Tại đây Chúa Giêsu sẽ trải qua đau khổ, tủi nhục và chịu chết thật đau thương. Chúa Giêsu dẫn các môn đệ tiến về Giêrusalem cách quả cảm và cương quyết vì yêu thương nhân loại: “ Này chúng ta lên Giêrusalem”.
Đặc biệt là ba dịp hành hương lớn nhất trong năm để mừng kỷ niệm những cột mốc trong lịch sử cứu độ của dân tộc nên chuyện “Lên Giê-ru-sa-lem” là một trong những thực hành quan trọng bậc nhất đối với người Do Thái. Dịp này cũng là lễ Vượt Qua, lễ Lều và lễ Ngũ Tuần. Chúa Giê-su đã nhiều lần lên thánh đô như bao người Do Thái khác trong những dịp trọng đại ấy thế nhưng lần này có một ý nghĩa đặc biệt.
Lên đấy lúc này là đi vào chỗ chết. Giê-ru-sa-lem lúc này như một chảo lửa sục sôi thù hận của những người thuộc phe Pha-ri-sêu và Thượng Hội Đồng Do Thái đang muốn tìm giết Ngài. Thật ra đây không phải là chuyện “cũng liều nhắm mắt đưa chân.”
Nhận thức rõ rệt và một thái độ quả quyết, Chúa Giê-su tự nguyện vâng phục ý định cứu độ của Chúa Cha cho đến chết, để thực hiện điều mà những biến cố ấy tiên báo: Con chiên bị giết trong bữa tiệc Vượt Qua là dấu chỉ báo trước cái chết của Ngài trên thập giá, rằng Ngài chính là“Chiên Thiên Chúa xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29).
Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc tử nạn của Ngài, và tâm sự với họ nỗi niềm đau thương ấy, để tìm nơi họ một sự cảm thông, hiểu biết và chia sẻ, cũng như tận mắt chứng kiến cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh để làm chứng vàchia sẻ số phận ấy khi bị bách hại và tử đạo.
Thật vậy, cả ba lần họ tỏ ra không hiểu gì, không chia sẻ được tâm tình và ý định của Thầy, mà chỉ bận tâm theo đuổi những toan tính riêng theo thế gian, tệ hơn nữa trong lần thứ ba này, họ không ở trong mức độ tranh luận mà là cãi cọ, bất hòa ganh tị lẫn nhau. Ông Giacôbê và Ông Gioan con ông Dêbêdê, không ngần ngại xin Chúa cho được ngồi bên tả hữu của Chúa trong vương quốc của Người, hai ông muốn Chúa Giêsu dành cho mình chỗ danh dự cao nhất và được chia sẻ quyền hành của Ngài, ý muốn ấy của Giacôbê và Gioan làm cho các tông đồ khác bực mình, vì chính các ông ấy cũng đang chú ý tìm kiếm danh dự và quyền hành như Giacôbê và Gioan.
Lần này, thêm một lần nữa Chúa Giêsu dạy các tông đồ ý thức theo Chúa không phải để tìm kiếm chức quyền danh vọng, vì sứ mạng của Chúa Giêsu không phải là thiết lập vương quyền trần thế, nhưng là cứu chuộc nhân loại bằng con đường khổ nạn thập giá, nên người theo Chúa cũng phải hi sinh từ bỏ mình, chấp nhận chén đắng thập giá với Chúa Giêsu. Người ích kỷ hẹp hòi, chú ý đến danh dự quyền lợi của mình thì không thể là môn đệ của Chúa Giêsu được.
Nhân dịp này, Chúa Giêsu gọi các ông lại dạy cho các ông cách thức làm lớn theo tinh thần của Chúa, không giống quan điểm của người đời, họ làm lớn là ăn trên ngồi trước, thống trị, áp bức, tìm quyền lợi cho riêng họ. Trong các môn đệ thì khác: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải đầy tớ mọi người”.
Danh lợi, địa vị, giàu sang, là mục tiêu cho lòng ham muốn của con người trần thế. Cũng chính là tiền tài danh vọng mà người ta giết hại nhau, người ta đổi trắng thay đen, người ta chà đạp trên đau khổ của người khác vì lợi ích riêng của họ, làm mất sự công bằng, tiêu diệt công lý làm cho nhiều người mất bình an và hạnh phúc.
Ai cũng muốn hơn người khác về những giá trị thế gian, sinh lòng ghen ghét, hận thù, chiến tranh. Tình trạng ấy cũng xảy ra giữa các tông đồ, các môn đệ của Chúa Giêsu. Thấy như vậy Chúa Giêsu liền dạy cho họ bài học làm lớn làm đầu theo tinh thần của Ngài. Họ gọi Ngài là Thầy là Chúa mà Ngài đã sống thế nào đối với họ, đối với mọi người.
Chính Chúa Giêsu khi đến thế gian đã nêu cao gương mẫu khiêm nhường phục vụ, xây dựng nước trời, đem ơn cứu rỗi, sự giải thoát cho mọi người, qui tụ mọi người thành một cộng đoàn huynh đệ và yêu thương, đó là Hội Thánh, là Israel mới. Hai bằng chứng hùng hồn cao độ nhất là Thánh Giá và Thánh Thể, như Chúa Giêsu đã nói: “ Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
Ta lại xin Chúa thương ban cho ta là những kitô hữu của Chúa, biết mang lấy tinh thần của Chúa, biết từ bỏ tinh thần ích kỷ, chia rẽ, tranh chấp của thế gian để ta luôn nghĩ đến nhu cầu quyền lợi của người khác, và dấn thân phục vụ mọi người như Chúa đã phục vụ, đã chết và sống lại cho ta.
Huệ Minh