Năm quyển đầu của Cựu Ước làm thành một khối, người Dothái gọi chung là “Torah”, tiếng Hipri này thường được dịch là Lề luật. Nhưng đúng nghĩa hơn thì phải dịch là Giáo điều, vì các sách này không chỉ có Luật mà còn gồm nhiều điều khác với mục đích dạy dỗ. Việc phân chia bản văn thành năm quyển, xấp xỉ bằng nhau có thể đã được thực hiện trong các thế kỷ V và VI trước Công nguyên và trong mục đích để dễ sử dụng.
Năm quyển ấy là: Kinh Khởi nguyên (Kn), Kinh Xuất hành (Xh), Kinh Lêvi (Lv), Kinh Dân số (Ds), Kinh Thứ luật (Tl). Kiểu đặt tên này là dịch của bản bằng tiếng HiLạp và Latinh, đã dựa vào nội dung của mỗi quyển mà đặt tên. Người Hipri thì lại khác. Họ lấy những chữ đầu hoặc những chữ quan trọng đầu tiên của bản văn để gọi mỗi quyển.
Năm quyển này kể lại một cách liên tục lịch sử của dân Israel từ khởi thủy vũ trụ cho đến khi Môsê chết.
Kinh Khởi nguyên được chia thành hai phần không đều nhau: Phần đầu, 1-11, trình bày lịch sử về thời sơ khai, có thể được coi như một nhập đề cho lịch sử cứu chuộc kể trong suốt cả bộ Kinh Thánh. Lịch sử ấy lên đến tận nguồn gốc của vũ trụ và bao gồm toàn thể nhân loại. Lịch sử ấy kể lại việc tạo dựng vũ trụ và con người, sự sa ngã buổi đầu với những hậu quả của nó, tình trạng đồi trụy mỗi ngày mỗi gia tăng và đưa đến hình phạt là trận lụt Hồng Thủy. Từ Noê, con người lại sinh sôi nảy nở trên thế giới, nhưng các bản gia phả cứ càng ngày càng thu hẹp để cuối cùng đặt trọng tâm nơi Abraham cha của dân tộc được tuyển lựa.
Từ 12-50: Dung mạo các tổ phụ lớn. Abraham là con người của lòng tin. Lòng thuần phục của ông đã được Thiên Chúa tưởng lệ, hứa ban cho ông một dòng giống đông đảo và cho con cháu ông một Ðất Thánh. (12 1-25 18) Yacob là con người mánh lới, cướp của anh là Esau lời chúc lành của cha là Ysaac, mánh khóe hơn cả cậu là Laban. Nhưng tất cả những sự khôn khéo ấy không đưa tới đâu nếu Thiên Chúa đã không, ngay từ trước khi ông sinh ra, thương ông hơn Esau và lặp lại với ông lời hứa Giao ước đã ban cho Abraham (25 19-36). Ysaac là một dung mạo lu mờ giữa Abraham và Yacob. Cuộc đời của ông chỉ được kể lại đi kèm với cuộc đời của cha và của con. Mười hai người con của Yacob là những ông tổ của 12 chi tộc Israel. Yuse, một trong số 12 người ấy, con người đầy khôn ngoan được nói tới trong hơn mười đoạn của phần cuối sách Khởi nguyên (37-50 trừ 38 và 49). Trình thuật này, khác với trình thuật trên được diễn ra không một lần can thiệp hữu hình của Thiên Chúa và không một mạc khải mới nào, nhưng nó là cả một giáo huấn: Nhân đức của người khôn ngoan được bội thưởng và sự quan phòng của Thiên Chúa biến đổi thành điều hay, điều tốt những lỗi lầm của người đời.
Sách Khởi nguyên là một khối hoàn bị: Lịch sử các tổ phụ. 3 quyển sau lập thành một khối khác, trong đó việc thành lập dân được chọn và việc thiết lập lề luật xã hội và tôn giáo của nó được ghi lại trong khung cảnh của cuộc đời Môsê. Sách Xuất hành bàn tới hai đề tài chính: Việc giải phóng khỏi Aicập 1 1-15 21 và Giao ước tại Sinai 19 1-40 38; hai đề tài được nối với nhau bằng một đề tài phụ, cuộc hành trình trong sa mạc 15 22-18 27. Môsê, sau khi nhận được mạc khải tên Yavê trên núi của Thiên Chúa, đã dẫn đưa người Dothái vừa được giải phóng khỏi cảnh tôi mọi tới đó. Trong một cuộc Thần hiện ngoạn mục, Thiên Chúa kết Giao ước với dân và ban cho dân ấy những Lề luật của Người. Giao ước vừa được thiết lập đã bị vi phạm bởi việc thờ lạy bò vàng. Nhưng Thiên Chúa đã tha thứ và tái lập Giao ước. Một loạt chỉ thị hoạch định việc thờ tự trong sa mạc.
