Hôm nay mình đi thăm bà con để tìm hiểu “nhân tình thế thái” . Vợ chồng anh M. đóng một cái đáy nho nhỏ sát mí bờ sông. Họ đến đây với hai bàn tay trắng. Họ vay tiền để sắm dụng cụ làm ăn.
– Anh chị vay bao nhiêu để đóng cái đáy này ?
– Mười ngàn. Cái đáy nhỏ xíu à. Mỗi ngày kiếm được chừng một ngàn, đủ sống qua ngày.
– Người ta cho anh đóng tiền lời một tháng bao nhiêu ?
– Cứ mỗi ngày đưa cho người ta ba trăm đồng.
– Mỗi ngày ba trăm đồng. Ba mươi ngày thành ra chín ngàn đồng. Như vậy là anh chị chịu lời chín mươi phân một tháng. Chưa từng có trên thế giới !
Trên đường trở về nhà, mình băn khoăn suy nghĩ về vấn đề xã hội tại miền cuối Việt này. Tại sao chủ nợ lại đang tâm cho vay ăn lời chín mươi phân ? Và tại sao chủ nợ siết cổ như vậy, mà con nợ vẫn sống tỉnh queo ?
Mình phân tích sự kiện theo phương pháp kinh viện : TẠI SAO ? BỞI ĐÂU ? ĐỂ LÀM GÌ ? … và cuối cùng mình khám phá được bí ẩn này như sau :
1- Ở Năm Căn dễ sống lắm. Xách cái xuồng đi quăng chài chừng ba tiếng đồng hồ cũng kiếm được vài chục ký tôm. Chỉ cần một cái xuồng be bảy vô rừng bắt vọp, ốc len, ba khía… cũng dư sức nuôi năm miệng ăn. Với mười ngàn đồng tiền vốn mà mỗi ngày kiếm được trên dưới một ngàn đồng. Như vậy có nghĩa là: một vốn đẻ ra ba lời / 1 tháng. Nói cách khác, đó là doanh nghiệp có lãi suất ba trăm phần trăm / 1 tháng.
2- Cho vay lấy lời chín mươi phân chưa phải là bóc lột, vì để có được số lời đó chủ nợ phải đi đòi ba mươi lần mỗi tháng. Nhiều khi phải năn nỉ ỉ ôi. Lắm lúc phải chửi thô tục mới thấy tiền từ trong túi con nợ lòi ra. Mà tiền công chửi thì vô giá ! Ấy là chưa kể con nợ có thể trốn đi trước khi thanh toán số tiền vốn. Họ chỉ để lại một cơ ngơi gồm : cái chòi rách và cái chổi cùn… Công bằng xã hội ơi! Thế nào là bóc lột? Thế nào là công bằng?
Năm Căn, …. 1976
Hôm nay mình trở lại Năm Căn cùng với một lô những ông bạn tò mò. Trước hết chúng mình đến thăm ông Tư Đức. Giáo điểm Năm Căn đã đóng cửa được một năm rồi, mà trên vách ván nhà ông Tư vẫn còn những câu Phúc Âm in đậm nét phấn. Hạt giống Tin Mừng đã gieo xuống mảnh đất này từ năm năm qua, hôm nay vẫn còn đó, bất chấp nắng hạn. Nhưng rồi ngày mai, ngày mốt, và nếu thời gian cứ chồng chất, thì số phận của hạt giống sẽ ra sao ? Mình gởi gắm Năm Căn cho Chúa Thánh Thần.
Buổi chiều, tụi mình vô thăm rẫy. Dưa hấu và dưa hấu. Vô nhà nào cũng thấy một mâm dưa hấu.
– Ăn đi ông cha! Ăn hết mới được về.
– Chắc tôi chết quá!
– Còn một nồi cháo vịt nữa. Thấy bóng ông cha ở bên đó, thì bên này tôi bắt đầu mần vịt. Gặp ông cha, tôi mừng hết biết. Tưởng không bao giờ còn gặp lại ông nữa.
Chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ, tụi mình phải thanh toán hết ba nồi cháo vịt và hằng chục mâm dưa hấu. Người Năm Căn như thế đó. Ăn cho “chết” để có tình. Uống cho “chết” để làm anh em. Chất phác, cuồng nhiệt, và dễ thương.
Cái Rắn,… 25-11-1995
Sáng nay mình đi làm lễ giỗ ở Rạch Ruộng. Chiều về đi làm lễ giáp tuần cho bà Năm Hơn. Lễ xong mình ở lại tâm tình với tang quyến. Chuyện buồn quá !
Bà Năm Hơn đi thăm con ở Năm Căn. Hai giờ khuya ngày 20-11-1995 bà giục con đưa bà ra vàm Ông Do để đón tàu về Cái Rắn.
– Còn sớm quá mẹ ạ!
– Vừa rồi đấy !
Mẹ con giằng co một hồi. Chiếc xuống be mười đưa bà Năm ra vàm, theo nhịp chèo uể oải của đứa con gái đang hờn dỗi. Đêm 27, ánh sao mờ nhạt khiến đêm đã tối lại càng tối hơn. Nước ròng chảy siết, đổ ra vàm cuồn cuộn như thác.
