Tân ước cho ta biết về ngày Chúa Giêsu chịu tử nạn, đó là vào dịp lễ Vượt Qua của dân Do Thái. Nhưng Tân ước lại im lặng về ngày tháng Chúa ra đời. Vì vậy ta không thể nói được chính xác Chúa ra đời vào mùa Xuân, Hạ, Thu, hay Đông. Những bài thánh ca về Giáng sinh nói đến sương tuyết lạnh lẽo, ắt là nghĩ đến lễ Giáng Sinh cử hành vào ngày 25 tháng Chạp dương lịch. Ở Âu Châu thì quả thật là mùa Đông lạnh lẽo. Ở Việt Nam tỉ như một số vùng núi cao như Đà Lạt cũng khá lạnh lẽo, nên bài thánh ca ấy không có chi trái mùa. Nhưng chúng ta thử nghĩ đến các vùng ở miền Nam bán cầu, như Australia, Tân-tây-lan, thì ngày 25 tháng 12 rơi vào chính giữa mùa hè. Lễ xong là họ nhào ra biển để tắm mát. Tại sao phụng vụ cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12? Có lẽ vì Giáo Hội muốn thánh hoá một ngày lễ ngoại đạo ở Rôma. Thực vậy, người Rôma cử hành ngày sinh nhật của mặt trời (Natale solis invicti) vào ngày này. Như chúng ta biết rằng trong năm, ngày đông chí là ngắn nhất: xem ra đêm tối đã lấn át mặt trời. Thế nhưng sau đó ngày lại bắt đầu dài ra từ từ; vì vậy mà người ta mừng lễ hồi sinh của mặt trời. Sau khi đế quốc Rôma trở lại Kitô giáo, Giáo Hội muốn thay thế thần mặt trời bằng Đức Kitô, mặt trời soi đường công chính. Chứng tích đầu tiên về việc cử hành lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 là một cuốn lịch vào năm 354, tức là giữa thế kỷ IV. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ này thì hầu như các Giáo Hội Kitô đều mừng lễ vào ngày ấy. Tưởng cũng nên biết rằng các Giáo Hội Đông Phương mừng ngày lễ Giáng Sinh vào ngày 6 tháng 1, ngày mà Giáo Hội La-tinh mừng lễ Hiển Linh. Chúng ta không biết Chúa sinh ra ngày nào, còn chị có biết Chúa sinh ra năm nào không?
Năm thứ I theo kỷ nguyên Kitô giáo?
Đúng một phần, quả thực, lịch mà chúng ta đang dùng, dựa trên ngày Chúa Giáng Sinh, coi như là năm thứ I, cho đến ngày nay là năm 1991. Tuy nhiên khi bắt đầu soạn ra lịch ấy, tu sĩ Điônisô Exiguus (sống vào thế kỷ VI) đã tính lầm: ông cho rằng Chúa ra đời vào ngày 25 tháng 12 năm 753 của lịch Rôma, tức là 4 năm trước kỷ nguyên Kitô giáo. Chúng ta phải thụt lùi thêm 2 năm nữa, xét vì khi Hêrôđê hay biết việc Chúa ra đời, đã ra lệnh giết các trẻ em dưới hai tuổi, vì đoán rằng Ngài đã sinh ra trong khoảng thời gian đó. Tóm lại, Chúa Giêsu đã ra đời ít là vào năm thứ VI hay năm thứ V trước kỷ nguyên hiện tại, nghĩa là vào khoảng 1996 năm nay.
Để kỷ niệm mừng Chúa Giáng Sinh, các nhà thờ cũng như tư gia làm một hang đá với các nhân vật có mặt tại Bêlem lúc Chúa ra đời. Có phải Chúa ra đời trong hang đá nơi máng lừa hay không?
Theo thánh Luca, vào thời ấy có một cuộc kiểm tra dân số trong toàn đế quốc Rôma, ai nấy phải về nguyên quán của mình để kê khai. Hoàng đế Rôma không chỉ muốn biết con số nhân đinh của mình, nhưng là muốn biết có bao nhiêu người sẵn sàng thi hành quân sự, cũng như tài sản của họ để đánh thuế. Từ Nazarét có lẽ là quê quán của Maria, Giuse dẫn bạn mình trở về nhà của song thân mình ở Bêlem, một quãng đường dài khoảng 150 cây số. Bêlem (theo nguyên ngữ Do Thái Bethlehem) có nghĩa là “nhà của bánh”. Nhưng theo một số học giả hiện đại, có lẽ phải tìm nguyên ngữ Bit-ilulahama (tiếng Canaan, có nghĩa là nhà của thần Lajamu). Bêlem là một thôn làng nhỏ bé, cách Giêrusalem độ chừng 8 cây số về phiá Nam. Vào thời ấy dĩ nhiên là không có khách sạn hay quán trọ. Luca nói rằng Giuse không tìm được một chỗ trong một gian phòng dành cho khách. Có lẽ là một gian nhà xép như cái chái, mở ra làm gian dành cho súc vật. Vì vậy mà sau khi hết chỗ, có lẽ ông chủ đưa ra ngoài hiên, nơi dành cho súc vật chăng? Từ thế kỷ II mới có truyền thống do thánh Giustinô kể lại (Dialogo cum Triphone 78,5 viết vào khoảng năm 150) là Chúa Giêsu sinh ra trong một hang đá. Từ đó lưu truyền ấy được tiếp tục như chúng ta thấy trong chứng tích của Origène (Contra Celsum I, 51 viết vào khoảng năm 248) ở thế kỷ sau đó. Ấy là chưa kể đến các Nguỵ Phúc Âm Thư. Vào thế kỷ IV hoàng đế Constantinô đã xây một thánh đường tại hang đá mà theo tục truyền là nơi Chúa ra đời. Tuy nhiên tục lệ cất hang đá trong các nhà thờ và tư gia để tưởng niệm biến cố Chúa giáng sinh mới có từ thế kỷ XIII, do thánh Phanxicô khó khăn khởi xướng.
