Tục ngữ có câu: “Lời nói như lung lay, gương bày như lôi kéo”. Đức Maria, Mẹ của chúng ta không nói nhiều, nhưng qua đời sống của Mẹ, Mẹ là mẫu gương tuyệt vời cho đời sống tu đức của chúng ta.
Năm nay là năm Thánh hiến các tu sĩ, nên việc dành riêng ra một thời gian để suy niệm về Mẹ là điều phải lẽ và nên làm. Đời Đức Mẹ rất bình dị, nhưng cuộc sống Đức Mẹ quá phong phú đến nỗi không lời nào nói hết được. Tuy nhiên là những đứa con yêu Mẹ, chúng ta chỉ biết ngắm nhìn hơn là dài lời. Sau đây tôi chỉ xin đan cử vài câu chuyện của đời Mẹ và từ đó rút ra những bài học cho cuộc sống mỗi người trong chúng ta.
Lần giở Kinh Thánh, chúng ta gặp những trang đầu viết về Mẹ ở Phúc Âm thánh Luca (1,26-38), viết về việc thiên thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ. Thiên thần đã thay Chúa xuống chào Mẹ và tin cho Mẹ hay Mẹ sẽ thụ thai và sinh con. Mẹ bối rối và bày tỏ nỗi lòng mình, nhưng thiên thần đã trấn an Mẹ. Tin yêu phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa Mẹ đã nói lên lời “xin vâng lịch sử”. Ngày được Chúa ngõ lời chọn lựa qua những dấu chỉ thôi thúc mỗi người chúng ta dâng mình cho Chúa, chắc mỗi người trong chúng ta đều có những giờ phút suy tư ngập ngừng. Nhưng cuối cùng trong tin yêu phó thác hay từng bước tiệm tiến chúng ta đã dâng mình để phụng sự Chúa trong ơn gọi dòng tu. Đức Mẹ nói lên tiếng xin vâng đã mở cửa lòng cho Chúa Giêsu, ngôi lời nhập thể khởi sự công trình cứu chuộc ở trần gian này. Qua sự đồng ý quảng đại của chúng ta, ơn Chúa sẽ xuống không những trên chúng ta mà còn trên bao nhiêu linh hồn khác, mà chỉ có một mình Chúa biết. Chúng ta hãy ý thức điều đó mà cố gắng sống cho xứng đáng ơn gọi của chúng ta cũng như cố thực hiện cho bằng được lời đoan hứa trước bàn thờ Chúa là bước theo sát gót Thầy chí thánh trong ba lời khuyên Phúc Âm. Người ta thường ví cuộc thăm dò của thiên thần như là một tham khảo ý kiến của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi Mẹ Maria và khi Mẹ nói lên tiếng xin vâng, thời gian mới bắt đầu khởi điểm và tiếng chuông nhật một lần đầu tiên vang lên. Ngày chúng ta chấp nhận theo tiếng Chúa gọi, chúng ta cũng bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời, cuộc đời hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Buồn thay khi đã cho mà còn lấy lại. Vui thay khi đã cho là cho dứt khoát và trọn vẹn.
Sang một bước khác là Đức Mẹ thăm viếng, cũng thánh Luca thuật lại câu chuyện này. Khi Đức Mẹ đã biết mình mang con Đấng Tối Cao và biết bà chị họ mình là thánh nữ Ysave mang thai trong tuổi già, niềm vui hay lây, Mẹ mang Chúa đến cho gia đình bà chị, không quảng ngại đường sá xa xôi hiểm trở. Lòng mến thúc đẩy Mẹ. Khi hai chị em gặp nhau Mẹ đã thốt lên lời kinh Magnificat ca tụng Chúa. Đó là lời dài nhất của Mẹ được Phúc Âm thuật lại. Tại đây chúng ta thấy Mẹ là mẫu gương cho chúng ta biết vui với người vui và khóc với kẻ khóc. Đức Mẹ đã chia sớt hạnh phúc của mình cho người khác. Tu sĩ không thể sống ích kỷ được mà sống cho người khác. Noi gương Mẹ, chúng ta hãy chia sẻ. Không phải chia sẻ của cải giàu sang, nhưng là chia sẻ tất cả những gì ta có, những lời hay ý đẹp, những tâm tình, những cảm thông, nhất là những ân sủng của Chúa. Chớ gì sự hiện diện của chúng ta đúng mức trong những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của tha nhân sẽ là những sức mạnh nâng đỡ cuộc đời họ. Trong khi chia sẻ như vậy hãy bắt chước Mẹ Maria minh chứng mình đang sống một đức tin vững mạnh, một đức ái nồng cháy và nhất là một tâm hồn dào dạt lòng tri ân đối với Thiên Chúa. Hãy tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Người đã ban cho chúng ta và cho những người khác.
