Lc 12,13-21
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách
1. Đọc Lc 12,13. Bạn nghĩ gì về câu hỏi của một người trong đám đông? Câu hỏi này có lịch sự không?
2. Bạn nghĩ gì về câu trả lời của Đức Giêsu cho anh ta? Đọc Lc 12,14.
3. Bạn nghĩ gì về câu nói của Đức Giêsu cho đám đông? Đọc Lc 12,15.
4. Đọc Lc 12,16. “Ruộng nương sinh nhiều hoa lợi” là do ai? Đọc Mc 4,26-29; 1 Cr 3,6-7.
5. Ông phú hộ nói một mình (độc thoại) trong Lc 12,17-19. Trong Tin Mừng Luca, có nhiều nhân vật độc thoại không ? Đọc Lc 12,45; 15,17-19; 16,3-4; 18,4-5; 20,13.
6. Ông phú hộ gặp vấn đề gì và ông đã chọn cách giải quyết ra sao? Đọc Lc 12,17-18. Bạn nghĩ gì về cách giải quyết này?
7. Có mấy từ“tôi” và có mấy từ“của tôi” trong câu nói của ông phú hộ? Đọc Lc 12,17-19.
8. Bạn nghĩ gì về thái độ nội tâm của ông, về con người của ông qua câu Lc 12,19? Ông có phạm tội gì không khi định sống như thế?
9. Đọc Lc 12,20. Tại sao Thiên Chúa lại bảo ông là“Đồ ngốc”?
CÂU HỎI SUY NIỆM
Theo bạn, thế nào là thu tích của cải đời này cho mình? Làm thế nào để trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Ngay sau khi Thầy Giêsu nói về những thống khổ mà các môn đệ sẽ phải chịu vì Thầy (Lc 12,1-12) thì xảy ra chuyện một người trong đám đông xin Ngài làm cho anh ta một việc. Người này xin Thầy Giêsu bảo với anh ruột của mình chia phần gia sản cho mình. Anh ta muốn Thầy dùng quyền để giải quyết một cuộc tranh chấp về tài sản giữa mình với người anh. Rõ ràng anh ta muốn Thầy đứng về phía anh để bắt người anh ruột phải chia gia sản. Lời anh nói với Thầy (Lc 12,13) có nét như một lời ra lệnh hơn là một lời nài xin.
2. Câu trả lời của Thầy Giêsu khá quyết liệt. Đây là một câu hỏi ngược về quyền của người đã đặt câu hỏi cho mình: “Ai đã đặt tôi…?” (Lc 12,14). Thầy Giêsu gián tiếp từ chối chuyện làm quan tòa hay đứng ra chia gia tài cho hai anh em, đơn giản vì đó không phải là chuyện của Thầy. Thầy không muốn can thiệp vào chuyện chia của cải, vì ông Môsê đã nói đến chuyện này trong sách Dân số 27,5-11.
3. Từ câu chuyện chia gia sản giữa hai anh em, Thầy Giêsu đã lên tiếng với cả đám đông. Thầy đã không bảo người anh hay người em đúng, nhưng Thầy lại nhắc nhở mọi người hãy coi chừng, “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (Lc 12,15). Của cải dư thừa không phải là một bảo đảm chắc chắn cho mạng sống (psychê) hay cho cuộc sống (zôê). Muốn giữ được mạng sống, có của cải không đủ. Chính vì thế không nên tham lam của cải dưới bất kỳ hình thức nào. Dụ ngôn sau đây Đức Giêsu kể cho dân chúng sẽ chứng minh cho ta thấy điều đó.
4. “Ruộng nương sinh nhiều hoa lợi” để diễn tả việc ruộng đất của ông phú hộ được mùa bội thu. Cứ sự thường, ông ấy phải xem việc được mùa như quà tặng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã từng viết: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên…” (1Cr 3,6- 7). Hạt giống trong dụ ngôn đặc biệt của Máccô (Mc 4,26-29) cũng nảy mầm lớn lên mà như không cần đến công sức của con người. Ruộng nương mà sinh nhiều hoa lợi chắc chắn phải do Thiên Chúa.
