Ðối mặt với người hấp hối và những giây phút cuối cùng của một con người không hề thân quen có đáng sợ? Nghe hỏi, ông cụ có mái tóc pha sương ngắn gọn: “Sự nhẹ nhõm là tất cả những gì đọng lại nơi người làm công việc như tôi”.
Người xem chuyện đến với người hấp hối như một “công việc” trong cuộc đời mình là lão ông Phạm Văn Thời, giáo dân xứ Tam Hải (Thủ Ðức). Ông Thời năm nay 70 tuổi, đã tham gia nhóm Gia đình chăm sóc bệnh nhân (còn gọi là Hội Kẻ liệt) ở họ đạo từ 20 năm qua. Mọi thứ bắt đầu từ câu chuyện nhà ông cách nay cũng tròm trèm 20 năm. Thời điểm đó, mẹ vợ ông Thời mang bệnh khá nặng và không thể qua khỏi. Như truyền thống Công giáo, gia đình ông lúc ấy cũng đi nhờ một người đến giúp phần thiêng liêng cho bà cụ. Nhưng tiếc là người giúp đến không kịp vào những giờ phút cuối của mẹ vợ ông. Từ đó ông tự nhủ phải đem tâm nguyện phục vụ hết mình đối với bất kỳ một hoàn cảnh nào cần đến ông những giờ sau cuối.
Nhiệt tình và không ngại khó nhọc dự những khóa huấn luyện về linh đạo và đặc sủng trong công tác mục vụ bệnh nhân, học hỏi những kiến thức cơ bản về y tế cộng đồng, sơ cấp cứu, bệnh truyền nhiễm, chăm sóc bệnh nhân…, ông trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Gia đình chăm sóc bệnh nhân Tam Hải.
Lui tới nhà người đau ốm, trò chuyện, cùng cầu nguyện, đọc kinh để phần nào xoa dịu cũng như đồng hành tinh thần với người bệnh đau, yếu sức… đã thành một phần gắn bó với cuộc sống hằng ngày của ông. Hoàn toàn vô vị lợi, ông Thời và các thành viên khác trong nhóm sẵn sàng đến với bao người đang trong giờ phút lâm chung bất cứ khi nào họ cần tới. Thậm chí có thời điểm, cả tuần lễ ông hầu như chỉ về nhà tắm rửa, ăn vội bữa cơm xong là phải nhanh chóng ra đi. Trong những năm tháng đi giúp tha nhân, lão ông nhớ có lần đã “lăn ra bệnh nặng” vì cả tháng trời trung bình mỗi ngày ông chỉ ngủ 3-4 tiếng. Tháng đó ông vẫn nhớ có 11 người lìa đời. Ông kể với chúng tôi:“Tết năm rồi cả ba ngày 30, mùng 1, mùng 2 Tết đều có người nhờ giúp. Mình đâu thể nói Tết chúng tôi ‘nghỉ việc’, bởi đã chọn con đường này, công việc này thì hãy quên đi thời gian mới toàn tâm, toàn ý được”. Ngỡ rằng chỉ chuyện giờ giấc bất thường là điều thách thức với ông Thời! Không ! Còn có những bất ngờ khác cũng cam go không kém, như chuyện ông gặp phải người bệnh phản ứng gay gắt, mắng mỏ, thậm chí đuổi đi …. Những lúc này, kiên trì đọc kinh cầu nguyện là cách ông lựa chọn.
Hoàn toàn tự nguyện và tự túc mọi chi phí xăng xe, ăn uống, ông Thời bao năm phục vụ chưa hề đòi hỏi lại điều gì. Bởi theo ông, mục đích là chăm sóc bệnh nhân chứ không phải để người nhà đền đáp, ông nói sợ nhất là bỏ lỡ giây phút cuối cùng của người bệnh. Sau nhiều năm đồng hành và sẽ còn tiếp tục công việc này đến khi hết sức, ông Thời có nỗi bận lòng là mong mỏi sẽ có nhiều người trong xứ đạo sống tinh thần bác ái “thương xác bảy mối” cách này. Bởi hiện còn khá ít người đáp lại “ơn gọi” giúp kẻ liệt, dù không thiếu người tham gia các chương trình học hỏi về chăm sóc bệnh nhân.
Ngoài mối “duyên nợ” với Hội Kẻ liệt, ông lão tuổi thất thập ấy còn giữ trọng trách trưởng ban Bác ái xã hội ở giáo xứ Tam Hải suốt nhiều năm liền. Ông âm thầm làm người cộng sự nhiệt thành của họ đạo. Dù mướt mồ hôi ở bếp cơm từ thiện của giáo xứ hay phải hy sinh từng giấc ngủ, ông vẫn dấn thân như một lẽ tất nhiên trong cuộc đời.
Minh Minh