Hôn nhân giữa Mẹ Maria và Thánh Giuse là một cuộc khủng hoảng trong đời Mẹ. Thánh Giuse đã toan bỏ trốn đi, vì thấy cớ sự Mẹ mang thai. Chắc Đức Mẹ cũng âm thầm lo sợ, nhưng vì tin vào Thiên Chúa Quan Phòng nên Mẹ vẫn bình thản. Đời tu chúng ta có lúc lâm nhiều ngõ bí theo sức loài người dường như không thể có lối thoát, nhưng đối với Thiên Chúa không việc gì Người không thể làm được. Hãy tin yêu, nguyện cầu và phó thác cho Người những gì mà chúng ta cho là bế tắc. Sau cùng thánh Matthêô đã kết luận: “Và Giuse đã rước Maria về nhà mình” (1,24). Chớ gì chúng ta cũng đặt mình dưới sự bảo trợ của thánh cả Giuse.
Buồn vui lẫn lộn đã xảy đến cho Mẹ lúc sinh Chúa Giêsu. Matthêô và Luca thuật lại việc Chúa Giêsu sinh ra, nhưng Luca thuật rõ ràng và tỉ mỉ hơn, dĩ nhiên những chi tiết này Luca đã được chính Đức Mẹ kể lại cho vị lang y của mình. Thánh Luca đã nói hoàn cảnh bi đát của Mẹ Con Chúa: vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ, Mẹ phải sinh Chúa trong nơi trú ngụ của bò lừa và đặt con nằm trong máng cỏ. Đời tu của chúng ta đôi khi cũng lâm cảnh ruồng bỏ, xua đuổi, cũng lâm cảnh màn trời chiếu đất, chúng ta có noi gương thánh gia chấp nhận thánh ý Chúa Quan Phòng hay phàn nàn kêu trách, nhất là trong lúc bị hạn chế về nhà cửa và tiện nghi? Tuy trong hoàn cảnh khó khăn Mẹ vẫn cố vâng theo lề luật của Môisen mà dâng con vào đền thờ. Ta có tỉ mỉ giữ những lề luật mà người đời không bị bó buộc hay cả chính ta cũng được miễn chuẩn không? Chúng ta có tự đặt luật cho mình để gia tăng phương tiện sống thánh hơn chăng ?
Thử thách to lớn đến với Mẹ là lúc Hêrôđê ruồng bắt, phải trốn lánh sang Ai cập. Mẹ vẫn giữ một niềm tin yêu phó thác, nhưng vẫn đi theo con đường của loài người : “Tam thập lục kế dĩ đào vi thượng sách”. Tôi có biết khôn ngoan vâng theo lời Chúa dạy bảo: “Khi người ta bắt bớ các con thành này các con hãy trốn sang thành khác…”, hay tôi liều lĩnh để gây tai họa không những cho chính tôi mà còn cho cả cộng đoàn. Phải biết ẩn núp kịp thời, phải biết rút lui đúng mức trong đời tu.
Trở về Nazareth, sống đời sống nội trợ âm thầm, làm những công việc của một người vợ, người mẹ tầm thường. Nhưng chúng ta biết mỗi một việc làm, mỗi một lời nói, mỗi một suy tư của Mẹ, đều đẹp lòng Thiên Chúa, vì cuộc đời của Mẹ luôn là tiếng xin vâng kéo dài. Chúng ta cũng đang sống âm thầm trong một tu viện với một công việc làm nào đó vô danh, đều đều, chúng ta có thấy chán nản hay không? Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ để bắt chước Mẹ và xin Mẹ thêm sức cho chúng ta. Chớ gì mọi ý nghĩ, mọi lời nói và mọi việc làm chúng ta đều đẹp lòng Thiên Chúa do ý hướng muốn mình thuộc trọn về Người.