5. Luca 12,17-19 thuộc dạng độc thoại. Dạng này được thánh Luca sử dụng nhiều trong Tin Mừng của ngài (Lc 12,45; 15,17- 19; 16,3-4; 18,4-5; 20,13). Qua dạng độc thoại, chúng ta có thể đi sâu vào những suy nghĩ trong lòng của một nhân vật, nhận ra mối bận tâm của nhân vật ấy, và cách người ấy giải quyết vấn đề.
6. Khi đọc Lc 12,17-18 ta thấy ông phú hộ đang loay hoay với việc làm sao có đủ chỗ để chứa lượng hoa màu quá lớn của mình. Giải pháp của ông là: phá những kho cũ để xây những kho mới, lớn hơn, sau đó chất tất cả thóc lúa của mình vào đó. Xét về mặt thực tiễn, có thể nói đây là giải pháp khả thi và an toàn giúp ông bảo vệ được lượng hoa màu lớn khỏi bị thất thoát hay hư hỏng. Tuy nhiên, chúng ta còn cần xét về những mặt khác nữa.
7. Nguyên văn của Lc 12,17-19 bằng tiếng Hy Lạp có thể được dịch như sau: “Tôi phải làm gì đây, vì tôi không có chỗ để tích trữ hoa màu của tôi? Rồi ông ấy nói: Tôi sẽ làm thế này: Tôi sẽ phá những cái kho của tôi, và tôi sẽ xây những cái lớn hơn; và tôi sẽ tích trữ ở đó tất cả thóc lúa và của cải của tôi. Và tôi sẽ nói với hồn tôi…”. Ta thấy có 7 lần chủ từ tôi, và 4 lần của tôi. Như thế, suy nghĩ trong lòng của ông phú hộ đầy ắp những bận tâm và toan tính của “cái tôi”. Ông loay hoay bảo vệ những “cái của tôi”. Thái độ đó khiến lòng ông khép lại, không có khả năng mở ra trước những nhu cầu của người thiếu thốn.
8. Luca 12,19 cho thấy ước mơ sâu xa của ông phú hộ khi toan tính xây những kho mới. Khi tất cả hoa màu của một mùa bội thu được cất kỹ vào kho, ông nghĩ ngay đến chuyện mình sẽ sử dụng lâu dài khối tài sản lớn đó: nhiều của cải có thể hưởng thụ trong nhiều năm. Sống thoải mái, ăn nhậu, vui chơi: đó là những gì ông tưởng tượng ra cho cuộc sống tương lai của mình. Ông nghĩ cuộc sống hạnh phúc ấy sẽ kéo dài trong nhiều năm, cho đến khi ông ung dung bước vào tuổi già. Rõ ràng Luca 12,19 cho thấy ông phú hộ không nghĩ gì đến việc chia sẻ cho người khác. Ông cũng giống như ông nhà giàu ở Lc 16,19-31. Một bên là cổng nhà khép kín, một bên là cổng kho khép kín. Những người túng thiếu không có chỗ trong ý nghĩ và trái tim của ông. Tội của ông phú hộ là tội chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng mình, dư thừa nhưng không lưu tâm chia sẻ cho người thiếu thốn.
9. Thiên Chúa bảo ông là “đồ ngốc” vì ông lầm tưởng của cải sẽ làm mình sống mãi để hưởng thụ nhiều năm (x. Lc 12,15). Ông không ngờ là cái chết có thể đến với ông ngay đêm nay, và tất cả những gì ông toan tính chỉ còn là ảo mộng. Tất cả những kho chất đầy của cải không đi với ông qua thế giới bên kia, nhưng lại là án phạt cho ông ở đời sau.