Trong nghẹn lời và trong nước mắt, nữ tu đã chia sẻ khó khăn đang gặp phải. Chuyện đau đớn lòng đó chính là mọi việc trong xứ đạo xem ra thành công thật mỹ mãn nhưng bên dưới lại là cay đắng ê chề. Nữ tu không muốn nói xấu về vị lãnh đạo tinh thần của họ đạo nhưng sự thật rằng cả giáo xứ không ai chịu nỗi cung cách “nắng – mưa” của ngài. Nếu như cách hành xử của ngài nắng thì nắng hẳn, mưa thì mưa hẳn thì mọi người còn có thể biết để sống nhưng rồi lại không được như thế.
Và, nơi chốn này, không phải vị nữ tu này nói ra điều không nên nói đó nhưng cộng đoàn dân Chúa cũng phải “lãnh đạn” bởi cung cách lãnh đạo không giống con giáp nào cả. Nhiều người cảm thấy khó chịu và đắng lòng với cung cách của vị này nhưng chả ai dám nói ra bởi đơn giản nói ra thì sẽ bùng nổ và mất cả tình cha –con.
Thật vậy, đây không phải là chuyện đơn cử hay duy nhất của vấn nạn “được việc – mất người” của ngày hôm nay. Cũng dễ hiểu nếu như ở cương vị người lãnh đạo, nếu như không bao dung, không tha thứ, không nhẹ nhàng, thiếu quân bình, thiếu thận trọng và nhất là không khôn ngoan đủ để xử lý vấn đề thì vấn đề của tập thể ngày càng nặng nề nhưng chưa có thời cơ bùng nổ đó thôi.
Thật sự mà nói, đây là vấn đề hết sức tinh tế và nhạy cảm. Đơn giản chả ai muốn moi ra hay chả ai dám nói vì … ngại, vì sợ … mất lòng. Nhưng cứ để như thế mãi e rằng người ta sẽ chai dần với cảm xúc và tệ hại nhất là sống không thật với nhau.
Một tập thể nọ, xem ra rất chỉn chu và hoành tráng từ cách đi đứng, sinh hoạt đến cả lời ăn tiếng nói. Nhóm huynh trưởng này xem chừng như là kiểu mẫu của nhiều xứ đoàn khác. Thậm chí, nhiều phụ huynh hay cả xứ đoàn khác nhìn vào xứ đoàn này ai ai cũng đều tấm tắc khen cũng như “ước gì xứ đoàn của mình cũng được như thế !”.
Nhưng rồi, điều đáng buồn và đáng tiếc trong thực tế thì có ít là 5 thành viên đều than phiền với một mình tôi : “Nhìn như vậy chứ bên trong không là như vậy, các anh chị cũng …”. Nghe chữ “cũng” thấy sao mà nghẹn ngào và cay đắng thế ! Ngay cả bản thân tôi cũng bị lừa trước vỏ bọc xem ra là hoàn hảo đó.
Một anh chàng nhiệt tâm với các ca đoàn mà anh quen biết. Anh nhiệt tâm đến độ chưa bỏ xót Thánh Lễ nào mà các ca đoàn nhờ anh. Nhưng rồi, ngày mỗi ngày khi tham dự Thánh Lễ và nhất là sinh hoạt chung với ca đoàn thì anh nghiệm ra rằng nơi chốn đó tưởng là nơi chốn của phục vụ, của bác ái, của yêu thương nhưng rồi đó lại là nơi chia rẽ nhau bởi lẽ ganh tỵ với nhau từng lời ca tiếng hát, từng chiếc quần và cái áo … nơi đó, người ta hơn thua nhau từng ly từng tý một để rồi anh nguyền với lòng rằng chỉ sát giờ Lễ đến đánh đàn và khi bài hát kết Lễ vừa xong thì anh … dọt lẹ.
Cùng trong tâm tình đó, 1 đàn sĩ đánh cho 1 ca đoàn ở nhà thờ lớn nhất nhì Sài Gòn cũng không thoát khỏi tâm trạng như vậy. Tưởng chừng bên ngoài rất thành công nhưng bên trong con người ta lại hành xử chả ra gì cả.
Những ai là lính trong các cơ quan, xí nghiệp chắc có lẽ có cái cảm nhận này nhiều hơn ai hết. Trưởng chuyền, trưởng ca, trưởng nhóm cứ chạy theo mục tiêu, chạy theo điểm thi đua để rồi tất cả đè nặng trên vai người lao động. Chỉ vì miếng cơm manh áo mà đội ngũ công nhân cắn răng chịu đựng chạy cho đạt công suất, còn bên dưới thì ai ai cũng thốt lên lời ai oán của kiếp làm thuê.
Cũng là người với nhau nhưng tại sao người ta lại hành xử với nhau như thế. Điều đáng nói là ở phương diện nhà đạo.
Tưởng nghĩ cũng nhớ đến tình bố – con giữa một linh mục và anh chàng kỹ sư xây dựng. Nhìn bên ngoài khó ai mà biết được dưới vỏ bọc của tình bố con có thể nói rằng là một sự khinh khi bởi lẽ cách hành xử của bố chả ra gì. Có lẽ vì tôn trọng thiên chức linh mục nên anh chàng cứ mãi cắn răng chịu đựng để công việc được hoàn thành nhưng bên dưới thì chả ra làm sao cả.
Và tưởng nghĩ cũng nên nhắc và nhớ đến đời sống tu. Có những nữ tu phải nói rằng cắn răng chịu đựng vì đã lỡ bước vào đường tu rồi khi phải đối diện với những vị mục tử xem ra chả có hành xử theo cung cách của một mục tử tí nào cả. Cậy vào “quyền năng” mà mình có để rồi o ép cũng như bằng mọi giá muốn cho công việc nó chạy. Nhưng thử hỏi mấy ai có bao giờ đặt mình vào vị trí của người ở dưới, người phục vụ hay chăng.
Thật ra vấn nạn “được việc – mất người” này không chỉ xảy ra ở một vài nơi một vài chỗ nữa nhưng dường như là đại dịch. Đi đâu cũng thấy, đến đâu cũng gặp vấn nạn này. Chỉ có điều vì quá nhịn nhục nên rồi người dưới cứ phải nai lưng ra làm cho xong việc nhưng bên dưới những hoa quả bên ngoài xem ra tươi tắn lại là hai hàng nước mắt lưng tròng hay những lời ai oán chưa kịp thốt trên môi.
Một linh mục dạy triết có chia sẻ với anh em : “Tôi xin anh em khoan hãy đừng nói đến bác ái. Xin anh em hãy nghĩ tới đức công bằng trước đã. Xin anh em hãy sống công bằng với nhau đi, đừng nói gì đến bác ái cả … ngày hôm nay người ta không công bằng với nhau nhiều quá, ngay cả trong nhà tu …”
Phải chăng đây là tâm tình rất thật và quá thật của một linh mục có quá nhiều kinh nghiệm về đời sống cộng đoàn và đời sống chung.
Suy nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ tâm tình của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong chiếc bánh thứ 2 của “Năm chiếc bánh và 2 con cá” :
…Tôi phải chọn Chúa chứkhông phải việc của Chúa:Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác.
Lúc tôi bị nhốt dưới khoang tàu Hải Phòng cùng với 1500 anh em tù nhân bị đưa ra Bắc, tôi đã thấy trên nét mặt của họ nỗi thất vọng, lòng căm thù.Tôi chia sẻ đau khổ của họ.Nhưng tôi lại nghe tiếng:“Hãy chọn Chúa chứkhông phải việc của Chúa!”Tôi đã thưa:“Lạy Chúa, chính đây là nhà thờ chánh tòa của con.Đây là dân Chúa trao cho con phục vụ, con phải làm cho Chúa hiện diện giữa những người anh em chán nản, cùng khổ này.Đây là ý Chúa, nên con phải chọn”.
Khi tôi lên trại cải tạo, giữa thung lũng núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú, tôi gặp 250 anh em cùng một chuyến đi, đa số không Công giáo, tôi vẫn nghe tiếng ấy thúc bách:“Hãy chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa. – Lạy Chúa, Chúa sai con đến đây để làm cho tình thương của Chúa hiện diện giữa các anh em con, giữa đói khát và giá lạnh, giữa lao động cải tạo nhọc nhằn và tủi nhục bất công.Con xin chọn Chúa, không phải chọn công việc của Chúa.Con chọn thánh ý Chúa, giờ đây con là tông đồ truyền giáo của Chúa”.
Từ giây phút ấy, một sự bình an mới tràn ngập tâm hồn tôi, ở với tôi suốt 13 năm tù đày.Tôi cảm thấy thấm thía sự yếu hèn của tôi; tôi lặp lại sự chọn lựa của tôi, lúc ấy không bao giờ Chúa để lòng tôi thiếu an bình.Tất cả là hồng ân của Chúa.Mỗi khi tôi tuyên bố: “Vì Chúa, vì Hội thánh”, tôi phải thinh lặng trước mặt Chúa, và thành thật hỏi Chúa:“Chúa thấy con hành động hoàn toàn vì ai?Con đã chọn vinh danh Chúa, sống và hành động tuyệt đối vì Chúa?hay Chúa là lý do thứ yếu, còn lý do khác mạnh hơn, con không tiện nói?”
Thế đấy ! Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê đã tự chất vấn mình và Ngài đã chọn Chúa.
Điều đáng nói và đáng tiếc ở đây rằng cuộc đời của mỗi người rất ngắn và rất vắn. Lẽ ra để chọn Chúa và theo ý Chúa nhưng đáng tiếc thay một số người đã chọn công việc và cuối cùng đã đánh mất đi tình người.
Thật vậy, nói không phải lý thuyết nhưng nếu trong mọi sự, khi ta chọn Chúa thì cung cách hành xử của ta sẽ khác. Khi ta chọn Chúa và có Chúa thì điều quan trọng nhất và căn cốt nhất là yêu thương anh chị em đồng loại và bao dung với anh chị em của mình hơn. Còn khi ta không chọn Chúa, ta sẽ để cái tôi lên ngôi trong lòng ta. Và chính khi đó, việc cũng chả chắc gì thành mà tình người, tình nghĩa với nhau đã tan tành mây khói.
“Được việc và mất người” vẫn là lời mời gọi trước mắt mỗi người chúng ta và chúng ta tự do để chọn lựa cho mình một cung cách sống …
Người Giồng Trôm