Sách Lêvi, có tính cách hầu như hoàn toàn pháp chế, tạm cắt ngang trình thuật các biến cố. Quyển này gồm có: Một nghi thức về tế lễ 1-7; nghi thức phong chức các tư tế, áp dụng cho Aharôn và các con của ông 8-10, những luật lệ liên quan tới thanh sạch hoặc uế tạp 11-15, kết thúc với nghi thức về ngày đại xá tội 16; “Luật Thánh Thiện” 17-26 bao gồm một lịch trình phụng vụ, 23, và kết thúc với những lời chúc lành và chúc dữ, 26. Chương 27, phần bổ túc định rõ những điều kiện để chuộc người, vật và các thứ khác hiến cho Yavê.
Sách Dân số lấy lại đề tài cuộc hành trình trong sa mạc. Cuộc khởi hành từ Sinai được sửa soạn bởi việc kiểm tra dân chúng, 1-4 và những cuộc tiến dâng, cung hiến Nhà Tạm, 7. Sau việc cử hành lần thứ hai, lễ Pas-char, mọi người rời Núi Thánh, 9-10 và từng chặng một, tới Cades. Tại đây dân đã gặp thất bại trong nỗ lực tiến vào Canaan bằng phía Nam 11-14. Sau cuộc lưu lại tại Cades, mọi người lại lên đường và tới cánh đồng Moab, đối diện với Yêrikhô 20-25. Người Mađian bị đánh bại và các bộ tộc Gađ và Ruben lưu lại ở Bên-kia-sông Yorđan, 31-32. Một bản tóm tắt các chặng đường của Xuất hành 33. Xung quanh các trình thuật này, quy tụ một số những quy luật hoàn bị cho bản luật tại Sinai hoặc chuẩn bị cho việc lập cư tại Canaan 5-6; 8; 15-19; 26-30; 34-36.
Sách Thứ luật có một bố cục đặc biệt; đây là một bản Dân luật và luật Tôn giáo, 12-26 15 được đóng khung trong một diễn từ lớn của Môsê. 5-11 và 26 16-28. Cả khối này lại được đóng khung bởi diễn văn đầu tiên 1-4 và diễn văn thứ ba, 29-30 của Môsê và sau đó những khúc liên quan tới giai đoạn chót của cuộc đời Môsê: Sứ vụ của Yôsua, bài ca và chúc lành của Môsê, cái chết của Môsê, 31-34. Bản Thứ luật lấy lại một phần các Lề luật được ban trong sa mạc. Các diễn văn nhắc lại những biến cố chính của việc Xuất hành, trên núi Sinai và cuộc chinh phục khởi đầu: Và làm nổi bật ý nghĩa tôn giáo của các biến cố ấy, nhấn mạnh tầm mức của Lề luật và thôi thúc dân trung tín.
Soạn tác
Các văn kiện xưa, ngay cả Tân Ước (coi Mc 12 19 Mt 8 4 Cv 3 22 Rm 9 15 10 5 2C 3 15…), đều có nói là: “Môsê viết”. Kiểu nói này chỉ là một kiểu nói sẵn có vì ước lệ, không phải một quả quyết xác định tác giả. Vì không thể nào Môsê đã viết hay đọc cho thư ký viết tất cả. Có nhiều dấu cho thấy các luật kê trong đó đã xuất hiện vào nhiều thời buổi khác nhau, và không thể dung hòa được với nhau. Xin đan cử một thí dụ: Luật về bàn thờ và nơi tế tự. Có luật dạy chỉ được xây tế đàn bằng đá nguyên cả tảng, không được đẽo đục. Luật khác dạy làm làm tế đàn bằng đồng. có luật dạy được xây bàn thờ bất cứ ở đâu, luật khác lại dạy chỉ có một nơi tế tự duy nhất (coi Xh 20 24-26 27 1-8 Tl 12 11).
Có lắm điều lặp đi lặp lại. Một thí dụ: Thập giới được nói đến hai lần, dưới hai hình thức chẳng khác nhau bao nhiêu (Xh 20 1-17 và Tl 5 6-22).
Bây giờ khảo sát đến cách hành văn và từ ngữ, ta thấy năm sách này đã kết thành một bởi những đoạn rất khác nhau. (Có thể so sánh truyện Tạo thành trong đoạn Khởi nguyên 1 và Kn 2). Các học giả thường nhận có bốn giòng văn khác nhau, đã được đan kết lại một cách tinh vi.
Bốn giòng văn đó là:
– giòng văn Yavít (vì dùng Danh Yavê ngay từ đầu),
– giòng văn Êlohit (vì thường dùng Danh Thiên Chúa là Elohim),
– giòng văn Thứ luật (tất cả kinh Thứ luật), và
– giòng văn Tư tế.
Cân nhắc tất cả những điều quan sát được trong khi đọc Ngũ kinh, và đối chiếu với lịch sử Israel, người ta rút ra kết luận này: Ngũ kinh là một bộ sưu tập: Luật lệ có, giảng thuyết diễn từ có, trình thuật có – thuộc những giai đoạn lịch sử khác nhau, từ Môsê cho đến thế kỷ thứ 4 hay thứ 5 trước Công nguyên.
Vậy Môsê như một môi giới mạc khải và Giao ước, lập luật về tế tự và pháp luật, là khởi điểm cho một truyền thống có tính cách qui luật, ký thác cho hàng tư tế. Hàng tư tế vun trồng vốn ấy làm cho truyền thống tiến triển về các định chế xã hội và tôn giáo, cùng về đạo đức. Công việc ấy được đúc kết từng đoạn hay từng chương lớn, trong những thư tịch tiêu biểu như Lời Thiên Chúa cho Israel. Sưu tập đầy đủ trong đó các bản văn được đâu lại hình như có liên lạc với sứ mạng của Ezra (Ezra 7 14 25-26, Nêhêmya 8).
Trong các sách ấy, ta thấy hòa lẫn với nhau năm yếu tố văn chương này:
– Một cái nhìn tổng quát trên nhân loại, có lẽ khá bi quan, nhưng cũng nói lên một hy vọng hứa hẹn cho mọi người (cách riêng Khởi nguyên đoạn 1 đến 9).
– Những ký ức lịch sử về việc thiên cư của các Tổ phụ, và việc Israel ra khỏi Aicập. Ðó là hai “hồi” quan trọng nhất cho thiên triệu Israel được làm Dân chọn.
– Những khúc trình thuật dài dòng hơn cho thấy thiên triệu ấy diễn tiến thăng trầm. Những ký ức rất cựu trào đã được nhìn ngang qua một kinh nghiệm tôn giáo kéo dài mười hay mười hai thế kỷ. Chính nơi đây mà ta phải áp dụng quan niệm truyền thống tiến triển mới mong hiểu được nghĩa của thánh sử.
– Rồi đến những sưu tập luật lệ về sinh hoạt công cộng của Israel và về lễ bái tế tự. Các luật này đã lần hồi xuất hiện, từ thời Môsê (lối -1225) cho đến thời Ðền thờ tái lập sau Lưu đày (từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 4).
– Những bài diễn từ hay giảng thuyết khuyên nhủ dân nắm giữ luật lệ và nói lên hậu quả thưởng phạt tùy theo thái độ của Dân đối với Giao ước.
Trình thuật và lịch sử
Mười một chương đầu của sách Khởi nguyên nên được để riêng. Qua việc tả lại nguồn gốc loài người, với một lối hành văn đơn giản và nhiều hình ảnh hợp với tâm não của một dân chưa được mở mang mấy, các chương này đưa ra những chân lý căn bản của kế đồ Cứu chuộc: Thiên Chúa tạo dựng vào buổi đầu thời gian, việc can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa trong sự xuất hiện của con người, nam và nữ, tính cách thống nhất của loài người, tội của tổ tiên tiên khởi, sự sa ngã và những khổ đau, coi như một hình phạt, được lưu truyền.
Các chân lý này đồng thời cũng là các sự kiện, và nếu các chân lý này là những chân lý chắc chắn thì các sự kiện cũng phải là những sự kiện thực mặc dù chúng ta không thể định rõ qua cái lớp áo thần thoại đã được mặc cho các sự kiện ấy, phù hợp với tâm não của thời đại và môi trường.
