Hôm nay mình kết thúc chương trình giáo lý dự tòng cho Thúy Linh. Mình đã dạy Thúy Linh 40 bài. Những buổi học đầu tiên Linh lo ra thật nhiều. Dường như cô bé đi học Giáo lý là để biểu diễn thời trang. Mỗi lần đi học, cô mặc một bộ đồ mới, kẹp tóc một kiểu mới. Lần nào cũng son phấn. Lần nào cũng xức dầu thơm. Dần dần cô bé tỏ ra ngoan hơn, đơn sơ hơn… Bây giờ thì không còn son phấn nữa, ăn mặc bình dị và tiếp thu bài một cách nghiêm chỉnh. Sau kinh Sáng Danh và lời giã từ, Thúy Linh móc trong túi xách ra một bọc đồ, đặt trên bàn.
– Con biếu cha một bộ đồ. Nói xong nàng ra về.
Lớp giáo lý được kết thúc như thế đó.
Mình đã dạy hàng ngàn người dự tòng rồi, Thúy Linh là người đầu tiên có sáng kiến “biết ơn thầy”. Xách gói quà về phòng, mình cảm thấy vui vui.
Trước khi đi ngủ mình soạn bài Phúc Âm ngày mai. Luca kể chuyện Chúa Giêsu vào nhà ông Giakê. Ông thưa với Chúa :
– Con xin hiến một nửa gia tài cho người nghèo.
Mình thấy lạnh ở cột sống…
Ủa tại sao Thúy Linh không hứa với mình là sẽ giúp người nghèo một bộ đồ ? Và tại sao Giakê lại không biếu Chúa vài lượng vàng nhỉ ? Mà lại thay thế món quà ấy bằng một nửa gia tài cho người nghèo ?
Niềm vui của Chúa là thấy người nghèo được giúp đỡ, còn niềm vui của mình là được tặng quà. Mình cảm thấy xấu hổ. Khi giảng giáo lý mình vẫn khuyên học viên yêu thương và kính trọng người nghèo, nhưng có lẽ mình chưa nhấn mạnh đủ và cũng chưa bày kế để họ giúp đỡ người nghèo. Có lẽ mình sống gần người giàu hơn người nghèo. Có lẽ mình yêu thương người giàu hơn người nghèo. Người nghèo thường xuyên là gánh nặng đè trên vai mình, nên mình không có hứng thú để dạy Thúy Linh tận tình yêu thương và giúp đỡ họ. Chắc Thúy Linh cũng không hứng thú gì nếu phải đem gói quà này tặng cho người nghèo thay vì cho mình.
“Giáo hội của người nghèo” phải như thế nào nhỉ ?
Mình tắt đèn đi ngủ, lòng nặng trĩu ưu tư.
Hiền Quan, …1989
Hôm nay mình về thăm quê sau 37 năm xa cách. Quê mình còn nghèo quá.
Sau thánh lễ đầu tay tại quê hương, mình gởi lời chào bà con. Lời chào được kết thúc như sau :
– Tôi về quê với hai bàn tay trắng, không có một cái kẹo cho các cháu. Nhưng tôi xin tặng bà con một quả tim và một cây bút…
Trên đường từ nhà thờ về nhà xứ, một đứa em rể ba đời nói nhỏ bên tai mình :
– Anh không có cái gì cho người ta, thì khi anh nói, ai mà nghe !
Câu nói thật chân thành và thực tế thốt ra từ miệng một đứa em rể chưa hề biết Chúa là ai, cũng chưa hiểu thế nào là cái nghèo của linh mục. Câu nói ấy làm mình suy nghĩ mông lung :
1- Tại sao quê mình nghèo ?
Có nhiều lý do. Có những lý do mà chẳng ai dám nói ra. Nhưng một trong những lý do có thể nói ra đó là dân số gia tăng khủng khiếp. Hồi mình còn bé, xóm đạo quê mình chỉ có trên 200 nhân danh, bây giờ đã lên đến 1000 rồi. Vậy mà diện tích trồng trọt không những không gia tăng mà còn giảm đi để làm đất thổ cư. Kỹ thuật canh tác vẫn còn là con trâu và cái cày ! Việc điều hòa sinh sản có ý nghĩa gì đối với xóm đạo. Sinh nhiều con thì thêm nhiều người thờ Chúa ở đời này và thêm nhiều người hưởng phước thiên đàng đời sau. Người ta vẫn nói với nhau như thế, vì cha xứ vẫn dạy giáo dân như vậy. Người Kitô hữu chỉ nhìn vấn đề dân số một cách giản dị như thế sao ? Và những người con của Chúa được quyền sống lạc hậu và nhếch nhác như thế sao ?
2- Tại sao mình sống nghèo ?
Có một ông bạn nói một cách mạnh mẽ rằng : “Nếu Giáo hội nghèo, thì lấy gì mà giúp đỡ người nghèo ?” . Mình vẫn sợ câu nói ấy. Quả thật nghèo là một cái tội. Nghèo sinh ra bần tiện. Nhưng là linh mục, mình cũng rất sợ giàu sang. Sống nghèo, mình thấy yên tâm hơn. Nhưng nghèo như mình thì có ích gì cho người nghèo ? Nghèo như mình, thì tiếng nói có còn giữ được trọng lượng không ? Dù sao thì mình vẫn chọn con đường nghèo khó. Phêrô chẳng có tiền bạc để giúp đỡ người hành khất què, nhưng ông vẫn hữu ích tuyệt vời và tiếng nói của ông vẫn như thần thánh.
3- Chắc chắn nhiều ước mơ bị vỡ mộng.
Người ta nghĩ rằng mình về thăm quê thì ít ra cũng phải tặng họ đạo một cây orgue, hoặc một cái ampli. Thế mà hôm nay : một viên kẹo cho các cháu cũng không có. Người ta hiểu tấm lòng của mình không? Hay người ta nghĩ rằng mình keo kiệt? “Các cha thì thiếu gì tiền” . Người ta vẫn nói như thế. Quả thật mình mang mặc cảm đã đem về quê hương một nỗi tuyệt vọng. Rồi sau lưng mình người ta bàn tán thế nào ? Thôi kệ, mình cứ tặng bà con những bài giảng, những buổi ngồi tòa triền miên. Còn tiền bạc thì ngoài tầm tay của mình.
Cà Mau, …1988
Hôm nay anh Ba Mẫn trao cho mình một tài liệu của Thượng Hội đồng Giám mục 1987.
– Anh Tám đọc đi xem có gì hay, thì chia sẻ với anh em.
Mình đọc lướt qua bỗng vấp phải lời phát biểu của vị đại diện Mỹ châu Latinh : “Người nghèo rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Đó là kinh nghiệm tuyệt vời của chúng tôi. Chỉ người nghèo mới hiểu hết ý nghĩa của thập giá…”
Vị đại diện Mỹ châu Latinh không những hãnh diện giới thiệu kinh nghiệm truyền giáo của xứ mình bằng hình dung từ “tuyệt vời” mà còn hung hăng đến mức thách đố : “Nếu Giáo hội không cảm nghiệm được điều đó, thì vấn đề truyền giáo hôm nay chẳng có gì là mới mẻ cả”.
Về Mỹ châu Latinh, mình đã đọc Têrêda, Cacao, Đất Dữ mà mình chỉ thấy ở đó có một cái nghèo đáng nguyền rủa, một quần chúng nghèo đáng tội nghiệp. Hôm nay lại thấy một đoàn người nghèo đi rao giảng cho người nghèo và được tôn vinh là tuyệt vời. Tại sao thế ?
Trước hết đoàn Tông đồ của Chúa chẳng phải là người nghèo :
Phêrô có cơ sở làm ăn ở Caphácnaum, chắc hẳn cũng tương đương với một chủ hàng đáy ở vùng Minh Hải này. Anrê cũng làm ăn với ông. Gia đình ông Giêbêđê cũng có một cơ sở làm ăn khá lớn. Đã có ba lao động là ông, Gioan, và Giacôbê, vậy mà ông vẫn phải mướn thêm nhiều người nữa (Mc 1,20).
Chúa có rất nhiều người thân, vừa hằng tâm, vừa hằng sản như bà Gioanna vợ của ông quản lý nhà vua, bà Maria mẹ của Gioan Marcô giàu sang như một “bà lớn”, gia đình Bêtania cũng rất giàu có.
Nhưng một điều rất chắc chắn là trên đường truyền giáo họ không được quan tâm đến tiền bạc mà chỉ lo rao giảng. Họ phải có tinh thần nghèo, nghĩa là chỉ coi tiền bạc là phương tiện truyền giáo. Bản thân họ thì không hưởng thụ, nghĩa là họ sống nghèo thật sự.
Kinh nghiệm của các nhà truyền giáo cho thấy người nghèo đón nhận Tin Mừng một cách chân thành, còn người giàu vì đã no đủ vật chất, nên chưa cảm thấy thiếu thốn, chưa cảm thấy cần Chúa.
Người nghèo một khi đã thấm nhuần đức tin và đi loan báo Tin Mừng thì họ sẽ trình bày cây thập giá của Chúa bằng lời, bằng cuộc đời, bằng kinh nghiệm bản thân họ. Họ đã hiểu hết ý nghĩa của từ nghèo trong Tin Mừng.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo