Thánh Irénée viết: “Ngài đã đến dưới dạng hữu hình với những gì thuộc về Ngài, Ngài đã trở thành xác thịt và xác thịt ấy đã được treo lên cây Thập tự để bằng cách ấy thâu họp vào mình cả vũ trụ.” Và cũng theo Irénée thâu họp để biến đổi (tái sinh), “Con Thiên Chúa làm người để con người trở thành con cái Thiên Chúa”.
Thánh Giá trở thành trục thế giới, Thánh Cyrille ở Jérusalem viết: “Chúa Trời đã dang hai tay trên cây Thập Tự để ôm lấy bờ cõi vũ trụ và vì vậy núi Golgotha là trục thế giới.”. Trên trục vũ trụ ấy có treo lên một người Con của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô thì diễn tả trục này như sau: “Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.” (Ep 1,10). Thánh Grégoire Nysee nói thánh giá như dấu ấn vũ trụ. Lactance thì viết: “Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô khi ôm khổ nạn của mình đã giang tay ôm lấy hình cầu trái đất.”
Diễn giải về trục thế giới, điều này liên quan tới nhiều hình thức biểu tượng của cây trụ trời. Cây trục vũ trụ được gọi có nghĩa là xung quanh trục ấy biểu lộ những xoay vần của loài thọ tạo, liên kết tòan thể vũ trụ vào trong cây truc trung tâm. Cây trục nối giữa trời và đất, biểu trưng trong cây Thánh Giá còn mang theo ý nghĩa của Cứu Độ, đó là trung tâm điểm nối kết giữa trời và đất bằng sự giao hoà. Sự rạn nứt của cây trục thế giới đã từng bị tội của Adam tác động vào, nay được làm mới lại trong một Adam mới là Đức Giêsu Kitô.
Khi ghi dấu năm cứu độ chung quanh trục cây Thánh Giá, thì cũng ghi khắc vào đó cả khối tình tri ân của những năm hưởng nhờ hồng ân cứu độ trong lịch sử thời gian. Về không gian thì trục vũ trụ nối trời với đất. Về mặt thời gian cây trục là điểm thâu họp lịch sử, chung ở bốn góc Thánh Giá còn thấy ghi năm hồng ân cứu độ.
Hai chiều kích của Thánh Giá biểu hiện bao gồm 2 chiều kích ấy. Đức Kitô là trung tâm điểm của không gian và thời gian.
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan