Những đòi hỏi của Giáo Luật cho Hôn nhân hoàn hợp
Sau đây là một vấn đề về đạo đức sinh học mà một độc giả của Zenit đã nêu lên và được các thành viên của Viện nghiên cứu về Văn hóa Sự Sống (Culture of Life Foundation) trả lời. Giải đáp sau đây chỉ là một ý kiến thần học để giải thích cho khoản Giáo luật 1061. Bài dịch được đăng tải không nhằm mục đích trước tiên để tạo nên bàn tròn thảo luận về một vấn đề chuyên môn cho bằng là vì thấy toát lên một tư tưởng nhân học thích đáng và hữu ích trong quan niệm hôn nhân kitô giáo. Tuy nhiên, còn nhiều điểm cần được đào sâu hơn, và bàn thảo với những ý kiến dị biệt khác nữa.
WASHINGTON, D.C., 28/07/2010
Câu hỏi: Một hành động giao hợp sinh lí có ý tránh thai (a contraceptive act of sexual intercourse) có thỏa những yêu cầu của hôn nhân hoàn hợp (consummation) hay không? (Độc giả SG. A. – Cape Town, South Africa).
E. Christian Brugger trả lời như sau:
Trả lời: Cả Giáo Luật và giáo huấn luân lí của Giáo hội Công Giáo không đưa ra câu trả lời chính thức cho vấn đề này. Do đó, những ai quan tâm đến vấn đề và muốn tìm câu trả lời cho lương tâm nên tham khảo những luận cứ liên quan từ cả hai phía của vấn đề và rút ra kết luận xem ra đối với họ là đúng đắn nhất dưới ánh sáng của những chân lí đức tin rộng lớn hơn. Suy tư của các nhà thần học công giáo về vấn đề này rất là hữu ích. Thế nhưng, những người Công giáo không nên “tin” những gì các nhà thần học này nói xét như là những chân lí mạc khải của Thiên Chúa hay như là giáo huấn dứt khoát của Giáo hội Công giáo. Họ cũng không nên xem các ý kiến của các nhà thần học với cùng thái độ như khi họ “phải kính cẩn tuân phục bằng ý chí và lí trí” Giáo huấn Công giáo thuộc Huấn Quyền chưa tuyên bố dứt khoát (x. Cđ. Vatican II, Lumen gentium, số 25). Đúng hơn, họ nên xem xét những gì các nhà thần học nói và tự phán định cho mình những ý kiến ấy là có đúng đắn hay không. Những gì tôi nói sau đây là lập luận riêng của tôi về vấn đề hành vi giao hợp sinh lí có ý tránh thai có hoàn hợp (consummates) cuộc hôn nhân hay không (nghĩa là, nó có phù hợp hay không để tạo nên một sự hiệp thông thiết yếu để cả hai người nên một xương một thịt hầu có được một cuộc hôn nhân bất khả phân li). Tôi khởi đi từ việc giải thích bản tính của một con người (nhân vị) vừa xác thể vừa tinh thần (spiritual-bodily nature) làm cơ sở như thế nào cho Giáo huấn của Hội thánh Công giáo về bản chất của hôn nhân.
Con người là một hữu thể thống nhất của xác và hồn. Là hữu thể tinh thần, nhưng con người không chỉ là hữu thể tinh thần sử dụng một thân xác, giống như một thuyền trưởng lái con tàu của mình. Con người còn là hữu thể thân xác, nhưng không chỉ là thân xác thiếu chiều kích phi-vật-thể (như những người theo thuyết duy vật tin tưởng). Con người được gọi cách chính xác là những “linh hồn nhập thể”. Quan hệ hôn nhân là diễn tả duy nhất của sự hợp nhất hồn-xác này.