Một biến cố làm xáo trộn cuộc đời Mẹ không ít, đó là lúc Mẹ mất Chúa khi lên Giêrusalem chầu lễ. Chúng ta đọc trong bài suy gẫm sách mục lục về 7 sự thương khó Đức Mẹ có câu: “Mẹ tốc tả trở lại Giêrusalem tìm mọi nơi hỏi thăm mọi người. Đến ngày thứ ba thì mới gặp trong đền thờ”. Câu này đã phát họa một cách chấm phá nhưng trọn tâm tình âu lo và việc làm của Mẹ, trong nỗ lực tối đa để tìm Chúa. Khi gặp Chúa Mẹ phàn nàn, nhưng rồi bằng lòng chấp nhận những gì Chúa nói mặc dầu không hiểu hết. Trong đời chúng ta nhiều lúc xem ra như vắng bóng Chúa, chúng ta thấy khủng hoảng, hoặc chúng ta xa cách Chúa vì thái độ sống của chúng ta. Thế mà chúng ta có tốc tả đi tìm Chúa để gặp lại Người như Mẹ Maria không? Hay chúng ta có mặc cảm tội lỗi rồi để mình sống cho qua ngày, đoạn tháng, mất bao nhiêu ơn lành mà đáng lẽ chúng ta phải lãnh được trong ơn nghĩa Chúa cho chính chúng ta và cho các linh hồn khác? Chúng ta có bàn hỏi những vị linh hướng và những bậc khôn ngoan, có cầu nguyện cùng những đấng trung gian như Đức Mẹ và các thánh, để các ngài chỉ đàng chỉ nẻo cho chúng ta, để chúng ta biết đường hòa giải với Chúa và tìm lại ơn nghĩa Chúa? Nếu trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đã không thấy được hình ảnh Chúa nơi người anh chị em chúng ta, chúng ta có cố gắng tìm lại những điểm son trong đời họ để nhận thấy những dấu vết của dung nhan Chúa đang in sâu vào tha nhân hay chúng ta chỉ toàn thấy những khuyết điểm nơi tha nhân và sinh ra thiếu sự kính trọng họ như kính trọng chính Chúa trong đời họ?
Tuy sống âm thầm trong ngôi nhà bé nhỏ thân yêu ở Nazareth, dẫu vậy Mẹ không phải là cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, Mẹ đã cảm thông với người khác, giao thiệp vừa đủ và nếu cần Mẹ cũng tham dự những cuộc vui, như Mẹ đã dự tiệc cưới ở Cana chẳng hạn. Theo như Phúc Âm thuật lại, Mẹ đến nói thầm trong tai Chúa: “Nhà này hết rượu rồi”. Làm sao Mẹ biết được nếu ngay từ đầu Mẹ vào nhà, ngồi ở ghế nhất, trò chuyện với hạng khách quý khách sang và thao thao bất tuyệt những câu chuyện không đâu ? Không, Mẹ với tư cách như một người nhà, đi vào phía sau, đi dọn dẹp, giúp một tay gia chủ làm cho vơi bớt gánh nặng và bận rộn của họ. Do đó Mẹ mới biết sự thiếu hụt thầm kín trong nhà họ. Mẹ tế nhị đến bên Chúa nói một câu. Mẹ rất thông cảm nổi lo âu của gia chủ, vì hết rượu tiệc cưới mất vui và gia chủ mất mặt, đã mời người ta đến mà không chuẩn bị đầy đủ hoá ra gia đình mình bất lịch sự và thiếu thốn trong dịp trọng đại nhất. Đức Mẹ biết rõ lòng con mình, biết rõ quyền năng của Chúa Giêsu, Mẹ đánh bạo cầu cứu. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời “nào có hề gì đến bà và tôi”. Biết Chúa nói như vậy là nói trên lý thuyết, nhưng con tim Chúa làm sao không cùng một nhịp với con tim Mẹ được, vì mẹ đã sinh nó ra. Do đó Mẹ tin tưởng và nói với những người giúp việc : “Thầy bảo sao, anh em cứ làm như vậy”. Một lần nữa, Mẹ dạy người ta tín thác vào Chúa, nhưng với một cung giọng dịu hiền khiêm tốn. Và cuối cùng Chúa đã làm phép lạ. Chúng ta có tế nhị trong lời nói, có tìm hiểu tha nhân để xem họ thiếu thốn gì, nhất là những người anh chị em trong nhà. Họ có thể đầy đủ vật chất như chúng ta, nhưng họ có thể thiếu bình an, đang lo âu, đang khủng hoảng, cần có một lời nói khích lệ, sự viếng thăm của chúng ta. Có thể đời họ hết rượu, hết chất sống, hết sức lực, hết nguồn hứng thiêng liêng, chúng ta có cầu xin Chúa ban cho họ đượm lại men say tình Chúa không hay chúng ta để mặc kệ họ kéo lê cuộc đời trong tàn tạ ủ rũ?. Chúng ta có van xin Chúa như Mẹ Maria và nhất là tin tưởng Chúa sẽ nhậm lời ? Nói cách khác đời sống cầu nguyện của chúng ta có giống Mẹ hay là giống như người Pharisêu trong đền thờ trước người thu thuế ?
