Hai trình thuật về Đền thờ Giê-ru-sa-lem và cây vả không trái được tác giả Tin mừng thứ hai – Thánh Mác-Cô đan xen vào nhau cách linh động với chủ ý rõ rệt: Giê-ru-sa-lem với những sinh hoạt tấp nập của Đền thờ, bề ngoài xem ra rất sầm uất với những cuộc hành hương, những nghi thức và lễ tế chiên bò… được sánh như cây vả xanh tươi sum suê cành lá (Mc 11, 13), nhưng thực tại Thiên Chúa đã không tìm được hoa trái của đời sống Đức tin chân thành ở nơi đó. Giê-ru-sa-lem đã trở thành “sào huyệt của bọn cướp” (x.Mc 11, 17), trở thành thị trường buôn bán, kiếm chác tư lợi, đặc biệt nơi các vị lãnh đạo Do thái giáo. Bởi đó trong thực chất tinh thần của niềm tin tôn giáo, nó đã chết khô như cây vả bị Thiên Chúa nguyền rủa (x.Mc 11,20 – 21).
Qua và nhờ Bí tích Rửa tội, tâm hồn người tín hữu đã trở thành Ðền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị. Nhưng thay vì ý thức sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong tâm hồn để sống thân tình với Ngài, chúng ta lại đưa vào đó biết bao chuyện gian tham, lọc lừa, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét. Chúa Giêsu có lý để khiển trách chúng ta, như Ngài đã phẫn nộ với những kẻ buôn bán trong Ðền Thờ ngày xưa: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cắp”.
Chúa Giêsu đã phải nặng lời nói: “Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây Lời bất bình đó của Đức Giêsu vẫn như còn đang nói với chúng ta hôm nay. Ngài muốn các nhà thờ phải là nơi thờ phượng, nơi tĩnh lặng để con người gặp gỡ Thiên Chúa, để trao đổi và thân thưa với Ngài. Không cần ồn ào, nặng phần trình diễn, cũng không nên máy móc, buồn tẻ khi cử hành các nghi thức phục vụ của Chúa.
Chúa Giêsu bước vào Đền Thờ Giê ru sa lem với một thái độ hết sức giận dữ, Ngài bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Ngài không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ (x Mc 11, 15-16). Việc Chúa thanh tẩy đền thờ còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn. Ngài công bố bãi bỏ kiểu cầu nguyện Do Thái giáo và khai mạc thời ký mới mà Ngôn sứ Dacaria đã loan báo: “Ngày ấy sẽ không còn lái buôn trong nhà Đức Chúa các đạo binhnữa”( x Dcr 14,21).
Đền Thờ này thật lộng lẫy, nguy nga, tráng lệ nhưng trong đó chất đầy những lễ nghi vụ hình thức bên ngoài mà không có tấm lòng tin kính, tôn thờ. Nó đã trở thành cái chợ để mua bán trao đổi, thành sào huyệt của bọn cướp (Mc 11,17). Vậy số phận của nó chẳng khác nào như cây vả xum suê lá mà chẳng có trái đã bi Chúa chúc dữ đó sao? Nó cũng sẽ bi Ngài thanh tẩy ngay lúc này.
Dường như không khí chợ búa vẫn vương vấn đâu đây, nơi cuộc sống chúng ta: người ta vẫn hẹn họ vào các giờ lễ, họ đi nhà thờ nhưng mắt trước mắt sau, họ lo trình diễn áo quần kiểu tóc của mình hơn là lo trang điểm tâm hồn.
Vũ trụ, ngôi Đền thờ rộng lớn của Thiên Chúa đang bị con người làm cho biến chất trở thành “thương trường” và “chiến trường”. Nơi đó con người dần quên Thiên Chúa. Họ cố tình đẩy người ra khỏi cuộc sống, làm cho hình ảnh Người mờ nhạt và tàn phai bởi những cạnh tranh, ghen tương, hận thù và đố kỵ. Do đó, niềm tin có thể chuyển núi dời non trong thế giới hôm nay thật mong manh, như chồi non phải hứng chịu phong ba bão táp và những cơn lốc xoáy của cuộc đời, của nền văn hóa sự chết, có thể làm nó gãy gục bất cứ lúc nào.
“Đừng biến nhà Cha Ta trở thành hang trộm cướp!” Đừng biến vũ trụ này thành nơi người bóc lột người, chà đạp nhau để mà xưng bá xưng hùng! Đừng biến xã hội thành phương tiện để hưởng thụ, tiến thân, kiếm lợi! Đừng biến gia đình thành đia ngục của ích kỷ! Đừng biến tâm hồn thành một cái chợ thu nhỏ!
Tương quan trong đời sống Đức tin là tương quan hai chiều. Muốn gia đình, giáo xứ trở thành cộng đoàn sống Đức tin, sống Lời Chúa thì trước tiên mỗi con người cần có quyết tâm cá nhân, khởi sự sống Đức tin nơi chính bản thân mình. Làm sao để tâm hồn mỗi Ki-tô hữu chúng ta trở thành Đền thờ thực sự của Thiên Chúa? Cần phải có một cuộc cách mạng thực sự để đánh đuổi, đẩy lui các thứ tham, sân, si trong tâm hồn. Các sinh hoạt nhằm canh tân Đời sống Đức tin của Giáo xứ, lan rộng tới các gia đình sẽ nên phương tiện hỗ trợ để cá nhân đi sâu hơn, tiến xa hơn trong tương quan với Thiên Chúa để có một sự biến đổi tận căn.
Sự tương tác qua lại giữa cộng đoàn, gia đình và cá nhân sẽ giúp Đời sống Đức tin mỗi ngày thêm mạnh mẽ và nhờ đó, Ki-tô hữu có thể đứng vững trong “thế giới thị trường” đầy xao động hôm nay với bàn tay sạch, với tâm trong và trái tim đầy tình yêu Thiên Chúa. Đời sống Đức tin của Ki-tô hữu trong sinh hoạt hằng ngày được ví như men trong bột, muối cho đời, sẽ biến đổi và làm sạch đẹp môi trường mình sống, giúp vũ trụ chuyển mình để tiến về Giê-ru-sa-lem trên trời – Thành đô Thiên quốc vĩnh hằng.
Hôm nay Chúa Giêsu phải xua đuổi người ta ra khỏi Đền Thờ, vì Ngài không muốn nơi thánh thiêng trở thành cái chợ. Ngài không muốn nhà Cha Ngài bị xúc phạm. Ngài thấy cần phải thanh tẩy Đền Thờ. Thái độ quyết liệt của Đức Giêsu đòi chúng ta phải xét lại chính mình.
Huệ Minh