(CN XXIX TN – NĂM B – Mc 10,35-45)
“Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì” (Mc 10,36).
Tham vọng với nghĩa tiêu cực là việc theo đuổi địa vị và lợi thế cá nhân, trái nghịch với các mục tiêu của Thiên Chúa như Kinh Thánh diễn tả.
Tham vọng ích kỷ là ước muốn cho mình được vượt trội, như trường hợp “hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin…, xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,35-37; x. St 11,4: những người ở Babel; 2Sm 15,1-4: Absalom; 1V 1,5: Adonijah; Is 14,13-14: Vua Babylon; Ed 28,2: nhà cầm quyền ở Tyrô; Đn 11,36-38; Mk 7,3; Kb 2,4-5; Mt 20,21; Lc 22,24; Pl 1,17; 2Tx 2,4-7: tên phản Kitô).
Tham vọng ích kỷ phát sinh từ bản tính sa đọa của con người “những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng có, đó là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy …” (Gal 5,19-21; x. Cn 6,18; Ep 2,3; 1Ga 2,16).
Những hệ lụy do tham vọng ích kỷ:
– Bị Thiên Chúa hạ nhục: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23,12).
– Người tín hữu thêm khô cằn không sinh được hoa trái thiêng liêng: “Những kẻ đã nghe lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ bóp nghẹt lời, khiến họ không sinh hoa kết quả gì” (Mc 4,18-19). “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ xấu xa” (Gc 3,14-16).
Những cảnh báo chống lại tham vọng ích kỷ: “Đừng làm chi ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3; x. Gr 45,5: lời Chúa nói với Barúc).
Lm. Phaolô Phạm Quốc Túy – Giáo Phận Phú Cường