Giai đoạn quyết liệt nhất trong đời Mẹ đó là đường lên núi sọ. Mẹ đã hiệp công cứu chuộc với Chúa Giêsu và đã can đãm đứng dưới chân thánh giá để dâng con một mình cho Đức Chúa Cha cứu chuộc nhân loại lầm than tội lỗi. “Mẹ đứng đó”, Phúc Âm đã nói như vậy, Mẹ can đãm dâng những gì yêu quý nhất trong đời mình trước sự đổ nát bên ngoài xem ra hầu như không thể nào cứu vãn hàn gắn. Người con một duy nhất đã chết, chết cách thê thảm tủi nhục, nhưng Mẹ là Mẹ của các kẻ tin. Đức tin vững mạnh đã làm cho Mẹ đứng vững hiên ngang đón lấy cái chết thê thảm của Chúa…
Chúng ta đang trải qua những giờ phút lo âu, Chúa Giêsu cũng đang hấp hối không những trong những tổ chức xã hội, trong các trường học người ta cố loại Chúa ra, nhưng còn nơi các tâm hồn, ngay cả những tâm hồn đang tự hiến cho Chúa cũng đang bị nhiễm lây những lý thuyết vô đạo, liệu chúng ta có đứng vững tiếp tục dâng lên Chúa những gì cao quý nhất trong đời mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân không hay chúng ta đã nằm liệt, không còn vác nổi cây thánh giá Chúa gởi cho chúng ta trong tình yêu thương thắm thiết của một người Cha biết phòng xa cho hạnh phúc và sự sống còn của đứa con, và muốn cho nó đồ lại đúng nét đời Người Con yêu quý của mình? Tóm lại, đời Mẹ chỉ làm một bà nội trợ làm việc âm thầm nhưng làm cách vui lòng, những việc đó như nấu cơm, quét nhà, múc nước, may vá, giúp Chúa Giêsu lớn lên trong kiều diễm và khôn ngoan, ru Chúa ngủ, dạy Chúa biết đọc biết viết, biết đọc kinh, dẫn Chúa lên Yêrusalem chầu lễ. Đối với người chung quanh, mẹ đã hòa mình vào cuộc sống của họ, vui với người vui, khóc với kẻ khóc. Mẹ để ý nhiều đến kẻ khốn cùng và cảm thông với những người xấu số. Nói được là Mẹ đã làm những công việc bình thường, hết sức tầm thường, nhưng Mẹ đã làm những công việc ấy cách rất phi thường, vì Mẹ đã phục vụ hoàn toàn theo thánh ý Chúa và với một tinh thần phục vụ thuần túy, không pha trộn những hậu ý phàm trần, nên mỗi việc Mẹ làm dầu nhỏ mọn đến đâu cũng làm cho Chúa hài lòng…
Đời của chúng ta, những tu sĩ hèn mọn của Chúa, những người con út của Mẹ Maria, có thể nói là cuộc đời không làm gì khác ngoài việc bắt chước cuộc đời mai ẩn của Mẹ. Chúng ta được kêu gọi sống âm thầm phục vụ. Cũng như Mẹ xưa, chúng ta cũng làm những công việc hàng ngày và xen lẫn lời kinh với những công việc Phụng vụ. Hãy cảm đội ơn Chúa đã dành cho chúng ta những đặc ân là ngày hôm nay hơn bao giờ hết chúng ta được dịp theo sát gót Mẹ.
Qui Nhơn ngày l2 tháng 08 năm 2015
Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn
(WGP.Qui Nhơn 07.09.2015)