Mình chui vào căn lều của bà Hai. Gia đình bốn khẩu. Ông Hai chỉ còn làm được một việc duy nhất là chuốt đũa. Đứa con trai lớn thì mắc bệnh tâm thần, may mà hắn không đập phá. Cái đầu của hắn thì không làm việc, nhưng do luật bù trừ, cái bao tử của hắn thì lại làm việc tối ngày. Nguồn sống của gia đình là đôi tay gầy của bà Hai cùng với thằng con trai chừng 15 tuổi. Phương tiện làm ăn là một cái búa, một cái cưa và một cái xuồng be chín. Nghề duy nhất là vô rừng đốn củi trộm.
Mình nhìn quanh quất, chả thấy có món đồ nào có giá trị hơn hai cái thùng đạn 81 ly. Chắc hẳn mùng mền, quần áo và chén đĩa đều nằm gọn trong đó. Và chỉ có thế thôi. Mình làm một cuộc phỏng vấn nhỏ.
– Mỗi ngày bà Hai kiếm được mấy thước củi ?
– Một thước
Đơn vị đo củi theo dân địa phương :
– 1 thước củi miếng = ¼ m3
– 1 thước củi lò = ½ m3
– 1 xì te = 1m3
– Tại sao không ráng làm lấy ba, bốn thước ?
– Cái xuồng be chín nhỏ tí xíu mà sông nước thì như thế kia !
Đơn vị đo trọng tải theo dân địa phương :
– Xuồng be 7 có trọng tải chừng 100 Kg
– Xuồng be 9 có trọng tải chừng 300 Kg
– Xuồng be 10 có trọng tải chừng 400 Kg
– Xuồng be 10 kèm có trọng tải trên 400 Kg
– Bà bán cái xuồng be chín đi. Tôi mượn cho bà năm ngàn đồng. Thế là bà có được một cái xuồng be mười kèm. Mỗi ngày bà sẽ có bốn thước củi, nghĩa là bà sẽ giàu gấp bốn lần. Mỗi ngày bà để dành lấy hai trăm đồng. Sau hai mươi lăm ngày bà sẽ trả xong món nợ năm ngàn. Từ đó cái xuồng be mười là của bà. Cứ mỗi ngày làm được bốn thước củi, ăn một thước, để dành ba thước. Năm thứ nhất bà sẽ xây nhà tường. Năm thứ hai bà sẽ xây hồ nước, đóng giếng. Năm thứ ba bà sẽ có giường hộp, tivi. Tôi tính vậy được không bà Hai ?
– Được. Ông Cha giúp tôi, tôi cám ơn. Mắt bà Hai sáng lên, miệng bà Hai toét ra, khoe hai hàm răng đen thủi đen thui.
Năm Căn, … 1973
Hôm nay mình lại chui vào căn lều của bà Hai. Ông Hai ngồi chuốt đũa ở cửa. Hai mẹ con bà Hai đang cưa củi ở bên bờ sông. Thấy mình, bà chạy vào nhà, đon đả :
– Ông cố mạnh giỏi hả ông cố ?
– Bà Hai lúc này giàu chưa ? Có để dành mỗi ngày 200 đồng để trả nợ không ?
– Sao cứ thiếu hoài, ông cố ơi !
Thế là kế hoạch giúp dân làm giàu của mình bị vỡ rồi. Theo cuộc điều tra chớp nhoáng, mình được biết như sau:
+ Từ ngày có cái xuồng be mười kèm, hai mẹ con bà Hai quả thật có làm thêm mỗi chuyến được ba thước củi, nghĩa là bà giàu thêm gấp bốn lần. Nói một cách kinh tế học. thì nền kinh tế gia đình bà Hai tăng 400%. Tuyệt vời !
+ Nhưng cũng từ ngày đó, ông Hai và hai thằng con trai không thèm hút thuốc gò nữa. Trong mỗi túi áo đều thấp thoáng một gói Ruby Queen màu đỏ tươi rói.
+ Cũng từ ngày ấy, những em bé bán bánh cam và bán cà rem đều bị bà Hai bắt giam một cách thật dễ thương : ”Ngồi đây mầy, tao cấm mầy không đi đâu hết. Chừng nào tao ăn chán, mầy mới được đi”.
