Chợ chiều về, thấy đám trẻ đang bu lại với nhau, tò mò dừng lại xem thì ra cả đám châu đầu bên ly chè … thập cẩm. Thấy thương làm sao với cái bọn trẻ nghèo.
Bữa trước, chờ xe đò đón đi công việc, vừa bước ra ngõ cũng thấy đám trẻ bu lại với nhau. Thì ra là ly “trà sữa trân châu” và gói “bánh tráng trộn”.
Sở dĩ bỉ nhân phải để “trà sữa trân châu” và gói “bánh tráng trộn” trong ngoặc kép, đơn giản là vì giá cả của 2 món đó ở cái làng nghèo này đắt nhất quả đất. 1 ly “trà sữa trân châu” trị giá 5.000 đồng và 1 gói bánh tráng trộn đến 1.000 đồng !
Nghĩ lại, ở cái chốn thị thành đô hội hay những thành phố cao sang thì 5000 đồng bạc e rằng có lẽ chưa mua đủ cái ly đựng trà sữa bởi lẽ ở những nơi đó ly trà sữa trị giá 5, 6 chục ngàn. Ly ngon hơn giá còn cao hơn nữa. Và, 1 ngàn đồng bạc thì làm được gì ? Thế nhưng ở cái nơi nghèo này có cả bao bánh tráng trộn để cả đám ăn chung.
Đau lắm chứ ! Đắng lắm chứ ! Nghẹn lắm chứ ! Thử hỏi với cái giá 5 ngàn và 1 ngàn thì trà sữa làm bằng gì và bánh tráng trộn làm bằng chi ? Phải chăng chỉ là hóa chất.
Nói đi thì cũng nói lại, 5 ngàn ở đâu đó chả ra chi nhưng ở cái chốn nghèo này thì 5 ngàn thật lớn và có khi có em chả có 5 ngàn để mà mua. Và vì mức thấp “cao” ngất ngưỡng như thế thì người bán cũng phải chọn nguyên vật liệu như thế nào để phù hợp với những chiếc túi “eo – vì” hay “che nồ” đắt giá ở nơi đây.
Hình ảnh bọn trẻ nghèo đó không phai được ngay trong giấc ngủ.
Chiều nay về, chắc có lẽ đêm cũng ngủ khó vốn khó ngủ với hình ảnh của đám trẻ nghèo.
Đau lắm với ly chè mà chả biết trong đó họ làm bằng gì với giá cũng chỉ 5 ngàn.
Ước gì và ước gì mình có tiền nhiều để lâu lâu cho bọn trẻ ăn bữa ngon xứng tâm và xứng tầm. Thế nhưng rồi mơ ước cũng mãi mãi chỉ là ước mơ bởi lẽ mình không thuộc dạng đi … mở ngỏ.
Nhìn ly chè, ly trà sữa, túi bánh tráng trộn thì lòng đau lắm nhưng cũng được an ủi bởi lẽ chúng không chỉ ăn một mình mà mỗi đứa 1 muỗng … cho vui.
Người thì kỹ quá bởi lẽ phải thế này thế kia, bọn trẻ nghèo này là như vậy đó. 1 ly và 1 cái muỗng múc chung cho có tình.
Dẫu sao đi chăng nữa mình cũng cảm ơn Chúa cho mình ở với bọn trẻ nghèo này để ít là cảm nhận tình người vẫn còn đó và có đó nơi những mảnh đời bất hạnh. Có khi như vậy cũng là hay bởi đơn giản ở nhưng nơi cao sang thì đồng tiền thật dư giả nhưng tình người lại chia phôi.
Ở đời, có khi nhiều tiền nhiều bạc nhưng nghèo tình nghèo nghĩa. Cứ như những đứa trẻ trong xóm nhỏ này vậy mà hay : nghèo và nghèo lắm về tiền về bạc nhưng tình nghĩa lại bao la.
Dù sao đi chăng nữa, hình ảnh những đứa trẻ để lại cũng an ủi chút tình người trong cõi nhân sinh.
Người Giồng Trôm