Một số tương quan, chẳng hạn như quan hệ giữa hai người là bạn, được thiết lập trên cơ sở chiều kích tinh thần này mà thôi. Nói thế tôi không có ý muốn nói tình bạn không hề được diễn tả qua thân xác. Dĩ nhiên là có, nó giống như mọi sự gì thuộc nhân tính. Nhưng tình bạn hiện hữu là nhờ một hành vi tinh thần, một hành vi của ý muốn, tức là trên cơ sở của sự ưng thuận của hai người thông dự. Và nó chỉ tồn tại cho tới khi nào những người bạn ấy vẫn còn muốn làm bạn với nhau. Nếu có một người nào không ưng thuận nữa, mối quan hệ ấy (dẫu còn hay không còn tình cảm) coi như chấm dứt.
Hôn nhân cũng là một loại tình bạn đòi hỏi phải có sự ưng thuận (“sự ưng thuận trong hôn nhân”). Thế nhưng, nó là cái gì đó còn hơn là một tình bạn thông thường được xây dựng và gìn giữ chỉ bằng sự ưng thuận của hai người thông dự. Nó còn có một chiều kích xác thân sâu thẳm – chiều kích “một xương một thịt” được thực hiện qua hành vi giao hợp đầu tiên (xem St 2,24; Mt 19,5; Ep 5,31). Tính chất “một xương một thịt” này có hiện hữu hay không là do, như thánh Phaolô giải thích, những người này có kết hôn với nhau hay không (x. 1Cr 6,16). Nhưng bởi vì hành động “ăn ở với nhau” (“giao hợp”) nối kết hai người thành chỉ một thân xác một linh hồn, diễn tả khả năng tình thâm giao sâu nặng (radical human intimacy) và sinh sản thuộc nhân tính, cho nên hành động ấy phải là duy chỉ thuộc về hôn nhân. Điều đó có nghĩa là nó phải là một hành động thể hiện và tham dự vào một mối quan hệ mang tính chất bền vững, độc hữu và phong nhiêu (khả năng sinh sản).
Nếu hai người phối ngẫu chưa ưng thuận cùng nhau sống một đời đôi bạn kiểu hôn nhân kéo dài suốt cuộc đời, hành động giao hợp của họ là vô luân (disordered) bởi lẽ nó tạo nên một sự kết hợp nên một thân xác nhưng trên cơ sở một quan hệ không trường cửu. Đức Gioan Phaolô II nói rằng “ngôn ngữ thân xác” mà được biểu lộ qua một quan hệ ngoài hôn nhân là dối trá. “Bởi lẽ tôi nói qua thân xác tôi rằng em thuộc về tôi và tôi thuộc về em mãi mãi; nhưng tôi lại chưa ưng thuận một kết hợp kiểu như thế.”
Thế nên, hôn nhân là một quan hệ bằng hữu trường tồn nhưng thuộc loại hai-trong-một-thân-xác được thiết lập trên cơ sở vừa là sự ưng thuận của hai người phối ngẫu vừa qua một hành động kết hợp hai thân xác thành một thể thống nhất một-xương-một-thịt. Sự ưng thuận được tỏ bày tại bàn thờ lúc hai người phối ngẫu trao đổi lời thề hứa. Nếu hai người thực sự có ý tham dự mối quan hệ bằng hữu được phối hôn nên một-xương-một-thịt bất khả phân li, và không có ngăn trở nào (ví dụ như họ đã kết hôn), thì sự ưng thuận ấy tạo nên (điều mà Giáo luật nói) một hôn nhân “thành nhận” (“ratified marriage”), là hôn nhân đích thật, nhưng chưa là hôn nhân hoàn hợp. Hôn nhân ấy trở nên hoàn hợp khi đôi bạn thực hiện một hành vi vợ chồng nên một trên thân xác diễn tả sự ưng thuận mà họ tuyên bố tại bàn thờ – ưng thuận trao hiến hoàn toàn bản thân cho nhau không thể hủy bỏ. Nếu họ chưa hề hoàn hợp, hành động kết hôn chưa hoàn tất cách trọn vẹn, và tính chất chưa trọn vẹn của sự kết hôn biểu lộ qua việc dây hôn phối có thể được Giáo hội tháo gỡ. Nếu hôn nhân đã thành nhận và đã hoàn hợp, thì không gì có thể tháo gỡ sự liên kết vợ chồng trừ cái chết.
