Ðền thờ là nơi cầu nguyện, nhưng đã bị trần tục hóa, bị con người biến thành hang trộm cướp, nơi lường gạt nhau; đây là một sự xuống dốc tinh thần không thể nào chấp nhận được. Trong biến cố đuổi con buôn ra khỏi Ðền thờ, tác giả Luca xem ra nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa Giêsu hằng ngày đến giảng dạy tại Ðền thờ và có nhiều người chăm chú lắng nghe Ngài. Như thế, Luca nhấn mạnh đến dung mạo trung tâm của Chúa Giêsu tại Ðền thờ thay thế các luật sĩ và tư tế; giai đoạn mới đã đến, đó là giai đoạn mà theo trình thuật Gioan, Chúa Giêsu đã loan báo cho người phụ nữ Samari nơi bờ giếng Giacob: “Ðã đến lúc những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như thế”. Sự thật đó được mạc khải nơi Chúa Giêsu, và thần khí đó là thần khí của Chúa Giêsu được ban xuống tràn đầy cho các môn đệ.
Ðền thờ Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do thái. Ngay từ lúc được vua Salomon xây cất khoảng năm 950 (Trước Công Nguyên), đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giêrusalem, Chúa Giêsu vào Ðền Thờ và theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, Ngài thực hiện việc thanh tẩy Ðền thờ, xua đuổi những người lạm dụng Ðền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.
Đối với dân Do thái, đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự trị, là nơi tế lễ cho Thiên Chúa và là nhà cầu nguyện cho muôn dân, nên luôn mang tính chất thiêng liêng thánh thiện. Nhưng dần dà người ta đã ngang nhiên biến một phần của nơi thánh thiện ấy thành nơi buôn bán và trao đổi tiền bạc. Đức Giêsu đã không thể chịu đựng cảnh xô bồ và vô ý thức của những người đã muốn biến nhà Chúa thành hang trộm cướp, chợ búa. Vì thế, bất chấp tất cả dư luận cùng những nguy hiểm đối với bản thân, Người đã xua đuổi bọn lợi dụng nhà Chúa ra khỏi đền thờ. Qua hành động này, Đức Giêsu không chỉ buộc người Do Thái trả lại sự thánh thiêng của đền thờ nhưng Người còn thanh tẩy lối sống ham mê tiền bạc và tôn thờ ngẫu tượng của họ, những người đã biến đền thờ và việc tôn thờ Thiên Chúa thành phương tiện để phục vụ túi tiền.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đền thờ đem lại cho nhà Chúa một sự sống động và sức mạnh thiêng liêng. Thiên Chúa đã ngự xuống giữa trần gian, Người không xa cách hay mơ hồ nhưng gần gũi với con người. Nhà Chúa không phải chỉ là một công trình kiến trúc vô tri vô giác, nhưng là nơi mà Thần Khí của Chúa ngự trị tuy vô hình nhưng có khả năng truyền đạt sức sống, tình yêu và hy vọng cho những tâm hồn khao khát tìm đến với Người. Ðền thờ của Chúa không phải chỉ ở Giêrusalem mà thôi nhưng còn là xã hội con người hay ở mỗi cá nhân, theo đó phải được giải thoát khỏi mọi sự xấu xa để có thể phụng thờ Chúa bằng một tâm hồn trong sạch và thánh thiện hơn. Chúa Giêsu uốn nắn và sửa đổi chúng ta trong tình yêu thương của Người để đưa chúng ta từ con đường sai trái đến chân lý và sự toàn thiện. Người răn dạy chúng ta vì mục đích tốt lành để chúng ta cùng thông phần vào sự thánh thiện của Người.
Mua bán những lễ vật để đem vào dâng trong đền thờ không phải là thờ phượngđích thực. Nghĩ rằng dâng lễ vật tức là thờ phượng Chúa thì càng sai hơn nữa. Bởi đó Chúa Giêsu đã đánh đuổi những người mua bán lễ vật. Thờ phượng đích thực là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Bởi đó sau khi đánh đuổi những người mua bán, Chúa Giêsu “hằng ngày giảng dạy trong Đền thờ” và “toàn dân say mê nghe Ngài”.
