Trang Tin mừng hôm nay kể lại sự kiện một người bị bệnh ngặt nghèo đã lâu, tưởng chừng không còn hy vọng, nhưng may mắn anh đã gặp được Đức Giêsu và được Ngài chữa lành. Còn niềm vui mừng nào hơn niềm vui được giải thoát khỏi bệnh tật hiểm nghèo, tuy nhiên Đức Giêsu lại cảnh báo anh: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước !”
Như vậy, điểm nhấn quan trọng ở đây không phải là vấn đề chữa trị thân xác mà là sự chữa lành trong tâm hồn. Đức Giêsu là Đấng Messia đến để giải thoát con người khỏi xích xiềng tội lỗi. Ngài băng bó và chữa lành những tâm hồn tan nát đau thương. Vì thế, qua bài Tin mừng, Giáo hội mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình, ý thức được tình trạng bệnh hoạn tội lỗi của mình, chạy đến với Đức Giêsu để xin ơn được chữa lành.
Đức Giêsu là vị lương y tuyệt vời, duy nhất mà thế giới này cần đến để được chữa lành. Ngài là vị lương y nhân lành luôn động lòng trắc ẩn trước những bệnh hoạn tật nguyền của con người.
Ngày ấy bên bờ hồ Bếtdatha có người bệnh đã ba mươi tám năm.
Hồ Bếtdatha khá lớn, những bệnh nhân đến đây để với một niềm hy vọng là được chữa khỏi bệnh. Dọc bên bờ hồ này có rất nhiều loại bệnh tật khác nhau, chờ đợi để được xuống hồ chữa cho khỏi bệnh. Anh bại liệt 38 năm cũng là một trong số những người nằm chờ để được ai đó đưa xuống hồ, nhưng chắc chẳng ai quan tâm và không ai giúp đỡ anh ta: “không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”. Có lẽ Chúa Giêsu đã quan sát quang cảnh náo động và hối hả của dân chúng tranh giành để được lành bệnh tại hồ nước Bếtdatha và hiểu thấu được tâm trạng thấp thỏm và mòn mỏi để được ai đó đem xuống hồ cho khỏi bệnh, nên dù chưa yêu cầu hay van xin, Chúa Giêsu đã hỏi anh bại liệt lâu năm: “Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” (c.6) Anh không trả lời trực tiếp câu hỏi của Chúa Giêsu “có hay không”, nhưng anh lại trả lời bằng một cách lý giải “không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”.
Tại sao Ngài lại hỏi thế? Có lẽ Ngài muốn gợi lại cho anh ý thức về tình trạng bệnh tật của mình, khơi dậy trong anh khát vọng được chữa lành. Ba mươi tám năm trời bệnh tật mà không được ai giúp đỡ, không có ai quan tâm có thể làm cho anh tàn lụi khát vọng.
Anh đã mòn mỏi trông mong được chữa lành thân xác bại liệt lâu năm của anh, thế nhưng Chúa Giêsu đã đặt vấn đề “lành mạnh”, tức phục hồi thân xác bại liệt của anh và cả tinh thần lành mạnh của anh nữa. Với quyền năng của Ngài, Ngài có thể phán một lời với anh bại liệt thì anh có thể đứng lên và đi lại được…nhưng ở đây thì không! Chúa Giêsu lại bảo anh: “hãy đứng dậy, vác chõng, và đi”. Chúa Giê-su cần sự hợp tác của anh để giúp anh được lành mạnh: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Thiên Chúa không làm thay tất cả cho con người, nhưng mỗi người – để được chữa lành về thể xác lẫn tâm linh – điều đầu tiên là phải có lòng mong muốn, bày tỏ lòng khao khát, và điều quan trọng phải có can đảm làm bước bột phá vượt lên trên chính mình, là “đứng dậy! quyết tâm! Và bước đi!” như người bại liệt trong Tin Mừng hôm nay. Anh thật liều lĩnh làm theo lời Chúa Giêsu để bước ra khỏi bệnh tê bại lâu năm, để đứng thẳng và bước đi.
Thật lạ lùng, hôm nay lại có người quan tâm đến anh khiến anh sống lại niềm hy vọng – vị này có thể giúp đưa anh xuống hồ chăng?Nhưng không, trên cả niềm mong đợi, khi nghe anh trình bày tình trạng bệnh tật bản thân mình, vị khách lạ ấy lại bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !”Anh liền được khỏi bệnh, trỗi dậy vác chõng mà đi được. Thật là niềm vui lớn lao cho anh – niềm vui được giải thoát khỏi bệnh hoạn tật nguyền. Và theo quan niện Do-thái, bệnh hoạn gắn liền với tội lỗi, thì việc anh được chữa lành khỏi bệnh hoạn cũng đồng nghĩa với việc anh được giải thoát khỏi tội lỗi, và đây mới là điểm nhắm chính yếu trong việc chữa trị của Đức Giêsu.
Thường thì bệnh hoạn về thân xác, chúng ta rất dễ nhận ra. Với những lương y giỏi, chỉ cần nhìn mặt hay bắt mạch là đã biết và có thể thông báo được tình trạng bệnh tật của bệnh nhân, nhưng còn những căn bệnh trong tâm hồn, nếu không có ơn Chúa, chúng ta khó có thể mà nhận ra được. Thế giới càng văn minh, thì bên cạnh những phát minh có tính tích cực, phục vụ con người, lại có những mặt trái có thể hủy diệt con người. Do lòng ích kỷ tham lam, người ta sáng tác, chế tạo ra biết bao độc dược đưa vào cơ thể con người qua khí hậu, môi trường, thực phẩm, đồ dùng….
Vì vậy mà thế giới ngày càng xuất hiện biết bao bệnh nan y lạ kỳ, nhiều căn bệnh mà Y học hiện đại cũng phải bó tay. Đồng thời, sự suy thoái về đạo đức luân lý, sự đề cao chủ nghĩa cá nhân, sự duy vật thực hành… làm cho đời sống tinh thần của con người cũng trở nên bệnh hoạn. Bệnh hoạn thân xác thể lý, bệnh hoạn về đời sống tâm linh, thế giới này quả là một bệnh nhân đáng thương cần được cứu chữa.
Tin mừng thuật lại không biết bao nhiêu lần Ngài đã bất chấp luật lệ của ngày sa-bát để chữa bệnh cho con người, nhưng đồng thời kèm theo lệnh truyền ‘tội con đã được tha’ và ‘đừng phạm tội nữa’. Điều này cho thấy tội lỗi chính là đầu mối của mọi nỗi đau khổ tinh thần, thể xác của con người. Người ta chịu đau khổ vì tội của người khác, và người ta cũng phải chịu đau khổ do tội lỗi chính mình gây ra.
Vậy hơn bao giờ hết, đặc biệt trong mùa chay thánh này, người Kitô hữu được mời gọi sống tín thác vào tình thương Thiên Chúa; Đến với Thiên Chúa, với Đức Kitô là nguồn mạch chữa lành duy nhất, xin Người cứu chữa những thương tích trong tâm hồn chúng ta.
Mỗi Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi thực hiện vai trò chứng nhân của mình; can đảm sống những giá trị của tin mừng để trở thành người mang Đức Giêsu đến cho thế giới và mang thế giới đến với Đức Giêsu.
Do đó chúng ta hãy can đảm, tin tưởng và cậy trông vào tình yêu chữa lành của Thiên Chúa trên chính mình và trên thế giới con người khổ đau.
Huệ Minh