Sách Mormon nói rằng người Lamanite và một số người Nephite (là người Do Thái phải di cư từ Palestine sang Tân Thế Giới khoảng năm 600 B.C.) bị Chúa phạt làm cho da họ đen. “Hình phạt”, dưới hình thức một lời nguyền rủa, biến họ từ người da trắng Semite sang người Indian da đen (xem 1 Nephi 12:23; 2 Nephi 5:20-24; Jacob 3:3-5; Alma 3:5-9; Mormon 5:15-18). Sách Mormon nói thêm rằng những người bị nguyền rủa mà sau này hối cải thì da họ trắng trở lại (Jacob 3:8; 3 Nephi 2:14-15; Alma 23:18).
2. Người Mormon đến nhà tôi truyền giáo, và chúng tôi thảo luận khá lâu về sự khác biệt giữa Công Giáo và Mormon. Một trong những điều mà họ hãnh diện về giáo huấn của họ gọi là “Word of Wisdom — Lời Khôn Ngoan”, cấm hút thuốc, uống trà, cà phê, và rượu. Làm sao tôi có thể bác bẻ lý lẽ này?
Hãy từ từ! Mặc dù Giáo Hội Mormon sai lầm nhiều vấn đề thần học, “Lời Khôn Ngoan” của họ không phải là điều giảng dạy xấu và không cần phải bác bẻ. Ðúng vậy, người Mormon rất nhiệt tình trong việc bài bác trà, cà phê, và rượu (họ coi những thứ này tự bản chất luôn luôn có hại cho thân thể), nhưng trong điều họ rao giảng có tiềm ẩn một sự thật.
Chính Giáo Hội Công Giáo dạy rằng việc cố ý gây thương tích cho thân thể một cách không cần thiết là vi phạm Ðiều Răn Thứ Năm. Bây giờ y khoa cho thấy khói thuốc lá làm hại cho thân thể nên nhiều người cho rằng những người hút thuốc là tự ý làm tổn thương cho cơ thể và điều đó có tội.
Ðiều này đúng với việc hút thuốc lá, nhưng không đúng với trường hợp uống trà, cà phê, và rượu, trừ khi lạm dụng. Mọi người đều có thể uống rượu một cách điều độ mà không hại gì cho sức khoẻ. (Rượu còn có lợi cho sức khoẻ, như các tiền nhân đã biết: “Ðừng chỉ uống nước mà thôi, nhưng hãy dùng một chút rượu vì có lợi cho bao tử và vì cơn bệnh thường xuyên của anh” [1 Tm 5,23]).
Một cách tự nhiên, người ta phải tránh những gì thường trực tiếp tổn thương cho cơ thể, tỉ như dùng ma tuý và hút thuốc, nhưng các thực phẩm và thức uống không gây thiệt hại cho thân thể khi dùng một cách điều độ thì không nên bài trừ như một điều xấu xa. Dĩ nhiên không có gì sái quấy khi kiêng cữ để hãm mình phạt xác hay để khoẻ mạnh hơn (nói cho cùng, không cần phải cữ uống trà, cà phê, hay rượu thì mới mạnh khoẻ). Như Thánh Phaolô nói, “Ðối với tôi mọi sự đều hợp pháp, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng tôi sẽ không để bất cứ sự gì làm chủ được tôi” (1 Cr. 6,12). Một khi “Lời Khôn Ngoan” dạy người ta sống mạnh khỏe bằng cách kiêng cữ một vài loại thức ăn, điều đó có ích nhưng về phương diện luân lý thì điều đó không tốt cũng không xấu. Nhưng người Mormon đã sai lầm khi lên án trà, cà phê, và rượu như những thứ luôn luôn xấu xa tự bản chất.
3. Ai là “những chiên khác” mà Chúa Giêsu đã nhắc đến trong Phúc Âm Thánh Gioan 10,16? Trong một quảng cáo, người Mormon nói rằng câu đó ám chỉ người Do Thái đã di cư sang Nam Mỹ khoảng 600 B.C.
Chúa Giêsu nói, “Và tôi còn những chiên khác không thuộc đàn này; tôi cũng phải đưa chúng về, và chúng sẽ nghe tiếng tôi. Như thế chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” Hầu hết các học giả kinh thánh Công Giáo, theo sự giảng dạy của các giáo phụ thời tiên khởi, đồng ý rằng “những chiên khác” là lương dân (dân ngoại), mà phúc âm được rao truyền cho họ sau khi người Do Thái từ chối Ðức Kitô (Rm 11,11-12).
Trong thời Chúa Giêsu rao giảng, Ngài chỉ rao giảng cho người Do Thái (Mt 10,5-6; 15,24), và trong thời Giáo Hội tiên khởi, người Do Thái cũng là trọng tâm của sự rao giảng của các tông đồ, mặc dù Chúa Giêsu đã tiên báo rằng phúc âm sẽ được loan truyền cho mọi dân tộc” (Mt. 28,19, Cv 1,8). Việc Thiên Chúa nới rộng ơn phúc của Ngài cho Dân Ngoại đã được nói trước trong Cựu Ước (Tv 2,7; Is 2,2-6).
Thánh Phaolô đã giải thích điều này cho Kitô Hữu Dân Ngoại . “Hãy nhớ rằng đã có lần anh em là Dân Ngoại về phần xác, được coi là người chưa cắt bì dù đã được tay người phàm cắt bì thân xác anh em–hãy nhớ rằng lúc đó anh em tách biệt với Ðức Kitô, xa lạ với cộng đồng Israel, và xa lạ với giao ước đã được hứa trước, không có hy vọng và không có Thiên Chúa trong cuộc sống. Nhưng bây giờ, trong Ðức Giêsu Kitô, anh em là người đã từng cách biệt nay được đem lại gần nhờ máu Ðức Kitô” (Ep 2,11-13; xem Rm 3,22; Gl 3,27-28).
4. Tôi được cho biết là người Mormon thờ Satan trong các nghi thức ở đền thờ của họ, và họ mang những dấu hiệu ma quỷ trên y phục. Ðiều đó có thật không?
Không. Người Mormon không thờ Satan dù ở đền thờ của họ (mà chỉ một phần nhỏ người Mormon đến viếng) hay trong nghi thức Chúa Nhật hàng tuần, và họ cũng không mang những dấu hiệu Satan trên y phục. Nhưng họ có một diễn viên đóng vai trò Luxiphe trong nghi thức tài trợ ở đền thờ. Qua vở kịch ngắn này người tham dự được biết quan niệm của người Mormon về lịch sử cứu chuộc, kể cả việc Luxiphe cám dỗ ông ADong và bà Evà, nhưng không bao giờ có việc thờ cúng Luxiphe trong các nghi thức đó. Về dấu hiệu, những người Mormon tham dự nghi thức này phải mặc “quần áo lót thiêng liêng” mà họ tin rằng có khả năng che chở họ khỏi bị nguy hại về thể xác cũng như tinh thần. Những quần áo lót này, căn bản là một bộ quần cụt và áo ngắn tay dính liền, mầu trắng, có thêu các dấu hiệu, tỉ như thước vuông của người thợ mộc, là một dấu hiệu bắt chước Tam Ðiểm.
5. Người Mormon đến nhà tôi truyền giáo, và trong những điều họ nói, họ lên án người Công Giáo có thói quen không được thấy trong Phúc Âm là việc trả lương cho giám mục và linh mục. Họ rất hãnh diện là Giáo Hội Mormon không trả lương cho hàng giáo sĩ, và cho rằng họ là người theo sát gương của các Kitô Hữu tiên khởi. Tôi im lặng, bối rối vì tôi không biết trong Phúc Âm có đoạn nào hỗ trợ lập trường của Công Giáo. Có đoạn nào không?
Có. Hãy trả lời họ bằng Thư 1 gửi cho giáo đoàn Côrinthô đoạn 9. Trong câu 7 đến 12, Thánh Phaolô đã đề cập đến điều này, khi nói, “Có ai làm lính mà phải tự túc bao giờ? Có ai trồng nho mà lại không được ăn trái? Hay có ai chăn súc vật mà lại không được dùng sữa của chúng? Có phải tôi nói như vậy là dựa trên quyền thế cá nhân hay chính lề luật cũng không đề cập đến điều đó?
“Trong luật Mô-sê có chép: ‘Ðừng bịt mõm con bò đang đạp lúa.’ Chẳng lẽ Thiên Chúa lại bận tâm đến chuyện trâu bò, hay vì chúng ta mà Ngài phán như vậy? Chính vì chúng ta mà có lời chép, người ta cày cấy với niềm hy vọng và kẻ đập lúa cũng hy vọng được chia phần. Nếu chúng tôi gieo hạt thiêng liêng cho anh em, thì đó có phải là điều quá đáng khi chúng tôi hưởng của vật chất nơi anh em? Nếu những người khác còn có quyền đòi hỏi anh em, thì huống hồ là chúng tôi?”
Ngài nói tiếp, mặc dù việc trả lương cho sứ vụ của ngài là điều chính đáng (câu 18), nhưng ngài không muốn như thế để giảm bớt các nguyên cớ gièm pha của những người ưa chỉ trích. Trong các câu 13 và 14 ngài giải thích: “Anh em không biết rằng người lo các thánh vụ thì được hưởng lộc đền thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của hiến tế sao? Cũng vậy, Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng.” Nên xem thêm Rôma 15:26-27, 2 Thess 2:6-10; và 2 Timôthê 2:6.
6. Người Mormon hỏi tôi có muốn đi thăm “stake center–trung tâm trụ” của họ không. Tôi từ chối, nhưng thực sự không hiểu “trung tâm trụ” là gì?
Trung tâm trụ của người Mormon thì tương tự như một giáo xứ Công Giáo, với các văn phòng, nơi hội họp, nơi thờ phượng, nhà bếp, lớp học, và nhiều trung tâm trụ còn có một thư viện về phả hệ.
Hầu hết các trung tâm trụ đều có một chỗ được gọi là trung tâm văn hóa, là một phòng thật lớn như sân chơi bóng rổ và giảng đường. Trung tâm văn hóa tách biệt với điện thờ bởi tấm vách di động, được mở ra vào các ngày Chúa Nhật khi giáo đoàn quá đông hoặc khi có tổ chức đặc biệt.
Theo tổ chức của người Mormon, một trung tâm trụ thì lớn hơn một khu hội nhưng nhỏ hơn một vùng. Một khu hội chỉ bao gồm vài trăm người. Một trung tâm trụ gồm vài khu hội, có khi tới mười lăm khu hội. Các khu hội do các giám mục đứng đầu, và các giám mục khu hội phải phúc trình lên một chủ tịch trung tâm trụ, là người phải chịu trách nhiệm với chủ tịch vùng.
Chữ “stake–trụ” do bởi hai câu Phúc Âm. “Hãy nhìn đến Zion [người Mormon tự coi họ và Salt Lake City là tổ chức hiện nay giống với Zion xưa], thành phố của nghi thức: mắt ngươi sẽ thấy Giêrusalem, một nơi trú ngụ êm ả, một lều tạm không bị tháo gỡ; không một cột trụ nào ở đó được rỡ đi” (Is 33,20); “Hãy nới rộng căn lều của ngươi, và hãy để chúng trải rộng các màn trướng nơi trú ngụ; cũng đừng quên nới dài các dây nhợ, và củng cố các cột trụ” (Is 54,2).
Trung tâm trụ là sức mạnh của hạ tầng cơ sở Giáo Hội Mormon. Từ các trung tâm trụ, hàng ngàn tín đồ của Giáo Hội này đi khắp nơi để truyền đạo. Các đại hội thường niên của Giáo Hội Mormon thường được truyền hình qua hệ thống viễn tinh đến các trung tâm trụ. Công việc phả hệ địa phương được thi hành ở các trung tâm trụ, và hầu hết những người theo đạo Mormon được rửa tội ở các trung tâm trụ.
Sau đây là một vài dữ kiện về sự gia tăng nhanh chóng của các trung tâm trụ Mormon: Vào tháng Mười, 1988 có 1,108 trung tâm trụ ở Hoa Kỳ. Trong mười quốc gia nhiều trung tâm trụ nhất, có sáu quốc gia mà trước đây đa số dân là Công Giáo (Mễ có 92; Brazil có 57; Chí Lợi có 48; Phi Luật Tân có 32; Peru có 31; Argentine có 26. Ngày nay, trên một nửa số người trở lại đạo Mormon là người Công Giáo). Phải mất 143 năm để hình thành một nửa tổng số trung tâm trụ toàn thế giới (1700). Nhưng gần đây, chỉ cần có mười một năm để hình thành năm mươi phần trăm trung tâm trụ còn lại.
7. Năm qua tôi từ giã Giáo Hội Mormon để theo đạo Công Giáo. Tôi muốn kiên cường đức tin qua sự hiểu biết, nhất là về vấn đề bản tính của Thiên Chúa để có thể giải thích cho những người trong gia đình tôi vẫn theo đạo Mormon. Họ luôn luôn thách thức tín điều Công Giáo, nhất là vấn đề chỉ có một Thiên Chúa. Bạn có đề nghị gì?
Nên bắt đầu với cuốn “Theology and Sanity” của Frank Sheed, có những giải thích minh bạch và xúc tích về vấn đề này. Sau đó đưa cho người nhà đọc và thảo luận về những gì họ đã đọc. Trong cuộc thảo luận, hãy đưa ra những đoạn kinh thánh minh chứng chỉ có một Thiên Chúa: Isaiah 44,6; 45,5-6; 18, 21-22; 46,9. Những đoạn sau chứng minh Chúa hiện diện khắp mọi nơi: Thánh Vịnh 138 (139),7-8; Sách Khôn Ngoan 1,7; Tiên Tri Giêrêmia 23,24; và Ephêsô 1,23.
(nguoitinhuu)