Mình đang ngồi trong phòng khách của dòng Chúa Quan Phòng, liếc thấy mấy xơ ôm sách lên thư viện, sách mới tinh. Cầm lòng không được, mình rượt theo. Mình mượn một cuốn với cái tựa đề là lạ : ”Les Nouveaux Disciples dix ans après” (Những đệ tử mới mười năm sau).
Sách thuộc loại nhẹ, không cần đọc chậm, không cần suy nghĩ. Cứ đọc như chó chạy tro nóng. Bỏ ngủ trưa mà đọc. Thức khuya mà đọc…
Tác giả là một nữ ký giả. Thời gian viết là mười năm. Phần đầu là ghi nhận sự kiện một số nhóm “cộng đồng cơ bản” ra đời và hoạt động thế nào. Phần sau là suy nghĩ và nhận xét về giá trị của các nhóm đó. Phần này là kết quả của mười năm theo dõi. Tác giả chọn 12 nhóm tiêu biểu.
Nhiều nhóm được thành lập bởi một tên cà chớn, xì ke, ma túy… Hắn lột xác như một Xaolô trên đường đi Đamát. Hắn quy tụ đàn em để cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa. Hắn sống nghèo và phú thác ngày mai cho Chúa quan phòng. Đàn em của hắn cũng cà chớn như hắn và cũng lột xác như hắn. Không thấy hắn quan tâm gì đến cha xứ và giáo xứ.
Nhưng cuối cùng thì hắn và các đàn em của hắn vẫn tìm đến một linh mục, một tu sĩ để xin làm linh hướng… Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha đã phát biểu về “các hắn” thế này :
“Ban đầu thì chúng tôi nghi ngờ. Chúng tôi theo dõi và thấy có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Bây giờ thì chúng tôi đối thoại và giúp đỡ họ”.
Hôm nay mình mới bắt đầu suy nghĩ về “cộng đồng cơ bản”, một cái tên mà trước đây mình chỉ nghe lơ mơ và chỉ để ở ngoài tai.
Sài Gòn, … 1992 .
Mình đến Lộc Hưng thăm cha xứ là bạn nối khố của mình. Cha xứ đi vắng, nhưng cửa phòng khách vẫn mở toang để đón mình. Đang ngồi mân mê điếu thuốc lào thì giật mình, vì có hai chú thanh niên đến đứng ngay ở bậc cửa, tướng tá chẳng có vẻ gì là trí thức cả.
– Thưa cha, con xin gặp cha xứ.
– Cha xứ chiều mới về. Anh có chuyện gì thế ? Cho tôi chia sẻ được không ?
– Chúng con lập được một nhóm thiếu nhi, mỗi tối các em đọc kinh tại gia đình. Bây giờ đông quá, trên bốn chục em, không nhà nào chứa nổi. Chúng con đến xin cha xứ xếp cho chúng con đọc kinh tại nhà thờ.
– Chúng con lập nhóm để làm gì ?
– Thấy các em ban tối đi phá xóm, bà con chửi quá, chúng con gom mấy em đó lại học giáo lý, đọc kinh, để khỏi đi phá.
– Chánh quyền có nói gì không ?
– Các chú công an thích chúng con lắm. Từ ngày nhóm hoạt động, trong xóm không còn bị phá nữa.
– Có ai phá chúng con không ?
– Có, mỗi tối chúng con đọc kinh trong nhà, thì ở ngoài cửa có người chọc ghẹo.
– Chúng con đối phó thế nào ?
– Nếu là con nít, thì chúng con đến méc cha mẹ chúng nó. Còn nếu là người lớn thì chúng con chửi ngay vào mặt cho xấu hổ mà chừa.
– Cha xứ có biết chúng con sinh hoạt nhóm không ?
– Không.
– Ngoài việc đọc kinh chúng con còn làm gì nữa ?
– Chúng con nhắc các em những gì cha xứ nhắc ở nhà thờ như là : thiếu nhi đi lễ chiều, đi lễ thì phải vào nhà thờ…
Bây giờ mình mới tìm ra được ý nghĩa của “nhóm cơ bản”. Họ là những người giáo dân làm tông đồ. Họ đi bên cạnh hàng giáo phẩm và luôn luôn hiệp thông với hàng giáo phẩm. Họ là những tín hữu trưởng thành không cần chờ giáo sĩ ra lệnh.
Người giáo dân thời Công vụ Tông đồ đã đi trước hàng giáo phẩm trong việc truyền giáo cho lương dân tại Antiôkia (Cv 10,20). Ở thời điểm ấy ngay cả các tông đồ cũng còn chưa dám bước chân vào nhà người ngoại, huống hồ là loan báo Tin Mừng cho họ (Cv 11,1-3). Họ sửng sốt khi thấy Thánh Thần xuống trên dân ngoại. Do đó người giáo dân trưởng thành có thể truyền giáo không dưới quyền của giáo phẩm mà chỉ đi bên cạnh giáo phẩm và hiệp thông với giáo phẩm.
Mình xấu hổ tự vấn : “Không biết trong giáo xứ của mình, có thanh niên nam nữ nào đang hoạt động nhóm như hai thanh niên này không nhỉ ?”
Chiều tối cha xứ mới về. Mình kể lại câu chuyện hồi trưa và móc họng ông một câu :
– Giáo dân của cậu hoạt động tông đồ như thế mà cậu không biết sao ?
– Biết chứ sao không ? Thiếu gì những nhóm như thế.
Thì ra những nhóm “cộng đồng cơ bản” như thế đang mọc lên như nấm ở dây. Nhưng chỉ ở đây thôi, chứ không phải ở giáo xứ của mình. Mình xấu hổ, cúi đầu làm thinh.
– “Cá mè một lứa”, vì họ chẳng coi Hội đồng giáo xứ ra gì.
– “Loạn xà ngầu”, vì họ hỏi ý kiến các cha, các xơ ở đâu đó, chứ không hề hỏi ý kiến cha sở. Đi Sài Gòn chia sẻ Lời Chúa. Đi họp ở Sài Gòn. Không sinh hoạt với họ đạo, mà thích làm việc ở ngoài họ đạo.
– Đã sống trong Giáo hội là phải có cơ chế, vì chính Chúa thiết lập cơ chế.
Mình nghe một hơi dài về những bất tiện, những bực bội do “cộng đồng cơ bản” đẻ ra. Thì cũng có thế thật. Nhưng chắc chắn một điều là Tin Mừng của Chúa nhờ nó mà đã thấm nhuần vào mọi nơi, mọi chốn mà chính các cha sở chưa từng biết, chưa từng cảm nghiệm. Và cũng có một điều rất chắc chắn là nhiều chủ chăn vẫn thấy giáo dân của mình còn là con nít, nên vẫn cứ muốn được thấy nó khoanh tay thưa :
– Thưa ba, con đi học.
– Thưa má, con đi học về.
Cà Mau, … 1993
6g30 chiều nay mình đứng trước cửa, chờ một người dự tòng đến học giáo lý. Chờ mãi vẫn chưa thấy. Một nhí gái rề rề tới :
– Thưa ông cố mạnh giỏi.
– Con đi đâu vậy? .
– Thưa ông cố, con đi tập hát.
Cứ chuyện nọ xọ chuyện kia, không đầu không đuôi. Bỗng nó khoe :
– Nhóm chúng con góp được gần hai chục ngàn rồi.
– Nhóm gì ?
– Nhóm chúng con có chín đứa, góp tiền tiết kiệm, khi nào được hai chục ngàn, thì chúng con qua bên chợ chia tiền cho người cùi, người ăn xin.
– Thế nhóm chúng con không có tên hả ?
– Nhóm chúng con là nhóm bác ái.
– Ai biểu chúng con lập nhóm ?
– Chúng con lập nên.
Bỗng mình ứa lệ. Nó là con của mình mà chính mình lại không biết nó đang hoạt động tông đồ. Thậm chí mình cũng chưa hướng dẫn nó nữa. Chúa Thánh Thần tác động trong nó. Nó là niềm hãnh diện của mình. Nó chính là “cộng đồng cơ bản” đang nảy sinh ngay trong giáo xứ của mình. Tạ ơn Chúa. Mình trở về phòng, ngồi khóc một mình, khóc vì sung sướng.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo