Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe, ta thấy Chúa Giêsu sắp từ giã thế gian để về cùng Cha. Vì thế, các môn đệ lo lắng sẽ không biết theo hướng nào một khi không còn Thầy bên cạnh mình. Ðứng trước sự lo lắng ấy, Chúa Giêsu đã gởi Ðấng Phù Trợ đến, nhưng công việc của Ðấng Phù Trợ cũng không gì khác ngoài việc làm chứng về Ðức Giêsu, để rồi một khi lòng tin vào Ðức Giêsu được vững mạnh, các tông đồ sẽ là nhân chứng về Thầy.
Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu gửi đến để làm chứng cho Chúa Giêsu, nhưng Ngài không cất đi vai trò chứng nhân của các tông đồ. Bởi thế, khi tiên báo sự bách hại, Chúa Giêsu muốn các ông sống trọn vẹn vai trò làm chứng nhân của mình, và Chúa Thánh Thần, Ðấng phù trợ sẽ đến giúp các ông: “Thánh Thần của Cha sẽ nói với các ông”.
Vai trò của Chúa Thánh Thần không chỉ rất quan trọng trong biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu, nhưng còn quan trọng và cần thiết hơn trong lịch sử của Giáo Hội khi Giáo Hội đương đầu với những người luôn tìm cách bắt bớ và muốn tiêu diệt Giáo Hội mà họ tưởng làm thế là phụng thờ Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần sẽ phá tan những quan điểm sai lầm đó. Chúa Thánh Thần minh chứng rằng Đức Giêsu không đến để luận phạt thế gian nhưng đến để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Thật vậy, khi xưa cuộc tử nạn của Đức Giêsu mạc khải cho nhân loại gương mặt yêu thương của Thiên Chúa, và hôm nay qua các khổ đau mà các môn đệ của Đức Giêsu gánh chịu, Chúa Thánh Thần tiếp tục làm cho khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa lại được sáng tỏ qua các thời đại. Nhờ Đức Giêsu chịu chết và nhờ các môn đệ chịu bách hại mà nhân loại nhận ra chân lý là chỉ có tình yêu mới thắng được hận thù và chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Qua hành trình dài Chúa Giêsu sống và hoạt động với các môn đệ, qua những giờ phút đau thương của cuộc khổ nạn, rồi đến những ngày vui ngập tràn vì Chúa đã Phục Sinh vinh thắng… Tin Mừng hôm nay là những lời nhắn nhủ cuối cùng cho các môn đệ trước khi Chúa Giêsu về trời : “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu”.
Chúa Giê-su đã nói, chính Chúa Thánh Thần làm chứng về Chúa Giê-su và cũng chính Chúa Thánh Thần tác động trên người loan báo lẫn trong lòng người nghe. Do đó, người tín hữu chịu trách nhiệm về việc nói hoặc câm lặng, còn tính hiệu quả của lời rao giảng là việc của Chúa Thánh Thần. Vì được ơn gọi làm chứng nhân, Ki-tô hữu được đòi buộc loan báo Tin Mừng cho mọi người, nên bao lâu còn có những Ki-tô hữu câm nín, thì đó là nỗi xấu hổ của Giáo Hội, bao lâu còn có những Ki-tô hữu quá tầm thường, uể oải, thì bấy lâu người ta sẽ chưa biết đến khuôn mặt đích thực của Chúa Ki-tô và của Giáo Hội Người.
Tiền đề lý luận để Chúa Giêsu đòi các môn đệ làm chứng cho Chúa đó là việc các ông “đã ở với Ngài”. Đây là điều kiện cần và đủ dành cho người “làm chứng cho Chúa”. Người ấy phải ở với Chúa. Không có kinh nghiệm “ở với Chúa”, không có kinh nghiệm “sống và hoạt động” cùng với Chúa, không có kinh nghiệm “nên một với Chúa” thì không thể làm chứng cho Chúa.
Nếu chúng ta không ở với Chúa mà chúng ta làm chứng, thì những lời chứng của chúng ta chỉ là “nói lại điều người khác nói”, “trích lại điều đã trích”. Không ở với Chúa, không cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa thì việc làm chứng không có nền tảng, gặp một điều khó khăn sẽ bỏ cuộc tháo chạy. Khi sai các tông đồ đi làm chứng cho Ngài, Chúa Giêsu đã nói : “vì anh em đã ở với Thầy ngay từ đầu”. Các tông đồ ra đi và họ làm chứng về những điều họ đã cảm nhận…
Chúng ta dễ dàng thấy Chúa Giêsu sử dụng nền tảng cho lý luận tiền đề khi Ngài muốn các tông đồ làm chứng cho Ngài đó là : như Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng ban nguồn lực cho các tông đồ, Đấng đã nên một với Chúa Giêsu trong màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa “đã làm chứng” về Chúa Giêsu ; thì các tông đồ những người đã nên một với Chúa Giêsu “cũng phải làm chứng” về Chúa Giêsu. Đã ở với Chúa, đã nên một với Chúa, tất nhiên đã đủ điều kiện làm chứng cho Chúa.
Khi Đấng Bảo Trợ đến. Chúa Giêsu có hai người phụ tá – có thể nói đó là: Chúa Thánh Thần (ở đây được gọi là Parakletos là Đấng bảo trợ, giúp đỡ hay an ủi) và các môn đệ. Cả Đấng Bảo Trợ và các môn đệ sẽ là những nhân chứng cho Đức Kitô nhưng chứng nhân trên hết là Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ làm chứng cho Đức Kitô, và các môn đệ cũng làm chứng như vậy.
Chúa Thánh Thần là tác nhân đầu tiên của việc phúc âm hoá. Chúng ta là những người cộng tác, phụ thuộc vào Chúa Thánh Thần. Vì thế, trong việc phúc âm hoá, chúng ta nên chú ý đến hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhạy bén đối với những hướng dẫn của Ngài và trong mọi lúc chúng ta nên để mình phụ thuộc vào hành động của Ngài.
Người môn đệ của Chúa Giêsu ngày nay cũng nhận sứ mạng làm chứng về Thầy. Họ đã được trao ban Thánh Thần để hiểu biết về sự thật. Có thể con đường trước mắt nhiều chông gai, thử thách và còn nhiều con đường khác dễ dàng thoải mái đang mời gọi họ. Tất cả các con đường sẽ dẫn đến đâu? Chưa một ai có kinh nghiệm, nhưng tin nhận vào con người Ðức Giêsu và nhất là được Thánh Thần Chân Lý làm chứng, họ sẵn sàng bước theo Ngài, chấp nhận con đường chông gai của Ngai.
Đức Giêsu đã khẳng định: “Ai muốn theo ta thì hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Ga 9, 23). Tuy nhiên, người môn đệ Chúa sẽ được Đấng Bảo Trợ đến trợ giúp, bênh vực và gìn giữ để hoàn tất sứ mệnh chứng nhân của mình. Dù cho ngày sống có thêu dệt bằng những an hòa tươi đẹp thì cũng không thể nào tránh được những chông gai nhọc nhằn, nhưng nếu biết lợi dụng thì đó là những cơ hội để chúng ta làm chứng về tình yêu đối với Ngài.
Huệ Minh