|
GIẢI ĐÁP:
A. TRÌNH BÀY:
Đây chẳng qua chỉ là những bài bác mang tính chủ quan, thiên kiến và sai lầm:
1) Ki-tô giáo không những không phản tiến bộ,mà còn chiếu ánh sáng văn minh cho nhân loại:
Thực vậy, lịch sử các nước văn minh giàu mạnh ngày nay đã cho thấy: hầu như bất cứ ở đâu, khi người ta mở lòng đón nhận đức tin Ki-tô giáo, thì ở đó ánh sáng văn minh cũng ngự trị thay thế cho tình trạng tối tăm lạc hậu kém văn minh. Nhờ Thánh Kinh và giáo lý mới đem lại sự tiến bộ cho nhân loại về các lãnh vực như khoa học, văn hóa, luân lý như sau:
– Tiến bộ về khoa học: những phát minh khoa học, kỹ thuật tân tiến hiện đại hầu hết đều do các nhà bác học là tín đồ Ki-tô giáo cống hiến cho nhân loại. Trong số các khoa học gia thế kỷ 19, có tới 92% có đức tin vào Thiên Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ vạn vật. Cũng nhờ ánh sáng đức tin soi dẫn, các vị này đã say mê tìm hiểu những kỳ công của Tạo Hóa và đã khám phá ra những định luật chi phối vũ trụ thiên nhiên, những máy móc phục vụ hạnh phúc con người theo lệnh truyền của Thiên Chúa sáng tạo như sách Sáng Thế đã ghi lại như sau: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28).
– Tiến bộ về văn hóa: Mỗi khi Tin Mừng loan truyền đến đâu, thì cũng tác động về phong hóa đến đó. Những hủ tục lạc hậu của các dân tộc bán khai như: Tảo hôn, giết người tế thần… đã dần dần bị đào thải khi họ được tiếp xúc với các nhà thừa sai truyền giáo và được học hỏi giáo lý đức tin. Nền văn minh Ki-tô giáo cũng đã cống hiến cho kho tàng nghệ thuật của nhân loại những tác phẩm sáng giá nhất về mọi phương diện: hội họa, điêu khắc, kiến trúc, văn chương, thi phú, âm nhạc… và rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thánh của tôn giáo hiện nay vẫn đang được lưu giữ trưng bày tại hầu hết các viện bảo tàng nổi tiêng nhất thế giới như: Vatican, Louvre, Metropolitan, Prado, Smithsonitan…
– Tiến bộ về luân lý: Giáo lý tình thương của Ki-tô giáo đề cao công bằng vị tha bác ái đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách ứng xử giữa người với người, đến các chủ nghĩa tốt đẹp trên thế giới, đến các luật pháp quốc gia và các hiến chương tuyên ngôn quốc tế…
Như vậy, có thể nói: hầu như mọi lãnh vực của nền văn minh nhân loại đều bắt nguồn từ người tín hữu hoặc đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của giáo thuyết Ki-tô giáo.
2)Giáo lý Ki-tô giáo không nhữngkhông đi ngược lại quyền lợi của người nghèo, trái lại: chính giáo lý này đã mạnh mẽ bênh vực những người xấu số cách hữu hiệu nhất.
Thực vậy, Thánh Kinh Ki-tô giáo là một thông điệp của tình thương. Trong bản Hiến Chương Nước Trời do Đức Giê-su công bố, người nghèo khổ được quan tâm và ưu tiên nhận ơn cứu độ:
a) Thái độ của Đức Giê-su về vấn đề của cải và sự giàu nghèo:
– Trong Tám Mối Phúc, Đức Giê-su đề cao người nghèo: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Tin Mừng Lu-ca đã ghi lại lời Đức Giê-su quyết liệt hơn: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20), và “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6,24).
– Đức Giê-su đã dạy môn đệ về thái độ phải có đối với của cải tiền bạc như sau: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao ! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu ?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,23-27).
– Đức Ma-ri-a trong kinh Ngợi Khen cũng đã ca tụng tình thương cứu độ của Thiên Chúa dành cho người nghèo như sau: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,58).
– Thánh Gia-cô-bê cũng cho biết Chúa sẽ bù đắp những thiệt thòi mà người nghèo phảỉ chịu bằng việc ưu tiên ban đức tin và ơn cứu độ như sau: “Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao ?” (Gc 2,5).
b) Đức Giê-su cổ võ sự công chính và dạy các môn đệ phải tha thứ:
– Cần ăn ở công bình ở đời này, để tránh khỏi phải đền trả ở đời sau: “Thầy bảo thật cho anh biết: Anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5,26).
– Cần chu toàn cả hai bổn phận với Thiên Chúa và tha nhân: “Thế thì của Xê-da trả về Xê-da; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).
– Cần biết quảng đại tha thứ: Trong kinh Lạy Cha, Đức Giê-su dạy môn đệ cầu xin Thiên Chúa tha tội với điều kiện họ phải sẵn sàng tha lỗi cho anh em: “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Người cũng giải thích thêm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,12).
c) Đức Giê-su bênh vực quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội:
– Phụ nữ được Thiên Chúa dựng nên ngang hàng với nam giớikhác với lập trường cho rằng phụ nữ thấp hơn nam giới và phải lệ thuộc vào nam giới: Đức Giê-su nói: “Các ông không đọc thấy điều này sao?: Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19,4-6).
– Người cũng rút lại luật cho phép ly hôn trong thời Cựu Ước: Khi ấy, những người biệt phái đến gần vá hỏi thử Chúa Giê-su rằng: Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: Mô-se đã truyền cho các ông thế nào? Họ thưa: “Mô-sê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giê-su đáp lai: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Mô-sê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,2-9).
d) Đức Giê-su chống lại những bất công xã hội và đề cao sự khiêm nhường phục vụ cùng sự quảng đại chía sẻ cơm áo cho người nghèo:
– Người nói với các người Pha-ri-sêu tranh giành chỗ ngồi phải biết khiêm tốn khi được mời tham dự liên hoan: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).
– Người cũng yêu thương chàng thanh niên giàu có muốn nên trọn lành và dạy anh ta sự quảng đại chia sẻ: “Anh chỉ thiếu có một điều là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).
e) Đức Giê-su khuyên dạy môn đệ phải có lòng bác ái, thương yêu những người nghèo khổ, khuyết tật, bất hạnh và bị bỏ rơi, vì ý thức rằng phục vụ họ là phục vụ chính Chúa. Sau đây là một số lời Đức Giê-su dạy đức yêu người:
– Yêu người như yêu mình: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39).
– Yêu thương lẫn nhau là dấu hiệu môn đệ thực sự của Chúa: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
– Yêu người nghèo khổ vị họ là hiện thân của Chúa: Đến ngày tận thế, Chúa Giê-su sẽ tái lâm trong vai trò Vua Thẩm Phán đến phán xét chung mọi người về như sau: Bấy giờ Đức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
3) Những điều tôn giáo đề cao như:Khiêm tốn phục vụ tha nhân; Làm chủ các dục vọng xấu và các thói hư; Lấy đức báo oán: đối xử khoan dung nhân hậu với những kẻ thù ghét làm hại mình, để biến thù thành bạn; Can đảm chịu đựng những đau khổ gặp phải trong cuộc sông; Vâng phục quyền bính hợp pháp trong đạo ngoài đời… Tất cả những điều này đêu không phải là những điều tiêu cực, là những tính nết của loài vật… như có người đả kích. Trái lại, đây còn là những nhân đức anh hùng mà những kẻ tầm thường không thể thực hiện được, nhưng chỉ những ai có đức tin mạnh mẽ can đảm, vững tâm bền chí, thánh thiện nhân ái… mới có thể làm được mà thôi.
Còn những người tự cao tự đại, thiếu sự kiên nhẫn chịu đựng, dễ bất mãn nổi loạn do lòng tham lam bất chính thôi thúc… Đó mới thực là những lý thuyết phản tiến bộ, đi ngượclại quyền lợi của lớp người nghèo khổ, và mới cần được kiềm chế loại trừ.
TÓM LẠI:Ki-tô giáo không những không phản tiến bộ, trái lại đã đem ánh sáng văn minh đến cho nhân loại về mọi phương diện: khoa học,văn hóa, luân lý… Giáo lý Ki-tô giáo dạy không những không đi ngược lại quyền lợi của người nghèo, mà trái lại còn bênh vực lớp người xấu số bất hạnh một cách mạnh mẽ và hữu hiệu nhất. Những điều tôn giáo đề cao như: sự khiêm tốn phục vụ, hãm dẹp các dục vọng thói hư, lấy thiện báo ác, nhẫn nhịn chịu đựng các khó khăn gặp phải, vâng phục quyền bính đạo đời… Tất cả đều đươc mọi người công nhận là tốt và cần được thực hiện. Như vậy, những lời chỉ trích tôn giáo nói trên đều sai lầm, chủ quan và đầy thiên kiến… nên các tín hữu chúng ta không cần phải quan tâm.
B. PHÚT HỒI TÂM:
1) LỜI CHÚA: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
2) LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho mỗi tín hữu chúng con biết giới thiệu khuôn mặt khiêm tốn hiền hòa của Chúa cho tha nhân chua nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết sông yêu thương phục vụ Chúa trong mọi người như lời Chúa dạy, được thánh Phan-xi-cô tóm lại trong kinh Hòa Bình, để chúng con tích cực làm chứng cho Chúa và xứng đáng trở thành môn đệ thức sự của Chúa như lời Chúa dạy hôm nay: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Trở lại Mục Lục
Gx Sao Mai Xuân Ất Mùi 2015
LM ĐAN VINH
Giám Huấn HHTM Trung Ương