Giáo Luật
Bây giờ chúng ta trở lại với câu hỏi liệu một hành vi giao hợp có ý tránh mang thai có hoàn hợp cuộc hôn nhân hay không. Chú giải 1985 về Bộ Giáo Luật của Hiệp Hội Giáo Luật Hoa Kỳ nói rằng: “Những nhà cố vấn khi bàn thảo các điều khoản Giáo luật này đã ngã hướng về quan niệm cho rằng sự giao hợp tự nhiên đã là hoàn hợp và việc sử dụng các phương thế ngừa thai không ngăn trở tính hoàn hợp thật sự của hành động ấy chừng nào chúng không cản trở hành động giao hợp thể lí” [1].
Tôi hiểu đoạn văn này muốn nói rằng các nhà cố vấn (tức là, các chuyên viên về Giáo luật mà Vatican đã tham vấn trong khi chuẩn bị cho ra đời Bộ Giáo Luật 1983) cho rằng nếu một người vợ đang dùng thuốc tránh thai để kiểm soát sinh sản (vốn trái với giáo huấn luân lí của Hội thánh Công giáo – ND.) trong khi “ăn ở” với nhau lần đầu tiên, hành động ấy vẫn “tự nó có khả năng dẫn tới sinh sản” (điều 1061) (nghĩa là, một hành động thuộc “loại” phong nhiêu (procreative) cho dẫu thực tế không thể sinh con (not actually a fertile act)). Sỡ dĩ thế không phải là vì các nhà cố vấn đã cho rằng viên thuốc ngừa thai là hợp luân lí đạo đức (dù một số người có lẽ vẫn tin như thế), nhưng vì một hành vi tránh thai bằng cách dùng dược phẩm không ngăn trở người chồng phóng tinh vào âm đạo người vợ, đây là điều mà hầu hết các nhà Giáo luật cho là cốt yếu của sự hoàn hợp.
Cả Dr. May và tôi đều cho rằng phán quyết này là sai lầm (và nhiều nhà thần học luân lí ngày nay cũng thế). Tôi sẽ trình bày cách ngắn gọn nhất lập luận bảo vệ cho quan điểm của mình. Để một hành động giao hợp mang đặc tính “hôn ước” (hay “vợ chồng”/“marital”) và hợp pháp, hành động ấy phải hàm chứa hai điều thiện hảo chính yếu của hôn nhân, đó là sinh sản con cái (procreation) và kết hợp vợ chồng (unity). Nếu có ước muốn rõ ràng ngược lại với một trong hai thiện hảo này của hôn nhân, thì dù cho hành động thể lí xem ra có thể giống hành động giao hợp vợ chồng (marital intercourse), hành động ấy vẫn không phải là hành động vợ chồng (non-marital). Do đó, ví dụ như, trong đêm tân hôn, người chồng cưỡng bức vợ mình phải thực hiện việc giao hợp trái với ý muốn của cô ta, thì đó không phải là hành động vợ chồng – không có tính hoàn hợp – bởi lẽ hành động ấy đi ngược với tự do của người vợ nên trái nghịch với thiện hảo kết hợp vợ chồng (marital unity) (thậm chí đó không phải là một hành động nhân linh, ít là từ phía người vợ; đó chỉ là một phần của hành vi thể lí). Cũng thế, nếu một hoặc cả hai người phối ngẫu sử dụng phương tiện ngừa thai với ý định khiến cho hành động giao hợp ấy không thể thụ thai được, thì bởi ý định rõ ràng chống lại thiện hảo về sự sinh sản, hành động của họ cũng không có tính vợ chồng, và như thế (dĩ nhiên) nó không hoàn hợp cuộc hôn nhân ấy. Do vậy, một hành động giao hợp mà có ý tránh thai không thỏa các yêu cầu của điều khoản Giáo Luật 1061 về sự hoàn hợp hôn nhân. (Dr. May và tôi trong bài nói chuyện gần đây nhất nói về vấn đề liệu các cặp hữu ý không sinh con (hiếm muộn hữu ý) có thể kết hôn trong Giáo hội hay không. Vấn đề này nói cách khác liệu họ có thể hoàn hợp cuộc hôn nhân của mình hay không).
