Hỏi: Trong bài viết của cha “Việc cử hành Thánh lễ trong thầm lặng” (ngày 7-1-2008), cha đã nói rằng việc cử hành Thánh lễ hàng ngày “được khuyến nghị cho mọi linh mục, ngay cả khi có thể giáo dân không hiện diện ở đó”. Ý kiến của cha có lẽ dựa vào Bộ Giáo luật điều 904: “linh mục nên siêng năng dâng lễ”. Tuy nhiên, con luôn hiểu rằng các quy tắc của Giáo Hội về vấn đề này làm cho hiểu rõ ràng rằng, một linh mục không nên cử hành Thánh lễ, nếu không có ít nhất một người khác có mặt. Điều này được dựa vảo sự việc không thể phủ nhận rằng Thánh lễ không phải là một sự sùng kính riêng tư, nhưng là sự thờ phượng công khai của Giáo Hội, và được nêu rõ tại Điều 906: “Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, tư tế không được cử hành lễ Thánh Thể nếu không có ít là một vài giáo dân tham dự”. Con sẽ nghĩ rằng lòng sùng mộ riêng tư của linh mục, tuy là đáng khen ngợi, sẽ không cấu thành “một nguyên nhân chính đáng và hợp lý”, khi phải đối mặt với lệnh cấm này. – P. A., London, Anh.
Đáp: Nhận xét này của tôi là từ nhiều năm trước đây, nhưng tôi muốn xem lại chủ đề kỹ hơn.
Trước hết, tôi đồng ý với nguyên tắc của độc giả trên đây rằng Thánh Lễ về cơ bản là sự thờ phượng công khai, chứ không phải một lòng sùng kính riêng tư. Thật là không đúng cho một linh mục, nếu ngài thích dâng lễ một mình bất cứ khi nào có ít nhất một tín hữu có mặt. Tôi cũng nói rằng ngài thường ưa thích việc cử hành Thánh lễ cộng đồng.
Tuy nhiên, xin phép cho tôi có ý kiến khác về việc dâng lễ một mình là bị cấm, hoặc sự mong muốn của linh mục để dâng lễ hàng ngày sẽ không cấu thành một “lý do chính đáng và hợp lý”.
Các điều luật được bạn đọc này nhắc đến là như sau:
“Ðiều 904: Các tư tế nên luôn tâm niệm rằng công việc cứu chuộc hằng được tiếp tục thi hành trong mầu nhiệm Hy Lễ Thánh Thể; do đó, họ nên siêng năng dâng lễ. Hơn nữa, rất đáng mong ước các tư tế dâng lễ mỗi ngày, cả khi giáo dân không thể hiện diện, bởi lẽ Thánh Lễ là tác động của Ðức Kitô và của Giáo Hội; chính khi cử hành Thánh Lễ mà các tư tế chu toàn nhiệm vụ chính yếu của mình”.
“Ðiều 906: Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, tư tế không được cử hành lễ Thánh Thể nếu không có ít là một vài giáo dân tham dự” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Vì vậy, chúng ta có hai điều luật vốn là không mâu thuẫn với nhau. Một điều luật khuyến nghị dâng lễ hàng ngày, và một điều luật đòi hỏi sự hiện diện của tín hữu.
Truyền thống cũ của hai điều luật này là truyền thống của điều luật 906. Việc cấm Thánh Lễ mà không có ngưới giúp lễ, hoặc ít nhất là sự hiện diện của một tín hữu để thưa đáp, được tìm thấy từ thế kỷ XII. Đã có một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như trong thời kỳ bệnh dịch hạch, nếu cần thiết để mang của ăn đàng cho người hấp hối, nếu người giúp lễ bỏ đi trong Thánh Lễ, hoặc nếu linh mục bị buộc kiêng cử hành Thánh lễ trong một thời gian dài. Việc nhấn mạnh về sự hiện diện của người giúp lễ là bởi vì người giúp lễ đại diện cho toàn tín hữu Công Giáo.
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng điều 906 thực sự là ít hạn chế hơn điều tương đương 813.1 của Bộ Giáo luật năm 1917. Bộ giáo luật mới không còn đòi hỏi sự hiện diện của người giúp lễ, hoặc bất kỳ tín hữu nào. Điều luật cũ cũng đòi hỏi một “nguyên nhân nghiêm trọng” hoặc sự cần thiết nghiêm trọng để dâng lễ mà không ai có mặt. Điều luật hiện tại cho thấy sự diễn tả yếu hơn của “nguyên nhân chính đáng và hợp lý”. Theo một bình luận liên quan “một nguyên nhân như vậy có thể được chứng minh khi không có sự hiện diện của một tín hữu, và khi linh mục không thể tham dự vào một cử hành cộng đồng, thí dụ, do bệnh tật, thương tật hoặc đi du lịch. Một nguyên nhân chính đáng và hợp lý sẽ không là sự tiện lợi của linh mục, hay sở thích của ngài để dâng lễ một mình”.
Mặt khác, khuyến nghị về dâng lễ hàng ngày là tương đối mới. Bộ Giáo luật năm 1917 buộc các linh mục dâng lễ nhiều lần trong năm, và người ta thường cho rằng việc dâng lễ ba hoặc bốn lần là đủ để chu toàn nghĩa vụ.
Tuy nhiên, việc dâng lễ mỗi ngày được cổ vũ không ngừng, như là một phần của sứ vụ của linh mục, và đã trở nên phổ biến hơn. Trong trường hợp này, bất kỳ việc dâng lễ nào cũng là một hành động công khai, vì một linh mục là một người của công chúng, và các hành vi phụng vụ của ngài là không bao giờ một vấn đề về lòng sùng kính riêng tư, nhưng luôn luôn là một hành động của Giáo Hội.
Chính trong bối cảnh này mà Tôi Tớ Chúa Felix Cappello (1879-1962), linh mục Dòng Tên, chuyên viên Giáo luật nổi tiếng, dần dần thuyết phục Tòa Thánh để giảm bớt các hạn chế, và xem sự mong muốn cá nhân của linh mục để cử hành Thánh Lễ như là lý do đủ để dâng lễ, ngay cả khi có thể giáo dân không hiện diện ở đó.
Dòng suy nghĩ này về Thánh lễ, như là nhiệm vụ trung tâm của linh mục, đã được phản ánh trong suy tư của Công đồng chung Vatican II, và trong huấn quyền của Đức Giáo Hoàng. Thí dụ, văn kiện công đồng Presbyterorum ordinis nói:
“13. Như thừa tác viên của những Việc Thánh, nhất là trong Hiến Tế Thánh Lễ, các Linh Mục đặc biệt đóng vai Chúa Kitô, Ðấng đã tự hiến chính mình làm lễ vật thánh hóa nhân loại; và như thế các ngài được mời gọi bắt chước điều các ngài đang thi hành, vì khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các ngài phải lo khắc chế chi thể mình khỏi tật xấu và dục vọng. Công việc cứu chuộc chúng ta được liên tục 14 thực hiện trong mầu nhiệm Hiến Tế Thánh Lễ, trong đó các linh mục chu toàn chức vụ trọng yếu nhất của mình; do đó, hết sức khuyến khích việc cử hành Thánh Lễ hằng ngày dù các tín hữu không thể tới dự, vì đó là hành động của Chúa Kitô và của Giáo Hội. Như vậy, trong khi liên kết với hành động của Chúa Kitô Linh Mục, hằng ngày các Linh Mục tự hiến toàn thân cho Chúa, và trong khi được Mình Chúa Kitô nuôi dưỡng, tự thâm tâm mình, các ngài tham dự vào tình yêu của Ðấng đã tự hiến làm lương thực nuôi các tín hữu. Trong khi thi hành các Bí Tích, các ngài cũng hiệp nhất với ý muốn và tình yêu của Chúa Kitô; và các ngài thể hiện sự hiệp nhất đó một cách đặc biệt, khi tỏ ra hoàn toàn và luôn luôn sẵn sàng ban Bí Tích Cáo Giải mỗi khi các giáo hữu thỉnh cầu một cách hợp lý. Trong khi các ngài đọc Kinh Nhật Tụng, Giáo Hội mượn tiếng của các ngài để không ngừng cầu nguyện nhân danh toàn thể nhân loại, và để kết hợp với Chúa Kitô, Ðấng “luôn luôn sống để cầu bầu cho chúng ta” (Bản dịch Việt ngữ của Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt).
Tôi tin rằng chính suy tư này về tính trung tâm của Thánh Lễ trong đời sống của linh mục, và thực sự trong đời sống của Giáo Hội, đã dẫn đến việc nới lỏng các hạn chế, mà chúng ta tìm thấy trong Bộ Giáo luật năm 1983, trong khi duy trì nguyên tắc rằng việc dâng lễ cộng đổng luôn được ưa thích hơn.
Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) cũng nói đến chủ đề này.
“19. Sự hiện diện và tham dự tích cực của các tín hữu biểu lộ rõ hơn tính chất cộng đoàn Hội Thánh của việc tế lễ, mặc dầu những điều đó đôi khi không thực hiện được, nhưng việc cử hành Thánh Lễ vẫn luôn luôn có hiệu quả và mang tính chất cao quí, vì là việc của Chúa Kitô và của Hội Thánh, trong việc đó, vị tư tế chu toàn phận vụ ưu tiên của mình và luôn luôn hành động vì sự cứu rỗi của dân. Vì vậy, khuyên các tư tế cử hành Thánh Lễ mỗi ngày, khi có thể”
“254. Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, không được cử hành Thánh Lễ mà không có người giúp hay ít là một tín hữu. Trong trường hợp này, bỏ các lời chào, lời nhắn nhủ và phép lành cuối lễ” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Cuối cùng, “Chỉ nam hướng dẫn cho thừa tác vụ và đời sống Linh mục” công bố năm 2013 (The 2013 Directory for the Ministry and the Life of Priests) nói:
“67. Linh mục được kêu gọi cử hành Hy Tế Thánh Thể Thánh, suy niệm liên tục về hy tế có nghĩa là gì, và biến đổi cuộc sống của mình thành một Hy tế Thánh Thể, vốn trở thành hiển nhiên trong tình yêu cho hy lễ hàng ngày, đặc biệt là trong chu toàn các nhiệm vụ và bổn phận riêng cho bậc sống cùa mình. Tình yêu đối với thánh giá dẫn linh mục tự trở thành một của lễ đẹp lòng Chúa Cha qua Chúa Kitô (x. Rm 12:1). Yêu thương Thánh giá trong một xã hội theo chủ nghĩa khoái lạc là một sự vấp phạm, nhưng từ góc độ của đức tin, đó là nguồn mạch của đời sống nội tâm. Linh mục phải rao giảng giá trị cứu chuộc của thánh giá với lối sống của mình. Thật là cần thiết để gợi lên giá trị không thể thay thế cho các linh mục về cử hành Thánh lễ mỗi ngày – vốn là ‘nguồn mạch và đỉnh cao’ của đời sống linh mục – ngay cả khi có thể giáo dân không hiện diện ở đó. Về vấn đề này Giáo hoàng Biển Đức XVI dạy: “Do mục đích này, tôi kết hợp với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng trong việc khuyến nghị “các linh mục cử hành Thánh lễ hàng ngày, ngay cả khi có thể giáo dân không hiện diện ở đó”. Khuyến nghị này là thích hợp với giá trị vô cùng khách quanh của việc cử hành Thánh lễ hàng ngày, và được thúc đẩy bởi hoa trái thiêng liêng độc đáo của nó. Nếu được cử hành một cách đầy đức tin và chu đáo, Thánh Lễ có tính mô phạm trong ý nghĩa sâu xa nhất của từ này, vì nó thúc đẩy sự trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, và củng cố linh mục trong ơn gọi của mình”.
(Nguyễn Trọng Đa, VCN 26.11.2016/ Zenit.org 22-11-2016)