“Lạy Cha chúng con ở trên trời. Danh Cha được thánh, Nước Cha được đến, Ý Cha được nên, ở đất như trời. Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày. Xin tha tội lỗi cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con. Xin chớ để chúng con bị cám dỗ mà cứu chúng con khỏi điều ác!Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men.” (Ma-thi-ơ 6:9-13).
Một trong những bài lời cầu nguyện được Cơ-đốc giáo dùng đến nhiều nhất là bài cầu nguyện Chúa Giê-xu dạy các môn đệ mà chúng ta vẫn thường gọi là Bài Cầu Nguyện Chung(Tin lành) hay bài Kinh Lạy Cha(công giáo). Bài cầu nguyện chung hay bài Kinh Lạy Cha chỉ gồm vài câu ngắn nhưng chứa đựng rất nhiều chân lý quan trọng về cầu nguyện.
Tôi xem đây là lời cầu nguyện rất quan trọng vì do chính Chúa Giê-xu truyền dạy và cũng không phải là bài cầu nguyện để chúng ta học thuộc lòng và tụng niệm trong sự vô thức. Sự cầu nguyện không phải là cầu kinh. Cầu kinh là tụng niệm. đọc đi đọc lại một lời giống nhau. Đọc mà có khi không để tâm trí đến những lời mình đang nói. Bài cầu nguyện chung cũng là lời cầu nguyện bị xem nhẹ nhất trong chương trình thờ phượng. Hầu như mọi tín hữu đều cầu nguyện, nhưng giống như một người đọc bài kinh tất lễ. Nhưng cầu nguyện thì khác, nhất là khi hướng dẫn chương trình chúng ta nên tránh dùng từ ‘đọc’- Ví dụ; “Kính mời Hội thánh đọc bài cầu nguyện chung” thay vì “Kính mời Hội thánh Cầu Nguyện Chung”. Dựa vào lời dạy của Chúa Giê-xu trong Bài Cầu Nguyện Chung, chúng ta hiểu thế nào về lời cầu nguyện mẫu này. Bài cầu nguyện nầy dạy chúng ta những điều gì sau đây:
– “Lạy Cha Chúng Con ở Trên Trời.” – Điều nầy cho thấy cầu nguyện là một quan hệ mật thiết như quan hệ cha con. Chúng ta đến với Chúa chẳng những để cầu xin nhưng cũng để giãi bày tâm sự, chuyện trò thân mật. “Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi đặng còn ở trong sự sợ hãi; nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha!”(Rô-ma 8:15)
– “Danh Cha Được Thánh,” – không có nghĩa là cầu nguyện để Chúa được thánh (vì Chúa lúc nào cũng thánh), nhưng để nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa là Đấng thánh khiết, chúng ta phải sống thế nào để người khác không nói phạm đến đức thánh khiết của Chúa. “Vì bởi cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng người ngoại,”(Rô-ma 2:24; Ê-sai 52:5)
– “Nước Cha Được Đến,” – Nghĩa là cầu nguyện cho có nhiều người thần phục dưới quyền của Chúa. Nước Chúa sẽ đến hoàn toàn trong ngày Ngài trở lại trần gian cho nên cầu nguyện “nước Cha được đến” cũng hàm ý trông mong Chúa mau trở lại. “Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.”(Ma-thi-ơ 24:14).
– “Ý Cha Được Nên ở Đất Như Trời.” – Nghĩa là chúng ta mong muốn chương trình và ý định của Chúa được thành tựu trên trần gian nầy như đã được thành tựu trên trời. Cầu nguyện như vậy cũng hàm ý là chúng ta sẵn sàng làm theo ý của Chúa và chương trình và ý định của Thiên Chúa cũng giống như Chúa Giê-xu sẵn sàng vâng phục “Nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống, thì xin ý Cha được nên.” (Ma-thi-ơ 26:42).
– “Xin Cho Chúng Con Hôm Nay Đồ Ăn Đủ Ngày” – Chúng ta có những nhu cầu thể xác và Chúa muốn chúng ta tùy thuộc nơi Ngài mỗi ngày. Chúa không bảo chúng ta xin thức ăn dư dật trọn năm nhưng mỗi ngày. Cầu xin thức ăn cũng hàm ý tất cả những nhu cầu vật chất khác như áo quần, nhà ở v.v…. Ngài muốn chúng ta chia xẻ thổ lộ những khó khăn trong đời sống của chúng ta với Ngài. “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Phi-líp 4:6-7).
– “Xin Tha Tội Lỗi Cho Chúng Tôi, Như Chúng Tôi Cũng Tha Kẻ Phạm Tội Nghịch Cùng Chúng Tôi;” – Quan hệ giữa chúng ta với Chúa sẽ bị trở ngại nếu có tội lỗi chen vào vì vậy chúng ta cần ơn tha thứ của Chúa mỗi ngày. Chúng ta cầu xin Chúa tha thứ trong ý thức là chúng ta cũng sẵn sàng tha thứ người khác dù họ có lỗi với chúng ta. Chúng ta tội lỗi xấu xa mà Chúa còn tha thứ, chúng ta cũng cần tha thứ người khác như vậy. “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.”(Ê-phê-sô 4:32).
– “Xin Chớ Để Chúng Tôi Bị Cám Dỗ, Mà Cứu Chúng Tôi Khỏi Điều Ác!” – Câu này không có ý là bảo Chúa đừng để cám dỗ đến với mình. Nhưng, hàm ý xin Chúa giúp mình thắng cám dỗ. Còn chữ “điều ác” cũng có thể dịch là người ác hay ma quỉ. Do đó, “Xin chớ để chúng con bị cám dỗ” cũng có nghĩa là “xin giải thoát chúng con khỏi bàn tay của ma quỉ.” Tự sức chúng tôi không thể nào đương đầu với ma quỉ, chúng ta chỉ có thể chiến thắng ma quỉ nhờ sức mạnh của Chúa, chính Phao-lô là người đã trải nghiệm điều này nên ông viết; “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”(ICô-rinh-tô 10:13).
– “Vì Nước, Quyền, Vinh Hiển Đều Thuộc Về Cha Đời Đời. A-Men.” – Đến đây thì tôi thường phát âm chậm lại, tôi cũng rất thích câu cuối này. Bởi đây là lời tuyên bố quan trọng nhất, vì lời suy tôn của người tín đồ ý thức rằng Chúa nắm quyền cai trị vương quốc (“nước”), sức mạnh (“quyền”) và vinh quang (“vinh hiển”) cho đến đời đời (“Thời gian”) vô cùng (“Không gian”). Vì vậy, đừng cầu nguyện một cách hời hợt, bởi chúng ta đang ở trong sựu tể trị vương quốc của Cha và quyền năng của Chúa Cha đang thực thi ở trong chúng ta, Vinh hiển của Chúa Cha đụng chạm đến đời sống chúng ta. “Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng,”(Ê-phê-sô 3:20).
TT.David