì nhập thể càng hoàn hảo bấy nhiêu. Vì thế, Phục Sinh chính là đỉnh cao của Nhập Thể. Giờ đây, mầu nhiệm Nhập Thể đã thành vĩnh cửu: Con Thiên Chúa sẽ mãi mãi là một con người.
c. Xác Phàm
Trong Gioan, “xác thịt” (sarx) chỉ về toàn thể con người, vốn yếu hèn và hay chết (xem 3,6; 17,2; so với St 6,3; Tv 56,5; Is 40,6). Con người chính là điểm tới của mầu nhiệm Nhập Thể. Điều này có nghĩa là con người chính là điều mà Thiên Chúa trở nên khi Ngài trở nên một điều không phải là Thiên Chúa. “Trở nên” ở đây không phải là mặc lấy hình dáng giống con người, như kiểu avatara bên Ấn độ (một kiểu thần linh đội lốt người phàm, chỉ có dáng vẻ con người bề ngoài mà không phải là con người thực sự), cũng không phải một thứ thân xác trá hình như ảo thân thuyết (docétisme) quan niệm. Ngôi Lời đã làm người với tất cả các hậu quả hàm chứa trong đó. Làm người là đi vào một lịch sử cụ thể, thuộc về một dân tộc với một nền văn hóa riêng biệt. Làm người nghĩa là Ngôi Lời đã trở thành một trong chúng ta, chia sẻ trọn vẹn thân phận và cuộc sống con người: Ngài đã trở nên giống một kẻ phàm nhân, cuộc đời chẳng khác chi người thế (Pl 2,7). Nhập thể là một quyết định căn bản của Thiên Chúa: Ngài đã trở nên con người hoàn toàn như chúng ta chỉ trừ tội lỗi (x. Dt 2,17; 4,15). Ngôi Lời đã trở nên một con người thật: đây cũng chính là một cớ vấp phạm của Kitô giáo đối với nhiều người. Khuynh hướng nhất-tính-thuyết (monophysitisme) vẫn còn tồn tại trong lối suy nghĩ của đa số các Kitô hữu hôm nay: Đức Giêsu đã được “thần hóa” đến độ Ngài chỉ là con người một phần thôi chứ không hoàn toàn là một con người như chúng ta.
2. Ngôi Lời Đã Trở Nên Đức Giêsu Nazareth
Có hai cách quan niệm về mầu nhiệm Nhập Thể:
• Thiên Chúa đã trở nên con người
• Ngôi Lời đã trở nên Đức Giêsu Nazareth
Thoạt nghe, cả hai cách nói có vẻ giống nhau và đều đúng. Tuy nhiên, hai cách quan niệm tên sẽ đưa đến nhiều hệ quả hết sức khác nhau. Kiểu nói thứ nhất không chính xác và rất trừu tượng vì Thiên Chúa gồm cả Ba Ngôi, và “con người” là một danh từ trừu tượng không có trong thực tế. Kiểu nói thứ hai đúng hơn và cụ thể hơn: Ngôi Lời (Một trong Ba Ngôi Thiên Chúa) đã trở nên Đức Giêsu Nazareth (một con người lịch sử thuộc về một thời gian, một không gian nhất định). Cách quan niệm này sẽ có nhiều ảnh hưởng trong Giáo hội học và Bí tích học.
Quả thật, Đức Giêsu là một con người cụ thể: Ngài không những là một người-như-chúng-ta nhưng còn là một người-thuộc-dòng-giống-chúng-ta . Đức Giêsu không phải là một người từ trời rơi xuống nhưng Ngài xuất phát từ một dòng dõi cụ thể: dòng dõi của Đavít, của Abraham (xem Mt 1,1). Ngài là con của loài người thuộc dòng giống Ađam (x. Lc 3,38).
Đức Giêsu là môt con người, một người Do thái thuộc nam giới. Ngài được sinh ra bởi một người mẹ đồng trinh là Đức Maria. Ngài nói tiếng Aram và suy nghĩ theo não trạng Sêmít như những người Do thái đương thời. Chúng ta có thể xác định rõ ràng về sử tính của Đức Giêsu: Ngài sinh ra tại Bêlem, xứ Giuđêa, thời vua Hêrôđê và hoàng đế Augustô. Ngài đã chịu tử hình thập giá vào buổi chiều ngày thứ sáu khoảng năm 30 trên ngọn đồi Golgotha ở ngoài thành Giêrusalem, đã chết và được mai táng thời Phonxiô Philatô làm toàn quyền xứ Yuđa.
