Bài đọc: 1 Pet 4:7-13; Mk 11:11-26.
Đạo không phải chỉ thuần túy là những lễ nghi trong nhà thờ; nhưng phải lan tỏa vào cuộc sống con người để sinh lợi ích cho bản thân và cho tha nhân. Thánh Lễ chúng ta cử hành không chấm dứt bằng lời cầu chúc của vị linh mục “Hãy ra về bình an,” nhưng Thánh Lễ được nối dài bằng những hy sinh người tín hữu làm cho tha nhân và những đau khổ người tín hữu chịu để thông phần vào cuộc Thương Khó của Chúa.
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra những gì là chính yếu của đạo để thi hành trong cuộc sống. Trong bài đọc I, tác giả Thư Phêrô I liệt kê những điều cần thiết các tín hữu phải làm trong cuộc sống và những ý nghĩa của gian khổ mà các tín hữu phải chịu. Trong Phúc Âm, thánh Marcô tường thuật biến cố Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ giữa hai đoạn của cây vả bị chúc dữ. Mục đích là để lên án những người lạm dụng Đền Thờ để bóc lột dân nghèo và không thực thi những gì Thiên Chúa truyền dạy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sống mối liên hệ với Thiên Chúa bằng cả cuộc đời
1.1/ Những điều các tín hữu cần làm trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến.
+ Cầu nguyện: “Anh em hãy sống tự chủ và tiết độ để có thể cầu nguyện được.” Sống tự chủ và tiết độ là hai điều kiện cần thiết cho việc cầu nguyện. Khi con người không bình an, khó lòng con người có thể tập trung để cầu nguyện. Khi thân xác nặng nề vì ăn uống, rất khó cho con người tỉnh thức để cầu nguyện.
+ Yêu thương nhau: “Anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi.” Câu này có thể hiểu một hoặc cả hai cách: Khi yêu thương, con người dễ dàng tha thứ những khuyết điểm cho người khác (I Cor 13); hay khi yêu thương tha nhân, Thiên Chúa sẽ thứ tha các tội lỗi của mình.
+ Đón tiếp nhau: “Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca.” Tinh thần hiếu khách rất quan trọng cho Giáo Hội và các tín hữu. Cộng đoàn thời sơ khai mới thành lập không có nhà nhờ nên phải họp nhau ở nhà các cá nhân có phòng rộng để tham dự Lễ Bẻ Bánh. Hơn nữa, các tín hữu cần phải mở rộng cửa nhà để đón tiếp những sứ giả rao giảng Tin Mừng từ phương xa tới. Đón tiếp anh chị em trong khi cần là đón tiếp chính Chúa (Mt 25).
+ Phục vụ nhau: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệthiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” Thánh Thần ban ơn riêng cho mỗi người, không phải là để khoe khoang hay tìm tư lợi cho mình; nhưng là để xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô và Giáo Hội.
– Trong lời nói: “Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa.” Rao giảng Tin Mừng là rao giảng những gì Chúa muốn nói; chứ không phải là rao giảng lời của mình.
– Trong việc làm:“Ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban.” Sức mạnh là ơn Thiên Chúa ban. “Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen.”
1.2/ Mục đích của thử thách: Tác giả đưa ra hai lý do chính của việc chịu thử thách:
(1) Làm cho đức tin thêm vững mạnh: “Đừng ngạc nhiên mà coi đó (đau khổ) như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em,” vì đức tin cần được thử thách bằng đau khổ.
(2) Chung phần với đau khổ của Đức Kitô: Tác giả đồng ý với Phaolô khi nói: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.” Nếu không chung phần đau khổ, chúng ta sẽ không được chung phần vinh quang với Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Khi Chúa nói điều gì, điều ấy thành hiện thực.
2.1/ Ý nghĩa của hai trình thuật:
Trình thuật “Cây vả bị chúc dữ” chỉ được tường thuật trong Marcô và Matthew, và là một trong những trình thuật khó cắt nghĩa nhất. Lý do vì hầu hết học giả đều chú trọng đến chi tiết mà Marcô tường thuật: “vì không phải là mùa vả.” Họ đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại tìm quả và chúc dữ cho cây vả khi chưa tới mùa?
Trong Tin Mừng, Marcô thỉnh thoảng dùng nghệ thuật viết văn được gọi là “đặt giữa hai” (Intercalation hay sandwiching): Mục đích của tác giả khi dùng nghệ thuật này là để làm nổi bật một ý nghĩa mà cả hai trình thuật đều nhắm tới. Ví dụ: trình thuật Chúa rao giảng với uy quyền chứ không giống như các kinh sư được tiếp nối bằng phép lạ Chúa chữa người bị quỉ ám (1:21-28). Trình thuật Chúa chữa con gái người trưởng hội đường được đặt trước và sau phép lạ Chúa chữa người đàn bà bị loạn huyết lâu năm (5:21-43). Và trình thuật sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng được đặt trước và sau cái chết của Gioan Tẩy Giả (6:7-30).
Và hôm nay, trình thuật “Chúa thanh tẩy Đền Thờ” được đặt giữa trình thuật “Cây vả bị chúc dữ.” Điều quan trọng là phải tìm ra đâu là chủ đề chung của cả hai trình thuật. Trong trình thuật “Cây vả bị chúc dữ,” điều Chúa nói với cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” được thực hiện ngay hôm sau khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang qua cây vả. Điều gì Chúa nói sẽ thành sự, Chúa không quan tâm đến việc có đúng mùa hay không. Trong trình thuật
“thanh tẩy Đền Thờ,” điều Chúa muốn nhấn mạnh: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” Đền Thờ Jerusalem bị phá hủy bình địa chỉ xảy ra ít lâu sau đó (70 AC), và từ đó đến nay mọi dân tộc thờ phượng Chúa không phải ở
2.2/ Đạo không phải chỉ là những lễ nghi trong Đền Thờ: Điều quan trọng nhất của đạo là niềm tin vững mạnh của người tín hữu vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhấn mạnh điều này với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!” mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.”
Ngoài ra, tình yêu đối với Thiên Chúa được biểu lộ qua tình yêu dành cho tha nhân. Người dạy họ: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta không được giới hạn đạo vào những lễ nghi xảy ra trong nhà thờ; nhưng phải tiếp tục sống mối liên hệ với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, qua những hy sinh chúng ta làm cho tha nhân, và bằng những đau khổ chúng ta chịu trong cuộc sống.
– Chúng ta không bao giờ được lợi dụng danh nghĩa nhà thờ để biến nhà thờ thành nơi buôn bán, làm chính trị, kéo bè đảng, và bóc lột các tín hữu.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.