Trang Tin Mừng này chia làm hai phần rõ rệt, phần đầu chỉ gồm hai câu vắn gọn, Thánh sử Matthêu nêu bật nội dung tiên báo về cuộc thương khó lần thứ hai của Chúa Giêsu, phần cuối gồm bốn câu Chúa Giêsu hé mở một chút về danh phận thiên tính của Ngài qua việc nộp sưu thuế cho đền thờ theo luật Do Thái.
Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Đền thờ nữa: ngoại trừ đàn bà, các thiếu niên và các nô lệ, tất cả những ai từ 20 tuổi trở lên đều phải nộp thuế để bảo trì và tu sửa Đền thờ Giêrusalem.
Khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông: “Simon, con nghĩ sao: vua chúa trần gian lấy thuế của ai? con cái mình hay người ngoài?” Phêrô đáp: Thưa, người ngoài. Chúa Giêsu liền bảo: Thế thì con cái được miễn. Đây cũng là một mạc khải, bởi vì qua câu: Thế thì con cái được miễn, Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế, nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Đền thờ như bất cứ ai.
Người ta hỏi Phêrô “ Thầy các ông không nộp thuế sao? (c .24 ). Nghe lời hỏi đó, Thánh Phêrô đáp ngay: Có chứ.
Với lời đáp này, Thánh Phêrô khẳng định và xác định mạnh mẽ về danh phận con người của Chúa Giêsu. Quả thật Chúa Giêsui là người Do Thái, tuân giữ luật Môsê và nộp thuế đó là chuyện đương nhiên. Phêrô cho rằng ý nghĩ của mình đúng, nên ông trả lời chắc chắn như vậy. Ông không hỏi Chúa Giêsu xem ý Ngài thế nào và ông cũng không trả lời với những người đã hỏi ông : vì sao họ không hỏi trực tiếp Chúa Giêsu. Ông tin vào trực giác, vào cảm nhận của mình về Thầy mình.
Đã là người sống trong đất nước Do Thái, sinh trưởng trong phong tục, văn hoá và mang trong mình dòng máu Do Thái, thì ắt hẳn chuyện nộp thuế là chắc chắn rồi. Nhưng khi về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông. Ngài cất lời gợi mở cho ông về thiên tính của Ngài “ Anh nghĩ sao ? Vua chúa trần gian bắt ai nộp thuế ? Con cái hay người ngoài ?. Một câu hỏi chỉ là để xác định cho rõ. Một câu hỏi mà ta thấy ai có trí khôn cũng có thể trả lời được. Và Phêrô thưa chỉ có người ngoài nộp thuế mà thôi. Chúa Giêsu nhấn mạnh làm cho rõ hơn : Vậy con cái được miễn ( c.26).
Ở đây Chúa Giêsu giới thiệu mình là Con Thiên Chúa, không cần phải nộp thuế cho đền thờ, nơi Thiên Chúa ngự trị, nơi con người dâng lễ vật lên Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Ngài nộp thuế bằng một phép lạ: Chúa Giêsu bảo Phêrô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên, trong miệng có một đồng bạc, đủ để nộp thế cho Ngài và cho Phêrô. Chúa không bảo Giuđa xuất tiền quĩ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài đã làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài.
Và, ta nghe Chúa Giêsu nói tiếp: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ…”. Nếu Chúa Giêsu không nộp thuế theo lập luận Ngài là Con Thiên Chúa, thì người Do Thái sẽ cho Ngài là nói phạm thượng khi tự cho mình là Thiên Chúa.
Đây chưa phải là lúc, là giờ mà Ngài bày tỏ chân tính của mình như Ngài ở trước toà Philatô. Lúc ấy Ngài nhận và tự xưng là Đấng Mêsia, là Vua ( x. Lc 23,3) hoặc Ngài đã tuyên xưng mình là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa khi vị Thượng tế hỏi Ngài, đến độ ông ta phải xé áo mình ra vì cho rằng đó là lời nói phạm thượng ( x. Mc 14,61-64). Vì chưa đến giờ Ngài về cùng Cha , nên Ngài nói tiếp… Anh ra biển thả câu… bắt cá… lấy bốn quan nộp thuế cho phần Thầy và phần anh. Tình tiết này khiến chúng ta thấy lý thú khi đọc.
Và rồi ta thấy phép lạ đã xảy ra, đây là phép lạ “lạ” nhất trong các sách Tin Mừng, vì lần đầu tiên Chúa Giêsu làm một phép lạ đem lại ích lợi riêng cho bản thân Ngài và các môn đệ. Với trang Tin Mừng này, ta có cảm tưởng ông Phêrô đi ra biển, thả câu và liền câu con cá đặc biệt có ngậm đồng tiền bốn quan để nộp thuế.
Người Do thái có bổn phận nộp thuế cho Đền thờ để lo việc phụng sự nhà Chúa, thì ngày nay trong Giáo hội cũng có những cách đóng góp hay dâng cúng, đó cũng là một việc thờ phượng và là một sự chia sẻ cho những anh em nghèo khó. Chúng ta hãy nhận ra nét đặc biệt trong nhân cách của Chúa, khi hòa nhập vào nếp sống cụ thể của những người đồng thời với Ngài.
Qua mầu nhiệm nhập thể, Chúa đã chia sẻ trọn vẹn đời sống con người. Ta hãy nhìn lên gương Chúa Giêsu để rồi ta không quên bổn phận xây dựng trần thế để đóng góp một chút gì đó cho việc xây dựng Nhà Chúa, chia sẻ bác ái nhưng quan trọng nhất là hướng lòng ta và dựng ngôi nhà của ta ở quê Trời – quê hương của mỗi người chúng ta.
Huệ Minh