Hôm nay ta thấy Ngài đã không hành động như thường lệ, Chúa Giêsu đã nổi giận và xua đuổi những kẻ buôn bán trong đền thờ. Riêng trong Phúc Âm theo thánh Máccô và thánh Mátthêu còn diễn tả một cách chi tiết hơn hình ảnh Chúa Giêsu lật đổ quầy bàn đổi tiền và xô ngã ghế của những người buôn bán trong đền thờ và la mắng họ: “Ðã có lời chép rằng: nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”.
Khi hành động như thế, Chúa Giêsu đã có ý sửa chữa những thói hư tật xấu của những kẻ gian manh lạm dụng người khác để làm giàu cho chính mình như những kẻ đổi chác tiền bạc trong đền thờ chẳng hạn. Họ làm giàu bằng cách bóc lột những người lương thiện phải trả tiền nhiều hơn so với giá phải chăng. Khi hành động bất lương như thế họ cũng đã xúc phạm luôn cả Thiên Chúa nữa.
Lời khiển trách của Chúa nhấn mạnh đến tính cách thiêng liêng của đền thờ vì đó chính là nhà Chúa, là nhà cầu nguyện, nơi Chúa thực sự hiện diện và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa trách cứ vì lòng yêu mến con cái Người, vì muốn chúng ta sửa đổi để trở nên trong sạch, thánh thiện hơn trong sự thờ phượng Người. Chúa giảng dạy trong đền thờ mỗi ngày và dân chúng say mê lắng nghe lời Người. Họ lắng nghe Lời Chúa với trái tim rộng mở và đơn sơ, và tiếp nhận từ nơi Người tất cả sự ngọt ngào, bình an và ánh sáng đức tin đến độ không muốn rời bỏ Người.
Ta được mời gọi đọc tình trạng của Đền thờ như biểu tượng diễn tả, nhưng chính xác hơn phải nói là mặc khải, sự thật sâu xa và rất đau lòng về thế giới của chúng ta, về xã hội, về Giáo Hội, về cộng đoàn, về chính con người của chúng ta, nhất là nội tâm của chúng ta. Bởi vì đó cũng là những nơi “tôn nghiêm” như đền thờ, nhưng đã bị biến dạng.
Qua cử chỉ thanh tầy Ðền thờ khỏi sự lạm dụng của những người Do thái thời đó và hằng ngày giảng dạy tại Ðền thờ, Chúa Giêsu nói lên cho mọi người biết giai đoạn mới đã bắt đầu: Ðền thờ xét như một tòa nhà, bàn thờ, những lễ vật có giá trị, nhưng tự chúng chưa đủ, cần phải có một yếu tố quan trọng khác nữa để hoàn thành việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống, đó là đức tin cá nhân của người đến Ðền thờ dâng lễ vật và đức tin của cộng đoàn cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa. Nếu đến Ðền thờ mà không có đức tin và không sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa, thì con người sẽ dễ lạm dụng và bị lôi kéo theo sự lạm dụng của người khác.
Và rồi khi hiểu như vậy, ta được mời gọi tự nguyện xin Chúa nổi giận và làm như Ngài đã làm xưa kia nơi Đền Thờ Giêrusalem, với con người của chúng ta, với nội tâm của chúng ta, để tái tạo con người chúng ta như ơn gọi ban đầu : nghĩa là để cho Lời của Ngài vang vọng mỗi ngày trong nội tâm và trong ngày sống của chúng ta, như xưa “hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ” (c. 47).
Việc thanh tẩy đền thờ vừa nói lên tình yêu của Đức Giêsu với đền thờ, với Chúa Cha, đồng thời cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta, những người con của Chúa, biết tôn trọng sự thánh thiêng của ngôi đền thờ vật chất, quan trọng hơn nữa đó là biết thanh tẩy tâm hồn và thân xác chúng ta khỏi những đam mê tội lỗi, ngõ hầu tâm hồn chúng ta luôn xứng đáng là ngôi đền thờ thiêng liêng đón Chúa đến ngự trị.
Huệ Minh