Lịch sử các tổ phụ là một câu truyện gia đình: Ðó là một chuỗi những ký ức người ta còn giữ được về các tổ tiên Abraham, Ysaac, Yacob và Yuse. Một câu truyện bình dân, chú trọng nhiều vào những giai thoại về cá nhân và không hề có ý muốn cột các trình thuật này vào lịch sử chung. Cuối cùng, đây là một câu truyện tôn giáo: Mọi khúc rẽ có tính cách quyết định đều được ghi dấu bởi sự can thiệp của Thiên Chúa và tất cả đều có tính cách quan phòng. Các sự kiện được đưa vào, được cắt nghĩa và được sắp xếp để minh hoạ cho một luận đề tôn giáo: Có một Thiên Chúa đã thành lập một dân và đã ban cho dân ấy một xứ sở. Thiên Chúa ấy là Yavê, dân ấy là Israel và xứ ấy là Ðất Thánh. Nhưng các trình thuật này có tính cách lịch sử theo nghĩa, chúng thuật lại những biến cố thật, chúng đưa ra một hình ảnh trung thực về nguồn gốc và các cuộc di dân của tổ tiên Israel về các liên lạc địa dư và chủng tộc của họ và về thái độ luân lý và tôn giáo của họ.
Sau một khoảng trống dài, sách Xuất hành và sách Dân số mô tả lại các biến cố từ lúc Môsê sinh ra tới lúc ông từ trần: Việc ra khỏi đất Aicập, dừng lại ở Sinai, tiến đến Cađes, hành trình ngang qua Yorđan và lập cư ở cánh đồng Moab. Nếu chối bỏ sự thật lịch sử của các sự kiện này và con người Môsê, thì không làm sao có thể hiểu được phần kế tiếp của lịch sử Israel, sự trung tín của Israel đối với đạo Yavê và sự gắn bó của Israel với Lề luật. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng tầm quan trọng của các ký ức này đối với sinh hoạt của dân và ảnh hưởng của chúng trong các nghi lễ đã mặc cho các trình thuật cái màu sắc của một anh hùng ca (như việc ngang qua Biển Ðỏ) và đôi khi, của một phụng vụ (như Lễ Vượt qua). Israel, trở thành một dân, đã đi vào lịch sử chung. Vai trò của sử gia hiện đại là so chiếu những dữ kiện này của Kinh Thánh với những sự kiện của lịch sử chung.
Ý nghĩa tôn giáo
Tôn giáo của Cựu Ước cũng như của Tân Ước là một tôn giáo lịch sử. Tôn giáo ấy đặt nền tảng trên sự mạc khải Thiên Chúa đã ban cho những con người nhất định, trong những nơi và hoàn cảnh nhất định và trên những sự can thiệp của Thiên Chúa trong những thời kỳ nhất định của sự biến hóa của nhân loại. Ngũ Kinh, ghi lại lịch sử của những liên lạc ấy giữa Thiên Chúa với trần gian, là nền tảng của tôn giáo Dothái và nó đã trở thành Lề luật của tôn giáo ấy.
Người Dothái tìm thấy ở đó câu trả lời cho những câu hỏi về vận mệnh của mình. Ngay ở đoạn đầu của sách Khởi nguyên, không những chỉ có câu trả lời cho những câu hỏi mà mọi người đặt ra về thế giới, về sự sống, về đau khổ, chết chóc, nhưng còn thấy chứa đựng câu trả lời cho vấn nạn riêng của người Dothái: Tại sao Ðấng Yavê duy nhất lại là Thiên Chúa của Israel, tại sao Israel lại là dân của Người trong số các dân tộc trên thế giới? Chính là bởi Israel đã lãnh nhận lời hứa. Ngũ kinh là sách của những lời hứa: Hứa sự cứu rỗi cho Ađam và Eva sau khi họ sa ngã, bảo đảm một trật tự mới của thế giới cho Noê sau Hồng thuỷ và nhất là lời hứa với Abraham. Lời hứa ấy đã được lặp lại cho Ysaac và Yacob và bao gồm toàn thể dân xuất phát từ họ. Lời hứa ấy nhắm trực tiếp vào việc chiếm hữu xứ mà các tổ phụ đã sống: Ðất Hứa; nhưng cũng diễn tả những liên lạc đặc biệt và duy nhất giữa Israel và Thiên Chúa của cha ông.
Yavê đã kêu gọi Abraham và việc kêu gọi này đã hàm ẩn việc tuyển chọn Israel. Chính Yavê đã làm cho Israel thành một dân của Người bởi một sự lựa chọn nhưng không, bởi một ý định của tình thương được phác họa từ ngày tạo dựng và các kế đồ của tình thương đó được thực hiện liên tục ngang qua cả những bất trung, thất tín của con người.
Lời hứa và sự tuyển chọn này được bảo đảm bởi một giao ước. Ngũ kinh cũng là sách của những giao ước: Giao ước với Ađam, với Noê, với Abraham và cuối cùng với toàn thể dân ngang qua Môsê. Ðây không phải là một giao kèo giữa hai bên, vì Thiên Chúa không cần đến giao ước đó và mặt khác là chính Người đã đi bước đầu; tuy nhiên Người đã dấn thân vào và có thể nói, đã tự cột mình vào những lời hứa. Ngược lại Người cũng đòi hỏi dân của Người phải trung tín: Sự từ khước của Israel – tội của Israel – có thể cắt đứt cái liên lạc được tạo nên bởi tình thương của Thiên Chúa.
Ðiều kiện của sự trung tín này do chính Thiên Chúa ấn định. Thiên Chúa ban cho dân Người đã chọn một lề luật, lề luật này cho dân thấy bổn phận của mình, cách đối xử phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa và trong khi duy trì giao ước, chuẩn bị cho việc thực hiện các lời hứa.
Các đề tài về lời hứa, tuyển chọn, giao ước, lề luật là những sợi chỉ vàng đan chéo nhau trong Ngũ kinh và chạy suốt trong Cựu Ước. Bởi vì Ngũ kinh tự nó chưa được toàn vẹn: Nó nói lên lời hứa nhưng chưa thực hiện bởi vì Ngũ kinh chấm dứt trước khi vào Ðất Hứa. Nó phải được bỏ ngỏ nhưng một sự cậy trông tin tưởng và như một sự thúc bách, tin tưởng trong những lời hứa mà việc chinh phục đất Canaan có vẻ đã làm trọn (Yôs 23) nhưng tội lỗi đã làm cản trở và những kẻ đi lưu đày sẽ nhớ lại ở Babylon; sự thúc bách của một lề luật, lề luật ấy lưu truyền trong Israel như một người chứng tố cáo (Thứ luật 31 26).
Ðiều đó kéo dài cho tới Ðức Kitô. Ðức Kitô đã ký kết một giao ước mới và đưa vào giao ước ấy các Kitô-hữu, những người thừa tự của Abaham bởi lòng tin. Lề luật đã được ban ra để duy trì các lời hứa như một thầy dạy dẫn tới Ðức Kitô, sự thực hiện các lời hứa và do đó, trong Ðức Kitô, người Kitô-hữu không còn dưới quyền thầy dạy, người Kitô-hữu đã được giải phóng khỏi lề luật. Nhưng điều ấy không có nghĩa là người Kitô-hữu không còn nằm trong giáo huấn luân lý và tôn giáo của lề luật nữa. Bởi Ðức Kitô đã đến không phải để hủy bỏ mà là để làm trọn (Mt 5 17). Tân Ước không đối nghịch với Cựu Ước mà là nối tiếp. Hội Thánh không những đã nhìn thấy trong những biến cố lớn của thời các tổ phụ và thời Môsê, trong những ngày lễ và các nghi lễ tại sa mạc, những sự thực của luật mới (sự hy sinh của Ðức Kitô, phép rửa, cuộc vượt qua của Kitô-hữu) nhưng lòng tin Kitô-giáo còn đòi hỏi cũng một thái độ căn bản mà các trình thuật và giáo huấn của Ngũ kinh đòi hỏi nơi người Dothái. Người Kitô-hữu có thể đọc Ngũ kinh theo thứ tự sau: Khởi nguyên, sau khi đối chọi những bất trung của con người tội lỗi với lòng nhân lành của Thiên Chúa tạo dựng đã cho thấy trong các tổ phụ phần thưởng được ban cho lòng tin. Sách Xuất hành là nét phác họa cuộc cứu chuộc chúng ta. Sách Dân số nói lên thời thử thách, trong đó Thiên Chúa vừa giáo dục, vừa sửa trị con cái của Người, chuẩn bị cho việc thu họp những kẻ được tuyển lựa. Sách Lêvi sẽ được đọc với nhiều lợi ích hơn khi nối liền với những chương cuối của tiên tri Êzêkiel hoặc sau các sách Ezra hay Nêhêmya. Việc đọc sách Thứ luật sẽ đi đôi với việc đọc sách của tiên tri Yêrêmya, một tiên tri gần gũi nhất cả về thời gian lẫn tinh thần.
Trở về Mục Lục Kinh Thánh Cựu Ước