Bác sĩ Jacinto Convit là một bác sĩ nổi tiếng người Venezuela. Ông đã dấn thân tìm cách chế ngự bệnh phòng cùi. Ông đã sống đến tuổi 100 với bí quyết “Tình yêu chữa lành, còn hận thù giết chết”.
Những năm 1930 là thời điểm bệnh phong cùi tạo nên thảm kịch tại Venezuela, khi nó cướp đi đi những sinh mạng quý giá. Trong số các bệnh nhân, có Cruz Salmerón Acosta, một tài năng trẻ trong lãnh vực thi phú, là tác giả của những câu thơ tuyệt vời đã trở thành khẩu hiệu cho người dân Venezuela, cũng như cho người dân tại ngôi làng nhỏ bé của anh, nằm trên bờ biển phía đông bang Sucre; những vần thơ được người dân thuộc lòng.
Bác sĩ Jacinto Convit dấn thân vì người bệnh phong
Một nhà khoa học trẻ, gia đình gốc ở Catalonia, Tây Ban Nha, đã cố gắng loại trừ thảm kịch đó. Không quan tâm đến những rủi ro mà anh ta có thể gặp phải, anh đã dấn thân vào trong đợt bùng phát của bệnh phong cho đến khi anh tìm được vắc-xin có thể ngăn chặn cuộc tàn sát. Đó là bác sĩ Jacinto Convit.
Năm 1937, bác sĩ huyền thoại Martín Vegas, người Venezuela, người tiên phong nổi tiếng trong việc nghiên cứu bệnh phong cùi, đã mời Jacinto Convit đến thăm ngôi nhà cũ kỹ của bệnh viện ở Cabo Blanco, thuộc bang Vargas, nơi có hàng trăm bệnh nhân phong cùi đang sống. Vào thời gian đó, bệnh cùi vẫn còn là nguyên nhân của định kiến xã hội; các bệnh nhân phong cùi bị xiềng xích và bị cảnh sát canh chừng. Nhìn thấy điều này, bác sĩ Convit cảm thấy đau lòng và ông yêu cầu những người canh giữ đối xử với các bệnh nhân tốt hơn.
Bác sĩ Jacinto Convit – ơn gọi chữa lành
Jacinto Convit sinh năm 1913, và là một bác sĩ, một nhà nghiên cứu nổi tiếng, một bác sĩ da liễu xuất sắc người Venezuela, ông được xem như là một José Gregorio Hernández thứ hai. Bác sĩ José Gregorio Hernández là một vị thánh đối với người dân Venezuela và hiện Giáo hội đang trong tiến trình điều tra để tuyên phong ông lên bậc chân phước, bởi vì ông đã cống hiến rất nhiều cho các bệnh nhân của mình mà không mảy may có ý định kiếm tiền, ngoài việc là một nhà khoa học đáng ngưỡng mộ với những thành tựu nghiên cứu phi thường trong lĩnh vực y học chứng tỏ một sự nghiệp chuyên nghiệp tập trung vào một ơn gọi để chữa lành.
Bác sĩ Convit ngưỡng mộ bác sĩ José Gregorio Hernández. Ông cũng làm việc tại bệnh viện nổi tiếng Vargas di Caracas, nơi bác sĩ Hernández đã thực hiện các cuộc nghiên cứu. Theo gương bác sĩ Hernández, bác sĩ Convit thấy rằng chẳng phải việc đem lại sự xoa dịu chữa lành cho tha nhân bị đau khổ là động lực cơ bản của một bác sĩ sao?
Bác sĩ Convit làm việc siêng năng, tích cực mỗi ngày trong bệnh viện, cho đến khi gần một trăm tuổi, với sự cống hiến đáng ngưỡng mộ, trong các phòng thí nghiệm, quyết tâm tìm kiếm phương pháp chữa trị bệnh ung thư ngực, nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai ở Venezuela. Vào thời điểm 92 tuổi, bác sĩ Convit vẫn hoạt động với sự nhanh nhẹn và sáng suốt của một người 50 tuổi. Trong một cuộc phỏng vấn, ông chia sẻ: “Tôi chỉ xin Chúa cho tôi thêm vài năm nữa để tìm ra được vắc-xin chống ung thư vú”. Nhưng ông đã qua đời ở tuổi 100 mà chưa thực hiện được mục đích cao cả của mình, nhưng dẫu thế, ông đã để lại những tiến bộ quan trọng mà những người kế nhiệm của ông tiếp tục phát triển.
Bác sĩ Convit nổi tiếng trên hết vì đã phát triển loại vắc-xin chống bệnh phong cùi. Năm 1987, ông đã được nhận giải thưởng “Principe delle Asturie” cho việc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Ông cũng được đề cử cho giải Nobel về y khoa vào năm 1988 cho những nghiên cứu về bệnh phong cùi.
Bác sĩ Jacinto Convit – bác sĩ nhân từ
Bác sĩ Convit đã không mệt mỏi và dành nhiều giờ giữa phòng thí nghiệm và việc chăm sóc bệnh nhân, điều mà ông không bao giờ lơ là hay từ bỏ. Các bệnh nhân của ông đến từ khắp nơi, xếp hàng ở hành lang bên ngoài cửa phòng khám của ông; thỉnh thoảng ông đi ra ngoài để an ủi khuyến khích họ và đảm bảo với họ rằng họ sẽ sớm được giúp đỡ. Ông đối xử với họ cách tôn trọng, bất kể địa vị xã hội của họ. Những người rất nghèo khổ đến với ông và ông giúp đỡ mọi người với biểu cảm đầy lòng tốt được tỏa sáng từ đôi mắt xanh hiền của ông.
Dù tuổi cao, bác sĩ Convit vẫn chữa trị cho khoảng hai mươi bệnh nhân mỗi ngày, ngoài việc lãnh đạo một nhóm nghiên cứu hàng đầu mà chính ông đã thành lập và đào tạo. Ông đã dành thời gian cho những người trẻ tuổi đến hỏi ý kiến và lắng nghe những định hướng của ông.
“Tình yêu chữa lành, còn hận thù giết chết”
Khi được hỏi đâu là bí quyết của sức sống và sự sáng suốt đáng ngưỡng mộ của ông, và làm thế nào ông có thể sống đến tuổi đó trong tình trạng sức khỏe tốt và minh mẫn, không chần chừ dù chỉ một giây, ông trả lời cách nghiêm túc: “Tình yêu chữa lành, còn hận thù giết chết … các bạn đừng bao giờ oán ghét, các bạn hãy yêu thương và các bạn sẽ thấy cuộc sống sẽ trôi đi như một dòng nước trong vắt”.
Hồng Thủy