Dụ ngôn này như một lời cảnh báo, như một tiếng chuông thức tỉnh lòng những ai xem thường hoặc sống lơ là, đã làm những việc mà phải trả lẽ trong ngày cánh chung khi ra trước toà Chúa phán xét.
Thật vậy, ta vẫn thấy đâu đó hình ảnh của những tá điền sát nhân là hình ảnh của mỗi người chúng ta.
Tác giả Máccô mở đầu chương 12 cho độc giả thấy Chúa Giêsu miêu tả về một người chủ vườn nho. Cũng vì quý mến và quan tâm khá nhiều đến vườn nho của ông. “Ông rào giậu, đào bồn đạp nho và xây tháp canh…. rồi cho tá điền canh tác….”. Rõ nét hơn, ta thấy trước khi đi xa, ông chủ đã bố trí, sắp dặt mọi công việc đến nỗi ông tin tưởng giao vườn nho cho các tá điền trong thời gian ông vắng mặt. Vì công việc bận rôn nơi phương xa, và không thể về để thu hoạch hoa lợi,nên ông phái đầy tớ của ông đến, thay mặt ông thu góp mùa màng.
Dụ ngôn tá điền vườn nho đọc lên ai cũng hiểu đó là dân Do Thái, là giống nho tốt Thiên Chúa tuyển lựa trong thế gian, Ngài bứng nó khỏi đất Ai Cập, vất vả đem về trồng trên đất Hứa – đất trù phú chảy sữa và mật (x Xh 3,8). Với những gì vun đắp cho dân tộc đã chọn, Thiên Chúa muốn ơn cứu độ từ dân tộc này lan tràn cho muôn dân (x Ga 4,22).
Ngôn sứ Isaia gọi đó là “vườn nho tốt, ngọt tuyệt vời của Giavê” , nhưng nó lại sinh nho chua, không thể dùng được, chủ vườn nho giận dữ, ông phá nhà máy làm rượu nho đã xây dựng giữa vườn, gỡ bỏ hàng rào tháp canh, bỏ vườn hoang cho thú dữ tha hồ đến giày xéo (x Is 5,1-7). Vườn Nho tốt ấy lại trở thành nho dại ứng nghiệm qua ngụ ngôn Tá Điền Và Vườn Nho mà Đức Giêsu kể (x Mc 12,1-12 : Tin Mừng), để minh chứng truyền thống dân Do Thái luôn quyết liệt chối từ giáo huấn của các ngôn sứ, bằng cách ném đá người này giết người kia, và cũng không trừ cả Con Một Thiên Chúa là Chủ vườn nho được sai đến.
Ở đây ta thấy rõ 2 thái cực đối lập. Ông chủ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và các tá điền chỉ việc chăm sóc, thu hoạch không vất vả. Giậu đã rào. Bồn đã xây và có cả tháp canh để trông chừng kẻ cướp. Các tá điền chỉ việc tưới bón, cắt tỉa… đến mùa hái nho cho vào bồn đạp nho.
Vậy mà các tá điền không thu hoa lợi cho chủ. Họ muốn chiếm đoạt cho họ phần hoa lơị này và cả vườn nho nữa. Họ đánh đập những đầy tớ đến thu hoa lợi, đuổi họ ra về tay không. Ông chủ không nản lòng. Ông vẫn tin tưởng họ nên sai đầy tớ khác đến, vì chorằng : có lẽ đầy tớ trước không biết cách thu hoa lợi chăng ? Càng ngày ông càng sai nhiều nhóm đầy tớ khác nhau đến, nhưng kết quả “ tay trắng vẫn hoàn trắng tay”. Hơn nữa họ còn bị đánh đập, bị hạ nhục và bị giết chết (c.3-5) đến nỗi ông không còn đầy tớ để sai đi nữa.
Và rồi sau cùng, ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu. Ông quyết định cử cậu con trai yêu quí của mình đến gặp họ để giải quyết vấn đề. Giản đơn, ông chủ nghĩ rằng “vuốt mặt nể mũi” nên thầm đoán : Ít ra chúng sẽ tôn trọng con trai ta.
Đến đây, chúng ta thấy tình thương của ông chủ lên đến đỉnh điểm. Lòng nhân hậu của ông khiến ông mù quáng đến độ sai con mình đến gặp bọn “ác ôn”. Ông tin vào tình yêu, ông tin vào con người. Và niềm tin của ông đã được đáp trả tương xứng nhưng theo chiều nghịch . Ông càng thương, càng cố gắng thuyết phục thì họ càng ganh ghét, càng muốn chiếm đoạt bằng mọi giá “Đứa thừa tự đây rồi, nào ta giết nó đi và gia tài sẽ về tay ta”.(c.7). Thế là họ cùng nhau thực hiện mưu đồ điên dại của họ. Họ nghĩ , làm như vậy là họ sẽ làm chủ vườn nho ( c.8). Họ quên rằng vẫn còn mộtngười có quyền trên họ, có quyền giết chết hoặc để họ sống, đó là ông chủ. Và Chúa Giêsu kết luận, đưa ra kết quả của dụ ngôn này là : Ông sẽ tiêu diệt các tá điền và giao vườn nho cho người khác ( c.9).
Công trình của Thiên Chúa khác hẳn với dự tính của chúng ta. Thiên Chúa đã dùng chính tảng đá mà thợ xây loại bỏ. Tảng đá đó là Đức Giêsu. Ngài là Con Một yêu dấu của Chúa Cha đã bị các thượng tế, kinh sư loại bỏ và giết chết. Tảng đá này Thiên Chúa đã xử dụng làm tảng đá góc, nối kết các dân ngoại tôn thờ Thiên Chúa với dân Do Thái( người tin vào Đức Giêsu ). Nhờ Đức Giêsu mà hai bức tường này đựơc liên kết dính liền với nhau, do đó bảo đảm sự vững chắc của chúng.
Sau một chuỗi giải thích và phân tích dụ ngôn, các thầy thượng tế, kinh sư chợt hiểu ra một điều là: Chúa Giêsu đang có ý nhằm nói đến họ. Và họ tìm cách bắtChúa Giêsu vì sự xỉ nhục này, nhưng họ sợ đám đông, vì dân chúng đang say mê lắng nghe giáo thuyết của Ngài : một vị giảng sư có uy quyền trong lời nói và việc làm chứ không như các kinh sư của họ. Họ không bắt được Chúa Giêsu vì có lẽ chưa đến giờ của Ngài. Thế là họ đành bỏ Ngài mà đi. Họ bỏ đi để chờ dịp thuận tiện.
Nhìn lại cuộc đời của ta, nhiều lần ta đã buột miệng kêu trách người Do Thái xưa : Sao không tin Chúa? Sao lại đối xửvới Chúa như vậy? Nhưng thử hỏi nhìn lại cuộc đời của ta thì sao ?
Với những chứng từ sống động của các tông đồ, những trang Kinh Thánh dẫn chứng rành rành, những cái chết của các vị Thánh Tử Đạo… để làm chứng về một Thiên Chúa, ấy vậy mà ta vẫn cứ lòng chai dạ đá trước lời mời gọi của Chúa qua Lời Chúa, qua các Bí Tích. Thậm chí đôi lần ta đã bách hại các tôi tớ của Chúa khi không cộng tác với các vị chủ chăn trong công việc mục vụ, chê bai, nói hành nói xấu vu oan cáo vạ….
Huệ Minh