Là người như mọi người khác, Đức Giêsu đã lớn lên theo quy luật phát triển chung của mọi hữu thể nhân linh về mọi mặt tâm lý, sinh lý, thể lý. Ngài đã tiến bộ theo thời gian và hướng dần đến sự toàn thiện, kể cả sự toàn thiện về luân lý. Ngài đã trải qua mọi cảm xúc vui buồn, hoan lạc và hạnh phúc, đau khổ và ưu phiền, đã sống những giờ phút đầy an ủi với các bạn hữu, nhưng cũng đã cảm nghiệm tình trạng cô đơn khủng khiếp trong tâm hồn, nhất là trong cuộc khổ nạn và khi phải một mình đối diện với sự chết. Ngài đã sống những phút giây đầy thử thách và cám dỗ: cám dỗ về cách thức làm Con Thiên Chúa trong cuộc sống loài người, về cách thức phải xây dựng Nước Trời thế nào trong lịch sử nhân loại.
Là một người Do thái, Đức Giêsu đã sống đời sống tôn giáo giống như cha mẹ và dân tộc của Ngài. Niềm tin của Ngài vào Thiên Chúa cũng lớn dần theo năm tháng. Ngài đã sống một niềm tín thác vào Thiên Chúa, Đấng cũng chính là Cha Ngài. Ngài tìm sự nâng đỡ của Cha trong những buổi cầu nguyện lâu giờ và nhiều khi Ngài sống sự thân mật ấy với Cha suốt cả đêm thâu. Ngài đã học vâng phục thánh ý Cha ngang qua đêm tăm tối của đức tin, đặc biệt trong vườn Giệtsêmani và trên thập giá. Ngài đã sống niềm tin nhân loại ấy cho đến những hậu quả cuối cùng.
Thánh Phaolô đã cắt nghĩa về mầu nhiệm Con-Thiên-Chúa-làm-người trong thư gởi tín hữu Philíp: Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự (Pl 2,6-8). Là Con Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha, Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm tự hủy (kenosis) trong thân phận làm người. Ngài đã liên đới với nhân loại tội lỗi để đem lại lợi ích cho chúng ta và cho chúng ta tất cả những gì Ngài có. Đây vẫn là một bài học cho mỗi Kitô hữu và cho Giáo hội qua mọi thời đại, một bài học mà không phải lúc nào cũng dễ hiểu và dễ dàng đón nhận.
3. Mầu Nhiệm Ngôi Hiệp
Ngôi Lời đã trở nên Đức Giêsu Nazareth. Ngài vừa là Thiên Chúa vĩnh cửu, vừa là con người bị giới hạn trong thời gian. Đức Giêsu đã có hai cuộc sinh hạ: cuộc sinh hạ thứ nhất diễn ra trong vĩnh cửu và bởi Thiên Chúa nên Ngài đồng bản tính với Chúa Cha; cuộc sinh hạ thứ hai diễn ra trong thời gian và bởi Đức Maria nên Ngài đồng bản tính nhân loại với chúng ta. Hai bản tính ấy đã kết hiệp với nhau trong một ngôi vị duy nhất: Đức Giêsu Nazareth. Đây chính là mầu nhiện Ngôi Hiệp.
a. Các Lạc Giáo
Việc giải thích mầu nhiệm này đã làm phát sinh nhiều lạc giáo nguy hiểm trong Giáo hội buổi đầu. Các khuynh hướng lạc giáo này vẫn còn tồn tại ít nhiều cho đến ngày nay dưới nhiều hình thức khác nhau.
• Ảo thân thuyết (docétisme) là lạc giáo rất nghiêm trọng, cho rằng Đức Giêsu chỉ có dáng vẻ bề ngoài của một con người mà thôi. Thân xác Ngài chẳng qua chỉ là tấm bình phong trá hình chứ không hề có thật. Tân Ước đã chống lại lạc giáo này rồi (x. 1Ga 4,2).
• Phái Ariô cho rằng Đức Giêsu chẳng phải là Thiên Chúa, cũng chẳng phải là con người nhưng là một hữu thể “thần thoại” (dêmiourgós) nằm lưng chừng ở giữa.
• Giám mục Apollinaris ((390) cho rằng Đức Giêsu không có linh hồn lý tính. Nơi Ngài chỉ có xác kết hợp với Ngôi Lời.
