Trước đây, theo thói quen, chúng ta thường gọi lễ Chúa Hiển Linh là lễ Ba Vua. Thực ra, các nhân vật được thánh Matthêu kể trong Tin Mừng hôm nay không phải là các vua. Họ là những đạo sĩ, những nhà chiêm tinh của Đông Phương, tìm đến Giêrusalem để triều yết vị vua mới sinh. Nếu như trong đêm giáng sinh, Đức Giêsu đã tỏ mình ra cho những người bé mọn là các mục đồng dân Israel, thì với biến cố viếng thăm của các đạo sĩ, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho dân ngoại.
Câu chuyện được thánh Matthêu kể lại là một hành trình dài tìm kiếm đức tin của các đạo sĩ, và đó cũng là hành trình của mỗi người chúng ta khi tìm đến với Đức Giêsu.
Để có thể tìm kiếm và gặp được Hài Nhi Giêsu cần phải có một quyết tâm lên đường giống như các đạo sĩ. Họ phải bỏ lại đàng sau tất cả để bước vào một hành trình tìm kiếm. Hành trình này không hề dễ dàng thoải mái, mà phải băng qua thử thách và hy sinh. Có những lúc họ hăng say phấn khởi vì có ánh sao dẫn đường, song cũng có những lúc ánh sao như bị che khuất và các đạo sĩ phải bước đi trong tăm tối. Những lúc như thế, họ đã phải dò hỏi tìm đường, kể cả phải vào cung điện của Hêrôđê để hỏi thăm: Đức Vua dân Do Thái mới sinh ở đâu? Chúng tôi(…) đến để bái lạy Người.
Khi được chỉ cho biết: Vua người Do Thái sẽ sinh ra tại Bêlem, đất Giuđa, các đạo sĩ (…) tìm đến nơi, và gặp được Hài Nhi Giêsu, và họ đã sấp mình thờ lạy Người. Thái độ sấp mình thờ lạy là thái độ cung kính tôn thờ và tin nhận Hài Nhi bé nhỏ kia chính là Thiên Chúa. Các đạo sĩ đã dâng cho người tất cả những gì là quý giá nhất, là tất cả sản nghiệp mà họ mang theo. Đó là vàng, nhũ hương và mộc dược, là những của lễ dành cho các bậc quân vương.
Sau khi đã gặp Hài Nhi, các đạo sĩ đã được báo là phải đi đường khác để trở về xứ sở mình. Điều đó có nghĩa là khi đã được gặp gỡ Thiên Chúa, con người phải có một quyết định thay đổi đời sống. Họ không thể sống theo con đường cũ, mà phải đi một con đường khác, con đường của niềm tin, của ánh sáng; phải thay đổi từ trong suy nghĩ đến hành động, tức là thay đổi hoàn toàn cả con người cho phù hợp với những gì mà Đức Giêsu đòi hỏi.
Ngược lại với các đạo sĩ là thái độ của vua Hêrôđê và các thượng tế. Khi nghe các đạo sĩ hỏi : Vua người Do Thái mới sinh ở đâu ? Thì Hêrôđê bối rối lo sợ và cả Giêrusalem xôn xao. Các thượng tế thì biết rất rõ bởi họ rất thuộc Kinh Thánh, nhưng họ chỉ cho các đạo sĩ biết là tại Bêlem, đất Giuđa. Các thượng tế biết rõ vua Do Thái mới sinh ở đâu, nhưng chính họ lại không lên đường tìm kiếm. Vua Hêrôđê không những không tìm kiếm Hài Nhi, mà còn rắp tâm loại trừ Người chỉ vì sợ Hài Nhi sẽ tranh giành quyền lực ngai vàng của ông, dù vẻ bề ngoài ông hết sức tử tế : Hêrôđê bí mật mời các đạo sĩ đến và nói: Các khanh hãy đi và dò hỏi tường tận về Hài Nhi và khi tìm thấy thì báo lại cho tôi để tôi cùng đến bái lạy Người.
Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người, song con người cũng phải nỗ lực để tìm kiếm Ngài, khám phá không ngừng về đức tin vào Ngài. Tin Chúa, theo Chúa không phải là bằng lòng với một chút hiểu biết của mình mà cần phải liên tục khám phá và đào sâu về Tin Mừng, về Đức Kitô và giáo lý của Ngài. Hơn thế nữa, tin Chúa không dừng ở mức độ hiểu biết mà còn phải liên tục làm mới mối tương quan tình yêu của mình với Thiên Chúa, sống gắn bó thân tình với Chúa.
Giống như hành trình của các đạo sĩ, hành trình theo Chúa đòi chúng ta phải bỏ con đường cũ, đi theo một con đường khác, chấp nhận từ bỏ và hy sinh, bỏ lại đàng sau những lôi kéo của xã hội, của tự do buông thả, chấp nhận lội ngược dòng, sống khác với người đời cho dù bị thế gian cho là dại khờ. Người đời sống gian dối trộm cắp, nhưng là người Công giáo, tôi sống ngay thẳng; người đời có thể làm điều gian ác, bất công nhưng tôi vẫn sống thật thà dù tôi bị thiệt thòi; người đời thù oán giận hờn, nhưng tôi sống tha thứ và yêu thương…
Giống như các đạo sĩ, chúng ta cũng được mời gọi dâng cho Chúa không phải là vàng, mộc dược, nhũ hương, mà là dâng cho Chúa thời giờ, sức khỏe và khả năng qua việc siêng năng đến thờ phượng Chúa, dâng thánh lễ mỗi ngày, cũng như qua việc phục vụ anh em và các công tác tông đồ trong giáo xứ. Mỗi ngày, hãy dâng cho Chúa những công việc, những lo toan và dâng cả gia đình của mình. Chúa sẽ nhận và nâng đỡ những khó khăn, vất vả của chúng ta.
Chúng ta sẽ giống Hêrôđê khi chúng ta dửng dưng trước tin vui Con Thiên Chúa làm người, hoặc ta lo sợ, từ chối Ngài vì sợ Ngài can thiệp vào cuộc đời chúng ta, sợ Ngài làm chủ cuộc đời chúng ta. Nhiều người đã cố tình đóng cửa tâm hồn trước lời mời gọi của Ngài. Ngày hôm nay, còn có những Hêrôđê trong các gia đình, là những cha mẹ đã ra tay giết chính những đứa con trong dạ mình, vì sợ sự có mặt của chúng sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, sợ chúng ăn hết phần ăn của mình, sợ chúng làm ảnh hưởng đến công việc hoặc sự nghiệp của mình.
Xin Chúa giúp chúng ta biết sẵn sàng đón nhận Tin Mừng Giáng Thế của Con Thiên Chúa, biết để cho Ngài biến đổi cuộc đời chúng ta nên tốt hơn. Đồng thời, nhờ đời sống gương sáng của mỗi Kitô hữu, chúng ta sẽ trở nên như những ánh sao dẫn đường cho nhiều người tìm đến với Chúa.
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí – Gp.Xuân Lộc