Cổ nhân từng nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Xét ở một góc độ nào đó, linh mục là người “bình thiên hạ”. Bình thiên hạ ở đây không có nghĩa là tìm kiếm vinh hoa, phú quý hay ‘ăn trên, ngồi trốc’ mà thi hành một sứ vụ đòi buộc linh mục phải là tác nhân thiết lập và duy trì sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm xã hội; tạo hoà khí giữa các mối quan hệ người với người, nhằm mục đích giúp họ được lớn lên, trưởng thành, bình an và hạnh phúc hơn.
Muốn bình thiên hạ theo nghĩa đó, linh mục phải có đủ nhân cách: có tâm, có tầm và có tài. Cái tâm bao giờ cũng phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, cái tâm sáng, rộng, bao dung luôn là lý tưởng sống giúp linh mục có uy tín đối với người giáo hữu.
Bao giờ cũng vậy, sau quá trình đào tạo, tự rèn luyện, nhân cách chúng ta được định hình, ổn định và dần đi tới hoàn thiện theo nghĩa tương đối, cần phải được bồi đắp, vun tưới luôn luôn.
Kỳ tĩnh tâm được tổ chức thường niên là cơ hội giúp cho linh mục dừng lại, hồi tâm suy nghĩ nhằm đánh giá lại con người thực của mình, xem xét một cách nghiêm túc cái được, cái chưa được để rồi điều chỉnh những thái độ, hành vi sao cho phù hợp hơn với tiêu chí: “những mục tử đẹp lòng Thiên Chúa, vừa lòng đoàn chiên”.
Cả một năm dài bận rộn với biết bao công việc, trăn trở, lo toan, cả những khó khăn, thử thách, đã tác động không nhỏ tới cái tâm, cái cốt cách của linh mục. Đó là chưa kể đến những thiếu sót, lầm lẫn và tội lỗi do thân phận hèn yếu của con người, làm cho linh mục chao đảo, buông xuôi, thất vọng, ngã xuống, đứng lên…
Sứ vụ cũng như phẩm giá linh mục vô cùng cao quý, lại được đặt trong “những bình sành” dễ vỡ. Sự bận rộn của công việc phục vụ dân Chúa nhiều lúc làm cho linh mục quên đi căn tính của mình, dẫn đến suy nghĩ và hành xử như là ‘viên chức’ của Giáo Hội.
Linh mục chắc chắn là người của Thiên Chúa. Người sống với, sống cho, sống vì, sống cùng Thiên Chúa. Người, hơn bao giờ hết, phải cảm nghiệm được Thiên Chúa là nguồn vui, niềm hy vọng, là núi đá cho linh mục ẩn thân, và điểm hẹn gặp gỡ trong mối tình muôn thưở.
Kỳ tĩnh tâm với chủ đề: người của Thiên Chúa, một lần nữa giúp linh mục đi sâu, tái khám phá và xác tín những điều đó.
Như lẽ thường tình, muốn vậy, linh mục phải là người khao khát, luôn đi tìm kiếm thánh nhan Chúa, để đàm đạo, lĩnh ý và được ngài sai đi.
Trong ý hướng đó, kỳ tĩnh tâm với mục đích cao nhất giúp cho người linh mục gặp được Chúa. Như thế, sự thinh lặng bên ngoài và nội tâm luôn là những phương tiện tối cần và quan trọng không thể thiếu vắng, giúp cho linh mục dễ tìm và gặp Chúa hơn. Hoá ra, theo tư tưởng thánh Augustin, Thiên Chúa đang ở trong lòng chúng ta!
Ngày mai, kỳ tĩnh tâm sẽ khép lại với nhiều quyết tâm. Mỗi linh mục lại ra đi đến với nhiệm sở của mình với tâm thế mới. Lo lắng, băn khoăn, trăn trở về một tương lai đầy bất trắc không phải là không có, nhưng được đặt để trong bàn tay quan phòng của Chúa với niềm tin Chúa sẽ đồng hành với ta mỗi ngày.
(Anthony Hoàng Nguyễn, WGP.Vinh 14-11-2012)