• Nestoriô (bị kết án trong c.đ. Ephêsô, năm 431) quá nhấn mạnh đến nhân tính của Đức Giêsu đến độ tách biệt nhân tính ra khỏi thiên tính và phân chia Đức Giêsu làm hai: Đức Kitô và Ngôi Lời.
• Nhất tính thuyết (monophysitisme) cho rằng nhân tính tan biến trong thiên tính “như một giọt mật tan biến trong đại dương.” Đức Giêsu được “thần hóa” đến độ trong thực thế Ngài thi hành chức năng giống như Thiên Chúa.
• Nhất ý thuyết (monothélétisme) cho rằng nơi Đức Giêsu chỉ có một ý chí thuộc Thiên tính và loại bỏ ý chí nhân loại của Đức Giêsu.
b. Giáo Lý Của Công Đồng Calcêđônia (năm 451)
Các lạc giáo trên đây hầu hết đều công kích nhân tính thực sự của Đức Giêsu. Qua các công đồng ở các thế kỷ đầu, Giáo hội đã lên tiếng bảo vệ tính đích thực của nhân tính Đức Giêsu. Các Giáo Phụ đã dùng nhiều kiểu nói rõ ràng để bảo vệ và diễn tả giáo lý này. Năm 451, công đồng Calcêđônia đã lên án lạc thuyết Nestôriô và nhất tính thuyết, đồng thời định tín rằng: Đức Kitô vừa là Thiên Chúa hoàn chỉnh, vừa là con người hoàn chỉnh trong một chủ thể duy nhất. Hai bản tính của Ngài không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt.
Như thế, sự kết hợp giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại đã diễn ra một cách mầu nhiệm nơi Đức Giêsu. Ngài là người một cách trọn vẹn và không hề có một ngoại lệ nào. Về điểm này chúng ta có thể tóm tắt đức tin Công giáo như sau: “Đức Kitô là một ngôi vị trong hai bản tính.” Cho đến nay không có cách diễn tả nào khác tốt hơn.
4. Kết Luận
Vì yêu thương nhân loại tội lỗi, Ngôi Lời đã nhập thể làm người. Ngài đã sống trọn vẹn kiếp người như chúng ta với tất cả mọi yếu đuối nơi bản tính nhân loại. Ngài đã trải qua mọi thử thách bằng đau khổ để có thể cứu giúp những ai đang chịu thử thách (x. Dt 2,18).
Trong Kinh Tin Kính, Giáo hội tuyên xưng rằng: “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế.” Quả thật, Đức Giêsu không chỉ là Emmanuel, là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta , Ngài còn là Thiên-Chúa-vì-chúng-ta, là Con Đức Chúa Yahvê, là Thiên Chúa cứu độ. Karl Rahner đã gọi Ngài ” vừa là ân huệ lịch sử, vừa là ân huệ cánh chung của ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, là Đấng tuyệt đối đem đến ơn cứu độ.” [1] Ngài chính là đỉnh cao của lịch sử cứu độ và là sức năng động hướng dẫn thế giới.
Vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật, cuộc đời trần thế của Đức Giêsu Nazareth là biến cố cứu độ duy nhất đã diễn ra từ Nhập thể đến Thập giá và Phục Sinh, nơi mà hành vi cứu độ của Thiên Chúa đạt tới tột đỉnh. Ơn cứu độ ấy chính là Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho nhân loại trong Đức Kitô. Đức Kitô vừa là trung tâm của ơn cứu độ, vừa như một biến cố cứu độ, vừa như một thực tại cứu độ, vừa như một tác nhân, vừa như một thụ nhân. Ơn cứu độ ấy chính là hiệu quả của mầu nhiệm Con-Thiên-Chúa-làm-người, từ Nhập Thể đến Phục Sinh.
Chiêm ngắm mầu nhiệm Con-Thiên-Chúa-làm-người và trở nên Đấng Emmanuel, chúng ta vô cùng vui sướng cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã ban cho nhân loại Đức Kitô để giải thoát loài người khỏi tội lỗi và sự chết hầu dẫn đưa đến sự sống vô cùng của Thiên Chúa và với Thiên Chúa.
[Vũ Quang Trung, HTTH SỐ 9, NĂM THỨ TƯ (1994)
———————————–
[1] Sacramentum Mundi art. “Salvation”, IV,c.2.