Nếu luận cứ này là đúng (như tôi đã nói, đây không phải là giáo huấn của Giáo hội nhưng chỉ là kết luận của các nhà thần học), nó sẽ có những hệ luận cho việc chuẩn bị hôn nhân. Nếu một cặp có ý định thực hành ngừa thai trong những năm đầu hôn nhân để tránh có con cái như nhiều cặp đã làm, thì cho dù họ đã kí kết một hôn ước hợp pháp thành nhận (ratified) trên bàn thờ, họ còn chưa hoàn hợp cuộc hôn nhân của mình cho đến khi họ chọn một hành động “ăn ở vợ chồng” mà tôn trọng cả hai thiện hảo của hôn nhân. Điều này có nghĩa là họ chưa kết hợp nên một xương một thịt cho tới lúc ấy; họ chưa đón nhận ân sủng xuống trên cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng xét như là một xương một thịt; hôn nhân của họ vẫn còn có thể tháo gỡ được. Điều đó cũng có nghĩa là họ bước vào cuộc hôn nhân của họ trong khi thường xuyên chọn một hành vi xấu nghiêm trọng, không tốt cho cuộc hôn nhân của mình. Sau 40 năm nuốt những viên thuốc đắng đót này, giờ đây các đôi bạn cần được các vị mục tử trong Giáo hội nói thẳng thắn rõ ràng: ngừa thai cản trở thiện hảo của một cuộc hôn nhân, nó chống lại hôn nhân, là một virus luân lí trong mối quan hệ.
Tôi tin rằng một linh mục mà biết một cặp vợ chồng có ý thực hành ngừa thai sau khi họ cưới nhau sẽ hết sức thuyết phục họ làm cách khác. Ngài cố gắng thuyết phục họ không đơn giản chỉ nói với họ rằng họ đang làm điều sai trái. Ngài nên giải thích rõ ràng hết sức những lí do khiến sự giao hợp ngừa thai là sai trái; và làm thế với lòng bác ái và kiên nhẫn, vì nhận thấy nhiều người, kể cả nhiều người Công giáo, rất khó thấy tính chất sai trái của sự ngừa thai. Sau cùng, nếu như họ từ bỏ giáo huấn của Giáo huấn Công giáo, các ngài nên từ khước việc kết hôn của họ. Cũng như, phong chức linh mục cho một người bỏ Giáo huấn của Hội thánh về đức khiết tịnh của giáo sĩ đối với tôi là một sai lầm mục vụ nghiêm trọng, cũng thế, đối với việc kết hôn những người từ bỏ giaó huấn của Giáo hội Công giáo về đức khiết tịnh hôn nhân.
Mặc dù chọn theo hay không ý kiến của tôi ở đây, các vị cũng cố gắng trao đổi với các cặp cách rõ ràng hết sức rằng tội ngừa thai không phải là một chuyện nhỏ không nguy hại gì cho cuộc hôn nhân của họ, dù việc thực hành mục vụ trong Hội thánh công giáo đã tiến hành điều đó với cách thức này từ nhiều thập niên rồi.
––––––––––––––––––––––––––––––
[1] Chú giải điều khoản 1061 (1985, Hiệp Hội Giáo Luật Hoa Kỳ), tr.745.
* * *
E. Christian Brugger là một thành viên cao cấp về Đạo Đức học (Ethics) tại Viện nghiên cứu Văn Hóa Sự Sống và là một phó giáo sư thần học luân lí tại Chủng Viện Thần học St. John Vianney ở Denver, Colorado. Ông nhận bằng Tiến sĩ Triết học từ Oxford năm 2000.
William E. May là một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Văn Hóa Sự Sống và giáo sư về hưu Michael J. McGivney về Thần học Luân lí tại Học Viện Gioan Phaolô II nghiên cứu về Hôn Nhân và Gia Đình tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ (CUA), D.C.
(Theo http://Zenit.org/article-30025?l=english)
Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ
hdgmvietnam.org