Còn hai con bò lừa ở đâu tới vậy?
Phúc Âm không nói đến. Chi tiết này xuất hiện ở Nguỵ Phúc Âm theo thánh Matthêu. Tác giả này muốn chứng minh rằng việc Chúa ra đời trong hang bò lừa ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia 1,3: “Con bò đã biết chủ mình, và con lừa nhận biết máng của chủ mình”.
Bên cạnh hang đá, không thể nào thiếu ngôi sao. Có phải đó là sao chổi dẫn đường cho Ba Vua đến thờ lạy Chúa Cứu Thế không?
Đúng vậy, ngôi sao đặt bên cạnh hang đá tưởng nhớ đến ngôi sao đã dẫn đưa các nhà đạo sĩ đến thờ lạy Hài Nhi ở Belem. Tuy nhiên thánh Matthêu không nói rõ ràng đó là ngôi sao chổi. Dù sao theo các học giả Kinh Thánh, sao chổi hay sao nào khác không quan hệ cho bằng ý nghĩa thần học: trong Cựu ước (Ds 24,7) Balaam tiên báo ngày vị cứu tinh ra đời dưới hình ảnh của một ngôi sao chỗi dậy từ nhà Giacóp. Lưu truyền bình dân ở Israel đều nói đến một ngôi sao xuất hiện vào lúc một hoàng đế hay vĩ nhân ra đời.
Một ngôi sao đã dẫn đường cho Ba Vua thờ lạy Chúa, họ có phải là Vua hay các nhà đạo sĩ, nhà chiêm tinh? Tại sao lại có ông da trắng, da vàng và da đen?
Thánh Matthêu nói là có các “magoi”. Từ này có ý nghĩa hàm hồ: ở Ba Tư, họ thuộc hàng giáo sĩ, nhưng không phải lo chuyện tư tế mà còn lo chuyện bói toán, thiên văn và y khoa nữa. Nhưng khó có thể nói là các nhân vật mà thánh Matthêu nói tới thực sự từ Ba Tư mà đến. Đối với người thời đó, “Phương Đông” không hẳn là Trung Hoa, Nhật Bản nhưng chỉ là xứ ở phía Đông của bờ sông Hoà Giang, có thể là chính từ miền Ảrập. Về sau các vị ấy được gọi là vua có lẽ vì người Kitô hữu liên tưởng tới thánh vịnh 72: “ Các vua Tharsis và hải đảo sẽ mang lễ phẩm; các vua Ảrập và Saba sẽ mang cống vật …”. Con số “ba” xuất hiện có lẽ vì gắn liền với ba phẩm vật: vàng, trầm hương, mộc dược. Ba lễ phẩm có ý nghĩa tượng trưng. Vàng là biểu hiệu của vua chúa; trầm hương là biểu biệu của thần linh; mộc dược dùng để tẩm liệm ước xác, biểu hiệu của thân phận con người. Các Giáo Hội Syria và Armeni đếm hơn một chục vị, chứ không phải chỉ có ba vị. Dầu là ba hay là bốn đi nữa, ta vẫn có thể nghĩ rằng họ đều cùng một xứ với nhau. Về sau, vì muốn làm nổi bật tính cách phổ quát của ơn cứu chuộc, người ta đặt ba vị tượng trưng mầu da của ba đại lục lớn nhất: da trắng (Âu châu), da vàng (Á châu), da đen (Phi châu). Mỹ châu mới được khám phá cách đây 500 năm thôi. Dù sao đi nữa vấn đề chính mà Matthêu muốn nêu lên là vào lúc Chúa ra đời, trong khi những người ở chính quê hương của Ngài thuộc làu Sách Thánh, nhưng không nhận biết thời giờ cứu độ; còn những người ngoại đạo từ xa xăm đã nhận ra Chúa Cứu Thế và đến thờ lạy Ngài. Biết đâu đó cũng là lối trách móc dành cho chúng ta, những người Kitô hữu?
Bên cạnh hang đá, người ta còn đặt thêm cây thông nữa. Tại sao đặt cây thông? Ở Việt Nam đâu dễ gì kiếm được cây thông, sao không đặt cây chuối, cây cam, cây dừa?
Trong Tân ước không có chỗ nào nói Chúa Giêsu sinh ra gần cây thông. Mặt khác tục lệ làm hang đá để tưởng niệm Chúa ra đời đã có từ thế kỷ XIII, còn tục lệ đặt cây thông thì mới trở nên phổ thông từ thế kỷ XIX, phát xuất từ bên Đức. Tại những nước Bắc Âu, trong mùa Đông, các cây đều trụi lá hết, chỉ trừ cây thông là giữ được vẻ tươi xanh. Vì thế không lạ gì người ta dùng cây thông để trang hoàng vào dịp lễ. Điều quan trọng là tìm hiểu ý nghĩa của nó. Cây thông với những cành lá luôn xanh tươi, tượng trưng cho sự sống. Cây thông dựng lên trong mùa Giáng Sinh gọi là cây trường sinh ở vườn địa đàng. Nguyên tổ chúng ta đã phạm tội, bị trục xuất khỏi nơi hạnh phúc ấy và bị lên án tử. Nay Chúa Cứu Thế giáng trần, Ngài mở lại cửa thiên đàng cho chúng ta, trả lại cho chúng ta cây trường sinh. Thiết tưởng một khi hiểu được ý nghĩa như vậy, ta có thể dùng bất cứ cây nào đặt bên cạnh hang đá cũng được.
Lm.Giuse Phan Tấn Thành