– Tới vàm rồi. Mẹ ngồi vững nghe. Nước đạp dữ lắm đó. Chỗ này có nhiều người chết chìm…. Chúa ơi ! Xuồng tấp vô hàng đáy rồi mẹ ơi !… Bớ bà con ơi !… Mẹ ơi !… Mẹ ơi !…
Bà Năm lặng lẽ chìm xuống dòng sông lạnh. Tiếng con bà gào lên thảm thiết xé toạc màn đêm yên tĩnh. Vài chục ánh đèn pin lóe lên một cách tuyệt vọng. Ba giờ ba mươi sáng ngày 20-11-1995.
– Bốn mươi tám giờ nữa xác mới nổi lên. Sông Cửa Lớn dữ dằn lắm, chẳng mò được đâu. Đành chờ thôi. Một người đàn ông đứng tuổi góp ý chắc nịch như thế.
Những bàn chân to bè và thô nhám lặng lẽ rời khỏi căn trại đáy. Vàm Ông Do chỉ còn lại đêm tối rùng rợn và tiếng khóc tuyệt vọng …
Sau câu chuyện buồn, người ta thi nhau ca tụng tấm lòng vàng của người Năm Căn :
– Bà con vàm Ông Do quyên được 590.000 đồng. Châm xăng cho người ta đi kiếm xác hai ngày hết 200.000 đồng. Còn dư 390.000 đồng đưa cho thân nhân đem về Cái Rắn.
Chủ hàng đáy nấu cơm nuôi những người đi kiếm xác. Đãi cơm luôn cả thân nhân ở trên này xuống. Việc của mình mà người ta lo hết trơn.
Dân chính ấp Hàng Vịnh và Chữ Thập đỏ thị trấn Năm Căn đứng ra lo giùm mình từ đầu đến cuối. Nào là bổ người đi kiếm xác. Nào là quyên tiền… Họ tốt thiệt tình !
Nếu một sự cố tương tự xảy ra ở Cái Rắn này, thì nhắm chừng họ đạo Cái Rắn có thể làm được như bà con ở Năm Căn không ? Mình hỏi thử mọi người như thế. Người ta chỉ cười trừ. Thảo nào ngày xưa Chúa đã phải thốt lên những lời cay đắng :
“Tôi chưa thấy một niềm tin nào như thế trong dân tộc Ít-ra-en”.
“Tại sao chỉ có một người này trở lại tôn vinh Thiên Chúa ? Mà người này lại là người ngoại ?”
Bị xúc động bởi những tấm lòng vàng ấy, mình bèn viết một lá thư ngỏ gửi về mảnh đất Năm Căn yêu dấu.
Năm Căn yêu dấu ơi !
Ta biết Năm Căn từ đầu năm 197. Nhưng mãi tới ngày 24-5 năm ấy ta mới thực sự đặt chân lên đất Năm Căn. Ta yêu Năm Căn từ thuở ấy. Nhưng Năm Căn lúc ấy còn xơ xác lắm. Một nhạc sĩ nào đó đã sáng tác tại chỗ một bài ca lấy tựa đề “Năm Căn, nơi lưu đày”. Anh chàng nghệ sĩ ôm cây đàn ghi-ta, đu đưa cái đầu trọc lóc, than khóc cho thân phận éo le của mình. Anh than khóc vào đúng một đêm Noel. Đêm Noel năm ấy không bừng sáng dưới ánh đèn muôn sắc, mà chập chờn dưới ánh hỏa châu giăng mắc.
Cũng đúng thôi, vì Năm Căn lúc ấy là Năm Căn của thời chiến. Chiến tranh siết lấy Năm Căn như một sợi dây thòng lọng. Rừng Năm Căn bị cày lên bởi pháo 41 và 105. Đước Năm Căn bị phang xơ xác bởi đại liên 50 và 60. Người Năm Căn nghèo te tua như cánh rừng bị bỏ thuốc khai quang. Nhưng ta vẫn yêu Năm Căn và muốn mãi mãi là người Năm Căn …
Thế rồi ngày 14-6-1975, ta phải miễn cưỡng giã từ Năm Căn với bao nhiêu là thương tiếc. Thân xác ra đi, nhưng lòng ta vẫn ở đó. Ta đã thấy rừng đước Năm Căn biến thành rẫy bí, rẫy khoai… bạt ngàn. Rồi ta lại thấy rẫy rừng biến thành vuông tôm mênh mông. Ta đã thấy Năm Căn giàu lên như diều gặp gió với những tiệm vàng và tiệm đồng hồ san sát bên nhau, với những cô gái vàng đeo đỏ người. Ta cũng đã thấy những tháng ngày chợ Năm Căn ế ẩm như nồi cháo thiu, vì tôm chết và chết không ngừng. Hôm nay, sau cái chết của bà Năm Hơn, lòng ta lại rộn lên lòng thương mến Năm Căn. Ta muốn đến tận vàm Ông Do để nói lên lòng biết ơn và cảm mến đối với nhân dân, chính quyền và Chi Hội Chữ Thập đỏ Năm Căn. Ta muốn siết tay người chủ hàng đáy có tấm lòng nhân ái còn lớn hơn cả dòng sông Cửa Lớn.
Năm Căn ơi ! Hẹn ngày tái ngộ nhé !
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo