Vợ không chịu nổi nhậu nhẹt, thói trăng hoa hay nghẹo hoa đùa bướm, kể cả chuyện bia ôm bia ấp, lấy cớ giao dịch. Làm ăn có bóng dáng ‘đầy tớ’ không chân dài khó thành công…
Vợ la mắng. đay nghiến, dọa đuổi… Vợ đã tìm hết cách mà vẫn không trị được Chồng. Cuối cùng họ ra tòa ly dị. Mọi sai trái đề do Chồng.
Ngày Chồng xách valy từ giã mái ấm, những đứa con yêu, bé gái hồn nhiên hỏi Bố
– Bố đi bao giờ Bố về ?
– Bố sẽ không còn ở nhà này nữa. Mẹ không cho Bố ở nhà này nữa. Bố hứa sẽ về thăm các con thường xuyên.
Bé gái hỏi Mẹ: – Sao Mẹ không cho Bố ở cùng nhà ?
– Tại Bố mày hư !
Để nó hỏi vặn vẹo lôi thôi, Mẹ mua cho con gái bịch bánh.
Bé đang ăn ngấu nghiến như quên hết mọi sự đời, trận sóng đang đổ ập xuống gia đình dường như không đụng đến Bé… Bất ngờ thằng anh từ đâu ra giật bịch bánh, bẻ miếng khá to bỏ vào mồm rồi chạy mất.
Bé khóc thét, bắt đền…
Mẹ dỗ: Anh con hư quá. Thôi nín đi con, tha cho anh đi con !
– Bố cũng hư, thế Mẹ có tha cho Bố không ?
Lời con trẻ hồn nhiên trong trắng như roi buốt quất vào Mẹ…
Mẹ giật mình…
Rồi ra ôm gái cưng, thật lòng: – Mẹ xin lỗi con, Mẹ cũng hư…
Và hai dòng lệ !…
Khi nhận thấy ‘mình hư’, ta sẽ thấy rõ lỗi lầm không nhỏ của ta trong việc làm cho gia đình bất ổn, ly tán.
Hôm sau, Vợ đã chủ động tìm Chồng giao hòa, xin lỗi Chồng.
Chồng quá bất ngờ khi bỗng thấy Vợ dịu hiền, xuống nước nhận lỗi.
Chồng ‘xuống nước’ hơn Vợ gấp nhiều lần… Cảm ơn Vợ tha thứ !
Chồng thấy Vợ quá đẹp, quá quảng đại, nhẽ nào chỉ chút ‘giải trí’ làm ăn để mất Vợ đẹp, Con ngoan, mái ấm hạnh phúc (!)
Chồng thấy cũng chẳng nghiêm túc gì khi cứ làm ăn phải qua ngả ‘chân dài’ !
Rồi quyết tâm tu sửa !
Mái ấm tưởng chừng sắp đổ, chia ly nhờ biết ‘mình hư’, rồi cảm thông tha thứ cho nhau nên mái ấm đã không đổ vỡ…
Và hai con thơ không mất điểm tựa người Cha.
Lm. Đaminh Hương Quất