+ Và một ngày kia, anh thợ rừng xách tòn ten một con kỳ đà đi qua trước căn lều của bà Hai, bỗng giật mình vì một tiếng hét bất ngờ :
-“Vô mầy” .
– Mấy ký ?
– Ba ký.
– Tao mua luôn. Ở lại nhậu với tao nghe mầy. Hôm nay uống la de cho bảnh. Tao không ưa uống đế, hôi miệng lắm.
+ Làm được một xuồng củi bán lấy tiền, ăn xài cho hết rồi má con bà Hai mới lại vô rừng. Ấy là chưa kể nếu động rừng, hoặc gặp “kỳ đà cản mũi” thì bà Hai nghỉ tiếp luôn một tuần. Những ngày “tiên khồng” ấy, bà sẵn sàng ăn vay với lãi suất không tính toán : Hai mươi phân, năm mươi phân, thậm chí chín mươi phân… bà cũng chẳng quan tâm. Cái xuồng be mười kèm là một bảo đảm có uy tín nhất. Vẫn bánh cam và cà rem ì xèo. Vẫn Ruby Queen rực rỡ.
Cà Mau, … 1979
Có tiếng chuông reo. Mình mở cửa. Một bà già đen đúa và
rách rưới mừng rỡ nắm lấy tay mình hôn chùn chụt.
– Ông cố mạnh giỏi hả ông cố ? Gặp ông cố con mừng hết biết. Hồi ở Năm Căn con nợ ông cố năm ngàn đồng. Không biết đến bao giờ con mới trả được.
– À ! Bà Hai đó hả ? Thôi bà ơi, tôi cho bà luôn đấy. Tôi muốn giúp bà làm giàu mà bà không chịu. Không ai bóc lột bà, mà bà tự bóc lột.
Mình nói với giọng chua cay, không phải vì mình mắc trả giùm cái món “nợ” năm ngàn đồng, mà vì ước mơ giúp người nghèo làm giàu thì lại bị chính người nghèo phản bội. Bà Hai đứng trước mặt mình nghèo hơn lần mình gặp bà ở Năm Căn. Bà đến đây để xin quần áo, xin gạo và xin tiền.
– Ông cố có quần áo cũ cho con xin một bộ, cho thằng khùng nó mặc.
– Ông cố có tiền cho con vài ngàn mua thuốc cho thằng khùng.
– Ông cố cho con ít lon gạo để con nấu cháo cho thằng khùng ăn.
Ông Hai chết rồi. Thằng con đi làm củi ngày xưa đã có vợ và ra riêng. Bà Hai đi hành khất để nuôi miệng và nuôi thằng con khùng. Thằng khùng bây giờ chỉ còn nằm một chỗ chờ chết. Bà Hai đã xuống tới vực thẳm của sự nghèo khó. Bà Hai đã và đang là gánh nặng đè trên vai mình. Trước hết mình đã phải trả cái món nợ năm ngàn đồng mà mình đã vay giùm bà. Bây giờ thì bà Hai đã biết mình ở đây, bà sẽ đến viếng thăm dài dài, mà mình thì không thể từ chối bà được. Bà không còn cách nào khác để sống. Người nghèo cũng là gánh nặng ghê gớm cho Giáo hội. Nhưng Tin Mừng bố thí hay Tin Mừng giải phóng người nghèo ? Câu hỏi này làm mình nhức óc. Giáo hội đã từng bố thí rất nhiều cho người nghèo. Nhiều họ đạo đã được thành lập vì Giáo hội đã cấp đất cho người nghèo. Người nghèo theo đạo để có ruộng. Nhưng ngày nay, những họ đạo ấy đang sinh hoạt ra sao ? Bạn của mình cho biết : Cứ đi dài dài theo bờ con kênh, chỗ nào thấy toàn nhà lá, thì đó là xóm đạo.
Vậy trên đường truyền giáo mình có nên bố thí không ? Bố thí thế nào ? Bố thí cái gì ? Một điều chắc chắn là người nghèo phải được giải phóng khỏi cái nghèo, cái dốt. cái lười… Nhưng bằng cách nào ? Câu hỏi quả là quá khó đối với mình. Nhưng có lẽ cũng là quá khó đối với mọi người.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo