- Vì sao Con Thiên Chúa làm người được gọi tên là Giêsu?
Vì tên gọi ấy nói lên sứ mạng của Ngài là “Thiên Chúa Cứu Ðộ”. - Vì sao Ðức Giêsu còn được gọi là Ðấng Kitô?
Vì Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần xức dầu tấn phong Ngài làm vua, tư tế và ngôn sứ, để cứu chuộc loài người và thiết lập Nước Thiên Chúa. - Vì sao ta tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa?
Ta tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, vì ta nhận uy quyền tối cao và thần tính của Ngài. - Thiên Chúa đã cho Con Ngài nhập thể như thế nào?
Thiên Chúa đã dùng quyền năng Chúa Thánh Thần, cho Ðức Maria mang thai, sinh Ðấng Cứu Thế mà vẫn còn đồng trinh. - Chúa Giêsu sinh trưởng ở đâu?
Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem và lớn lên tại Nazarét. - Tại Nazarét Chúa Giêsu đã sống thế nào?
Ngài đã sống bình thường như chúng ta: vâng phục cha mẹ, yêu thương người xung quanh, tuân giữ lề luật Thiên Chúa và chăm chỉ làm việc. - Vì sao Con Thiên Chúa lại muốn sống cảnh đời thường như chúng ta?
Vì Ngài muốn chúng ta kết hiệp với Ngài bằng chính cuộc sống thường ngày của chúng ta trong từng giây phút - Kitô Hữu là ai?
Kitô Hữu là người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, đã xuống thế làm người để cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi và sự chết, và ban cho con người sự sống mới là được làm con cái Thiên Chúa. - Tin vào Chúa Giêsu là thế nào?
Tin vào Chúa Giêsu là gắn bó bản thân với Ngài, hoàn toàn để Ngài làm chủ và hướng dẫn đời sống mình, đồng thời luôn sống theo lời Ngài dạy dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh. Lòng tin này vừa là ơn Thiên Chúa ban, vừa là do ta cố gắng mà có. - Khi tới thời gian thực hiện lời hứa cứu độ, Thiên Chúa đã làm gì để cứu độ con người?
Thiên Chúa đã gửi Ðức Giêsu Kitô là Con Một yêu. - Thánh Kinh là gì?
Thánh Kinh là chính lời của Thiên Chúa được Chúa Thánh Thần hướng dẫn cho một số người viết lại. Thánh Kinh được chia thành 46 cuốn sách trong Cựu Ước (được viết trước khi Chúa Giêsu sinh ra) và 27 cuốn sách trong Tân Ước (được viết sau khi Chúa Giêsu sống lại). - Đề tài chính của Thánh Kinh là gì?
Đề tài chính của Thánh Kinh là tình thương cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người cho dù con người tội lỗi. - Thánh Truyền là gì?
Thánh truyền là những lời giảng dạy của Chúa Giêsu hay của các Tông đồ được Chúa Thánh Thần soi sáng ma không được các Kitô hữu đầu tiên viết lại, nhưng đã được truyền từ các Tông đồ qua các người kế vị. - Khi bắt đầu cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã làm gì?
– Chúa Giêsu đã đến sông Giođan chịu phép rửa của ông Gioan để nói lên 3 điều này:
– Một là: Ngài muốn liên đới với loài người tội lỗi để cứu chuộc họ.
– Hai là: Ngài chấp nhận con đường đau khổ của Người Tôi Trung.
– Ba là: Ngài thánh hóa giòng nước rửa tội và sẽ ban Thánh Thần để thực hiện cuộc sáng tạo mới cho ta. - Người môn đệ Chúa Kitô sống theo tinh thần nào?
– Sống theo tinh thần Bài Giảng trên Núi, được gồm tóm trong Tám Mối Phúc Thật là:
– Thứ nhất: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
– Thứ hai: Phúc thay ai hiền lành, vì Chúa dành đất hứa cho họ.
– Thứ ba: Phúc thay ai khóc than, vì sẽ được ủi an.
– Thứ bốn: Phúc thay ai khao khát sống đời chính trực, vì sẽ được dạ no lòng.
– Thứ năm: Phúc thay ai biết xót thương người, vì chính mình sẽ được xót thương.
– Thứ sáu: Phúc thay ai có lòng trong sạch, vì sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa.
– Thứ bảy: Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.
– Thứ tám: Phúc thay ai bị đời ngược đãi, mà vẫn sống chính trực ngay lành, vì Nước Trời đã dành cho họ. - Chúa Giêsu sống với Chúa Cha thế nào?
Chúa Giêsu sống rất gắn bó với Chúa Cha. Ngài luôn ưu tiên dành thời giờ để cầu nguyện thân mật với Chúa Cha. - Vì sao Chúa Giêsu bị một số lãnh đạo Do Thái chống đối và tìm cách giết chết?
Vì họ cho rằng Chúa Giêsu chống lại luật Môsê, coi thường đền thờ Giêrusalem, và nhất là đã phạm thượng, dám tự coi mình là Thiên Chúa. - Bữa tiệc ly là gì?
Là bữa ăn Vượt Qua cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi dâng mình chịu chết chuộc tội cho ta. - Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã làm những gì?
Chúa Giêsu đã ban lệnh truyền yêu thương, đồng thời ban Mình và Máu thánh Ngài làm của ăn nuôi linh hồn ta. - Chúa Giêsu ban lệnh truyền yêu thương thế nào?
Ngài rửa chân cho các môn đệ và dạy rằng: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.” - Chúa Giêsu ban Mình và Máu thánh Ngài thế nào?
Ngài đã biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu thánh Ngài, trao cho các môn đệ ăn uống và dạy họ làm lại điều ấy để nhớ đến Ngài. - Vì sao Chúa Giêsu nộp mình chịu chết vào dịp lễ Vuợt Qua?
Vì Chúa Giêsu muốn rằng: Ngài chính là Chiên Vượt Qua đích thật, đã đổ máu mình để cứu chuộc ta, lập nên giao ước mới giữa Thiên Chúa và con người. - Chúa Giêsu chết ở đâu, vào lúc nào?
Chúa Giêsu chết trên núi Sọ, ngoài thành Giêrusalem, dưới thời Phongxiô Philatô, vào ngày thứ sáu áp lễ Vượt Qua, khoảng năm 30. Xác Ngài được mai táng trong mồ, còn linh hồn Ngài về với tổ tiên, quen gọi là xuống ngục tổ tông. - Lời tuyên xưng Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông muốn nói gì?
– Một là Chúa Giêsu đã chết thật,
– Hai là Chúa Giêsu đem ơn cứu độ cho những người công chính đã chết trước Ngài. - Nhờ đâu ta biết Chúa Giêsu đã sống lại thật?
– Một là: Ngôi mộ không còn xác Chúa, mà chỉ còn lại những vải liệm xếp ngay ngắn gọn gàng.
– Hai là: Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, cùng ăn uống và trò chuyện thân mật với họ. - Sau khi sống lại, thân xác Chúa Giêsu ra sao?
Sau khi sống lại, thân xác phục sinh của Ngài vẫn là thân xác trước đây, nhưng nay đã được biến đổi nên vinh hiển bất diệt, và không còn lệ thuộc vào qui luật vật chất hay hư nát nữa. - Ðược gặp gỡ Chúa Phục Sinh, các tông đồ tỏ ra thế nào?
Lúc đầu họ sợ hãi không dám tin, nhưng sau nhiều lần gặp gỡ Chúa Phục Sinh, và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, nên họ đã mạnh dạn rao giảng và còn sẵn sàng chết để làm chứng cho Ngài. - Chúa Thánh Thần đã được ban xuống cho các môn đệ lúc nào?
Chúa Giêsu đã nhiều lần hứa ban Chúa Thánh Thần, rồi chiều ngày Phục Sinh và nhất là trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã được đổ xuống tràn đầy trên các môn đệ để xây dựng và thánh hóa Hội Thánh. - Chúa Giêsu đã tỏ cho ta biết thế nào về Thiên Chúa?
Chúa Giêsu tỏ cho ta biết Thiên Chúa là Ðấng duy nhất, nhưng lại là Ba Ngôi: Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Ba Ngôi cùng một lòng, một ý, một quyền năng và một hành động như nhau. - Ba Ngôi hoạt động thế nào?
Ba Ngôi cùng hoạt động trong mọi công trình, nhưng mỗi Ngôi biểu lộ một nét riêng biệt: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. - Thiên Chúa tỏ cho ta biết mầu nhiệm Ba Ngôi để làm gì?
Ðể mời gọi ta thông phần vào sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi và góp phần làm cho gia đình cũng như dân tộc và Hội Thánh, thành cộng đoàn yêu thương và hợp nhất theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi.