Trước tiên, bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi thành Modugno là một kiệt tác. Khi chiêm ngắm bức tượng, người ta bỗng nhớ đến một câu nói của Cha Thánh Pio thành Pietrelcina (1887-1968). Lúc sinh thời ngài thường thân thưa với Đức Mẹ:
– Nếu không có Đức Tin Công Giáo, hẳn con sẽ gọi Mẹ bằng tên Nữ Thần Sắc Đẹp!
Thật thế, tượng Đức Mẹ Sầu Bi đứng bên Thánh Giá rất linh động. Những vết thương trên vầng trán trắng tinh của Mẹ, điểm các hạt hồng ngọc cộng với triều thiên lấp lánh các ngôi sao sáng, diễn tả nỗi đau đớn tột cùng. Lòng từ mẫu bao la như bị xé rách khi Đức Mẹ trông thấy vầng trán Đức Chúa GIÊSU Con Chí Thánh Mẹ phủ vòng gai. Những chiếc gai nhọn đâm thủng tuôn máu đào .. Chiếc áo Mẹ choàng thật mềm mại óng ả như lan tỏa lòng bác ái vô biên, bốc cháy từ lồng ngực đâm thủng, khi đứng dưới chân Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU. Áo choàng Mẹ thấm Máu chảy từ cạnh sườn Chúa, khi Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa GIÊSU bị lưỡi đòng xuyên qua.
Khuôn mặt Mẹ vừa dịu hiền vừa âu sầu như muốn nói với từng tín hữu Công Giáo con cưng của Mẹ rằng:
– Các con hãy nhìn xem Mẹ yêu thương các con biết là chừng nào. Các con hãy để Mẹ ôm vào lòng như Mẹ từng ôm Đức Chúa GIÊSU Con Mẹ, khi Người được tháo khỏi Thánh Giá và đặt vào lòng Mẹ.
Trên đôi tay của bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi còn có thêm chiếc khăn tay trắng. Sự tích bức tượng được sử gia Gian Battista Saliani ghi lại như sau.
Ngày 10-3-1799, diễn ra trận chiến khốc liệt giữa quân Pháp và dân thành Modugno. Quân Pháp vây bọc tứ phía và bắn phá tơi bời. Thế nhưng, trên mái cao của một tòa nhà, xuất hiện NGƯỜI NỮ mặc áo trắng, trên tay cầm chiếc khăn trắng. Hai bên NGƯỜI NỮ có hai lính cận vệ cầm súng. NGƯỜI NỮ cầm khăn trắng thỉnh thoảng giơ lên thấm đôi hàng giọt lệ tuôn rơi từ đôi mắt thần tiên diễm lệ. NGƯỜI NỮ cũng dùng chiếc khăn tay trắng này ngăn chặn tất cả các viên đạn của quân Pháp bắn vào dân thành Modugno. Quân Pháp cũng nhắm bắn NGƯỜI NỮ mặc áo trắng đang đứng trên mái nhà nhưng không tài nào bắn được.
Sau cùng, quân Pháp thấy không bắn phá được gì, đâm hoảng sợ đành rút lui bỏ chạy. Thành Modugno được giải thoát khỏi sức tấn công vũ bão của quân thù.
Kể từ ngày 10-3-1799 ấy, hàng năm cứ vào ngày 10-3 dân thành Modugno tổ chức lễ hội tưng bừng để tỏ lòng tri ân thảo hiếu đối với Hiền Mẫu Thiên Quốc. Lễ hội bắt đầu với Thánh Lễ tạ ơn trọng thể rồi đến cuộc rước kiệu Bức Tượng Đức Mẹ Sầu Bi qua các đường phố.
Ngoài ra phải kể thêm nhiều hình thức đạo đức bình dân khác. Đặc biệt trong ngày 10-3, các ông bà Nội Ngoại làm đủ các loại bánh ngọt cho cháu chắt, trong đó có những viên kẹo đủ màu hình các viên đạn. Ban tối, toàn gia đình quây quần bên bàn ăn cùng hát bài Thánh Ca bình dân dâng lên Đức Mẹ Sầu Bi thành Modugno.
Tâm tình ghi ơn còn được diễn tả qua việc thành lập Hội Đoàn mang tên Đức Mẹ Đồng Công. Hội Đoàn có mục đích cổ võ lòng sùng kính đặc biệt đối với tước hiệu Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc.
… Bấy giờ có giao chiến trên Trời: Thánh Thiên Thần Micae và các Thiên Thần của Người giao chiến với con Mãng-Xà. Con Mãng-Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên Trời nữa. Con Mãng-Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó. Và tôi nghe có tiếng hô to trên Trời: ”THIÊN CHÚA chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức KITÔ của Người, giờ đây cũng biểu dương quyền bính” (Khải Huyền 12, 7-10).
(”Il Settimanale di Padre Pio”, n.13, 28-3-2004, trang 13)