Tôi đến đan viện vào một buổi sáng, Patrick chờ tôi, anh mặc áo dòng trắng có mang tràng chuỗi bằng gỗ ở thắt lưng. Anh đi dép xăng đan và mang vớ len như trước đây. Trước đây có nghĩa là khi anh chưa đi tu.
Chúng tôi sống chung với nhau năm năm vào những năm 1990. Chúng tôi xa nhau năm 2001, lý do chính vì anh muốn “dấn thân” còn tôi thì chưa sẵn sàng. Không bao giờ tôi hình dung là anh dấn thân kiểu này. Anh cũng không nghĩ như vậy. “Khi tôi đến đây, tôi không biết đọc Kinh Lạy Cha như thế nào…”
Và anh có nhiều chuyện cần thanh toán với Chúa. Cách đây hai năm, Patrick thố lộ với tôi: “Tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ sống cuộc sống này, quá nhiều chuyện không thể được. Cuộc sống của tôi là làm việc. và tôi có một mối hận với Giáo hội, đúng ra là một cơn giận.”
Tháng 4 năm 2013, tôi đã nói với bạn về Patrick, lúc đó anh đã sẵn sàng vào làm thỉnh sinh ở Đan viện Thập Giá Vinh Quang. Có khi anh đi cả mấy tháng đến vùng Charlevoix để lấp đầy lấp vơi nhưng khi nào anh cũng về lại Québec để quản trị Công ty Lâm sản mà anh thành lập năm 2007.
Đó là người lúc nào cũng bận rộn, làm việc rất đắc lực.
Bất cứ ai cũng có thể đến ở lại đan viện, một ngày một đêm hay hơn nữa, thời gian để thư gĩn, gác mọi việc qua một bên, để lấy sức lại sau những ngày làm việc cực nhọc và có thể dự các giờ kinh hoặc không. Patrick nói đây “như một bệnh viện làng quê” cho tâm hồn.
Bộ áo làm nên thầy tu
Mùa hè này anh xong hai năm tập viện và đã khấn. Anh cũng đã mặc áo dòng, vì ở đây, bộ áo làm nên thầy tu. Anh cũng đã thay tên, anh có thể chọn tên nào anh muốn, anh bàn với cha phụ trách thỉnh viện. Ngày 16 tháng 8, Patrick Blanchet trở thành Charles-Patrick-Hiển Linh (Charles-Patrick-de-la-Transfiguration).
Patrick là sư huynh của Thập Giá.
Anh 42 tuổi và là đan sĩ trẻ nhất cộng đoàn. Cộng đoàn này do đan sĩ Michel Verret thành lập năm 1980 theo tinh thần của chân phước Charles de Foucauld. Trước hết cộng đoàn ở Valcartier, năm 1991, cộng đoàn dời về Sainte-Agnès trong một tòa nhà lớn sát sườn núi và trước mặt là một dòng sông.
Patrick đã mang một làn gió trẻ đến cho đan viện, cách đây hai năm, anh không còn là người trẻ nhất. Đã có những người ở tuổi hai mươi, ba mươi muốn sống thử đời sống đan viện, như tập sự hay thỉnh sinh. Cũng có người tập sự ở tuổi 60! “Hiện nay chúng tôi có 16 người, nhà Dòng nhận được tối đa là 21…”
Đã từ lâu, không có bao nhiêu người dự thánh lễ.
Mỗi buổi sáng, Patrick dậy từ 5 đến 6 giờ sáng, và “đương nhiên bắt đầu ngày là cầu nguyện. Tôi dâng ngày cho Chúa. Sau đó, vì là dân nghiện cà phê nên tôi phải uống cà phê. Tôi đọc báo, đọc e-mail, đọc tin nhắn trên Facebook. 6h30 hát thánh vịnh, sau đó cho đến 8h30 là giờ tự do. Tôi ra ngoài hoặc học hành”.
Hiện nay anh học “sự hội nhập của các triết lý lương dân như triết lý Hy Lạp trong đời sống tu viện”.
Đến 8h30, anh bắt đầu làm việc, công việc của anh là làm kẹo trái cây để cộng đoàn bán lấy tiền sinh sống. “Khi tôi làm việc, tôi thờ phượng. Tôi còn giữ thinh lặng nội tâm hơn.” Anh cũng phải dọn các nhà vệ sinh của nhà khách.
“Không phải việc làm là quan trọng nhưng làm theo tinh thần nào mới quan trọng.”
Nhịp sống tu viện
Anh lo trang Web của đan viện nhưng anh thú thật “trang không được cập nhật. Trước đây tôi có tài về môn này, tôi làm cho cộng đoàn nhưng tôi ít vào máy. Nếu có ai than phiền thiếu này thiếu kia, tôi nói đó là nhịp sống của đan viện!”.
Sau bữa ăn trưa là giấc ngủ trưa ngắn, rồi tiếp tục làm việc cho đến 5 giờ chiều, sau đó là giờ kinh chiều. Sau giờ ăn tối là giờ tự do. “Tôi chơi thể thao hay đọc Phúc Âm, để Phúc Âm thấm vào lòng.” Buổi chiều thứ năm và chúa nhật là giờ sinh hoạt chung của cộng đoàn.
Khi các đan sĩ họp chung với nhau là để nói chuyện. Và để cười. “Trước đây, tôi có rất nhiều party hội hè trong cuộc sống, nhưng bây giờ tôi sống trong niềm vui của tình huynh đệ, có những lúc chúng tôi cười như điên, thật không thể tưởng tượng được!”
Với những người mình không chọn họ!
Tôi hỏi Patrick anh có cảm thấy mình có một chỗ ở nơi đây không. “Chắc chắn rồi, rõ ràng tôi có một chỗ ở đây. Đây là nơi làm cho tôi có bình an. Tôi học cách trau dồi mình, nhất là với một người muốn kiểm soát mọi sự như tôi. Tôi cảm nhận tác dụng của sự thanh tẩy, tôi nhận ra, tôi có thể lớn lên khi tự nguyện vâng lời.”
Patrick chưa bao giờ cảm thấy mình được tự do như vậy.
“Để được tự do, mình phải buông hết các đam mê, các ham muốn”, chẳng hạn như chọn lựa làm tình thì Patrick thích nói về “kiềm chế”. Anh càng ngày càng ít nghĩ đến chuyện này. “Tôi đạt được qua việc trau dồi mình. Tôi không còn bị day dứt về việc này, nhưng phải cần một lực siêu nhiên mới đạt được!”
Anh xác quyết anh có thể hạnh phúc bất cứ đâu.
Patrick, tôi luôn gọi anh bằng tên, “có một ý nghĩa cho đức khiết tịnh của đời sống tu trì. Tôi gặp rất nhiều phụ nữ bị lạm dụng, bị tổn thương. Tôi muốn hiến đức khiết tịnh của mình cho những phụ nữ này…”
Cuống họng anh thắt lại, hai mắt anh nhòa đi.
Không bao dung cho những lời kết án.
Cũng một cách đó, “tôi hiến đời tôi ở đây để cộng đoàn có thể tiếp tục tồn tại, để người khác có thể tái sinh. Tôi trở nên bất bao dung đối với những lời kết án, trong xã hội có một bạo lực rất lớn, bạo lực vẫn tiếp tục trên người nghèo, trên những người cùng khốn. Phải hạ cơn giận của mình để thấy người khác một cách sáng rõ hơn”.
Anh thấy mình như “cột thu lôi đối với bạo lực trên thế giới”, và Chúa biết thời giờ sắp tới là bão. Ngài là chứng nhân cũng bất lực như tôi đối với các cuộc chiến tranh, các cuộc tấn công được gây ra nhân danh tôn giáo. “Tôi tin con người căn bản là tốt. Tôi phải yêu họ không điều kiện, không phán xét họ.”
Và cả đến “những người phạm tội ấu dâm, những tên khủng bố cực đoan. Tôi cố gắng hình dung họ bị tổn thương như thế nào để đi đến hành động đó. Tôi tự nhủ, nếu tôi có cuộc sống như họ, có cùng những đau khổ như họ, thì có thể tôi cũng sẽ như họ. Con người căn bản là tốt, nhưng nếu nó bị tổn thương thì điều này hết sức nguy hiểm.
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 05.12.2015/
lapresse.ca, Mylène Moisan, 2015-11-28)